Đằng đẵng suốt cả một thời rất lâu, thế gian ai ai cũng nói nhất sĩ nhì nông. Chỉ đến khi nào vật đổi sao dời, gió nổi can qua hay đất bằng nổi sóng trăm họ lầm lũi trong thiên hạ mới dám nói rằng hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. Ở thời xa xưa ấy, sĩ là người theo học chữ nghĩa và đạo lý của thánh hiền, lòng luôn luôn sục sôi ý chí ra giúp vua trị nước và họ đương nhiên được coi là dân chi phụ mẫu, luôn luôn là kẻ nắm quyền trị dân, chăn dân. Nông là nhà nông, là nông dân. Sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc vào kết quả cần cù cày sâu cuốc bẫm của bao người nông dân chân lấm tay bùn, phụ thuộc trời cao đất dày giàu lòng xót thương ban cho mưa hòa gió thuận, nhưng xã hội nông phu có bao giờ thoát phận thua kém được đâu.
Cũng đằng đẵng suốt cả một thời rất lâu dài, thế gian vẫn hào hiệp mô tả bức chân dung xã hội với cấu trúc tưởng như rất bình đẳng của tứ dân gồm bốn bộ phận là sĩ, nông, công, thương. Tuy có thêm công và thương thậm chí không ít người còn quả quyết phi thương bất phú nhưng vút cao vòi vọi nơi tôn nghiêm vẫn chỉ có kẻ sĩ và ngay sau đó là nông. Phàm là sĩ phải luôn sùng bái cổ nhân, chân lý chỉ có trong lời của Khổng Tử, Tăng Tử, Mạnh Tử…Còn nông ư ? Muôn đời đều như thế, xã hội nông thôn nông nghiệp luôn êm đềm, chất phác và gắn bó đầy tình nghĩa, nhưng tiềm lực kinh tế của quốc gia nếu chỉ có một chỗ dựa duy nhất là nền nông nghiệp, may mắn lắm cũng chỉ lớn như cánh đồng và cao như cây lúa, làm sao có thể sánh với bè bạn bốn phương. Công và thương tuy đã có tên nhưng vị thế èo uột lắm. Công gần như được hiểu là công nhân với một hình ảnh mang tính biểu trưng rất cổ điển là người đàn ông tay cầm chắc búa. Thương cũng chẳng khá hơn vì trong hàng loạt bức tranh phổ biến lúc ấy, họ có dáng vẻ của người buôn thúng bán bưng. Hơn thế nữa ngày vui ngắn chẳng tày gang, trên những tờ giấy bạc phát hành cách nay hơn nửa thế kỷ, người ta chỉ còn thấy hình ảnh của công nông binh.
Hai mặt của đồng tiền 100 đồng. Một mặt có vẽ hình Công Nông Binh
Chẳng biết còn ai nhớ rằng, chỉ cách nay chưa đầy 50 năm, trên không ít sách báo của ta, chữ businessman trong Anh ngữ có khi được dịch là người đàn ông làm việc. Xin đừng trách dịch giả bởi hồi đó xã hội nào ai biết đến lực lượng doanh nhân hay thương gia. Chưa biết làm sao có thể hiểu được, làm sao có thể đánh giá đúng được. Đó là thời có quá nhiều người ngày ngày ăn bo bo thay cơm nhưng rất hăng hái đàm đạo về mô hình kinh tế vĩ mô mang tính kinh điển của Liên bang Xô viết. Họ không sai nhưng ai dám cả gan bảo là họ đúng.
Sau năm 1975, chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh vốn dĩ rất đúng đắn nhưng trong nhận thức một bộ phận xã hội, vinh quang của hoạt động sản xuất kinh doanh và buôn bán bị suy giảm rất nhanh. Cần sản xuất ư ? Các tổ hợp với quy mô nhỏ nối nhau mọc lên như nấm. Có vẻ lúc đó người ta làm kinh tế cốt để cho có phong trào chứ không phải hiệu quả, nhất là hiệu quả cao và bền vững. Cần mua sắm ư ? Tất cả đã có hợp tác xã mua bán của phường xã lo, hàng hóa tuy rất lèo tèo nhưng phần lớn đều bán theo sổ hoặc giấy giới thiệu và đôi khi người mua còn phải có bản lý lịch trích ngang nạp kèm theo.
Cảnh xếp hàng mua vài thứ lặt vặt ở Tổ phục vụ thời bao cấp
Từ năm 1986, khi công cuộc đổi mới được khẳng định bằng nghị quyết VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội của Việt Nam nhất tề đổi mới. Chế độ quan liêu bao cấp bị tấn công rất quyết liệt, các thành phần kinh tế đều dần dần tự xác lập được vai trò và vị thế riêng của mình. Cánh cửa giao lưu quốc tế ngày càng được rộng mở. Trong nhận thức và tình cảm của các thế hệ mới, thế giới chừng như gọn gàng, thân thiện và minh bạch hơn. Mức sống chung của xã hội cũng từng bước được cải thiện. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, rất nghèo.
Hồi ấy, ở bất cứ diễn đàn nào được mời tới tôi cũng cố gắng nhấn mạnh rằng, khi nước nhà bị quân xâm lăng tràn vào, nếu ai không thấy mất nước là nỗi nhục, kẻ đó không đáng sống. Giờ đây non nước thái bình, ai không thấy đói nghèo là nỗi nhục, kẻ đó cũng không đáng sống. Một tổng lực quốc gia được huy động nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi cảnh đói nghèo và trong bừng bừng khí thế khả kính đó, đội ngũ doanh nhân đã ra đời. Không ồn ào cũng chẳng đao to búa lớn nhưng chính họ đã góp phần không nhỏ vào quá trình không ngừng đưa đất nước đi lên. Chúng ta vẫn kiêu hãnh là con Rồng cháu Tiên nhưng Việt Nam chưa bao giờ là con Rồng của kinh tế khu vực, song, nhờ có đường lối đổi mới, nhờ nỗ lực phi thường của toàn thể nhân dân (trong đó đội ngũ doanh nhân giữ vai trò rất to lớn), Việt Nam tuy chưa phải con Rồng nhưng đã hoàn toàn thoát kiếp bò sát và đang tự tin lấy đà để bay cao và bay xa.
Doanh nhân có vị trí rất quan trọng đối với đất nước hiện nay nhưng doanh nhân là ai ? Khoảng hơn mươi năm trước, khi đổi mới là xu hướng không thể đảo ngược, nhà nhà đua nhau sản xuất kinh doanh. Có chí làm quan, có gan làm giàu, câu nổi tiếng của người xưa để lại trở nên sinh động chưa từng thấy. Nhưng việc làm giàu vô cùng khó khăn, lẽ đâu chỉ cần mỗi một hành trang duy nhất là có gan. Hồi đó, báo chí ồn ào đăng tải những thông tin doanh nghiệp được khai trương, đồng thời cũng nhanh chóng cung cấp danh sách những doanh nghiệp bị giải thể và cũng không ai dám chắc bên nào áp đảo bên nào.
Thế rồi trong thời gian gần đây khái niệm kinh tế tri thức được quảng bá mạnh mẽ. Doanh nhân đua nhau học. Những ai nuôi chí trở thành doanh nhân cũng đều nô nức đi học. Học chính quy, học ghi danh, học tại chức và mời chuyên gia tới giảng riêng cho mình. Chưa bao giờ ngành kinh tế học được đề cao như thế và kết quả thật đáng tự hào vì đội ngũ doanh nhân của chúng ta đều có học vị hẳn hòi. Văn bằng Cử nhân ư ? Đâu đâu chẳng có. Văn bằng Thạc sĩ ư ? Quá nhiều. Văn bằng Tiến sĩ nữa ư ? Xuất hiện khắp mọi địa chỉ. Ngoài kiến thức nghề nghiệp, nhiều doanh nhân còn rất giỏi ngoại ngữ. Họ tự tin thiết lập mối quan hệ với các đối tác tại khắp năm châu, rất năng động và cũng rất sáng tạo.
Có gan chưa đủ, có chí cũng chưa thể đủ, doanh nhân nhạy bén phát hiện ra rằng bản thân họ và doanh nghiệp của họ chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững khi luôn biết hướng về cộng đồng và chân thành phục vụ lợi ích cộng đồng. Tổ tiên vì nghèo quá nên tiêu chí sống kết tinh giá trị đạo lý lớn lao được đời tôn vinh là đói cho sạch, rách cho thơm. Giờ đây tuy người nghèo khó vẫn khá nhiều nhưng mức sống chung của toàn xã hội không còn quá thấp nữa. Tôi vẫn thường quảng bá cho một tiêu chí mới hơn và phù hợp hơn, đó là giàu cho đàng hoàng, sang cho tử tế. Tuy mức độ cao thấp có khác nhau nhưng doanh nhân luôn thuộc lớp người giàu. Là một người liên tục có cơ may đi khắp đất nước, tôi thực sự cảm kích vì thấy có rất nhiều doanh nhân tử tế quá. Họ không chỉ để lại kho của cải vật chất mà còn ưu ái để lại kho đức nghiệp cho đời. Tôi kính trọng họ.
Lễ trao giải Top 100 Phong cách Doanh nhân
Khoảng mười năm nay, các doanh nghiệp cùng đồng loạt mời chuyên gia đầu ngành đến giảng về văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh…Thế mới biết những người thực sự có tài và giàu tâm huyết luôn biết tìm cách quy tụ, trọng dụng và phát huy tài năng của người khác. Bây giờ đi đâu chúng ta cũng nghe nói đến phong cách doanh nhân. Đây không chỉ là sự nên có hay cần có mà phải có. Cũng như các ngành nghề khác, doanh nhân phải có phong cách mang đặc trưng riêng của doanh nhân. Điều quan trọng này xin bàn sau, ở đây chỉ khái quát rằng doanh nhân đâu chỉ là người có gan, có chí, có trí và có đức, hơn thế, họ còn phải là người đẹp, đẹp từ trong ra ngoài, đẹp từ suy nghĩ đến hành vi, đẹp từ ngôn từ đến phép ứng xử. Họ làm đẹp (nhất là nữ doanh nhân) không phải chỉ đẹp cho bản thân và gia đình họ, còn thiết thực góp phần làm đẹp hình ảnh người Việt Nam, hình ảnh doanh nhân Việt Nam tới khắp thế giới. Có phong cách đẹp đồng nghĩa với việc có thêm chiếc chìa khóa của thành công.
TS NGUYỄN KHẮC THUẦN