TLGD – Trong cuộc sống hiện đại, stress đã trở thành một vấn đề phổ biến và không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và công việc. Tôi xin chia sẻ một câu chuyện để làm rõ hơn về vấn đề này.
Nhóm bạn tôi gồm bốn người, tất cả đều có gia đình và con cái. Một người làm IT, một người làm kế toán, một người làm tuyển dụng và tôi làm bên giáo dục. Khi gặp nhau, chúng tôi thường thảo luận về áp lực công việc và gia đình, từ đó thấy rõ stress ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mỗi người.
Nguyên nhân gây stress trong giáo dục: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), stress là phản ứng của con người khi đối mặt với áp lực vượt quá khả năng đối phó của họ. Trong giáo dục, học sinh và giáo viên đều gặp phải nhiều áp lực. Học sinh phải đối diện với kỳ vọng cao từ cha mẹ, khối lượng bài tập lớn và sự so sánh với bạn bè. Giáo viên cũng không tránh khỏi stress do khối lượng công việc nặng nề, yêu cầu từ phụ huynh và sự thiếu hụt kỹ năng giải quyết vấn đề.
Ảnh hưởng của stress: Stress không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Học sinh có thể bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và ăn uống. Giáo viên cũng gặp các vấn đề tương tự, dẫn đến giảm năng suất, chán nản và giảm hứng thú trong công việc.
Giải pháp giảm stress: Nhà trường cần có các chuyên viên tâm lý để hỗ trợ học sinh kịp thời. Giảm tải chương trình học và tăng cường các hoạt động ngoại khóa là cần thiết.
Phụ huynh nên được hướng dẫn cách thấu hiểu và lắng nghe con cái và có các chương trình dành cho phụ huynh và con cái tham gia để kết nối và thấu hiểu.
Học sinh cần học cách nhận diện những dấu hiệu bất ổn và quản lý cảm xúc đồng thời quản lý về thời gian, cùng với việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Học cách chia sẻ, đối diện và giải tỏa ra bên ngoài những khó khăn đang trải qua.
Vai trò của gia đình và nhà trường: Gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu stress. Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, cùng với môi trường học tập lành mạnh, sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện. Nhà trường cần tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên về tâm lý học đường và kỹ năng giao tiếp.
Kết luận:Stress là một vấn đề không thể xem nhẹ, đặc biệt trong giáo dục và công việc. Bằng cách áp dụng các giải pháp cụ thể và hiệu quả, chúng ta có thể giúp học sinh, sinh viên và người lao động vượt qua stress, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc đưa con người và xã hội ngày càng đi lên.
Hồ Thị Tuyến / Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024