Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.
Bảo Định Giang viết câu ca dao này hồi kháng chiến chống Pháp, năm 1946. Hồi đó, tác giả kể, bên nhiều loại hoa rừng, nào điên điển, hoa muống, bông súng… Đồng Tháp Mười nổi bật lên vẻ đẹp thiên nhiên từ những đồng sen rất rộng.Đến hàng ngàn mẫu.Sen Tháp Mười không phải là ao sen, đầm sen mà là đồng sen, mùa nào cũng nở. Đồng nước bao la Tháp Mười nhiều chỗ như cánh đồng hương, lung linh sắc màu: “Ai về Đồng Tháp mà xem / Bông sen, bông súng nở chen lúa vàng”.
Năm ấy, trên ngạch cửa Đền Tháp, Bảo Định Giang thường được bạn bè cùng hoạt động cách mạng kể nhiều câu chuyện về Bác Hồ. Đồng sen Tháp Mười và cuộc đời Bác đã gợi cảm xúc, tứ thơ và bên bờ kênh Dương Văn Dương – con kênh lớn của Tháp Mười, Bảo Định Giang viết bài ca dao ấy. Không đợi thời gian, bài ca nhanh chóng được truyền từ Nam ra Bắc; tiếng lòng của một nhà thơ thành tình cảm, ý thức tự hào của toàn dân đối với lãnh tụ kính yêu.Câu ca dao Tháp Mười thành ca dao cả nước.
Rồi, không biết từ khi nào, bài ca được thay đổi: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Ngoài chữ nhứt thay bằng nhất, hay hơn, ngôn ngữ phổ biến hơn, còn sửa đổi như vậy phần nào giảm màu sắc cổ truyền, tính lịch sử và vẻ đẹp sâu sắc trong từng chữ của bài. Nhà thơ Minh Huệ(*) cảm xúc đúng: hai tiếng Việt Nam gợi hình ảnh đất nước từ mùa thu 1945, còn Nước Nam gợi được cả chiều dài lịch sử thăm thẳm dân tộc đã đi. Trên đất nước thiêng liêng ngàn năm này, giữa bao nhiêu anh hùng, nổi bật lên đẹp nhất, gần gũi nhất Bác Hồ của chúng ta. Ngợi ca Bác cũng là ngợi ca đất nước, dân tộc và ngược lại.Buổi đầu cách mạng, phát hiện ra điều ấy là một nhận thức, tình cảm rất đáng quý. Và hai tiếng Cụ Hồ, như trong văn bản đầu tiên, mang được cái hay của văn hoá ngôn ngữ xưng hô truyền thống, vừa tôn kính, vừa gần gũi, gợi thêm tầm cỡ kết tinh của hình tượng cũng như niềm tự hào vốn là cảm xúc rất nổi bật trong bài.
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ
Rất giàu phong vị dân gian và đậm cảm hứng cách mạng! Một niềm tự hào vừa có tầng nền văn hoá, vừa hiện đại dậy lên từ tên đất, tên nước, tên cảnh, tên người.Bài ca ngắn gọn, bình dị. Thủ pháp nghệ thuật dân gian được sử dụng sáng tạo: lối cấu tứ so sánh, mô típ địa danh – sản vật; địa danh – con người; mô típ xếp hạng, bình giá cảnh vật, con người. Hồ Chí Minh, con người Việt Nam đẹp nhất, nói về Người, còn gì hay bằng dùng chính những hình thức dân tộc đã suy ngẫm, chắt lọc nghìn đời? Bài ca đã chọn bông sen là cái đẹp nhất của Tháp Mười ghép với danh xưng cách mạng cũng đẹp nhất là Cụ Hồ. Bông sen đồng nước bưng biền dâng hương, rạng soi tên Bác, tên Bác lại toả chiếu xuống đồng sen. Vốn đã đẹp, bông sen càng đẹp hơn, có ý nghĩa hơn từ đó. Vốn đã thiêng liêng, đất Tháp Mười càng thiêng liêng hơn từ đó. Đúng là, “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ Truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Ba Đình ngày 9/9/1969).
Hai câu ca dao, ba cặp so sánh.Mỗi câu là một so sánh và giữa câu lục – câu bát lại có đường dây liên tưởng.Một mà hai, hai mà một, liên kết cảnh với người thực, ảo lung linh.Đường dây liên tưởng giữa hai câu – câu trên nói hoa đẹp nhất, câu dưới nói người đẹp nhất – rất chặt, bởi những cặp hình ảnh sóng đôi, từ loại và kết cấu ngữ pháp tương ứng. Từ lôgic hình thức đến lôgic nội dung đều làm bật mối quan hệ hoá thân, kết tinh thiêng liêng : Tháp Mười – bông sen, Nước Nam – Cụ Hồ, Tháp Mười – Nước Nam, bông sen – Cụ Hồ… Điệp từ so sánh đẹp nhất, thanh trắc, tô đậm, khẳng định tự hào sự hoá thân và kết tinh đó.
Bài ca dao của Bảo Định Giang là bông sen đẹp trên đồng sen ca dao. Nó là cột mốc, mở ra tiếng nói của ca dao phản ánh, ca ngợi hình tượng Bác Hồ. Nó đưa vào văn thơ hiện đại một biểu tượng nghệ thuật mới: bông sen – Bác Hồ.
________________
PGS.TSKH BÙI MẠNH NHỊ
(*)Chuyện trò về câu thơ Sen Tháp Mười – Cụ Hồ. Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/8/1985.