Bắt đầu từ năm 2014, trên địa bàn hành chính cấp xã xuất hiện những sự kiện mới. Quyết định 281/QĐ-TTg (ngày 20/2/2014) của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng 4 mô hình học tập tại các xã, phường và thị trấn. Đó là mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản/tổ dân phố học tập và đơn vị học tập (bao gồm các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã do cấp xã quản lí).
Việc xây dựng các mô hình học tập này được tiến hành trên quy mô cả nước để tạo nên việc học tập liên tục từ gia đình đến dòng họ, cộng đồng và đơn vị khi trong những môi trường khác nhau ấy có những kích thích về nhu cầu học tập của con người. Học ở thời điểm thuận lợi nhất, ở địa điểm hợp lí nhất là phương thức học tập thường xuyên của mọi công dân. Công dân tự giác học tập là yếu tố cốt lõi, là chủ thể thực hiện việc nâng cao học vấn dựa trên tinh thần hiếu học với tư cách là một động lực tâm lí của quá trình học tập của mỗi người.
Tuy lấy việc học tập của mỗi công dân làm động lực để xây dựng các mô hình học tập, nhưng Quyết định 281/QĐ-TTg lại lấy Gia đình học tập như một đơn vị chính để đo lường và đánh giá các mô hình học tập còn lại.
Ngày 12/12/2014, Bộ Giáo dục ra Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT về xây dựng mô hình Cộng đồng học tập cấp xã, tức là mô hình xã hội học tập thu gọn trên địa bàn hành chính cấp xã (bao gồm xã học tập, phường học tập, thị trấn học tập).
Có thể tóm tắt như sau:
- Công dân học tập là yếu tố cốt lõi để xây dựng gia đình học tập.
- Dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản/tổ dân phố học tập và đơn vị học tập là cơ sở cung ứng cơ hội và điều kiện để công dân học tập suốt đời.
- Nếu gia đình không có người học tập thì không thể gọi là gia đình học tập.
- Nếu một dòng họ, một thôn bản, một xã phường chưa đạt tỷ lệ gia đình được công nhận là gia đình học tập, ở mức độ nhất định thì chưa đạt chuẩn dòng họ, thôn bản, xã phường học tập.
Quan niệm trên được mô tả theo hình vẽ dưới đây:
Gia đình học tập được coi như nhà trường đầu tiên trong đời người. Nhà trường đó có sự chia sẻ tri thức và kĩ năng giữa các thành viên nhằm giúp nhau học tập thường xuyên; nó được tổ chức theo Gia đình học hiệu như Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm đầu Cách mạng tháng Tám (1945).
Gia đình là môi trường giáo dục quan trọng để xây dựng, hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách đầu tiên. Cùng với trường học và các thiết chế giáo dục trong xã hội, gia đình trở thành môi trường giáo dục thống nhất, gắn kết, phối hợp bộ ba: Nhà trường – gia đình – xã hội để con người được giáo dục suốt đời.
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, trong đó, con người được hấp thụ nền văn hóa dân tộc mà gia đình lưu giữ, truyền bá và phát huy. Mặt khác, mỗi gia đình lại thường có những truyền thống riêng như truyền thống khoa bảng, truyền thống nghệ thuật, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống yêu nước…, đòi hỏi mỗi thành viên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ và phát huy những truyền thống đó và lưu truyền có những thế hệ nối tiếp.
Quyết định 281/QĐ-TTg có quy định 4 tiêu chí xây dựng gia đình học tập:
Tiêu chí 1: Kết quả học tập của con em trong gia đình;
Tiêu chí 2: Kết quả học tập của người lớn trong gia đình;
Tiêu chí 3: Tác dụng học tập của gia đình;
Tiêu chí 4: Điều kiện học tập trong gia đình.
Mỗi tiêu chí trên đây bao gồm một số chỉ số đánh giá cụ thể. Căn cứ vào các chỉ số đánh giá được thực hiện mà cộng đồng dân cư xét chọn gia đình học tập ở địa phương.
Dưới đây là bảng ghi rõ các tiêu chí và chỉ số đánh giá đối với gia đình học tập:
Nhân dân trong cả nước hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập rất nhiệt tình và hăng hái. Vì thế, số các gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập tăng lên hàng năm:
– Năm 2016 có 4.654.064 gia đình học tập (chiếm 21,50% số gia đình trong cả nước).
– Năm 2017 có 9.891.109 gia đình học tập (chiếm 48,07% số gia đình trong cả nước).
– Năm 2018 có 12.783.063 gia đình học tập (chiếm 62,15% số gia đình trong cả nước).
Để tổng kết 5 năm triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tiến hành điều tra xã hội học về phong trào xây dựng gia đình học tập. Kết quả xử lí số liệu điều tra chưa có, nhưng theo phản ánh của các địa phương, việc đánh giá phong trào gia đình học tập trên 3 phương diện lợi ích, tác dụng và điều kiện là cần thiết.
Về lợi ích xây dựng gia đình học tập, cần tập trung đến việc các gia đình phát triển nghề ở địa phương, đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động nhờ có thêm tri thức mới, kĩ năng mới. Nhiều nông dân do tự học mà thành tài, xuất phát từ trình độ trung học cơ sở, qua học tập đã có những sáng chế phát minh được ứng dụng hoặc ở dạng tiềm năng, đem lại những giá trị lớn cho sản xuất.
Về tác dụng học tập của các gia đình, nhiều địa phương cho biết, trình độ dân trí tăng nhanh, nhiều gia đình đã sản xuất ra hàng hóa đưa ra thị trường, một số mô hình làm ăn mới mang tính khởi nghiệp đã xuất hiện, đời sống văn hóa khu dân cư trở nên tốt hơn v.v…
Về điều kiện tổ chức học tập, các địa phương đã rất chú ý đề cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc đứng ra chỉ đạo cụ thể việc xây dựng xã hội học tập tại địa bàn mình phụ trách. Đây là yếu tố (hay điều kiện) rất cơ bản mà trên thế giới người ta gọi là sự cam kết chính trị của nhà lãnh đạo đối với phong trào học tập của nhân dân.
Ngày 10/5/2019, trong Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị sau năm 2020 có mấy vấn đề mới:
Một là, phong trào xây dựng xã hội học tập (thông qua việc xây dựng các mô hình học tập) là trách nhiệm chính của cấp ủy Đảng và người đứng đầu tổ chức Đảng. Kết quả của phong trào gắn với trách nhiệm lãnh đạo ở từng địa phương, từng Bộ, Ngành và Đoàn thể.
Hai là, phải gắn các danh hiệu học tập với các danh hiệu thi đua: Gia đình văn hóa trước hết phải là gia đình học tập, xã nông thôn mới đầu tiên phải là xã học tập.
Ba là, mỗi đảng viên đều phải trở thành công dân học tập, gia đình đảng viên phải là gia đình học tập, mỗi chi bổ đảng phải là một đơn vị học tập.
Kết luận của Ban Bí thư cho thấy rõ tầm quan trọng của việc tổ chức học tập trên các địa bàn dân cư. Vấn đề mấu chốt ở đây là, học tập để có tri thức mới, để có kĩ năng mới. Nhân dân ta đã vượt qua tình trạng mù chữ cơ bản, nhờ đó đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong sản xuất, trong phát triển kinh tế và văn hóa, trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Song lúc này, chúng ta đang lâm vào tình trạng mù chữ chức năng, tức là mù những kĩ năng quan trọng để giải quyết bài toán hiện đại hóa sản xuất dưới sự tác động của kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0 như mù ngoại ngữ, mù công nghệ thông tin, mù nghề, mù những công nghệ cao v.v…
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết yêu cầu trong vòng 5 năm tới, chúng ta phải xây dựng hạ tầng số hóa đạt mức độ tiên tiến của khu vực, phải phát triển mạnh Chính phủ điện tử, số hóa các cơ quan đảng, nhà nước và đoàn thể, phải đưa đào tạo theo kĩ thuật số trong các trường đại học mở, phải tổ chức giảng dạy e-learning và online learning v.v… Nếu công việc không bắt đầu từ con người cụ thể và gia đình của họ thì tất cả chỉ là một ý tưởng chứ không thể trở thành hiện thực.
________________
GS.TS PHẠM TẤT DONG – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam