Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
1k
Chinh phụ ngâm khúc nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn. Ông là người làng Nhân Mục – nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội – sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Sau khi ra đời Chinh phụ ngâm khúc được nhiều người diễn Nôm. Bản diễn Nôm hiện hành được xem là của Đoàn Thị Điểm (?), một người phụ nữ có tài sắc, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên. Nhưng lại có ý kiến cho là của Phan Huy Ích[1]. Chinh phụ ngâm khúc trong nguyên tác chữ Hán viết theo thể thơ trường đoản cú. Tác phẩm được diễn Nôm bằng thể song thất lục bát.
Chinh phụ ngâm khúc là khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người vợ có chồng ra trận. Cả nguyên tác và bản diễn Nôm được dùng đều là kiệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam.
Trong chương trình Ngữ văn 10, các soạn giả giới thiệu một đoạn trích trong Chinh phụ ngâm khúc và đặt tên là Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ở cả hai chương trình Cơ bản và Nâng cao. Trong đó chúng tôi quan tâm đến cách hiểu từ Hoa đèn trong đoạn trích sau:
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngoài rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?
Đèn có biết, dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương !
Chữ Hoa đèn vốn được dịch từ chữ Đăng hoa trong nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn (Đăng hoa nhân ảnh tổng kham lân). Trong Từ điển văn học quốc âm – ( NXB văn hóa – Thông tin 2000), nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang, với mục từ Hoa đèn cũng đã chú: “Khối kết lại đầu sợi bấc đèn cháy đỏ như bông hoa”
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương !
(CPNK)
[tr 598]
Các tác giả Lương Văn Đang – Nguyễn Thạch Giang – Nguyễn Lộc trong Những khúc ngâm chọn lọc (giới thiệu, biên khảo, chú giải) do NXB ĐH và THCN cũng đã chú “Hoa đèn khói kết lại đầu sợi bấc đèn cháy đỏ như cái hoa”. [tr47]
Trong Sách giáo khoa Ngữ văn, các soạn giả cũng đã chú ý chú thích chữ này để học sinh dễ tiếp nhận văn bản hơn. Sách Ngữ văn 10 (nâng cao) chú “Hoa đèn: tàn kết lại đầu sợi bấc đèn cháy đỏ như cái hoa nở” [tr 113] và Sách Ngữ văn 10 (Cơ bản) cũng cùng quan điểm khi chú “Đầu bấc đèn dầu đã cháy thành than nhưng lại được ngọn lửa nung đỏ lên trông như hoa”. [tr 87]
Có thể từ việc hiểu hình ảnh hoa đèn như thế, trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, tháng 11 – 2006, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã phân tích đoạn thơ trên với ý sau: Câu thơ chuyển tiếp “Trong rèm dường đã có đèn biết chăng” càng tôn thêm vẻ vắng lặng, đơn côi, một mình chinh phụ đối diện với bóng mình, đối diện với người bạn vô tri vô giác. Đèn có biết dường bằng chẳng biết và đi đến kết cuộc “Hoa đèn kia với bóng người khá thương”… Rõ ràng cuộc đời người chinh phụ hầu như đã mất hết sức sống, con người đã bị “vật hoá” tựa như tàn đèn cháy đỏ kết lại đầu sợi bấc, con người bây giờ chỉ còn là “bóng người” trống trải, vừa đối xứng vừa đồng dạng và là hiện thân của chính kiếp hoa đèn tàn lụi (TTT nhấn mạnh). [tr134]
Trong bối cảnh “chúng khẩu đồng từ” như thế, người viết không hề có ý phủ định cách hiểu của nhiều nhà nghiên cứu mà với việc bổ sung thêm một cách hiểu mới, chúng tôi chỉ mong muốn góp thêm phát hiện về độ hàm súc dư ba của ngôn ngữ thơ ca cổ điển thông qua một trường hợp cụ thể. Đó là từ “hoa đèn” trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc.
Như đã dẫn nhiều nguồn ở trên, cho thấy đa số các nhà nghiên cứu đang hiểu chữ “hoa đèn” với nghĩa tả thực. Đó là hình ảnh ngọn đèn với nghĩa cơ bản là đầu bấc đèn dầu đã cháy thành than nhưng lại được ngọn lửa nung đỏ lên trông như bông hoa. Qua đó, nhà nghiên cứu đã đối sánh hình ảnh tàn tạ của “Hoa đèn” với tâm trạng chán chường nhung nhớ ngổn ngang của người chinh phụ.
Chúng tôi muốn trình bày thêm cách hiểu của mình ngõ hầu đóng góp thêm được vài ý mới. Chúng tôi cho rằng nên chăng không chỉ nhìn hình ảnh hoa đèn chỉ với nghĩa thực của nó mà cần nâng lên thêm ý nghĩa biểu tượng của từ Hoa đèn.
Hoa đèn trong văn chương xưa vốn là hình ảnh tượng trưng cho sự trinh tiết. Hoa nào ong bướm cũng đậu được chỉ hoa đèn ong bướm đậu vào là chết. Trong sách Tiếng việt lí thú (NXB Giáo dục, 2002), tác giả Trịnh Mạnh có đề cập đến ngữ liệu sau “Bách hoa hữu phong điệp, duy đăng hoa độc tiết trinh” (Trăm hoa đều có ong bướm đậu, chỉ có hoa đèn là trinh tiết mà thôi).
Thế nên hình ảnh “hoa đèn” trong khúc ngâm (Hoa đèn kia với bóng người khá thương!) còn là hình ảnh thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người chinh phụ. Đó là sự khẳng định mạnh mẽ của lòng thủy chung son sắt đối với người chồng chinh chiến phương xa.
Để củng cố thêm cho cách hiểu của mình, chúng tôi tìm hiểu thêm cách dùng từ “Hoa đèn” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Thiếp từ ngộ biến đến giờ.
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa .
[…]
Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Đoạn thơ nhắc đến từ hoa đèn. Từ này trong Từ điển truyện Kiều (NXB Phụ nữ, 2007), Đào Duy Anh đã chú “Người ta thường gọi là hoa đèn cái khối khói kết lại trong ngọn đèn dầu, có sức đỏ hoặc đen, hình giống cái hoa, nhưng không phải là hoa đèn ấy mà là chỉ ngọn đèn tỏa sáng ra giống hoa” [tr 166]. Rõ ràng hiểu như Từ điển truyện Kiều quả là có nhiều điều khiên cưỡng. Bởi không lí giải một cách thấu đáo thắc mắc: tại sao nhìn ngọn đèn tỏa sáng ra giống hoa mà lại khiến Thúy Kiều thấy thẹn?
Theo thiển nghĩ của chúng tôi, Kiều luôn tự dằn vặt mình “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” thế nên khi đối diện với Hoa đèn, hình ảnh biểu trưng cho sự trinh tiết, nàng cảm thấy tủi hổ, cảm thấy thẹn vì đã không giữ được trinh tiết dành tặng cho Kim Trọng như lời thề nguyền năm xưa.
Kết hợp những điều phân tích như trên nên chăng quý độc giả cần hiểu thêm từ Hoa đèn ở nghĩa biểu trưng. Đó là hình ảnh tượng trưng cho trinh tiết, cho lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ xưa. Qua đó càng minh chứng thêm sự hàm súc dư ba trong ngôn từ của văn chương cổ điển. Đấy chẳng phải là “dư cam chi vị”, “huyền ngoại chi âm” luôn là hấp lực lôi cuốn sự tiếp nhận muôn đời của độc giả đối với văn chương trung đại của dân tộc?
________________
ThS. TRẦM THANH TUẤN
[1] Năm 1953, trong Chinh phụ ngâm bị khảo, xuất bản tại Pa-ri, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn đã sưu tầm được bốn bản Chinh phụ ngâm khác nhau và một số bản phỏng tác khác. Trên cơ sở bốn bản Chinh phụ ngâm khúc này, ông đã thống kê, phân tích và đi đến kết luận rằng: bản Chinh phụ ngâm khúc hiện hành là bản của Phan Huy Ích.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Phụ Nữ, 2007
- Lương văn Đang – Nguyễn Thạch Giang – Nguyễn Lộc, Những khúc ngâm chọn lọc (giới thiệu, biên khảo, chú giải), tập , NXB ĐH và THCN, 1987
- Nguyễn Thạch Giang , Từ điển Văn học Quốc âm, NXB Văn hóa Thông tin, 2000
- Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên), Ngữ văn 10 (Cơ bản), tập 2, NXB Giáo Dục, 2007
- TS Nguyễn Hữu Sơn, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, tháng 11/2006
- Trần Đình Sử (Tổng chủ biên), Ngữ văn 10 (nâng cao), tập 2, NXB Giáo Dục, 2007