Trường học hạnh phúc đã trở thành một từ khóa phổ biến trong ngành giáo dục tại Việt Nam. Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy school” của UNESCO, mô hình trường học hạnh phúc tại Việt Nam được triển khai từ năm 2018 với 22 tiêu chí tập trung vào 3 khía cạnh cốt lõi: Con người (People) – Hệ thống (Process) và Môi trường (Place). Trong đó, khía cạnh Con người đã đề cập rất nhiều đến vai trò của giáo viên trong việc phát triển mô hình này, cụ thể: thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Giáo viên là những người có tác động quan trọng về xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của hàng học sinh. Nếu giáo viên có tình trạng sức khỏe tâm thần tốt, có thái độ, nhận thức, và năng lực tốt, sẽ tạo ra những tác thế hệ học trò hạnh phúc, có tác động lâu dài đến sự phát triển của hàng nghìn học sinh.
Hội thảo là sự hợp tác giữa Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐHGD (UEd), ĐHQGHN cùng tổ chức tổ chức Good Neighbors International (GNI), Hàn Quốc tổ chức.
Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Nguyễn Đức Huy – Phó HT Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cũng khẳng định các thế mạnh nghiên cứu và đóng góp xã hội của Khoa Các khoa học giáo dục trong lĩnh vực Tham vấn học đường, Tâm lý học lâm sàng và Khoa học giáo dục. Khoa CKHGD cũng đã có nhiều nghiên cứu đóng góp cho Ngành Giáo dục và Công Đoàn GD Việt Nam.
Hội thảo đã lắng nghe nhiều báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện cán bộ quản lý trường phổ thông và giáo viên phổ thông các cấp.
Báo cáo thứ nhất: Tổn thương sức khỏe tâm thần sau đại dịch và những thách thức của hệ thống chăm sóc SKTT do PGS.TS.Trần Thành Nam trình bày.
Báo cáo đã nêu bức tranh thực trạng tổn thương SKTT của GV trong các nghiên cứu khảo sát trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, ông Nam trích dẫn các khảo sát của CDC, Hoa Kỳ cho thấy 52% giáo viên báo cáo rằng sức khỏe tâm thần của họ suy giảm sau đại dịch Covid-19. Có khoảng 27% giáo viên sàng lọc bằng trầm cảm bằng thang PHQ-9 đáp ứng trầm cảm; 37% giáo viên sàng lọc bằng thang GAD-7 đáp ứng lo âu; trong đó có 19% giáo viên báo cáo rằng đã sử dụng các chất kích thích gây nghiện như rượu như một cách giải tỏa stress và cảm xúc tiêu cực. Khảo sát này cũng cho thấy khoảng 53% giáo viên nghĩ nhiều hơn đến việc rời khỏi vị trí công tác so với trước đại dịch.
Còn khảo sát Teacher Wellbeing Index 2022 cho thấy có khoảng 75% giáo viên đang căng thẳng quá mức; 47% giáo viên báo cáo thường xuyên đến trường làm việc trong tình trạng không hoàn toàn khỏe mạnh về tinh thần, 59% cảm thấy không tự tin khi chia sẻ về những vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân và 48% cảm thấy không được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần của bất cứ một tổ chức hay dịch vụ nào.
Tương tự, nghiên cứu tại Việt Nam trong cộng đồng đang cho thấy cứ 8 người thì có 1 người bị tổn thương sức khỏe tâm thần, trong đó các vấn đề trầm cảm và lo âu đang là phổ biến nhất (trầm cảm tăng lên 28% và lo âu tăng lên 26%). Một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương SKTT cao và khoảng 6,1% giáo viên có SKTT không tốt. Và cũng giống như các nghiên cứu trên thế giới, hầu hết mọi người không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ, và một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
Số liệu cho thấy đại dịch Covid đang ảnh hưởng nặng nề hơn đến sức khỏe của nữ giáo viên hơn là nam giáo viên. Tuy nhiên, cũng chỉ ra nam giáo viên khó kiểm soát được hành vi cảm xúc hơn giáo viên nữ. Sự hài lòng và tự tin với công việc chuyên môn, số năm kinh nghiệm và sự gắn kết trường học, cam kết với nghề trồng người là những yếu tố giúp bảo vệ SKTT của các thầy cô.
TS Trần Thành Nam cũng điểm qua một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này bao gồm quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành; không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc… Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân khác như phải thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh học sinh và sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới. Ngoài ra ở Việt Nam, một yếu tố gây áp lực lớn với giáo viên là việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, chụp hình và đưa các thông tin lên MXH một cách thiếu cân nhắc.
Còn nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên thường không chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là vì còn nhiều niềm tin thành kiến về vấn đề này. Giáo viên thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác. Nhiều giáo viên vẫn tin rằng cách để chữa bệnh tâm lý chỉ là ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, đi ra ngoài chơi là khỏi bệnh.
Dựa trên những phân tích về thực trạng và nguyên nhân, TS Trần Thành Nam cũng đề xuất về một cơ chế để tận dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện tại của hệ thống dịch vụ của y tế và hệ thống của ngành Lao động và thương binh xã hội. Đề xuất một môi trường kết nối các nhóm đa chức năng. Ví dụ cần tích hợp và chuyên nghiệp hóa 3 vị trí hỗ trợ SKTT trong trường học là nhà tham vấn tâm lý, nhà tâm lý học đường và nhân viên công tác xã hội học đường (3 vị trí luôn có ở các nhà trường phương Tây) để có thể thiết kế lên bản vẽ của ngôi trường hạnh phúc với các chương trình phòng ngừa, can thiệp và tạo ra một không gian mang tính chữa lành trong trường học. Bên cạnh đó, TS Trần Thành Nam cũng kêu gọi sự hợp tác để xây dựng một hệ thống đánh giá sàng lọc các vấn đề tổn thương SKTT cho GV và học sinh trong toàn hệ thống; phát triển các nhóm hỗ trợ đồng đẳng từ xa, các dịch vụ hỗ trợ chuyên gia trực tuyến, tận dụng các ứng dụng chăm sóc SKTT hiện đang được xuất hiện trên các cửa hàng trực tuyến như App Store hay Google play, phát triển các khóa học mở trực tuyến cho GV.
Ngoài ra, TS Nam cũng dẫn chứng việc áp dụng các chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần đưa vào nhà trường đã có hiệu quả và khuyến nghị cần đưa một số nội dung giáo dục nhận thức về sức khỏe tâm thần vào Nhà trường bao gồm: làm rõ sự kỳ thị về bệnh tâm thần; hiểu biết đúng về bệnh tâm thần; nhận diện một số biểu hiện bệnh tâm thần phổ biến; trải nghiệm cách thức vệ sinh sức khỏe tâm thần đúng; tìm kiếm sự giúp đỡ đúng và duy trì tâm trạng tích cực và tầm quan trọng của một SKTT tích cực.
Báo cáo thứ hai trong phiên hội thảo là báo cáo của PGS. TS Trần Văn Công về các mô hình phòng chống bạo lực học đường.
Báo cáo này tập trung vào 4 nội dung, gồm: (1) Các vấn đề xung quanh bạo lực học đường; (2) Vai trò của nhà trường trong phòng chống và giải quyết bạo lực học đường; (3) Một số mô hình phòng chống bạo lực học đường và (4) Thảo luận cho mô hình tại Việt Nam. Thông qua việc tổng quan và phân tích các tài liệu hiện có trên thế giới và Việt Nam, một số kết quả chính đã thu được như sau:
Thứ nhất: Bạo lực học đường là bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên xảy ra trong khuôn viên trường học, trên đường đến trường hoặc về nhà, hoặc trong các sự kiện mà nhà trường tổ chức; và một học sinh có thể là nạn nhân, thủ phạm, hoặc người chứng kiến. Các hệ quả không chỉ dừng lại ở tổn thương thể chất ngay lập tức mà còn là các tổn thương sau này về tinh thần. Một số yếu tố nguy cơ trở thành thủ phạm gồm hành vi phạm pháp/chống đối, rối loạn tăng động giảm chú ý; trong khi đó các yếu tố nguy cơ trở thành nạn nhân liên quan đến sự chấp nhận của bạn bè, học sinh nào được bạn bè yêu mến và chấp nhận hơn thì ít có khả năng trở thành nạn nhân ở trường và ngược lại.
Thứ hai, trường học có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em. Những người lớn giám sát và làm việc trong môi trường giáo dục có nhiệm vụ cung cấp môi trường hỗ trợ và thúc đẩy phẩm giá, sự phát triển và bảo vệ của trẻ em. Giáo viên và các nhân viên khác có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em do họ phụ trách.
Thứ ba, các hoạt động toàn diện giúp ngăn ngừa bạo lực và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, những người quan trọng trong cuộc sống của trẻ đã được chứng minh là có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực so với các hoạt động chỉ tập trung vào một nhóm mục tiêu cụ thể. Đồng thời, việc thực hiện cần đảm bảo có đầy đủ các yếu tố theo tiến trình từ đánh giá xác định vấn đề, thiết lập kế hoạch rõ ràng về các hoạt động cho các bên liên quan cho đến đánh giá hiệu quả.
Cuối cùng, thực trạng cho thấy các mô hình tại Việt Nam phần lớn tổ chức nhỏ lẻ theo các trường, hoặc khu vực nhỏ; cũng bao gồm đa dạng các bên liên quan như nhà trường, công an, hội phụ huynh và học sinh với các hoạt động chủ đạo gồm: tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các buổi sinh hoạt của học sinh. Tuy vậy, mới chỉ tập trung can thiệp vào nhóm học sinh, thiếu vắng sự tác động, thay đổi vào môi trường lớn hơn là hệ thống trường học, nhận thức và kỹ năng của cha mẹ. Do đó, các mô hình trong tương lai cần quan tâm đến: kế hoạch cải thiện, thay đổi tối đa các bên liên quan; nguồn tài chính phát triển và duy trì mô hình; và triển khai mô hình cần có các chỉ báo kết quả đo lường được.
Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hiệp Thương (Phó Trưởng ban Tổ chức (phụ trách đào tạo, bồi dưỡng) – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trình bày báo cáo tham luận về Hướng tới giải quyết căn bản những vấn đề nổi cộm của trường học – Nhu cầu cấp thiết phải có đội ngũ những người làm công tác xã hội, tham vấn tâm lý trường học chuyên trách.
Theo PGS Thương, để có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, nhà trường – học sinh, phụ huynh, gia đình, các cấp, các ngành và cả xã hội thì các cơ sở giáo dục, nhà trường ở các cấp rất cần phải có những người có kiến thức, kỹ năng và được đào tạo chuyên sâu để làm công việc này. Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới: người làm công việc này chính là nhân viên công tác xã hội trong trường học, cán bộ tham vấn, tư vấn tâm lý trong trường học.. Một số giải pháp để để phát triển đội ngũ nhân viên CTXH hiệu quả và khả thi:
– Sớm tổ chức thành lập phòng phòng tư vấn tâm lý, phòng công tác xã hội trường học
– Sử dụng những cán bộ, giáo viên được phân công chuyên trách làm tư vấn tâm lý, cán bộ y tế học đường, tổng phụ trách đội, bí thư đoàn trường hoặc giáo viên chủ nhiệm để tập huấn chuyên sâu về công tác xã hội trường học, giúp họ có thể đảm nhiệm vai trò là nhân viên công tác xã hội trường họccần gọi tên các phòng tư vấn tâm lý trường học ( Tư vấn tâm lý học đường) hay phòng công tác xã hội trường học ở các trường học là phòng tham vấn trường học ( phòng tham vấn học đường).
Một báo cáo đáng chú ý nữa trong Hội thảo được trình bày bởi TS Trần Văn Tính với nhan đề “ Lý luận và bằng chứng xây dựng trường học hạnh phúc” trong đó nhấn mạnh việc xây dựng trường học hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng của giáo dục. Xây dựng trường học hạnh phúc (Happy School) cần được xây dựa trên các lý luận và bằng chứng cần thiết cụ thể như:
– Khởi điểm mô hình của UNESCO năm 2014 với 22 tiêu chí phổ quát
– Điều chỉnh mô hình với khu vực Châu Á (UNESCO Bangkok, 2016).
– Ứng dụng của LVEP vào xây dựng trường học hạnh phúc
– Kế hoạch số 102/KH-CĐN ngày 02/4/2019 về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc của Công đoàn GDVN
– Sự biến đổi của giáo dục thế kỉ 21
Và để xây dựng trường học hạnh phúc, với mỗi trường, địa phương, vùng miền cần có nghiên cứu để đề xuất tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc cho phù hợp.
Ví dụ, Đề xuất, các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc cấp THCS phù hợp và thực hiện hiệu quả gồm:
TIÊU CHÍ VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT
- Trường học có tính nghệ thuật, lãng mạn.
- Các khẩu hiệu giáo dục mang tính nhân văn
- Bàn nghề và đồ dùng học tập phù hợp với đặc điểm phát triển của lứa tuổi
- An toàn về cơ sở vật chất
- Một ngôi trường cần được làm sạch từng góc, từng chi tiết.
TIÊU CHÍ VỀ MÔI TRƯỜNG TÂM LÝ
- Môi trường Yêu thương
- Môi trường An Toàn
- Môi trường tôn trọng
TIÊU CHÍ VỀ XÂY DỰNG “HÌNH ẢNH” THẦY – TRÒ
Hình ảnh của học sinh
- Tự giác: Tự học tập và thực hiện các công việc cá nhân với sự nỗ lực cao nhất
- Tôn trọng: Lắng nghe và không làm tổn thương những người xung quanh.
- Hợp tác: Làm việc cùng bạn bè, thầy cô để thực hiện mục tiêu tốt đẹp
- Sáng tạo: Luôn suy nghĩ sáng tạo, tư duy mở trong học tập và cuộc sống.
Hình ảnh thầy cô giáo
- Học hỏi: Để nâng cao trình độ chuyên môn
- Chia sẻ: Để xây dựng tình cảm thầy trò ấm áp.
- Hợp tác: Để tạo dựng một tập thể vững mạnh
TIÊU CHÍ TRONG HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
Hoạt động học tập
- Người học được phép sáng tạo – khuyến khích sự sáng tạo
- Người học được học theo nhu cầu
- Người học được học vừa sức với sự tiến bộ của người học
- Người học tự đánh giá nhiều hơn
- Coi sai sót là một tất yếu, từ đó tự điều chirh để mở ra một cơ hội mới
Hoạt động dạy học
- Không đặt áp lực thành tích (giải thưởng) với học trò
- Dạy sát đối tượng – Có chương trình riêng với từng nhóm đối tượng học sinh
- Cho người học được theo đuổi tài năng cá nhân theo phương thức độc đáo
- Giúp người học lựa chọn nhu cầu – xây dựng kế hoạch
- Không biến kiểm tra – đánh giá thành sự đe doạ với học sinh
- Động viên nâng cao sự thành công chứ không phải sự hãi với người học
Bài và ảnh: BTC