Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
1k
Người Thái làm gốm ở Mường Chanh
Gốm là một trong loại vật dụng phổ biến, có được nhờ nghề thủ công truyền thống lâu đời của dân tộc Thái tại Sơn La. Nói đến nghề gốm của người Thái ở Việt Nam, nổi tiếng nhất nghề gốm ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn – Sơn La.
Xã Mường Chanh cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía bắc, từ ngã ba Mai Sơn đi theo đường quốc lộ 4G. Ở phía tây của huyện Mai Sơn, gồm 19 bản. Phía bắc giáp xã Chiềng Cọ và xã Hua La, thành phố Sơn La; phía đông giáp xã Chiềng Chung, phía nam giáp xã Chiềng Nơi huyện Mai Sơn; phía tây giáp xã Bản Lầm huyện Thuận Châu. Dân số 3.940 người (2009), mật độ dân số đạt 106 người/km². Gồm 5 dân tộc: Tày, Hmông, Xinh Mun, Thái, Kinh, Mường. Đây là địa phương nổi tiếng với truyền thống cách mạng, có những đặc sản và nguồn tài nguyên phong phú: gốm sứ, gạo nếp, măng lay…, có suối thác và những đồi thông thơ mộng.
Theo lời kể, gốm Mường Chanh là một làng nghề gốm rất lâu đời, thậm chí nơi đây còn là trung tâm gốm cổ của người Thái tại Sơn La. Thời xưa, các sản phẩm làm ra được trao đổi ngang giá, các sản phẩm được đổi lấy lương thực, vải vóc, bông…
Người Thái bắt đầu công việc của mình từ khá sớm, cứ mặt trời lên núi cũng là lúc bắt tay vào công việc. Ở Mường Chanh, tất cả các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ đều có thể tham gia làm gốm. Phụ nữ và trẻ em cung cấp và gia công nguyên liệu, quay bàn xoay, xếp đặt sản phẩm…; đàn ông: tạo hình gốm mộc, xếp gốm vào lò, nung gốm.
Các khâu làm gốm:
– Chuẩn bị nguyên vật liệu: Đất Mường Chanh làm gốm là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh. Chất đất gồm nhiều màu sắc: vàng, hanh đỏ, xanh xám và đen. Trong đó, chất đất kết dính cao nhất trong số loại chất này là loại hanh đỏ. Đất trước đây chỉ được khai thác ở Lồng Báp – một bản trong xã này. Nhưng sau đó người ta khám phá cánh đồng lúa nước, thấy hầu hết ruộng trong xã đều là đất sét làm được gốm.
Đất được khai thác trên mỗi thửa ruộng của gia đình và được chuyển về nhà bằng những đôi sọt nan hoặc được nặn thành từng viên tròn. Đất đem sản xuất ngay hoặc bảo quản nơi kín gió để dùng dần. Trước khi tạo hình gốm, đất được gia công thật nhuyễn, loại bỏ tạp chất bằng cách giã hay đập kĩ. Dụng cụ: sọt đựng và ủ đất, chày giã đất, sọt gánh, ống xít đất, ống tre dàn đất….
– Tạo hình: Người thợ sử dụng những công cụ tạo hình đơn giản để tạo ra những hình gốm. Dùng một lượng đất vừa đủ cho kích cỡ sản phẩm để tạo đáy của sản phẩm đó, tạo đáy xong đến khâu tạo thân sản phẩm, tiếp đến là làm cổ và cuối cùng tạo hoa văn trên sản phẩm.
Bộ dụng cụ tạo hình gốm: bàn xoay, chậu đựng nước, chậu đựng tro bếp, rìu tre cắt đất, vải nhúng nước, lược gọt đất, dây cắt đất, dùi lỗ bằng tre, kiếm tre cắt đất… Tên một số dụng cụ đặc biệt: Thứ để miết là “vi kiêng” (các mảnh gỗ hình bán nguyệt, hình liềm); “vi cho” – mảnh gỗ hình rìu, có vai; dụng cụ để cắt và khắc là cái “đát” – que bằng tre, nứa cắt vát sắc, đầu nhọn (Trong tiếng Thái, “vi” là tay, tên gọi có gắn chữ “vi” chỉ các dụng cụ làm tay). Dụng cụ để cắt và khắc là “mạy láp” – que bằng tre hoặc nứa vát sắc, một đầu nhọn, đầu kia bằng có răng cưa.
Công cụ chủ yếu nhất trong việc tạo hình gốm của người Thái là bàn xoay bằng thớt gỗ tròn được bà con gọi là cái “khiên”, đường kính 39 đến 40 cm, cao 19 đến 20 cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền nhà. Hầu hết mặt khiên được làm từ gỗ cây sồi. Còn trụ gỗ để xoay thường được làm từ lõi cây tô hợp hay cây mận rừng. Bàn xoay được chôn cố định xuống đất, mặt bàn xoay tương đương với mặt đất. Trong quá trình tạo hình gốm, người thợ có thể tự mình xoay bàn bằng ngón chân cái, nhưng có người giúp xoay thì tốt hơn.
Hoàn chỉnh phần đáy, thợ chuyển sang dựng thành sản phẩm theo kĩ thuật đắp nặn, dùng hai tay vê đất thành thỏi dài từ 20 – 30 cm. Tay phải cầm thỏi đất, vừa xoay vừa be đất tạo vòng thành đầu tiên, dùng dụng cụ hình trăng khuyết để miết kĩ chỗ tiếp giáp giữa thành và đáy, tiếp tục làm các vòng thành khác theo lối đắp trạch. Dùng hai dụng cụ uốn cong, một cái trong và một cái ngoài, kết hợp chân quay bàn xoay để miết, làm cho thành sản phẩm cong theo ý muốn. Sau đó họ tạo hoa văn bên ngoài. Hoa văn chủ yếu là những đường sóng nước, hình kỉ hà, hình vảy cá…, trên cổ và vai của sản phẩm. Thợ cũng tạo hình bằng giải cuộn trên xương gốm và trên sản phẩm đã nung: dấu vết giải cuộn khá rõ nét, gần với sự tạo hình thô sơ trên đồ gốm cổ.
Gốm được tạo hình với những mẫu khác nhau được xếp ngay ngắn dưới gầm sàn cho tới khi nào khô mới xếp vào lò nung.
– Nung: Nung gốm là khâu cuối cùng để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của mẻ gốm. Trung bình mỗi mẻ gốm cho ra lò khoảng 30 sản phẩm các loại. Gốm Mường Tranh có đặc trưng màu ghi đen xám rất độc đáo.
Gốm sau khi được tạo hình và hong khô thì được đem đi nung. Đây là khâu cuối cùng cũng là khâu quan trọng nhất và quyết định phần lớn chất lượng của sản phẩm. Vì thế trước khi xếp gốm vào lò nung người thợ gốm thường làm một lễ cúng nhỏ cầu mong thần linh phù hộ cho mẻ gốm chín đều, sản phẩm không bị méo mó, biến dạng, nứt vỡ.
Lò gốm Mường Chanh là loại lò hầm, không xây mà được đào sâu dưới đất hoặc đào vào sườn đồi. Gồm: cửa lò, bầu đốt, buồng nung và ống khói. Lò hình nón cụt, được đào vào sườn đồi, có cửa lò và ống khói, kích thước trung bình chừng 2m x 2.5 x 1m. Mỗi mẻ xếp lò được khoản 30-40 chum vại các loại. Mỗi lò thường hoạt động 3-5 mẻ gốm trong năm.
Khi vào lò, người thợ cả xếp củi lò để đun gốm. Thời gian nung một mẻ gốm mất 10-12 giờ. Thời gian nung khoảng 1 ngày (24 giờ), lúc đầu đun to lửa, sau đó cho cháy đều và nhỏ lửa dần, giữ cho gốm chín đều và đem ủ 3 ngày 3 đêm ở trong lò để tạo độ chắc, bền cho gốm, khi nguội hẳn mới dỡ lò.
Nhiên liệu nung chủ yếu là củi. Khoảng 3 mét khối củi một lò.
Để tạo màu sắc cho gốm người thợ cho vào lò một ít lá dẻ, khi cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và tạo được màu xám đen rất đặc trưng của gốm Mường Chanh. Có thời thợ còn đốt bằng cỏ gianh, gốm ra lò rất đẹp.
Sản phẩm gốm Mường Chanh có hình dạng cổ. Những sản phẩm chính:
– Chum (tiếng Thái gọi là “hay”). Gồm nhiều kích cỡ, to nhất là 55 x 35 cm.
– Vại (“pại”): gồm các cỡ to nhỏ khác nhau.
– Chậu (“áng”): chậu tắm, chậu đựng cám lợn đến chậu nhỏ xíu đựng thức ăn, nước chấm.
– Ống nấu thịt, chố pi, bát to, bát nhỏ, cối giã chéo, pại…
– Chum, bình có quai, nồi nấu cách thủy, chày cối dùng để nghiền ớt, lục lạc để đeo cổ trâu bò… Loại nhỏ nhất là lọ (hay vò), chỉ bằng cái bát.
Các sản phẩm nói trên được dùng với công dụng: đựng nước, xách nước, ngâm chàm, nhuộm vải, làm măng chua, đựng muối, mắm cá, mỡ, chứa hạt giống, đựng thóc và sắn khô…. Người ta dùng chậu sành làm công cụ chăn nuôi gà, lợn. Ngoài ra, một vài đồ gốm ở đây còn dùng đựng hài cốt hay tro hài cốt hỏa táng.
Một số sản phẩm gốm Mường Chanh.
Từ xưa gốm Mường Chanh đã có tiếng trong vùng Tây Bắc. Đồ gốm nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống của người dân: chum, vại, hũ, lọ…, được dùng với nhiều công dụng: đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, đựng muối, mỡ, mắm cá, muối dưa cà, dùng chứa hạt giống, đựng thóc, sắn, thức ăn, vật đựng chăn nuôi gia cầm, các loại con giống làm đồ chơi cho trẻ em. Ở những nơi hiếm nguồn nước, thì những chum lu gốm đựng nước rất quý giá. Ngày trước, gia tài cha mẹ để lại cho con cái thường có hai vật quý đó là cái ninh đồng và cái chum đựng nước. Chum gốm, vò gốm từ lâu được coi trọng tính giá trị bằng những đồng bạc trắng hoa xoè.
Các sản phẩm gốm sau đó được mang trao đổi tại chỗ hoặc các vùng lân cận. Sản phẩm làm ra đều đem trao đổi, một phương thức “mua bán” giản đơn cổ xưa theo cách vật phẩm đổi lấy các vật phẩm: Gốm đổi lấy nông sản, bông, vải, hoa quả, thóc gạo, cá, gà, vịt. Theo lời kể, người Thái ở Mường Chanh quan niệm giá trị hàng hóa sản phẩm gốm trao đổi rất đặc biệt: Hàng đem đổi càng xa, giá trị càng cao. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm, nếu sản phẩm gốm đem xa 2-3 ngày đường, sẽ đổi gấp đôi số nông sản so với đổi tại chỗ (nơi sản xuất). Hoặc giá trị đồ gốm căn cứ theo độ lớn nhỏ, chẳng hạn, để đổi chum lấy thóc, người ta lấy lượng thóc đổ đầy chiếc chum đó… Có thể thấy đây là sự bảo lưu dai dẳng quan niệm thời tiền sử về giá trị của người Thái tại làng nghề gốm này.
Mường Chanh có thể được xem là một làng nghề gốm rất lâu đời, thậm chí là trung tâm gốm cổ của đồng bào Thái Đen tại Sơn La một thời. Gốm Mường Chanh được các dân tộc Tây Bắc đánh giá cao và rất ưa chuộng bởi kĩ thuật sản xuất gốm, chứ không chỉ nguyên liệu làm gốm.
Phụ nữ Thái và sản phẩm gốm Mường Chanh.
Trong những năm gần đây sản phẩm gốm công nghiệp khác trên thị trường ngày càng phong phú, giá rẻ. Gốm Mường Chanh vẫn chỉ phát triển ở mức sản xuất quy mô nhỏ, là một nghề phụ của gia đình. Việc sản xuất gốm Mường Chanh gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, cả xã Mường Chanh chỉ còn gia đình ông Hoàng Văn Nam còn duy trì lò gốm nhưng chỉ làm vài mẻ một năm. Nghề gốm ở Mường Chanh rất cần được giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường; cần đa dạng hóa mẫu mã, chú ý hơn đến mặt mĩ thuật sản phẩm; cần truyền dạy cho các thế hệ trẻ, nhằm giáo dục sự trân trọng, ý thức giữ gìn và phát triển sáng tạo nghề gốm truyền thống.
TẠ VĂN THÔNG