TLGD – Lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương con người là chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ các hoạt động giáo dục, nội dung giáo dục của nhà trường và các cơ sở giáo dục từ trước đến nay.
Từ ngàn xưa, cha ông ta đã từng răn dạy con cháu: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đúng vậy, yêu thương con người là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam mà mỗi chúng ta ngày nay phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy nó lên một tầm cao mới.
Ở nhà trường, môn đạo đức ở bậc tiểu học, môn giáo dục công dân ở trung học cơ sở và rất nhiều bộ môn khác nữa đã đồng hành cùng với sự nghiệp giáo dục để giáo dục học sinh lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương con người, hướng các em đến với những việc làm tốt đẹp, việc thiện và tránh xa việc làm sai trái, việc xấu, ác.
Chẳng hạn, các em biết chia sẻ, giúp đỡ những bạn đang gặp khó khăn ở trong lớp, trong trường, biết tôn trọng, cưu mang những người khuyết tật. Hàng năm, học sinh các trường đều có tham gia mua tăm tre để ủng hộ hội người mù, quyên góp tiền để giúp đỡ các đoàn học sinh khuyết tật đến biểu diễn văn nghệ, đóng góp tiền bạc, áo quần, sách vở cũ… để gửi tặng cho học sinh các vùng bị thiên tai, lũ lụt. Đó là biểu hiện sinh động của lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương con người. Thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo này nhằm để giáo dục tinh thần tương thân tương ái, giúp học sinh không chỉ biết sống cho bản thân, gia đình mà còn phải biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; đó là lí tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ mà thời đại nào cũng cần phải có. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế- Người yêu người sống để yêu nhau”.
Trong những năm qua,trường học đều hoạt động có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc giáo dục lòng nhân ái, sẻ chia cho học sinh. Điển hình như gần đây trong trường đã có gia đình hai em học sinh học lớp 4a3, 1a2 có phụ huynh gặp nạn trong vụ hoả hoạ cháy rừng gần đây nhất, thầy cô trong nhà trường, cùng các em học sinh và phụ huynh đã quyên góp được hàng chục triệu đồng để giúp đỡ những em học sinh đó của trường mình. Ngoài những việc làm đó nhà trường cũng đã tổ chức tặng quà cho những em học sinh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những việc làm tốt đẹp, đầy tình nghĩa của các em học sinh ở khắp các vùng, miền trong tỉnh, ngoài tỉnh. Chính các em đã góp phần sẻ chia, cưu mang những cảnh ngộ thật đáng thương, để rồi “nhiều tay vỗ nên kêu” ấy đã làm nên việc lớn: giúp các bạn có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đi học trong vòng tay yêu thương, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô.
Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, tinh thần nhường cơm sẻ áo, truyền thống “lá lành đùm lá rách” sẽ được phát huy rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn trong lực lượng học sinh-sinh viên và quý vị phụ huynh trong thời gian tới nếu như có sự định hướng đúng đắn của các cấp quản lí giáo dục, các thầy giáo cô giáo, trong đó giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò nòng cốt.
Lò Thị Thuỷ – Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024