Năm 1953, tôi học lớp bốn ở một trường làng Thanh Hóa. Mới đây, qua một nhà báo quân đội lâu năm tôi hay tin: Cựu Nhà báo quân đội, Đại tá Lê Kim, vừa ra đi hồi đầu năm ở tuổi ngoại cửu tuần. Tôi bùi ngùi nhớ bác. Nhớ lại một bài tập đọc buổi thiếu thời.
Đầu hè năm 70, khoa tôi có lớp bồi dưỡng Ngữ văn bên báo Quân đội Nhân dân. Thầy Đỗ Đức Hiểu, Phó Chủ nhiệm Khoa, bảo tôi tham gia, đến báo cáo về ngôn ngữ và báo chí vì năm ngoái, tôi đã nói ở lớp bên báo Nhân dân. Thời chiến, lớp bộ đội rất vui và sinh động. Anh em đều là sĩ quan, tuổi trung niên. Các anh ngồi quanh cái bàn bóng bàn và ghế phía sau. Toàn sĩ quan. Rất nghiêm túc, thảo luận sôi nổi. Tôi nhớ các anh Biên Thùy, Hồ Sĩ Bằng và một Thiếu tá chưa biết tên đã đặt ra những câu hỏi hay và thiết thực. Lúc giải lao, thiếu tá đến bên tôi. Anh da trắng, trán cao, hơi hói và dáng trí thức. Anh chào tôi, hỏi tôi một câu về chuyên môn rồi nói: “Thầy à, tôi là Lê Kim, làm ở báo này”. Tôi ngạc niên thoáng nghĩ: “Lê Kim?” rồi hỏi: “Dạ, anh có phải là tác giả bài thơ Ba người một cái khăn bông không ạ?”. “Đúng đấy. Nó chỉ là vè chứ có thơ gì đâu, thầy. Sao thầy biết?”. Lòng tôi cực vui, bèn khoanh tay trước anh như học trò tiểu học, rồi đọc một mạch: “Ba người một cái khăn bông/ Nằm thẳng cũng khó, nằm cong cũng phiền/ Đắp dọc thì hở hai bên/ Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân/ Mặc cho con tạo xoay vần/ Thịt da ta lại đắp lần thịt da/ Thằng nghiêng nằm giữa thằng co/ Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu/ Nửa đêm sương gội mái đầu/ Chòi cao phần phật mấy tàu lá khô/ Bộ đội nằm giữa rừng già/ Đêm về chợt tỉnh giấc mơ diệt thù!”. Anh Lê Kim trợn mắt, há miệng rồi lặng đi: “Sao thầy lại thuộc vè của tôi. Hồi trước thầy có đọc báo Vệ quốc quân à?”. “Không, tôi nhỏ, lấy đâu ra báo ạ”. Rồi tôi kể. Đến lượt, anh lại nhẹ khoanh tay nghe.
“Năm 1953, em học lớp bốn trường kháng chiến. Trong sách tập đọc của Sở Giáo dục Liên khu 4, có bài thơ này. Thầy Ngậu dạy bọn em khá hay, bắt học thuộc lòng rồi tuần sau từng đưá lên khoanh tay đọc. Em nhớ bài thơ và tên anh từ đó”. Thầy giải thích: “Đây là thơ của chú bộ đội. Nhớ nhé”.
Mười năm sau (1963), trong một lần giảng về ngữ pháp trong lời nói và ngữ pháp trong thơ, thầy Nguyễn Tài Cẩn đọc thuộc bốn câu cuối bài thơ của anh rồi phân tích rất hay. Lúc ra chơi, tôi thưa: “Dạ, thầy cũng nhớ bài thơ này ạ”. “Đúng, tôi thuộc. Là trưởng ban Tu thư của Khu chính, tôi đã chọn bài này vào sách tập đọc đấy. Bác Liên (cha tôi) cũng biết vì cụ cũng làm cùng tổ. Nhưng bình giảng bài này thì tôi thua anh Hoàng Tuệ bên Sư phạm. Hay lắm”. Anh Lê Kim xúc động nắm chặt tay tôi: “Những chuyện này giờ tôi mới biết. Thật lạ, thầy à. Cảm ơn thầy. Hơn cả huân chương”.
Hôm kết thúc lớp học, ông Phó Tổng biên tập tiếp tôi. Báo tặng quà tôi một gói quà. Mở ra trong có một đôi dép cao su cắt gọt rất đep và một cái khăn bông màu xanh bộ đội. Ông nói: “Thầy à, dép là của báo, còn cái khăn là của anh Lê Kim gửi thầy”. Trong cái khăn có mẩu giấy nhỏ với dòng chữ: “Để thầy nhớ lại bài vè. Khăn này nhỏ lắm chỉ rửa mặt, không đắp được thầy à!”. Tôi cảm động. Lại thêm một kỉ niệm.
Chiến tranh tiếp. Rồi ai vào việc nấy. Gần như quên nhau. 17 năm sau, tôi đang phụ trách khoa Tiếng Việt ở trường. Tôi thường mời các diễn giả đến nói chuyện trao đổi. Một hôm một thầy bên Văn khuyên: “Anh nên mời một ông bộ đội biết thơ đến nói chuyện về thơ chiến tranh của lính. Bộ đội nói thì nó đời thực hơn”. Tôi băn khoăn chưa biết mời ai thì một Thượng úy, cựu binh bạn tôi bảo: “Anh nên mời ông Lê Kim, nhà báo bên quân đội đến nói. Tôi giới thiệu cho”. Tôi vui và đồng ý ngay.
Rồi anh dẫn tôi đến nhà bác Lê Kim ở nhà tầng tập thể khu Văn Chương. Vào phòng, chưa kịp giới thiệu, bác Kim nhận ra tôi ngay. Cái ve áo treo trên mắc cho biết bác đã là Đại tá. Bác ân cần mời tôi và anh bạn quen uống nước vui vẻ. Ôn vài câu chuyên. Vui rồi tôi vào việc mời bác. Anh bạn tôi xen thêm. Bác ngần ngừ một chút, bảo: “Khó nhỉ!” rồi bỗng nói: “Tuy chuyên này Nằm thẳng cũng khó, nằm cong cũng phiền nhưng thôi, với anh Đức mình có duyên bài vè hồi xưa nên nhận lời báo cáo nhé . Mình sắp hưu rồi. Hai cuộc chiến chinh rồi còn gì!”. Tôi vui vì thấy tôi bác nhắc ngay một câu trong bài thơ.
Rồi bác đến nói chuyện. Dặn trước tôi: “Đừng nhắc gì đến bài vè của mình nhớ”. Bác nói hay, vui và uyên bác. Mới bắt đầu đổi mới, còn kị nhắc chuyện cũ, nhưng bác vẫn nhắc đến, vẫn bình thơ của Trần Dần, Hoàng Cầm và bảo: “Các anh ấy là những người lính, đồng ngũ của mình”. Lại nói đến Thơ mới chịu ản hường của thơ Pháp, bác đọc mấy câu thơ để so sánh. Tiếng Pháp của tôi dạo đó chưa đủ để hiểu. Đúng ông là một trí thức.
Trong lời cảm ơn, tôi đã làm trái ý bác, nói ngắn về bài thơ Ba người một cái khăn bông. Hóa ra các thầy cô trong khoa cùng thế hệ với tôi cũng nhiều người biết. Thật vui.
Tôi tiễn bác và gửi bác tiền thù lao: “Đây là lao động ạ!”. Đi dọc hành lang, bác Kim dừng lại, lấy phong bì mở ra, rút ngay một tờ ấn vào túi ngực tôi. Tôi bất ngờ, hơi bối rối: “Ấy chết, bác đừng làm thế ạ”. Bác cười: “Không cảm ơn anh đâu. Mà chia sẻ. Trong vè mình nhớ có câu Thịt da ta lại đắp lần thịt da. Bữa nay đắp tí cho vui!”. Tôi lại cảm động. Tôi tiễn bác.
Rồi mấy chục năm tiếp theo, xa nhau. Lận bận không gặp. Mấy năm trước một lần thấy bác trên ti vi với lời khen một người lính hậu hưu, có nghe tin lúc bác cao tuổi thì bác gái bị mệt lâu, bác vất vả.
Nghe tin bác rời cõi tạm. Lòng tôi bùi ngùi. Nhớ bác. Vẫn thuộc lòng bài tập đọc ngày xưa. Một người lính. Một trí tuệ. Một thế hệ.
_____________
ĐINH VĂN ĐỨC