Ký ức
Thuở nhỏ, lũ trẻ phố tôi say mê với trò chơi pháo đất. Không biết bắt đầu từ bao giờ, cứ đứa lớn dạy đứa bé là cả lũ biết! Nguyên liệu nặn pháo là đất sét moi ở rìa ao rau muống trong ngõ Thuận Thành ngay đằng sau phố. Đất sét rất mịn và sạch, mềm mà không nhão quá, màu trắng ngà ngà. Khi chơi, mỗi đứa có một nắm to bằng quả trứng ngỗng, véo ra chừng một nửa vỗ bẹt để vào lòng tay, nặn khum khum như cái bát nhỏ. Cái đó gọi là pháo. Chỗ chơi là một mảnh sân xi măng hay sân gạch phẳng phiu. Pháo của đứa nào đứa ấy dang thẳng tay ném sấp xuống. Tiếng pháo nổ là do hơi bị nén bật ra làm thủng quả pháo. Quả nào trôn mỏng đều lại to nữa thì cho tiếng pháo to.Trôn pháo bị phá vỡ miệng há toang hoác.
Ai thua, ai thắng!
Chơi pháo đất không quan trọng việc ai thắng, ai thua. Pháo đứa nào nổ to thì được bạn khen chứ chả có kẻ thắng người thua. Hết lần chơi như thế nguyên liệu lại hao đi phải bổ sung vào. Muốn tiếng pháo rền thì ném lần lượt từng đứa một. Khi chơi,lũ bạn tôi ca lên những câu vần vè rất lạ với ngôn ngữ thường ngày của trẻ con. “Pháo nổ, pháo lang cả làng chịu chưa?” là câu đến nay tôi còn nhớ. Tôi được nghe kể, pháo đất có từ lâu lắm rồi mà do thanh niên trai tráng làm với mục đích phát ra tiếng nổ dọa lũ giặc, nhưng chưa tin lắm. Trong câu vần vè kia, pháo nổ còn dễ hiểu. Pháo lang còn là một ẩn số. Pháo của quan lang hay chỉ là một từ đưa đẩy? Có gì liên hệ không giữa câu nói vần vè và sự tích?
Chơi sao cho sành ?
Kinh nghiệm mách bảo rằng, lúc pháo tiếp đất, người chơi tai lắng nghe nhưng phải nhắm mắt để đất khỏi bắn vào. Chỉ bảo vệ hai con mắt thôi. Còn đất bắn vào đâu mặc kệ. Sau mỗi buổi chơi pháo như thế, tay chân quần áo đều lấm lem như vừa chui dưới đất lên. Nhiều đứa còn bị lấm cả mặt mũi, về nhà bị người lớn đánh đòn! Thế nhưng, chúng tôi vẫn lén chơi!
Chiến tranh phá hoại lan ra, lũ trẻ phố cũng đã lớn. Hầu hết theo trường về nông thôn, mỗi đứa mỗi ngả, trò pháo đất quên lúc nào không biết, thay vào đó là trò bơi lội. Rồi bỗng nhiên một hôm, tôi nghe tiếng pháo phòng không. Do trận địa ở mãi giữa cánh đồng nên tiếng nổ phát ra từ đầu nòng nghe lụp đụp, hệt như tiếng pháo đất ngày nào! Và thế là tôi tin, chuyện tiếng pháo đất ngày xưa đuổi giặc là có thật!
Pháo đất có những nơi nào ?
Trò chơi pháo đất của trẻ con là trò chơi của nhiều vùng. Nó như tác phẩm văn học dân gian vậy, trong quá trình lưu truyền xuất hiện nhiều dị bản.Có nơi người thắng, tức là quả pháo có tiếng nổ to thì được thưởng.Phần thưởng là nắm đất nặn pháo. Và câu ca vần vè mỗi nơi mỗi khác nhưng câu đầu tiên bao giờ cũng có từ pháo nổ… Chỉ tiếc là bây giờ trò chơi hầu như vắng bóng. Trẻ con thời nào chẳng ham chơi! Nhưng trò chơi của trẻ con hôm nay thường gắn liền với điện tử, gắn liền với công nghệ. Chất dân gian, dân dã không thấy nữa.
__________________
Đào Mai