Ngày nay, mỗi lần được qua sông trên những cây cầu hiện đại thênh thang, làn chia phân minh, mấy ngả lên xuống, đường dẫn vuốt dài gần bằng đường qua sông, tôi lại bâng khuâng nhớ về ngày xưa.
Nhớ nhất là chiếc cầu phao bắc qua sông Hồng hồi chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, đoạn bắc từ bờ Nam gần bến Phà Đen sang bờ Bắc để đến với vùng đất cổ Bát Tràng nổi tiếng. Người thợ cầu đúng là kì tài khi lấy rất nhiều thùng phuy lớn kết lại với nhau bằng những dây xích rồi bắc ngang sông.Lát trên chuỗi thùng phuy ấy là tre nứa và ván ghép. Cầu nổi trên mặt sông không khỏi bồng bềnh. Để đảm bảo an toàn, qua cầu phải tuân theo hiệu lệnh điều khiển, chiều này sang hết chiều kia mới được sang. Cầu hiện ra rất nhanh chóng sau tiếng còi báo yên nhưng thoắt lại biến mất sau tiếng còi báo động. Tôi đã từng dắt xe đạp qua chiếc cầu phao như thế. Người đi trên cầu với tôi chẳng thấy ai có biểu hiện sợ hãi. Hình như trong chiến tranh con người ta ở đâu cũng gan góc và dũng cảm…
Sau chiến tranh biên giới ít ngày, ngược lên Tây Bắc không thể đi lối Lào Cai bằng cầu Cốc Lếu như ngày trước được. Cả thành phố Lào Cai xinh đẹp đã trở thành bình địa. Tôi và hành khách đi phải qua phà Âu Lâu.Đây là bến phà lịch sử.Hình như ngay chính nơi đây đã có cầu bởi tôi nhìn thấy rất nhiều mố cầu. Chắc nó đã chịu chung số phận với những công trình bị tàn phá trong cuộc chiến tranh biên giới vừa rồi. Phương tiện vận chuyển qua sông là sà lan đáy bằng, thành thấp. Sà lan không tự bơi được phải có ca-nô kéo đi như con kéo mẹ vậy. Ngồi trên phà Âu Lâu tôi không khỏi bồi hồi như mình đang đi ngược dòng lịch sử: xa xưa là lịch sử kháng chiến chín năm và gần đây là lịch sử chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Những năm về sau, tôi có nhiều lần lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chỉ đạo thực nghiệm một chương trình giáo dục.Trên đường từ thị xã Tuyên Quang, nơi còn in dấu tích của thành nhà Mạc, ngược lên vài chục cây số phải vượt một con sông, tôi nhớ là sông Lô.Phía gần Nà Hang, nơi tiếp giáp Nà Hang với Chiêm Hóa mới là sông Gâm, Đoạn sông qua đây không rộng lắm nhưng nhìn xuống mặt nước trong xanh biết chắc là rất sâu. Khách đi bộ và đi xe đạp không muốn chờ phà thì đi đò ngang. Đò chỉ có một người chèo nhưng lướt sóng khá nhanh. Con đò và dòng sông cùng với rừng núi hai bờ tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Ô tô thì phải qua phà. Phà không có ca nô kéo sang như phà Âu Lâu mà bám vào một sợi dây cáp bắc ngang qua sông rồi nương theo sức nước. Tất cả trông cậy vào tay khéo léo và rắn chắc người thợ kéo phà. Tôi chưa được qua một chuyến phà nào tài tình như thế. Chính dòng nước đang trôi xuôi kia đã nâng bước tôi qua.
Mấy lần vào công tác phía Nam, qua sông Gianh hay qua sông Tiền (Tiền Giang) đoạn Cổ Chiên, tôi được sang bằng phà tự hành có động cơ mà không cần một phương tiện nào kéo cả. Phà sang nhanh hơn và lòng người đi phà có vẻ yên hơn, nhưng so với dòng sông rộng mênh mông nó cũng chỉ như “chiếc bách giữa dòng” mà thôi. Đi phà tự hành thật sướng, mắt tha hồ phóng tầm, tai tha hồ nghe tiếng nước sông dào dạt, gió mát gấp trăm lần ngồi quạt. Được biết bây giờ mấy khúc sông tôi qua bây giờ đều được bắc cầu. Con sông rộng như sông Gianh và sông Tiền mà bắc được cầu thì quá khâm phục những người thợ cầu. Còn người thợ lái phà không biết có phải giải nghệ không? Và bây giờ họ ở đâu. Ở sông Tiền, người bờ Bắc chắc về với rừng dừa xanh chạy mãi đến chân trời, người bờ Nam chăc về với biển lúa vàng thấp thoáng ngôi chùa và bóng cây thốt-nốt.
Gần đây tôi lại được qua phà nhưng là phà qua biển từ Cát Hải ra Cát Bà. Đoạn từ Hải Phòng ra Cát Hải đã có cây cầu Đình Vũ. Cầu vượt biển Đình Vũ – Cát Hải (hay còn được gọi là cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện) là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Cầu vượt biển có bề rộng 29,5m với 4 làn xe (2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Cầu được thiết kế chạy với tốc độ 80 km/h. Cầu dài 5,44 km thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện với tổng chiều dài 15,63 km. Trên phà từ Cát Hải ra Cát Bà hình thành tự nhiên một cái chợ nho nhỏ bán hải sản vừa bắt được. Những con cá tươi roi rói mắt còn mọng nước, những con cua to hơn bàn tay người lớn úp sấp bị dây trói chặt nằm trên những chiếc sảo tre mắt thưa, nông lòng nồng nàn vị biển. Ngồi trên phà ngắm nước biển xanh biếc thấm thía thế nào là tình đảo xa với đất liền.
Bây giờ đường đất nước trải dài nâng bước chân là bao nhiêu phương tiện hiện đại, đường cao tốc xe đi trên dưới trăm cây số một giờ, nhưng chiếc cầu phao đơn sơ, chiếc phà đi bằng dây cáp, phà có ca nô kéo kẽo cà kẽo kẹt, phà tự hành lênh đênh sóng cả với tôi vẫn là những kỉ niệm sông nước tự hào và đầy hứng khởi.
NHUỆ GIANG