Trịnh ca – đó là những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Vậy ca từ là gì? Là lời ca trong nhạc, là tất cả phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc, mà ca từ nào của Trịnh cũng đẹp như một bài thơ – mà thơ tự nó đã là một loại nhạc biểu hiện cái đẹp cùng sự hài hòa của chữ và nghĩa. Nói như Giáo sư Dương Viết Á thì: “Một bài ca từ lại là một bài thơ để hát, để nghe mà không phải để đọc”. Còn tác giả Quốc ca Việt Nam, nhạc sỹ Văn Cao từng gọi “Sơn là người ca thơ” nhận xét: “Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/-2-1939 tại Buôn Mê Thuột, nhưng lớn lên ở quê nhà, thành phố Huế. Khi nhỏ, ông được gia đình gửi vào chùa Hiếu Quang. Còn tuổi trẻ của ông là những cuộc trốn tránh quân dịch. Cũng chính vì thế ông đã theo học một lớp sư phạm ngắn hạn để sau đó lên Bảo Trọng – Lâm Đồng làm giáo viên kiêm hiệu trưởng ở một trường tiểu học vỏn vẹn có 3 lớp trong một ấp chiến lược heo hút của người Thượng. Và cũng tại đây đã xảy ra cuộc gặp gỡ như là định mệnh giữa ông với ca sỹ Khánh Ly vào năm 1967 tại Đà Lạt, để từ đó những giai điệu diễm kiều của ông được thăng hoa qua giọng ca da diết sương khói của Khánh Ly, rồi cả hai đã mau chóng trở thành thần tượng của giới trẻ – đặc biệt là sinh viên và giới trí thức – làm nên một “hiện tượng Trịnh Công Sơn” trường hợp hiếm hoi của nền âm nhạc nước nhà vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, đã có chỗ đứng không dễ gì tại các quốc gia: Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Nhật…
Bây giờ lại viết về Trịnh Công Sơn thì chẳng dễ chút nào, là bởi: Có nhiều người và nhiều bài viết về ông lắm-2001 thì các bài viết về ông, những cuốn sách viết về ông “cuồn cuộn” được xuất bản. Tôi đã đọc nhiều lắm để biết những gì người ta… đã viết để không “viết lại”, để ai đó khi đọc bài này không phải thốt lên: “Ồ, biết rồi, khổ lắm”, viết mãi. Thế nên tôi đã đến với ông từ góc nhìn Phật học với Trịnh ca. May ra …
Sở dĩ đoạn đầu bài Trịnh ca tôi có đôi dòng… lý lịch trích ngang về người nhạc sỹ tài hoa vì mọi sáng tác của ông đều là sản phẩm của hoàn cảnh với ba chủ đề chính: Nỗi cô đơn – Tình yêu – Phản chiến với thân phận con người nơi “cõi tạm” ở thế gian này.
Vẫn biết giai điệu là linh hồn của âm nhạc, nhưng có lẽ với “nhạc Trịnh” còn có thêm một linh hồn thứ hai: đó là ca từ. Ca từ trong nhạc của ông kết nối, hòa nhịp và bền chặt với nhau “như chim liền cánh, như cây liền cành” – Ca từ nào cũng đẹp như một bài thơ. Chả vậy mà nhà nghiên cứu Văn hóa Hoàng Ngọc Hiến đã tâm đắc tiến cử ca từ Đêm thấy ta là thác đổ, của Trịnh là bài thơ hay nhất thế kỷ 20, nếu ông được bình chọn. Hay mà không mấy dễ hiểu đâu, như con người ta “cần có một tấm lòng” rồi “để gió cuốn đi” ư? Bài Hãy yêu nhau đi, bảo “ngày mai mong chờ, ngày sẽ thiên thu” hoặc “Tin buồn từ ngày mẹ cho em làm kiếp người” trong bài Gọi tên bốn mùa chẳng hạn…
Vâng! Không mấy dễ hiểu mà vẫn thấy hay thì chỉ có Kinh Phật và Thơ thôi! Bởi thơ ấy trong ca từ lại là thơ triết lý về cuộc sống, về sự sinh ra và trở về với cát bụi của thân phận con người. triết lý mà không khoác áo triết nhân. Cái đạo lý tự nhiên trong ca từ nhạc Trịnh như bỗng hóa thân trở thành những câu kinh bất hủ. Và không chỉ giới Phật giáo mà như hết thảy mọi người đều nhận ra: Trịnh Công Sơn, người hoằng dương Phật Pháp bằng âm nhạc, cho dù những sáng tác của ông rất phong phú, đa dạng nhưng đều toát lên một chủ đề nhất quán: Thân phận con người trong “cõi tạm” với trên 400 ca khúc, người thì bảo 500, có người đưa ra con số 1.000. cho đến nay danh mục ca khúc của Trịnh vẫn chưa có con số cuối cùng. Trong những ca từ triết lý của Trịnh, ngoài ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, như đã trình bày ông còn có một di sản văn hóa Đông – Tây kết nối thấm nhuần văn hóa hiện đại Pháp với chủ nghĩa hiện sinh như Albert Camus, J.P.Sartre… lên cuộc sống tâm thức của ông, mà ông đã có được qua trường học, sách báo, trường đời, qua hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại. Ông đã cho chúng ta nhìn rõ hơn về “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” mà Thiền sư Vạn Hạnh, người khai sinh Vương triều Lý (1009 – 1225). Với sự cảm nhận thường trực về tính hữu hạn của cuộc đời, luôn tiếp cận với cõi vô thường mà chẳng hề bi lụy, mà cần xích lại Nối vòng tay lớn, và Hãy yêu nhau đi.
Khi soi vào những ca từ bất hủ của nhạc Trịnh ta bỗng nhận ra nét đẹp đã hóa thân để có một cái nhìn “như thị” (như thật) vào đời sống hôm nay của con người, dẫu cuộc đời ông, con người ấy có bị chìm nổi thế nào ông cũng bảo “đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng” và ông chia sẻ nỗi niềm: “Em là tôi và tôi cũng là em” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Rồi ông đưa châm ngôn mang tính định đề của Phật giáo khi cất lên tiếng lòng mình: “… trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho em làm kiếp người” (Gọi tên bốn mùa). Được làm người còn gì hơn nữa. Phật Thích ca cũng bảo: khó thay được làm người kia mà! Thực ra Trịnh yêu người lắm, ông yêu cả cái “tin buồn” ấy nữa. Cái “tin buồn” này lại được phát xuất từ lòng từ hiếu: Trong cuốn Tây quy Trực chỉ, phần “Khải tín tạp thuyết” có bài văn ngắn, tựa là “Đại hiếu bất nguyện nhập thai” – nghĩa là: người có hiếu lớn không nguyện nhập thai mẹ vì tự mình khổ lại làm cho mẫu thân mình đại khổ… lúc sinh, hài nhi chịu khổ mà còn làm mẫu thân muôn vàn thống khổ thập tử nhất sinh – mười phần chết, chỉ một phần sống thôi. Giáo lý đạo Phật đưa chữ HIẾU lên hàng đầu khi Phật dạy: Mỗi con người đều có hai ngôi Phật sống! là cha và mẹ!
Viết về Trịnh ca – những ca từ trong Nhạc Trịnh tôi chợt nhớ sự kiện giải Noben văn học năm 2016 đã được trao cho Bob Dylan, một nhạc sỹ Mỹ, sinh năm 1941 đã khiến không ít người bất ngờ, và còn cảm thấy… lạ lùng nữa! Những rồi hết thảy đã bị thuyết phục, bởi nội dung trong quyết định trao giải vì: Bob Dylan là một người hùng trong thi ca âm nhạc”. Thực ra, lúc sinh thời Trịnh Công Sơn đã được mời sang sống ở Mỹ, vì người ta coi ông như một Bob Dylan của người Việt.
Dẫu vậy – Những ca từ bất hủ trong Nhạc Trịnh đã cho chúng ta Nối vòng tay lớn trong tình yêu thương giống nòi “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, cho dù chúng ta – hôm nay, vẫn còn đang lận đận trong Một cõi đi về!
PHÁP VƯƠNG TỬ