Đất nước Việt nam có rất nhiều loài hoa quý, nhưng gần gũi thân thuộc và cao quý nhất vẫn là hoa sen.
Gần gũi và thân thuộc vì sen có mặt hầu khắp nơi trong các ao vườn, đầm làng, ruộng nước. Đầu xuân chỉ cần thả một vài cây sen vào hồ ao, chẳng bao lâu sen đã lan khắp mặt nước. Rồi sau đó hàng năm sen tự mọc, không cần trồng lại, miễn sao đủ bùn đủ nước cho cây phát triển. Thân rễ sen mọc trong bùn ao hay sông, hồ còn lá thì nổi ngay trên mặt nước. Các thân già có nhiều gai nhỏ. Hoa thường mọc trên các thân to và nhô cao vài đốt ngón tay phía trên mặt nước. Khi đang nụ, búp sen có hình ngọn lửa màu hồng thắm vút lên cao. Khi nở ra, các cánh chuyển sang màu trắng hay hồng nhạt, cũng có loài sen màu vàng nhưng ít thấy ở nước ta. Các cánh xếp chồng lên nhau ôm lấy gương vàng ở giữa, với các sợi nhụy óng ánh như kim tuyến trông thật thích mắt. Bởi vậy trồng sen trước hết là phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn. Tuy nhiên, sen còn có nhiều công dụng khác. Hầu như tất cả các bộ phận trên cây sen từ hoa, hạt, lá non đều ăn được. Hạt sen phơi khô nấu chè là một món ăn tuyệt vời bổ và ngon. Nó còn là một vị thuốc quan trọng trong y học. Tâm sen nằm trong hạt sen giúp an thần và thanh nhiệt. Thân rễ (ngó sen) dùng chế biến nhiều món ăn như súp, canh, xào. Thân cây sen có thể rút sợi để dệt vải. Nhị hoa đem phơi khô dùng để ướp chè rất thơm. Bởi vậy, trồng sen đem lại nhiều lợi ích cho nhà nông.
Hoa sen được xem là cao quý vì dù sống giữa vùng nước tù đọng và bẩn đục, bông sen vẫn nguyên vẹn trắng trong thanh khiết. Người Việt Nam hay Nhật Bản đều xem hoa sen là biểu tượng, là hình ảnh của những người dân thường sống giữa xã hội đầy đê tiện vẫn giữ được tâm hồn thanh sạch. Nó khác với các loài hoa khác muốn giữ được mình phải lui về nơi hoang vắng như lan hay ẩn cư như cúc. Vì cao quý như vậy, hoa sen thường được dâng lên bàn thờ gia tiên ngày đầu tháng hay rằm, được dâng lên trên bàn thờ phật mỗi ngày. Hình ảnh hoa sen được trang trí trên các họa tiết nơi đình chùa, miếu mạo thiêng liêng. Người Ấn Độ cho rằng hoa sen với màu sắc trong trắng trên bùn nhơ biểu hiện được đạo đức cao cả nhất. Từ thời cổ đại, hoa sen là biểu tượng thiêng liêng của người Hindu, nó gắn với niềm tin tín ngưỡng của những người theo Ấn Độ giáo và thường gắn với các vị thần sáng tạo vũ trụ hay điều khiển chuyển động của thế giới như Vishu, Brahma hay Lakshmi. Họ quan niệm: “Người thực hiện bổn phận của mình mà không có sự quyến luyến, dâng các kết quả cho Đấng tối cao, sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tác động tội lỗi, giống như lá sen không bị nước dính vào” (Bhagavad Gita). Bởi vậy, nước Nêpan (được tách ra từ Ấn Độ) chọn hoa sen làm quốc hoa, và năm 2011, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức chọn quốc hoa cho nước ta thì đa số dân chúng vẫn chọn hoa sen (đến nay chưa chính thức công bố kết quả).
Cũng như các đứa trẻ lớn lên ở thôn quê, nhiều kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn với hoa sen. Cách nhà ba trăm mét có thành Dinh Cầu cũ, nơi các danh nho danh tướng thời xưa từng đóng quân. Xung quanh thành cái hồ hình vuông chu vi chừng cây số, thả rất nhiều sen. Sen trong hồ được chia cho nhiều người coi sóc quản lý, mỗi người mỗi đoạn. Đường đến trường men theo hồ sen. Mùa sen nở, hương hoa thơm từ hồ bay lên quyến rũ lắm. Chẳng biết vì sao ngày ấy quê tôi chẳng ai bày bán hoa sen, họ chờ đến già mới hái gương và bóc lấy hột bán cho hiệu thuốc bắc. Bởi vậy muốn có vài bông sen để cắm lọ hay ăn gương chỉ còn một cách duy nhất… ăn trộm. Phát hiện ra bông sen nào gần bờ liền chia nhau đứa cảnh giới đứa lội xuống hái trộm bỏ nhanh vào cặp. Đôi khi bị người giữ hồ sen bắt được báo với gia đình, không chỉ cha mẹ phải đền theo tỷ lệ: “của bụt ăn một đền mười” bản thân còn bị đánh quắn đít, bị phản ánh lên nhà trường và nhận điểm kém về hạnh kiểm. Không chừa. Nhiều đêm rủ nhau đi trộm sen Hồ Giang. Nghe nói hồ có nhiều rắn hổ mang vẫn không sợ, chỉ cần dùng hành tỏi xoa tay xoa người rắn lủi mất tăm. Có lần Cố Háu quản lý sen đoạn ấy nghe động cầm một lưỡi mác đứng trên bờ dọa, cả bọn nằm im thin thít, mặc cho đỉa cắn chảy máu. Chờ đêm khuya, Cố về, mới dám mò lên.
Sau này, đi đâu thấy sen tôi cũng rưng rưng như gặp lại tuổi nhớ. Nhớ lần đầu ra Thủ đô Hà Nội, đi xe ôtô thấy dọc đường thả rất nhiều sen. Lại đúng vào dịp sen bắt đầu nở. Nhìn những búp sen như mặt trời hồng đang nhô cao, lòng bồi hồi khôn xiết. Rồi lần đầu vào dạy Đồng Tháp, chứng kiến sen nở bạt ngàn, đâu chỉ trong ao vườn đầm làng mà cả những đồng sen bát ngát như những đốm lửa hồng chạy tới chân trời, mới cảm nhận được câu thơ của thi sĩ Bảo Định Giang viết về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã ca dao hóa: Tháp mười đẹp nhất bông sen/ nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ. Rồi được đến tham qua du lịch hay công tác ở các nước khác: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…Đến đâu tôi cũng hỏi nguồn gốc hoa sen. Dân tộc nào cũng nhận là nước họ mới chính là quê hương xuất xứ của hoa sen. Gần đây, đọc một tài liệu nói rằng dọc bờ sông Nin ở Ai Cập là nơi hoa sen xuất hiện đầu tiên. Lúc đầu chúng có màu xanh, gọi là Nymphaea caerula. Qua hàng nghìn năm màu hoa thay đổi sang phớt hồng gọi là Nelumbo nucifera và được đem sang ở Assyria rồi sau đó được trồng rộng rãi khắp các vùng Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc. Dù sao truyền thuyết vẫn mãi là truyền thuyết.
Tôi nghĩ hẳn mỗi dân tộc, thậm chí mỗi vùng quê đều có những sự tích về hoa sen riêng. Câu chuyện sau đây do chính bà ngoại tôi kể. Sáu mươi năm rồi tôi vẫn nhớ không thiếu một chữ, dẫu rằng sau này tôi chưa từng được nghe ai khác kể lại hoặc đọc được nó trong bất kỳ cuốn sách nào.
Ngày xửa ngày xưa làng tôi có một cô bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chẳng có anh chị em hay bà con họ hàng thân thích. Người làng không ai biết họ tên cô, chỉ thấy cô đi ở giúp việc hết nhà này nhà khác nên dân làng gọi cô là con Sen.
Trong làng có lão địa chủ vừa giàu vừa tham lam vừa xảo quyệt. Ruộng nhà lão thẳng cánh cò bay, trâu bò gia súc từng bầy từng đàn đếm không xuể, phải thuê tá điền nuôi bớt. Nhà lão có một cái hồ rất rộng, thả đủ các loại cá: nào cá chép cá mè, nào cá rô cá diếc. Hàng năm vào giữa tháng chạp, lão sai người ở nấu mấy nồi bánh chưng rất to. Lão chọn thứ nếp Xứ Voi thơm lựng, chỉ quê tôi mới có. Bánh nấu trong bếp nhà lão mùi thơm bay khắp làng, ai cũng thèm. Lão sai mổ con lợn béo nhất, chọn thứ đậu xanh bùi nhất làm nhân. Ăn một miếng bánh chưng đó suốt đời khó quên. Nấu xong lão sai gia nhân ném bánh xuống hồ. Dưới môi trường yếm khí, bánh chưng cả tháng không “thiu”, cũng không “lại nếp”, ngon còn hơn khi mới nấu. Cuối tháng chạp, lão gọi tá điền đến nhận bánh, cứ mỗi con trâu hay con bò được một chiếc bánh chưng, nếu năm ấy con nào đẻ thêm nghé (trâu con) hay me (bò con) thì được thưởng thêm một cặp bánh nữa. Dân làng tôi thật thà, cứ sự thật khai ra để nhận bánh. Lão sai người nhà ghi vào sổ. Thành ra lão không mất tý lông trâu lông bò nào.
Lão có ba người vợ. Mụ nào cũng phây phây, béo núc na núc ních. Thế mà lão chưa đã thèm, hễ thấy cô nào trong làng xinh xinh là cặp mắt lươn ti hí của lão sáng lên, đôi môi chép chép trông đến ghét. Bởi vậy vừa thấy lão xuất hiện ai cũng tìm cách tránh lão thật xa như tránh người bị bệnh truyền nhiễm.
Không may năm cô bé mười ba tuổi, cả làng mất mùa không ai thuê nổi cô. Mặc dầu rất sợ, cô vẫn phải đi ở với lão địa chủ. Công việc tuy vất vả, mặt mũi lấm lem, nhưng ở tuổi dậy thì, cô cứ lớn như thổi. Công bằng mà nói, lão tuy bóc lột sức lực nhưng không đến nỗi keo kiệt đối với cái ăn cái mặc của người ở. Càng ngày cô bé càng phổng phao, xinh xắn. Cặp chũm cau hai bên ngực lớn dần. Đôi môi chín mọng như quả cà chua, đôi má đỏ ửng như bếp than hồng. Mái tóc dài bết gót, vừa cắt ngắn xong đã dài ra. Đêm đêm, sau một ngày làm lụng vất vả, cô thường ra ao tắm rửa. Bên bờ ao có một cây si rất to có thể che khuất người. Nhà lão không có nhà tắm riêng, tắm ở giếng cô sợ người ta nhìn thấy. Nhưng tất cả không qua được cặp mắt ti hí của lão chủ.
Năm mười sáu, cô đẹp như tiên nữ giáng trần. Sợ quá, ban ngày cô thường lấy bùn trong ao trát lên mặt mũi mình cho lấm lem. Dẫu vậy, mỗi khi thấy mặt mình in dưới giếng nước hay hồ ao lúc lặng sóng, cô cũng bất giác rùng mình linh cảm thấy một tai họa sắp ập đến trên đầu. Đêm đó, trăng tròn vành vạnh, cô ngồi bên gốc cây si thẫn thờ nhìn lên bầu trời. Cô thấy đời mình sao cô đơn quá đỗi, đến như Chị Hằng còn có Chú Cuội làm bạn, còn cô…Nghĩ đến đó hai hàng nước mắt tuôn rơi. Cô định bỏ về nhà không tắm nữa, nhưng nghĩ thế nào cô quay lại trút bỏ xiêm áo xuống tắm. Bỗng đâu lão địa chủ cởi trần trùng trục, lao xuống ôm riết lấy cô. Cô vùng vẫy thoát ra, lão vẫn không buông tha. Quần nhau một lúc, lão không làm được gì bèn đạp cô ra xa. Vừa đói vừa mệt, cô chìm dần chìm dần. Đến giữa ao tắt thở. Lão địa chủ sợ quá bỏ chạy vào nhà.
Sáng hôm sau, giữa hồ mọc lên một cây hoa. Thân cây dài và nhỏ, đung đưa trong gió. Trên thân có gai nhọn như không muốn ai động vào. Tán lá xanh và rộng. Nụ hoa hồng như chũm cau mới nhú, khi nở ra cánh chuyển màu trắng như tâm hồn trinh bạch của cô. Nhị hoa vàng thơm ngát như vầng trăng đêm qua rơi xuống che chở tấm thân ngọc ngà. Trong thân cây có những sợi tơ khá dai, như ý chí quật cường của cô chống lại cái ác, cái thú tính của lão nhà giàu đê tiện. Để tưởng nhớ cô, dân làng gọi là Hoa sen. Và họ truyền cho con cháu tấm gương trinh liệt của cô qua bài ca dao tuyệt hay:
Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
LÊ QUỐC HÁN