“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”
(Trích bài thơ “Ông đồ”, Nguyễn Đình Liên)
Bài thơ tiêu biểu của tác giả Nguyễn Đình Liên từ thế kỉ XX không hiểu sao cứ hiển hiện trong đầu tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về. Người Việt Nam từ xa xưa cho đến tận bây giờ, đầu xuân năm mới, với nhiều người vẫn là tâm tâm, niệm niệm xin cái chữ từ các ông đồ, nhà chùa như là an nhiên, an bình, an khang, phúc – lộc – thọ…về treo trong nhà để cầu mong sự may mắn, cũng lấy đó làm mục tiêu phấn đấu về cả phương diện sống và làm ăn trong một năm mới.
Xin chữ đầu năm mới âm lịch là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Giáo dục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với thế hệ trẻ là trách nhiệm của mỗi nhà trường.
Thiết nghĩ rằng, nếu chỉ bằng các tiết học ngữ văn thông thường trên lớp thì có bao nhiêu học sinh thấm thía được giá trị của cái chữ từ bài thơ “Ông Đồ”. Điều đó, đòi hỏi ở mỗi thầy cô giáo phải có một cách dạy học mới, dạy học gắn với thực tế cuộc sống.
Lấy ý tưởng từ bài thơ “Ông Đồ”, thời điểm cả dân tộc chuẩn bị đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện Can Lộc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh với chủ đề “Tết ấm cho em”.
Mỗi học sinh có thể trao đổi, chia sẻ cùng người thân để chọn lấy một vài chữ có ý nghĩa mà mọi người trong gia đình mong muốn. Tiếp đó, lồng ghép trong các tiết học môn Mĩ thuật, các thầy cô giáo sẽ hướng dẫn học sinh viết chữ cách điệu, chữ thư pháp… Sau khi học sinh tập viết chữ đạt đến một mức độ nhất định, cá nhân các em được tự chọn màu mực, màu giấy mình thích rồi viết chữ lên giấy. Công đoạn sau cùng là cùng hoạt động nhóm, dùng các vật liệu để trang trí và hoàn thiện thành sản phẩm tranh chữ hoặc câu đối.
Một số thầy cô giáo chia sẻ: “Không hẹn mà gặp. Nhiều học sinh đều chọn chữ an lành hay câu đối tết an lành, xuân hạnh phúc với ý nghĩa mong muốn năm mới mọi nhà, mọi người được bình an vượt qua đại dịch Covid-19”.
Các tổ chức đoàn thể địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học… bằng nhiều kênh thông tin, phối hợp hỗ trợ bán sản phẩm do các em học sinh làm ra. Tiền bán tranh chữ, câu đối dùng để gây quỹ tặng quà cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết nguyên đán với ý nghĩa “Tết ấm cho em”.
Hoạt động này là một trải nghiệm về các hình thức viết chữ Việt nhưng lại giúp học sinh khám phá được vẻ đẹp, ý nghĩa của tranh chữ, câu đối trong nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, đồng thời gây quỹ góp phần làm ấm lòng bao mảnh đời còn khó khăn của cuộc sống đời thường.
Tin rằng, với sự trải nghiệm này, học bài thơ “Ông Đồ”, mỗi học sinh sẽ thấm thía hơn về ý nghĩa đích thực của cái gọi là “chữ ông đồ”. Đồng thời, biết cách gìn giữ và phát huy nét đẹp chữ Việt trong xã hội thời hiện đại để không còn là “Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu”.
Chỉ là một hoạt động nhỏ trong vô số hoạt động vận dụng kiến thức các môn học vào cuộc sống cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm. Hy vọng năm mới, giáo giới chúng ta cùng nhau tạo ra những điều mới mẻ trong dạy học để góp phần thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Anh Trần
(Phòng GDĐT Can Lộc, Hà Tĩnh)