Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
1k
Trong Tâm lí học, nhân cách là vấn đề có tính thời sự (Phạm Minh Hạc, 2018); phức tạp và có nhiều cách tiếp cận, nhiều quan niệm khác nhau (Allport, 1961). B.R. Hergenhahn (2000) đã xác lập 150 nhà tư tưởng, nhà tâm lý học phương Tây (chưa kể các nhà tâm lý học Liên Xô trước đây và Đông Âu) có thành tựu nghiên cứu về nhân cách. Trong một tài liệu, Nguyễn Thơ Sinh (2008) đã giới thiệu 22 thuyết tâm lý về nhân cách. Leslie Stevenson (2017) và cộng sự phân tích các di sản văn hóa Đông – Tây từ cổ đại đến hiện đại và đã chọn lọc, phân tích 12 học thuyết điển hình về nhân cách, từ Khổng Giáo, Ấn Độ Giáo, Plato, Aristoteles đến Darwin, Freud hay Sartre. Trong tài liệu “Các lí thuyết nhân cách“, Duane P. Schultz, Sydney Ellen Schultz (2001) đã giới thiệu 21 thuyết. Adamson Hoebel (2007) đã khái quát 4 nguồn gốc chính của các thuyết về nhân cách: Một số thiên về nguồn gốc và các yếu tố sinh học của cá nhân; Số khác thiên về bản chất và sự tác động của môi trường sống; Nhóm thứ ba nhấn mạnh tác động của nền văn hóa mà trong đó cá nhân là một thành viên. Cuối cùng, một số nhấn mạnh vai trò hoạt động của cá nhân với tư cách các trải nghiệm. L.X. Vưgotxki, A.N. Leonchev và các nhà tâm lý học cùng trường phái, chia các cách tiếp cận thành hai hướng: Theo sơ đồ 2 thành phần và theo sơ đồ 3 thành phần. Trong sơ đồ 2 thành phần, nhân cách được đặc trưng bởi sự tác động và phản ứng trực tiếp giữa cá thể với kích thích từ môi trường, còn trong sơ đồ 3 thành phần, nhân cách được hình thành bởi sự tương tác giữa chủ thể với đối tượng (môi trường văn hóa – xã hội) thông qua công cụ văn hóa (L.X. Vưgotxki, 1978).
Một tóm tắt như trên, tuy còn rất sơ lược, cũng đã phản ánh phần nào tính phức tạp của vấn đề, nhất là quan niệm về nhân cách và về cái tôi – yếu tố cốt lõi của nhân cách.
Hiện có hàng trăm định nghĩa về nhân cách (Barry D. Smith – Harold J.Vetter, 2005). Allport (1961) khái quát thành 3 nhóm: dựa vào sự tác động, gây ảnh hưởng của cá nhân đến người khác hay xã hội; hoặc tập trung vào các đặc điểm có tính ổn định, các cấu trúc tâm- sinh lí nội tại của cá nhân. Theo đó, nhân cách không chỉ là phần thể hiện ra bên ngoài (vai diễn) mà là các cấu trúc tâm lí nội tại, phản ánh bản chất của cá nhân. Nhóm thứ ba là những định nghĩa chỉ giới hạn nhân cách vào các hành vi biểu hiện ra bên ngoài có thể kiểm chứng được. Trong các nhóm trên, đa số theo hướng phân tích và “triết xuất” từ cá nhân ra những cấu trúc tâm- sinh lí nhất định (Barry D. Smith – Harold J.Vetter, 2005). Nhân cách là tổng thể những đặc tính tâm- sinh lí của cá nhân, là nét (nét tính cách) tiêu biểu mang tính bẩm sinh, hoặc do rèn luyện của riêng cá nhân đó (Allport G.W.,1961). Nhân cách là tổng số các đặc điểm phân biệt con người, hay sự ổn định trong hành vi cá nhân trong các tình huống khác biệt (Robert S. Feldman, 2003); Là tập hợp độc nhất vô nhị các hành vi và các phẩm chất bền vững ảnh hưởng đến cách thức con người điều chỉnh để thích ứng với môi trường của họ (Stephen Worchel – Wayne Shebilsue, 2007). Nhân cách là hành vi của một người trong một tình huống nhất định (Cattell. R.B.,1965); Là tổng các hành vi hiện có và tiềm tàng của cơ thể (H.J. Eysenck.,1981); Là tổ hợp các thái độ giá trị của con người với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, với xã hội, với người xung quanh và với bản thân (Phạm Minh Hạc, 2018).
Dễ nhận thấy các định nghĩa về nhân cách nêu trên được tiếp cận theo cách phân tích, phân mảnh để chia tách nhân cách trọn vẹn thành các cấu phần cô lập, từ đó rút ra kết luận về cái toàn thể, tức là theo tư duy cơ giới (Phan Trọng Ngọ và Lê Minh Nguyệt, 2018). Nhiều lý thuyết gia có cách tiếp cận tĩnh về nhân cách theo lát cắt tại một thời điểm (Lê Đức Phúc, 2004). Các định nghĩa thể hiện quan niệm về bản chất bền vững của các nét hay đặc điểm nhân cách vốn thường ổn định và giữ nguyên trong suốt cuộc đời cũng như trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau (Lasen và Lê Văn Hảo, 2015). Với cách này, nhà nghiên cứu mới chỉ tìm hiểu được các yếu tố (nét tính cách) của cá nhân, còn bản thân nhân cách, hay những yếu tố “tầng sâu” của nó (do khó hoặc không quan sát được trực tiếp) dần bị loại bỏ (Barry D. Smith – Harold J.Vetter, 2005). Philip G. Zambardo (1985) cho rằng, các cách tiếp cận trên có thể cho phép mô tả và nhận ra đặc điểm liên quan tới hành vi về tính cách của con người, nhưng không giải thích nhân cách cũng như hành vi được sinh ra và phát triển như thế nào. Tính hệ thống, sự tương tác và chuyển hóa giữa các cấu trúc, các đặc điểm tâm lí nhân cách bị lu mờ (Phan Trọng Ngọ và Lê Minh Nguyệt, 2018).
Trong thực tế, nhân cách không đơn giản là tổ hợp các cấu trúc tâm- sinh lí, hay các nét tính cách độc đáo của cá nhân. Những cấu trúc đó thuộc về nhân cách, nhưng chúng chỉ là “vật liệu” để cá nhân xây dựng lên nhân cách, chưa thể hiện rõ điểm cốt lõi của nhân cách. Ở đây, câu hỏi nhân cách là gì, được hình thành như thế nào từ các cấu trúc đó mới là vấn đề quan trọng, nhưng vẫn chưa được sáng tỏ. Hơn nữa, bản thân các nét tính cách (các cấu trúc tâm lí) cũng là sản phẩm hoạt động và tương tác xã hội của nhân cách và được cấu trúc theo các cách khác nhau ở mỗi người. Rõ ràng là, trong cá nhân phải có nhân tố nào đó có vai trò, chức năng, năng lực phối hợp và tổ chức các cấu trúc tâm lí theo các phương thức đặc thù, tạo ra nhân cách. Nhân tố đó chính là cái Tôi nhân cách. Tuy nhiên, cái Tôi hiện đang được nhìn nhận theo các cách khác nhau. Những nhà nhà nghiên cứu theo tiếp cận thực chứng, chủ yếu quan tâm đến các yếu tố tâm lí có thể quan sát được (Allport, 1961; Cattell, 1965), còn cái Tôi thường bị xem nhẹ. Trong khi đó, các nhà tâm lí học chiều sâu (S. Freud, 2018; K. Jung, 2017; Jame, 1890; Rogiers, 1959, 1961), quan tâm nhiều hơn đến khám phá và phân tích cái Tôi nhân cách.
Như vậy, việc xây dựng định nghĩa nhân cách và xác định yếu tố cốt lõi của nó là cái Tôi hiện còn nhiều quan niệm và chưa được khái quát theo tiếp cận hệ thống. Các yếu tố tầng sâu, cốt lõi và vận động của nhân cách chưa được phát lộ qua định nghĩa. Điều này không chỉ là bất cập về lí luận, mà còn là trở ngại trong thực tiễn. Bài viết này hướng đến góp phần vào việc xây dựng định nghĩa nhân cách và nhận thức về cái Tôi nhân cách trong tâm lí học.
Nội dung
2.1. Định nghĩa nhân cách và cấu trúc nhân cách
2.1.1. Định nghĩa nhân cách
Nhân cách gắn liền với cá nhân. Cá nhân là bản thể của nhân cách. Cá nhân là một cá thể người, có các đặc trưng: tính toàn vẹn của kết cấu tâm sinh – lý của riêng nó; tính ổn định của kết cấu trong sự tương tác với thế giới bên ngoài; tính tích cực, đảm bảo cho cá nhân khả năng tự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh (Vũ Dũng, 2008). Tuy nhiên, nhân cách không trùng khít với cá nhân. Bình thường ta khó nhận thấy điều này, nhưng trong trường hợp bệnh lí, nhân cách có thể bị phân li thành đa nhân cách hoặc bị tan rã, trong khi cá nhân vẫn là một (A.N. Leonchev, 1989). Mặt khác, nhân cách là bộ mặt của cá nhân (trong tiếng Anh từ personality có gốc tiếng La tinh: Persona có nghĩa là mặt nạ, vai trò, là một cá nhân được nhận xét bởi người khác). Nói cách khác, nhân cách là cá nhân thể hiện các vai trò khác nhau trong từng mối quan hệ xã hội. Trong đó, một mặt cá nhân nỗ lực thể hiện chính bản thân mình, trong vai trò xã hội mà cá nhân đang đảm nhiệm; mặt khác, cá nhân vừa chịu sự tác động, sự quy định của chính vai trò đó và nỗ lực để thực hiện được “tròn vai”; mặt thứ ba, có sự tham gia, có mâu thuẫn và đấu tranh giữa các bản năng, bản chất của cá nhân với các yêu cầu, quy định của xã hội trong vai trò. Quá trình giải quyết mâu thuẫn cũng chính là quá trình hình thành và phát triển nhân cách (K. Jung, dẫn theo Muray Stein, 2011; Goffman, 1959).
Nhân cách được hình thành từ cá nhân. Nhưng không phải ngay từ khi mới sinh, trẻ em đã là một nhân cách, mà phải phát triển đến mức độ nhất định mới xuất hiện. Nhân cách là sản phẩm muộn của cá nhân, nhưng không phải do chín muồi những tiềm năng di truyền, mà là được xây dựng, được sản xuất ra, bởi hoạt động và tương tác xã hội của cá nhân. (A.N. Leonchev, 1989). Sự xuất hiện của nhân cách được đánh dấu bởi sự xuất hiện Cái Tôi. Cái Tôi (Ego) là cốt lõi của nhân cách (K. Rogers, 1959); là tâm điểm để các cấu trúc tâm lí khác của nhân cách được ý thức, được liên kết, được tổ chức và được vận hành một cách độc đáo, tạo nên bản sắc riêng, đặc thù của nhân cách (K. Jung, dẫn theo Muray Stein, 2011). Sự phát triển của nhân cách là sự trưởng thành của cái Tôi (K. Rogers, 1961); Sự khủng hoảng của nhân cách trong các giai đoạn lứa tuổi thực chất là khủng hoảng của cái Tôi (Erikson, 1963).
Như vậy, nhân cách không đơn giản là các đặc điểm, các cấu trúc tâm lí hay các nét tính cách có tính ổn định, bền vững của cá nhân, có thể kiểm đếm được tại một thời điểm. Nhân cách là cấp độ phát triển của cá nhân; là chủ thể cá nhân; là cách thức cá nhân phát triển và thể hiện mình qua hoạt động và tương tác xã hội. Nhân cách là các yếu tố tâm lí được cấu trúc độc đáo bởi cái Tôi, tạo ra bản sắc của cá nhân, hướng cá nhân phát triển và làm chủ cuộc sống của mình, góp phần vào sự thay đổi môi trường sống tự nhiên và xã hội.
2.1.2. Cấu trúc nhân cách
2.1.2.1. Các xu hướng cấu trúc nhân cách hiện nay
Cấu trúc nhân cách là sự triển khai quan niệm về nhân cách. Hiện có nhiều mô hình cấu trúc nhân cách. Có thể khái quát thành 2 nhóm theo hai xu hướng chính:
Xu hướng thực chứng với các nghiên cứu định lượng, dựa vào các biểu hiện có thể quan sát được của các cấu trúc tâm- sinh lí cá nhân. Nhiều nhà nghiên cứu cấu trúc nhân cách dựa vào thể tạng của cá nhân (Sheldon, 1954). Một số khác, xây dựng theo các nét tính cách (Allport, 1961); theo các yếu tố tâm lí tạo nên nhân cách (Eysenck, 1981; K. Cattell, 1965; A.G. Covaliev,1971).
Các mô hình nhân cách theo tiếp cận thực chứng đã mở ra hướng đánh giá và phát triển nhân cách thông qua việc xác định các đặc điểm (các yếu tố) tâm lí của cá nhân. Tuy vậy, khó khăn của cách tiếp cận này là số lượng các yếu tố trong cấu trúc nhân cách phụ thuộc vào chủ quan của mỗi nhà nghiên cứu. Đồng thời, trong những cấu trúc này, các yếu tố tâm lí tầng sâu như cái Tôi cũng như sự chuyển hoá giữa các cấu trúc tâm lí nhân cách và sự phát triển của chúng không thực sự tường minh, thậm chí thiếu vắng (Philip G. Zambardo,1985).
Xu hướng thứ hai, chủ yếu phân tích định tính về nhân cách, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới cái Tôi và sự chuyển hoá giữa các yếu tố tâm lí và sự hình thành, phát triển của chúng: Cấu trúc và chuyển hoá giữa cái Ấy (Id), cái Tôi (Ego) và cái Siêu Tôi (SuperEgo) (S.Freud, 2018); Nhân cách, cái Tôi, bóng âm (Shadow) và mặt nạ (persona) của nhân cách (K.Jung, 2017); Hệ thống nhu cầu của nhân cách (Maslow,1968; K. Rogers, 1961). Những lí thuyết theo hướng tâm lí học chiều sâu đã cung cấp nhiều hiểu biết rất sâu sắc về các tầng bậc (từ vô thức đến ý thức, siêu ý thức) của nhân cách, đặc biệt là của cái Tôi. Chúng thực sự là kho tư liệu giàu sức khai mở về các vấn đề có ý nghĩa quyết định trong nhân cách. Tiếc rằng các lí thuyết này lại ít đề cập tới những đặc điểm, nét tính cách thường thấy trong các cấu trúc nhân cách theo xu hướng thực chứng.
Như vậy, hiện đang tồn tại sự tách rời các các xu hướng trong việc cấu trúc nhân cách, thiếu kết dính giữa chúng. Vì vậy, cấu trúc nhân cách thường được nhìn nhận hoặc theo thế này hoặc theo thế khác. Trong khi đó, về bản chất, chúng là một hệ thống trọn vẹn, đa diện và đa tầng. Do vậy, cần có sự tích hợp theo cách tiếp cận hệ thống các xu hướng hiện có để hình thành một cấu trúc nhân cách vừa phản ánh được yếu tố cốt lõi, tầng sâu, vừa thể hiện sự phong phú trong biểu hiện, vừa xác lập được sự chuyển hoá và mở ra các khả năng, các hướng vận động và phát triển của nhân cách.
2.1.2.2. Mô hình cấu trúc nhân cách theo nguyên lí tảng băng (cây nhân cách)
Một cấu trúc nhân cách thoả mãn các yêu cầu trên, chỉ có thể được thiết kế mở, theo nguyên lí tảng băng trôi hoặc theo cây nhân cách, với các nhân tố cốt lõi: Phần tầng sâu, bao gồm các yếu tố bản năng tự nhiên và văn hoá của nhân cách, tạo thành phần gốc rễ của cây hay đáy của tảng băng nhân cách; Phần trung tâm, hạt nhân (lõi) của nhân cách: Cái Tôi nhân cách; Phần cận trung tâm: Các cấu trúc tâm lí phản ánh thái độ, giá trị, tình cảm, đạo đức xã hội, năng lực và các phẩm chất tâm lí khác của nhân cách, tạo thành thân của cây nhân cách; Tầng biểu hiện (bề mặt) của nhân cách: Nhận thức, xúc cảm, hành động và các biểu hiện đa dạng khác của cá nhân trong hoạt động và tương tác xã hội; Tầng sinh thái phát triển nhân cách: mạng lưới tương tác giữa các yếu tố của cá nhân với môi trường bên trong và bên ngoài của đời sống cá nhân.
(i) Tầng sâu của nhân cách: Yếu tố bản năng tự nhiên và văn hoá
Trong sâu thẳm của nhân cách có yếu tố bản năng tự nhiên và văn hoá.Bản năng tự nhiên hiện diện và có vai trò quan trọng trong nhân cách. Điều này đã được phát hiện ngay từ thời cổ đại bởi Plato (2004), sau đó được nhấn mạnh trong tâm lí học hiện tượng luận- hiện sinh (J. P. Sartre, 2018), đặc biệt trong lí thuyết về Ý chí tự do của A. Schopenhauer (2014); Lí thuyết về nguồn lực sống của D. Nietzsche (2014); Trong Thuyết tiến hoá của Darwin (2006) và trong lí thuyết phân tâm của S.Freud (2018).
Nhiều nghiên cứu cho thấy, các đặc điểm tính cách cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền gen (Bouchard,T.J.Jr., Lyklen, D.T.,McGue,M., Segal, N.L., & Tellgen, A., 1990; Bummett, B.H., Siegles, I.C., McQuoid, D.R., Svenson, I.K., Marchuk, D.A., & Steffens, D.C.,2003).
Cùng với yếu tố bản năng tự nhiên, trong tầng sâu nhân cách còn có nguồn gốc văn hoá. Các biểu tượng trong văn hoá cổ xưa được lặp đi lặp lại trong đời sống của cộng đồng qua ngàn đời đã tạo ra các dấu vết sinh học, làm biến đổi gen (Dawkins. R, 1976); Văn hoá nguyên thuỷ tạo ra các cổ mẫu, trở thành vô thức tập thể trong tầng sâu vô thức của nhân cách cá nhân (K. Jung, dẫn theo Murray Stein, 2011). Trong quá trình phát triển của cá nhân, ngay từ khi còn ấu thơ, đứa trẻ đã đồng nhất hoá những biểu tượng văn hoá từ cha/ mẹ và người khác, chuyển hoá chúng thành cái Siêu Tôi (dưới dạng lương tâm và lí tưởng). Những cấu trúc siêu tôi này được chuyển xuống tầng vô thức, vào cái Ấy, trở thành bản năng trong nhân cách cá nhân (S. Freud, 2018).
Các năng lượng bản năng tự nhiên (Nature) và văn hoá (Culture) là nguồn năng lượng thúc đẩy mọi hoạt động tâm lí của cá nhân trong cuộc sống (S. Freud, 2018).
(ii) Tầng trung tâm, hạt nhân (lõi) của nhân cách: Cái Tôi nhân cách
Hạt nhân của nhân cách là Cái Tôi (Ego).
Vai trò cốt lõi của cái Tôi được nhấn mạnh trong hầu hết các nghiên cứu tâm lí học về nhân cách. Tuy nhiên, mỗi người nhìn nhận cái Tôi theo góc độ riêng của mình. Vì vậy, việc tổng hợp chúng trở thành bức tranh khái quát, tổng thể về cái Tôi là điều cần thiết. Phần dưới của bài viết sẽ cố gắng tổng hợp và phân tích cụ thể hơn về cái Tôi và chức năng cốt lõi của nó trong nhân cách cá nhân.
(iii) Tầng cận trung tâm: Các cấu trúc tâm lí phản ánh thái độ, giá trị, tình cảm, đạo đức xã hội, năng lực và các phẩm chất tâm lí khác của nhân cách
Các cấu trúc tâm lí của cá nhân phản ánh thái độ, giá trị, tình cảm, đạo đức xã hội, năng lực và các phẩm chất tâm lí khác của nhân cách là những yếu tố tâm lí tương đối ổn định và đa dạng của cá nhân. Mỗi cấu trúc có đặc tính và chức năng riêng trong đời sống của cá nhân. Chúng được tổ chức, liên kết với nhau bởi cái Tôi và được gắn kết với cái Tôi, tạo nên thân của cây nhân cách; tạo thành đời sống tâm hồn phong phú của nhân cách.
Rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, khám phá và lượng hoá những cấu trúc tâm lí này thành các yếu tố điển hình của nhân cách, tạo ra các thuyết tâm lí riêng: Thuyết nét tính cách của Allport G.W (1961); Thuyết nhân cách hướng nội, hướng ngoại (H.J. Eysenck, 1981); thuyết 16 yếu tố của Cattell. R. B.(1965). Những năm cuối thế kỉ XX, phổ biến Mô hình 5 mặt (facets) hay 5 yếu tố (factors) nhân cách: Sự tận tâm (conscientiousness); Sự hướng ngoại (Extraversion); Sự cởi mở (Openess to Experience); Sự thân thiện (Agreeableness); Sự ổn định cảm xúc (Neuroticism) của Mc Crae R.R. & Allik J. (2002). Một biến thể của thuyết 5 yếu tố là thuyết 6 mặt (domains) của Ashton, M.C., & Lee, K, (2007), thường được gọi tắt là HEXACO. Gần đây, một phiên bản khác của mô hình 5 yếu tố là mô hình 6 yếu tố của Kankaras (2017): động cơ, hứng thú, quan điểm/niềm tin, cảm xúc, kỹ năng xã hội và quan điểm cá nhân.
Trong các cấu trúc tâm lí phản ánh thái độ, giá trị, tình cảm, đạo đức xã hội, năng lực của cá nhân, thái độ, giá trị được đặc biệt coi trọng (Allport, 1961; Phạm Minh Hạc, 2018).
Cùng với thái độ là hàng loạt cấu trúc tâm lí phản ánh quan hệ tích cực của chủ thể với đối tượng: Các tình cảm xã hội (tình yêu, tình bạn và các tình cảm cao cấp khác); đạo đức xã hội (nhận thức, thái độ và hành vi đối với các quy chuẩn xã xã hội); Các nét tính cách cá nhân; niềm tin, xu hướng, năng lực v.v,. Các cấu trúc tâm lí phong phú, đa dạng của cá nhân chính là “vật liệu” để cái Tôi xây dựng nhân cách, tạo ra sự độc đáo, bản sắc riêng của nhân cách, đồng thời cũng là phương thức biểu hiện của nhân cách, qua các hoạt động và tương tác xã hội.
(iv) Tầng biểu hiện (bề mặt) của nhân cách: Nhận thức, xúc cảm, hành động và các biểu hiện đa dạng khác của cá nhân trong hoạt động và tương tác xã hội
Các hoạt động nhận thức, xúc cảm và hành động thực tiễn là các cấu trúc hiện hữu của cá nhân và các biểu hiện đa dạng khác của cá nhân là các cành, nhánh của cây nhân cách; là khâu trung gian của mối quan hệ, của sự tương tác giữa nhân cách với thế giới bên ngoài và bên trong; là phần nổi, phần biểu hiện của tảng băng nhân cách. Chúng được ví như các cánh cửa đi vào tâm hồn cá nhân. Trong nghiên cứu và phát triển nhân cách, suy cho cùng đều bắt đầu từ các biểu hiện có thể kiểm chứng này.
(v) Hệ sinh thái phát triển nhân cách
Trước thập niên 50 của thế kỉ XX, hầu hết nghiên cứu được dựa trên khuôn mẫu tư duy cơ giới, máy móc. Những thập niên cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI có bước tiến dài trong nhận thức luận khoa học, nghiên cứu theo tư duy hệ thống, đặt trọng tâm vào tương tác giữa các thành phần, các đơn vị của tổng thể. Ngày nay, phổ biến là tư duy mạng lưới, tức là xét đối tượng trong hệ sinh thái phát triển, giống mạng lưới thần kinh, với sự tương tác, phụ thuộc và thống nhất đa chiều (Fritjof Capra, 2017). Mọi sự vận động và phát triển của nhân cách đều diễn ra trong hệ thống sinh thái của nó. Điều này đã được Lewin (1951) chứng minh qua thực nghiệm và khái quát thành quy tắc: Hành vi của cá nhân được quyết định bởi tổng thể các lực được hình thành do sự tác động tương hỗ giữa các yếu tố bên trong của cá nhân và bên ngoài của môi trường xung quanh được cá nhân ý thức, ngay tại một thời điểm nhất định. Phương trình của hành vi là: B = f (P,E) [ B (Behavior) = hành vi; P (Person) = đặc điểm của chủ thể/cá nhân (đang) tương tác với các yếu tố của môi trường; E (Environment) = môi trường xung quanh như các sự vật, đồ vật, bạn bè, gia đình, cộng đồng].
Sự tác động của môi trường sinh thái đối với nhân cách còn phụ thuộc vào sự khác biệt cá nhân (Ngô Công Hoàn và Nguyễn Khánh Hà, 2015) và vào năng lực kiểm soát bên trong và kiểm soát môi trường bên ngoài của cá nhân trong hoạt động, tương tác (Rotter, J.B, 1982).
Giữa các yếu tố “tầng sâu” của nhân cách (i,ii,iii) với các biểu hiện hiện hữu của nó qua hoạt động nhận thức, xúc cảm và hành động thực tiễn (iv) có quan hệ phức hợp. Ở mức khái quát nhất và trong trạng thái bình thường của cá nhân, các “tầng” của nhân cách có quan hệ tương hỗ, nhân quả với nhau. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể của mỗi cá nhân, trong từng thời điểm, không hoàn toàn có sự tương ứng giữa các yếu tố biểu hiện (tầng iv) với các yếu tố tâm lí tầng sâu của nhân cách, mà còn phụ thuộc vào tính chất và sức mạnh của hoàn cảnh khách quan tại thời điểm diễn ra hành động (tầng v). Vì vậy, nghiên cứu nhân cách nhất thiết không chỉ dừng lại ở các biểu hiện hiện hữu của nó, hoặc chỉ khái quát chúng, mà cần “vượt qua” các biểu hiện đó, để khám phá và xác lập các yếu tố chiều sâu của nhân cách cũng như tác động của ngoại cảnh tới nhân cách
Như vậy, một quan niệm có tính hệ thống, động và mở về nhân cách dẫn đến cấu trúc nhân cách như một “cây” hay một “tảng băng“. Trong đó các tầng (i), (ii) và (iii) là gốc rễ, là cốt lõi của cây; là phần chìm của tảng băng nhân cách, còn tầng (iv) và (v) là phần động, phần nổi, có thể quan sát và lượng hoá để từ đó khám phá các tầng sâu của nó.
2.2. Cái tôi, đặc trưng và chức năng của cái Tôi trong nhân cách cá nhân
2.2.1. Khái niệm cái Tôi
Ngay từ thời cổ đại, vấn đề cái Tôi (Ego) đã được đặt ra và trở thành nguồn cảm hứng tranh luận mạnh mẽ trong các hệ tư tưởng triết học và đạo học khác nhau. Trong triết học cổ đại Hy Lạp, cái Tôi được nhìn nhận là nhận thức lí tính, là tự ý thức của con người. Aritstotle (2004) cho rằng, bản ngã (Self) là một hữu thể có lí trí, lí tính, nhận thức và ý thức. R. Descartes (2005) nhấn mạnh cái để cá nhân khẳng định sự tồn tại của mình là cái tôi – cái Tôi tư duy. W. Jame (1890) đã chia bản ngã thành cái Tôi vật chất, cái Tôi xã hội (nhận thức, ý thức về người khác nghĩ về mình) và cái Tôi tinh thần, tức là tự ý thức và giám sát tư tưởng và xúc cảm của bản thân. Trong thuyết nhân cách của S.Freud (2018), Cái Tôi là phần nhận thức tri giác, thuộc phần ý thức; gắn với kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân; là nhận thức về thực tại của việc thoả mãn các bản năng của cái Ấy. Theo Hegel, con người tự phân biệt với động vật và qua đó tự phân biệt với giới tự nhiên, chủ yếu là qua việc anh ta tự nhận thức bản thân mình như một cái Tôi” (dẫn theo Trần Đức Thảo, 2004). Nhìn chung, trong quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu, cái Tôi (Ego) là thành phần của bản ngã (Self), gắn với ý thức và là tự ý thức của cá nhân.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, Theo K.Marx (1980), có thể phân biệt con người với động vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng cái gì cũng được. Nhưng bản thân con người bắt đầu tự phân biệt với động vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình. Trong sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, con người đã tự sản xuất ra chính bản thân mình, trong đó có cả ý thức bản ngã. C. Jung ( dẫn theo Murray Stein, 2011) cho rằng toàn bộ những cái thuộc về một người mà người đó nhận ra và được trải nghiệm, được gọi là “nhân cách kinh nghiệm” của cá nhân đó; là chủ thể của “nhân cách kinh nghiệm”; chủ thể của mọi hành vi ý thức của cá nhân; là trung tâm của ý chí, khát vọng, suy nghĩ và hành động có ý thức của cá nhân.
Như vậy, cái Tôi không chỉ được xét dưới góc độ tự ý thức về bản ngã mà còn cần được nhấn mạnh dưới góc độ hoạt động, nhấn mạnh tính chủ thể, tính năng động, tác động, hoạt động của nó.
Cái Tôi là trung tâm của nhân cách; là hạt nhân của nhân cách; là chủ thể của nhân cách, thể hiện qua năng lực tự ý thức về bản ngã; năng lực tác động đến chính bản thân, đến người khác, đến môi trường xã hội và tự nhiên nhằm thoả mãn nhu cầu, giá trị, mục đích của cá nhân, qua đó làm thay đổi, phát triển và thể hiện bản ngã của cá nhân.
2.1.2. Đặc trưng của cái Tôi
Cái Tôi có nhiều đặc trưng, phản ánh đặc trưng của nhân cách cá nhân
(i) Tính nhận thức, ý thức của cái Tôi
Nhận thức là đặc tính của động vật, trong đó có con người. Nhận thức của con người có hai cấp độ: nhận thức vô thức, là nhận thức dưới ngưỡng ý thức (nhận thức trực giác, sự cảm nhận của cơ thể) và nhận thức ý thức, là nhận thức tri giác, nhận thức diễn ra trong trường ý thức cá nhân (Freud, 2018; Lewin, 1951)
Ý thức là sự nhận thức tri giác của cá nhân; là cá nhân biết mình đang nghĩ gì, có thái độ như thế nào và đang làm gì với đối tượng. Cốt lõi của ý thức là nhận thức tri giác (lí tính) và thái độ của cái Tôi đi kèm với nhận thức đó. Nhận thức lí tính và thái độ đi kèm với nhận thức là hai đặc trưng của ý thức của cái Tôi trong nhân cách cá nhân.
Theo nghĩa khác, ý thức là trạng thái thức tỉnh của cái Tôi, trong trạng thái đó, các hoạt động tâm lí của cá nhân đang diễn ra, bao gồm toàn bộ những gì diễn ra trong thế giới xung quanh và nội tâm, được sáng tỏ trước cái Tôi. Đối lập với trạng thái ý thức là vô thức (hoặc trạng thái mất ý thức) hoàn toàn không có nhận thức và đáp ứng bằng tri giác. Sự mất ý thức có thể diễn ra một phần như trong giấc ngủ hoặc trong ức chế bộ phận (say rượu, ma tuý hoặc những cơn xúc động mạnh). Sự mất ý thức kéo dài, cái Tôi mất kiểm soát suy nghĩ, thái độ và hành vi, khi đó cá thể chỉ còn sự sống thực vật, bản năng sinh vật, mà không còn đời sống tâm lí. Đây chính là đặc trưng hay chức năng nhận thức của cái Tôi nhân cách.
Ý thức của Cái Tôi chính là nhận thức tri giác về bản thân, nhưng không phải mọi ý thức về bản thân đều là thuộc tính của cái Tôi. Cái tôi là sự tập trung cao độ của ý thức (C.Jung, theo Murray Stein, 2011). Ý thức cá nhân chỉ trở thành thuộc tính của cái Tôi khi ý thức phát triển đến độ xuất hiện sự phản tư, tức là năng lực quay trở lại bản thân của Tư duy, ý thức tách bản thân thành khách thể, thành đối tượng nhận thức, để phản ánh nó. Phản tư của ý thức là tiêu chí quan trọng xác định sự xuất hiện của cái Tôi (Pierre Teilhard de Chardin, 2014).
Ý thức là đặc tính của cái Tôi, nhưng cái Tôi không phải là ý thức, cũng không phải là các nội dung tâm lí hiện hữu thông thường, mà là một cấu trúc tâm lí đặc thù của cá nhân, có khả năng thu hút, tổ chức và duy trì các cấu trúc tâm lí khác của cá nhân trong trường “tri giác” của mình. Cái Tôi quyết định cái nào được tồn tại trong trường tri giác đó, còn cái nào bị dồn nén, bị đẩy xuống tầng vô thức và ngược lại, phục hồi cái nào từ trong tiềm thức và đưa lên trường ý thức. Về phương diện lứa tuổi, ở trẻ em, ý thức xuất hiện ngay từ mới ra đời, khi trẻ biết chuyển hướng mắt hay tai dõi theo các đối tượng, nhưng khi đó, cái Tôi chưa xuất hiện. Khi đứa trẻ biết mình có một tên riêng; biết nhận ra và biết gọi tên của mình, là dấu hiệu cái Tôi xuất hiện, nhưng chưa đầy đủ, chưa trưởng thành. Khi đứa trẻ khẳng định được “Tôi” trước người khác và trước nó; khẳng định được tên gọi của nó chính là nó và khác với tên của người khác, khi đó đứa trẻ đã có khả năng phản tư, khả năng tự ý thức, là dấu mốc về cái Tôi đầy đủ.
(ii) Tính hoạt động và tính chủ thể của cái Tôi.
Tính hoạt động là đặc trưng cốt lõi của cái Tôi, quyết định sự hình thành và phát triển của cái Tôi và của cả nhân cách
Marx (1980) cho rằng, Hegel vĩ đại ở chỗ ông đã nắm được bản chất của hoạt động của con người và xem xét sự tự sản sinh của con người như một quá trình và tự xác nhận bản chất của mình qua hoạt động. K.Marx cũng khẳng định toàn bộ quan điểm triết học của mình được xuất phát từ những con người hành động, hiện thực. Vì vậy, khi khắc phục luận điểm duy tâm về nguồn gốc tự ý thức của cái Tôi, ông đã “lật ngược” luận điểm của Hegel: không phải ý thức quyết định đời sống, mà chính đời sống quyết định ý thức… người ta phải xuất phát từ những con người đang hành động trong những điều kiện nhất định và coi ý thức chỉ là ý thức của họ mà thôi. Luận điểm khởi nguồn từ hành động trong việc hình thành cái Tôi của K.Marx được xác thực trong việc kiến tạo các cấu trúc tâm lí, kiến tạo cái Tôi từ hành động có tính trải nghiệm của trẻ em trong các nghiên cứu kinh điển của J.Piaget (1950), L.X. Vygotski (1978), Ericson (1963) và J.Dewey (1998).
Nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tới các bản tính tự nhiên tiêu cực như tham lam, dục vọng, hung hãn v.v trong nhân cách (Plato, 2004; Mặc Tử,1995; Freud, 2018). Tuy nhiên, xuyên qua, bên dưới những biểu hiện “tầm thường” đó là lớp bản năng thể hiện tính tích cực vĩ đại của con người: bản năng sống, hướng thiện và vươn lên mạnh mẽ tới những điều tốt đẹp của cuộc sống cá thể và đồng loại (Mạnh Tử, 1996; J. P. Sartre, 2018; C.Rogers, 1994). Con người là một sinh vật tích cực, có tính xã hội cao và khuynh hướng hiện thực hoá các tiềm năng của bản thân (C.Rogers, 1961) và đây mới là gốc rễ tính tích cực của cái Tôi và của sự phát triển cá nhân, xã hội.
Khuynh hướng hiện thực hoá tiềm năng của cá nhân thể hiện bản tính năng động của cái Tôi. K. Marx (1980) phân biệt bản tính và bản chất. Theo đó, con người có bản tính (nature) tích cực (active) và chế tạo (Productive) với đặc trưng sản xuất ra công cụ lao động và có bản chất (Essence) là tổng hoà các quan hệ xã hội. Theo các nhà tâm lí học nhân văn, cái Tôi có nhu cầu tự thể hiện mình, nghĩa là nhu cầu vươn lên để hiện thực hoá đầy đủ tiềm năng của mình (A.Maslow,1968). Nhân cách có hai hệ thống: Hệ thống tổ chức và hệ thống động lực thúc đẩy. Hệ thống tổ chức là cơ cấu các nội dung tâm lí được liên kết, được tổ chức qua hoạt động, còn hệ thống động lực bao gồm khuynh hướng hiện thực hoá đầy đủ những yếu tố tiềm năng; định hướng nhận thức và phát triển những khả năng tích cực, có lợi; vươn tới sự tự trị, tự quyết, tự kiểm soát và độc lập; tạo ra sự phát triển và sự khác biệt giữa mình với người khác (C. Rogers, 1959).
Hoạt động là bản thể tạo ra tính chủ thể của cái Tôi. Sartre (2018) cũng cho rằng, bản chất của con người do chính mình (người đó) tạo ra, thông qua hoạt động. Đó cũng chính là tính chủ thể của cái Tôi. Tính chủ thể của cái Tôi tạo nên bản sắc, sự độc đáo, tính cách, phong cách, lối sống, lẽ sống của nhân cách (Adler, 1930; Lewin, 1951; Allport G.W,1961). K.Marx (1980) cho rằng, tính chủ thể là năng lực định vị mình, khẳng định mình, hiện thực hóa khả năng của nhân cách qua hoạt động, tương tác xã hội và được kết tinh trong sản phẩm. Mất tính chủ thể, cá nhân không còn nhân cách của mình, mà là của người khác, đó là sự tha hoá nhân cách. Cũng theo K.Marx, sự tha hoá nhân cách, có nguồn gốc từ tha hoá hoạt động, tức là hoạt động bị làm mất bản chất tốt đẹp, cao cả của nó, biến nó thành phương tiện cho mục đích khác, trở thành phương tiện nô dịch con người.
Tính chủ thể liên quan tới Tự nhận thức về bản thân và tự trọng. Tự nhận thức về bản thân là nhận thức của cái Tôi về những cái mà cá nhân có, bao gồm cả những đặc điểm về thể chất, tâm lí và các yếu tố xã hội của cá nhân. Tự trọng là phẩm chất liên quan tới thái độ đánh giá của cái Tôi đối với bản thân, thể hiện mức độ hài lòng (hay không) với bản thân. Tự trọng dựa trên tự nhận thức và liên quan tới niềm tin vào bản thân và xã hội của cái Tôi. Niềm tin vững chắc vào bản thân là điểm tựa của lòng tự trọng cao và là cơ sở để cá nhân đặt ra mục tiêu hợp lí và có những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống (Wood, Heimpel, Michel, 2003). Tự trọng là yếu tố cốt lõi của cái Tôi, là cơ sở của thái độ tích cực (hay tiêu cực) của cái Tôi. Tính tự trọng của cái Tôi liên quan tới nhu cầu được tôn trọng tích cực vô điều kiện từ phía xã hội, từ người khác (C.Rogers, 1961).
Tính chủ thể của cái Tôi cũng chịu sự chế ước bởi văn hoá. Văn hoá Phương Tây đề cao cái Tôi cá nhân, còn văn hoá Phương Đông nhấn mạnh cái Tôi cộng đồng và thường kín đáo, khiêm nhường trong việc đề cao bản thân (Trần Ngọc Thêm, 2001; Koole, Dijksterhuis, & van Knippenberg, 2001).
Tính chủ thể của cái Tôi không phải ngay từ đầu đã trưởng thành. Nó phát triển theo sự trưởng thành của cái Tôi trong suốt cuộc đời cá nhân. Nhận thức được tính chủ thể của cái tôi chính là quá trình hình thành và trưởng thành của nhân cách (C.Rogers, 1961).
(iii) Tính độc lập (tự quyết) của cái Tôi
Tính chủ thể của cái Tôi quan hệ trực tiếp tới tính tự quyết hay tự do của cái Tôi – một đặc trưng nổi bật khác của cái Tôi.
Tự quyết hay tự do (do chính mình) của cái Tôi là tự lựa chọn, tự lực, tự đảm nhận, tự chịu trách nhiệm với bản thân mình, với hành động của mình. Tự quyết = tự tại, tự lực, không a dua, không làm vì ép buộc, vì sợ hãi, không ỉ lại v.v.
Tự lực quan hệ với nhận thức tính tất yếu. Tôi nhận thấy làm như thế là đúng với lương tâm và tôi hành động theo lương tâm. Tự quyết chính là tự do cao nhất của cái Tôi và xuất phát từ tính chủ thể của cái Tôi, vì cái Tôi và cho cái Tôi. Hành động tự quyết của cái Tôi chính là hành động tự do của nhân cách.
Tính tự quyết của cái Tôi được thể hiện khá rõ trong nhu cầu được thừa nhận, nhu cầu được khẳng định của nhân cách (A. Maslow,1968); nhu cầu vươn tới sự hiện thực hoá mọi tiềm năng của nhân cách (C. Roger, 1961). Theo Sartre (2018), tính tự do của cái Tôi là tự tạo ra chính bản thân, tự chịu trách nhiệm về những gì mình đang có, tự quyết trong việc lựa chọn và nỗ lực dấn thân để thực hiện.
(iv) Tính tương tác
Tương tác là sự tác động tương hỗ lẫn nhau gữa các đối tượng. Trong cái Tôi nguyên thuỷ đã có hai mối tương tác: Tương tác giữa các hiện tượng có nội dung tâm lí diễn ra trong trường ý thức. Cái Tôi giống như một nam châm thu hút và duy trì sự tương tác giữa các hiện tượng tâm lí ở trung tâm của ý thức. Mặt khác, có sự tương tác giữa các yếu tố bản năng tự nhiên và văn hoá nguyên thuỷ với môi trường, hoàn cảnh. Chính trong sự tương tác này mới nảy sinh xung đột, làm xuất hiện cái Tôi (K. Jung, theo Murray Stein, 2011). Tương tác là bản chất xã hội của cái Tôi (K. Marx, 1980); là phương thức phát triển các cấu trúc tâm lí văn hoá (Vygotski,1978). Tương tác biểu trưng là phương thức xuất hiện và duy trì, phát triển cái Tôi (Ch. Cooly, 1902; G.Mead, 1934; H.Blumer, 1969; J.Dewey, 1998). Khuynh hướng xã hội của cái Tôi cũng như quá trình xã hội hoá cái Tôi cá nhân thành cái Tôi xã hội, là quá trình tương tác và chuyển hoá cái Tôi nguyên thuỷ thành cái Tôi xã hội, cái Tôi văn hoá. (S.Freud, 2018)
Theo C.Rogers nếu tạo ra được mối tương tác tốt đẹp với cái Tôi thì người được tương tác sẽ thấy (mở ra) được những ẩn ức bị dồn nén vô thức trước đây; tự chủ và tự tin hơn, tự bộc lộ hơn; hiểu người khác và chấp nhận người khác hơn; có thể đương đầu với với những vấn đề của cuộc sống hơn ( C.Rogers, 1961).
(v) Tính sáng tạo và bù trừ
Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh tính độc đáo của nhân cách và đề cao các nguồn gốc của cái Tôi. Tuy nhiên, những nguồn gốc đó (tự nhiên và văn hoá) không tạo ra sự độc đáo của cái Tôi, cho dù chúng có sự khác biệt ít nhiều giữa các nhân cách. Sự độc đáo của mỗi nhân cách trước hết thể hiện ở sự lựa chọn, sự tổ chức, tương tác và phản ứng sáng tạo của cái Tôi với mọi tác động. Các nguồn gốc cơ thể, bản năng tự nhiên hay văn hoá cũng như tài nguyên môi trường chỉ cung cấp nguyên liệu cho cái Tôi. Còn việc lựa chọn, sắp xếp, tổ chức các vật liệu đó như thế nào, khai thác, sử dụng chúng theo mục đích gì v.v. hoàn toàn do cái Tôi tự do, tự quyết, tự chịu trách nhiệm với bản thân mình, với hành động của mình. Vì vậy, cái Tôi là một kiến trúc sư sáng tạo (K. Jung, theo Murray Stein, 2011; Adler, 1930).
Theo phương diện khác, giống sự bù đắp sinh học, sự yếu kém của một chức năng tâm lí nào đó (nói ngọng chẳng hạn), làm xuất hiện ở cái Tôi cảm giác thấp kém hơn, từ đó sẽ xuất hiện động cơ (và lối sống) bù đắp sự thấp kém và phấn đấu đạt tới tính ưu việt của chức năng đó (thành nhà hùng biện). Ngược lại, nếu cái Tôi xuất hiện mặc cảm tự ti, sẽ trở thành yếu tố ngăn cản sự bù đắp, hạn chế sự phát triển (Adler, 1930; Erikson,1963). Sự nhận thức, hiểu biết của cái Tôi về cấu trúc tâm- sinh lí của mình, nhận thức sự yếu kém và có thái độ cũng như hành động bù đắp, phấn đấu hướng tới ưu việt chính là sự sáng tạo của cái Tôi nhân cách (Adler,1930).
2.1.3. Chức năng của cái Tôi trong nhân cách cá nhân
Với vai trò chủ thể của nhân cách, cái Tôi có nhiều chức năng: Nhận thức, thu hút, định hướng- tổ chức và chức năng động lực thúc đẩy hoạt động của nhân cách.
2.1.3.1. Chức năng nhận thức của cái Tôi
Chức năng đầu tiên của cái Tôi trong nhân cách là chức năng nhận thức tri giác (lí tính). Cái Tôi được ví như cái gương mà mọi sự kiện tâm lí của nhân cách cũng như mọi đối tượng của thế giới bên ngoài và bên trong được tri giác đều soi mình trong đó. Nhờ vậy, chúng trở lên được ý thức. Chức năng nhận thức của cái Tôi không chỉ với các sự kiện tâm lí, mà còn với chính bản thân cái tôi – tức là tự phản chiếu, tự nhận thức của cái Tôi. Bản ngã là toàn bộ đặc điểm của riêng mỗi cá nhân, từ cơ thể đến các cấu trúc tâm lí, kể cả giá trị, ….có khuynh hướng hiện thực, tích cực. Tất cả những cái đó như là một tổng thể được cái Tôi nhận thức, ý thức, như là chức năng của cái Tôi.
Chức năng nhận thức có thể được thực hiện theo nhiều con đường, phương pháp khác nhau. Có thể thông qua sự so sánh mình với người khác xung quanh, người cùng hoàn cảnh (Festinger, 1954; Sul & Wheeler, 2000); so sánh với cái Tôi của mình hiện nay với cái Tôi của mình trước đây (Ross & Wilson, 2002); tri giác cái Tôi của mình trong các trải nghiệm trong các tình huống đa dạng của cuộc sống (Bem, 1972).
2.1.3.2. Chức năng tổ chức, định hướng hoạt động của cái Tôi.
Cái Tôi là chất keo, bọt biển, thanh nam châm thu hút, hấp dẫn các sự kiện tâm lí với nhau tạo thành một khối, xung quanh cái Tôi, trong trường ý thức của cá nhân. Ở vị trí này, các yếu tố tâm lí trở lên linh hoạt và có năng lượng hơn.
Chức năng nhận thức là phản ánh tâm lí trong ý thức. Nhưng tâm lí không chỉ là phản ánh, mà quan trọng hơn là hoạt động cải tạo thực tiễn và cải tạo chính bản thân mình (K.Marx, 1980). Ở đây, cái Tôi có chức năng tổ chức, định hướng, ra các quyết định hoạt động của nhân cách và đây là chức năng quan trọng nhất, thể hiện rõ nhất các đặc trưng cũng như vai trò của cái Tôi trong nhân cách và sự phát triển nhân cách. Các chức năng tâm lí đa dạng và phong phú của con người có cấu trúc giống nhau và chung cho mọi cá nhân, nhưng nhân cách cá nhân là độc đáo, có bản sắc riêng. Điều này không phải là do bản thân các chức năng tâm lí tạo ra mà là do sự kết cấu, tổ chức và khai thác chúng theo cách riêng, tuỳ theo sự trưởng thành và bản lĩnh của cái Tôi nhân cách. Những suy nghĩ, thái độ, hành động vô cùng đa dạng, phong phú và phức tạp của nhân cách trong cuộc sống hàng ngày đều do Cái Tôi tổ chức, định hướng và quyết định. Cái Tôi cũng được ví như người tuyển trạch viên, quyết định khi nào một chức năng tâm lí được huy động, khai thác vào việc gì đó, khi nào được tồn tại trong ý thức, khi nào bị lãng quên, bị đẩy vào vô thức và khi nào được khôi phục lại v.v (K.Jung, theo Murray Stein, 2011). Chức năng năng tổ chức, định hướng hoạt động của cái Tôi có thể được thực hiện theo con đường kiến tạo các hành động, các cấu trúc thông qua việc xây dựng các lược đồ về cái Tôi (Self- Schemas) và điều chỉnh cái Tôi theo lược đồ (Piaget,1950; Kendzierski & Whitaker,1997; Baumeister,&Vohs, 2003)
2.1.3.3. Chức năng động lực thúc đẩy hoạt động
Mọi hoạt động của cá nhân (hoạt động sinh lí, tâm lí và siêu tâm lí), dù đơn giản và thoảng qua, cũng cần có năng lượng: Năng lượng vật lí, năng lượng sinh lí, năng lượng tâm lí và năng lượng siêu tâm lí. S.Freud (2018) cho rằng có sự chuyển hoá giữa các năng lượng (định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng) bản năng trong cái Ấy thành năng lượng ý thức của cái Tôi và cái Tôi sử dụng năng lượng đó để giám sát và điều phối, kích hoạt, tăng cường các hành động (trong trường ý thức) của nhân cách. Cái Tôi giống trạm biến thế, kích hoạt, cung cấp, điều phối và chuyển hoá các nguồn năng lượng cho các hoạt động của nhân cách. Mọi đam mê, khát vọng sáng tạo, mọi nỗ lực ý chí, nghị lực vượt khó, sự xả thân vì mục tiêu, sự nghiệp v.v của nhân cách đều được thẩm thấu và quy tụ vào cái Tôi và được cái Tôi ý thức, kích hoạt, huy động và cung cấp nguồn năng lượng thúc đẩy nhân cách hiện thực hoá.
Sự chuyển hoá và kích hoạt năng lượng, tạo động lực thúc đẩy cá nhân hoạt động xuất hiện từ những năm đầu đời ở trẻ em, thông qua cơ chế đồng nhất hoá với cha mẹ theo các yêu cầu có tính văn hoá, tình cảm và đạo đức xã hội (Freud, 2018). Những kế hoạch cho tương lai (lí tưởng của cái Tôi); sự thức tỉnh lương của cái Tôi; nỗ lực vì lòng tự trọng và vì giá trị của bản thân là những yếu tố tạo ra động lực thúc đẩy nhân cách hoạt động (Cross & Markus, 1991; Higgins, 1999; Crocker & Park, 2003).
2.2.3. Sự hình thành và phát triển cái Tôi trong nhân cách cá nhân
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cái Tôi nhân cách có hai cấp độ: Cái Tôi cá nhân và cái Tôi xã hội (James, 1890); “Nhân cách số 1” và “Nhân cách số 2” (K. Jung, theo Murray Stein 2011); Cái Tôi khách thể và cái Tôi chủ thể (G.Mead, 1934). Dù ở cấp độ nào, cái Tôi cũng đều được hình thành và phát triển theo cơ chế tương tác xã hội.
Sự hình thành cái Tôi cá nhân
Cái Tôi cá nhân hay ” nhân cách số 1″ là cái Tôi nguyên thuỷ, có tính bản năng của nhân cách. S.Freud (2018) cho rằng, trong quá trình đòi hỏi được thoả mãn cái bản năng tự nhiên hay văn hoá trong vô thức, có sự tương tác xã hội với điều kiện thực tại xã hội, làm nảy sinh ý thức của cá nhân về thực tại đáp ứng yêu cầu thoả mãn, từ đó xuất hiện cái Tôi. Cái Tôi được hình thành là do xung đột xảy ra trong tương tác xã hội giữa những đòi hỏi của các nhân tố thân và tâm thần của cá nhân với các điều kiện của môi trường bên ngoài và bên trong (K. Jung, theo Murray Stein 2011). Khi đã được xác lập với tư cách là chủ thể, cái Tôi tiếp tục được phát triển từ những xung đột xa hơn với thế giới bên ngoài và bên trong. Vì vậy, một xung đột vừa phải với môi trường với một sự hẫng hụt nhất định là nguyên nhân cái Tôi hình thành và phát triển (K. Jung, theo Murray Stein 2011). Cũng theo K. Jung, nếu xung đột với cường độ mạnh và sự hẫng hụt quá lớn có thể làm tổn hại đến cái Tôi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em các giai đoạn nhỏ. Chẳng hạn, sự xâm hại thân thể hay tính dục trẻ em sẽ dẫn đến sự tổn thất nghiêm trọng cái Tôi của trẻ, thậm chí bị suy sụp, rối loạn. Điều này cũng được nhấn mạnh trong nghiên cứu của Erikson về sự khủng hoảng cái Tôi ở trẻ em xảy ra trong sự tương tác giữa trẻ với người khác, với xã hội (Erikson,1963).
Sự hình thành và phát triển cái Tôi xã hội
Sự hình thành và phát triển cái Tôi xã hội thực chất là xã hội hoá cái Tôi. Chuyển cái Tôi bản năng nguyên thuỷ thành cái Tôi xã hội (S.Freud, 2018). Chuyển hoá “nhân cách số 1”, nhân cách gốc thành “nhân cách số 2”, là nhân cách văn hoá xã hội. Sự xã hội hoá cái Tôi có thể ở nhiều cấp độ: Chuyển từ các bản năng tự nhiên, thành nhân cách siêu Tôi chiếm ưu thế, thành con người đạo đức, tình cảm xã hội cao đẹp, dung dưỡng và phát triển những đặc trưng tốt đẹp của cái Tôi chân chính hoặc thành nhân cách, mang đậm cái Tôi bản năng nguyên thuỷ với những ham muốn thể xác, tự nhiên v.v.
Có nhiều con đường hình thành và chuyển hoá của cái Tôi cá nhân thành cái Tôi xã hội: (i) Đồng nhất hoá cái Tôi nguyên thuỷ với cái Siêu Tôi trong nhân cách (S.Freud, 2018) hoặc theo con đường học tập nhận thức xã hội (Bandura, A. 2002; Mischel,W., Shoda,Y. 1995); (ii) Cấu trúc lại các chức năng tâm lí tự nhiên thành chức năng tâm lí văn hoá nhờ sự sáng tạo và sử dụng các công cụ, kí hiệu văn hoá (L.X. Vygotski, 1978); (iii) Điều chỉnh cái Tôi theo nguyên lí tương tác biểu trưng: Cái tôi nhìn trong gương, hay người khác là tấm gương soi cái tôi, tức là trong tương tác, giao tiếp với người khác, cái Tôi được hình thành bằng con đường điều chỉnh cái Tôi của mình dựa trên sự đọc và thấu hiểu sự biểu hiện của cái Tôi của người khác khi bị ảnh hưởng bởi sự tác động của mình theo nguyên lí tôi soi gương, tức hành vi của người khác trong tương tác là tấm gương soi hành vi của tôi (Ch. Cooly, 1902; G.Mead, 1934; H.Blumer, 1969); (iv) Sự bù đắp của cái Tôi bằng cách cấu trúc lại các chức năng tâm – sinh lí cá nhân theo nguyên lí điều chỉnh sự yếu kém để đạt tới sự ưu việt (Adler, 1930); (v). Cuối cùng và phổ quát là cấu trúc lại và làm tăng trưởng liên tục kinh nghiệm của cái tôi thông qua trải nghiệm và suy ngẫm cuộc sống thực (J. Piaget, 1950; J.Dewey, 1998).
III. Kết luận
Bằng tiếp cận hệ thống và ngày nay là tiếp cận hệ sinh thái phát triển, cho phép nhìn lại quá trình phát triển của Tâm lí học nhân cách. Không thể phủ nhận nỗ lực và những đóng góp lớn lao của các nhà tâm lí học, cung cấp hệ thống dữ liệu khổng lồ và phong phú về các sự kiện liên quan tới nhân cách và sự phát triển của nhân cách. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, những câu hỏi quan trọng nhất về nhân cách, cấu trúc và sự phát triển của nhân cách vẫn chưa thực sự được tường minh. Rõ ràng rằng, nhân cách không phải là những nét tính cách của cá nhân, không phải là những yếu tố tâm lí có tính đặc thù, riêng của mỗi cá nhân, ổn định trong suốt đời sống của cá nhân đó. Nhân cách là sản phẩm muộn của cá nhân, phát triển trên nền tảng bản thể cá nhân; là chủ thể cá nhân; là cách thức cá nhân phát triển và thể hiện mình qua hoạt động và tương tác xã hội. Nhân cách là các yếu tố tâm lí được cấu trúc độc đáo bởi cái Tôi nhân cách, tạo ra bản sắc của cá nhân, hướng cá nhân phát triển và làm chủ cuộc sống của mình, góp phần vào sự thay đổi môi trường sống tự nhiên và xã hội. Nhân cách là hệ thống mở luôn vận động, phát triển và trưởng thành trong một hệ sinh thái tương tác và thống nhất. Trong đó, Cái Tôi là trung tâm của nhân cách; là hạt nhân của nhân cách; là chủ thể của nhân cách, thể hiện qua năng lực tự ý thức về bản ngã; năng lực tác động đến chính bản thân, đến người khác, đến môi trường xã hội và tự nhiên nhằm thoả mãn nhu cầu, giá trị, mục đích của cá nhân, qua đó làm thay đổi, phát triển và thể hiện bản ngã của cá nhân. Cái Tôi có chức năng và năng lực nhận thức, ý thức; năng lực hấp dẫn, liên kết, định hướng, tổ chức và vận hành các cấu trúc tâm – sinh lí đa dạng của nhân cá nhân; có khản năng kích hoạt, chuyển hoá năng lượng và tạo động lực cho cá nhân hoạt động và tương tác. Vì vậy, nhà giáo dục có thể, quan tâm tới sự phát triển mọi chức năng tâm lí đa dạng của nhân cách, nhưng trước hết và quan trọng nhất- có tính quyết định, là cần phải hiểu và hướng đến hỗ trợ phát triển đúng đắn và tối đa cái Tôi của trẻ em.
__________________
P. T. Ngo, L.M. Nguyet