Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
2k
Theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ở cấp tiểu học, Hoạt động trải nghiệm được quy định 105 tiết/năm học, 3 tiết/tuần và được thực hiện dưới 4 loại hình cơ bản: sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; hoạt động trải nghiệm theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ (tự chọn).
Bài viết này, chúng tôi xin được phân tích sâu về tiết Sinh hoạt dưới cờ, từ đó giúp các trường tiểu học có nhiều sáng tạo trong tổ chức hoạt động này.
Sinh hoạt dưới cờ là gì?
Sinh hoạt dưới cờ là một loại hình hoạt động của hoạt động trải nghiệm – một hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Tiết Sinh hoạt dưới cờ không đồng nhất với tiết chào cờ như trong chương trình hiện hành bởi vì nó thực hiện yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018 đưa ra. Mục tiêu của Sinh hoạt dưới cờ là góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục chung và mục tiêu của Hoạt động trải nghiệm về hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Sinh hoạt dưới cờ được tổ chức theo quy mô nhóm lớn (khối lớp), quy mô trường và có trong thời khóa biểu của học sinh thường gồm hai phần: phần nghi lễ và phần sinh hoạt theo chủ điểm. Phần nghi lễ bao gồm: Chào cờ, hát Quốc ca, hô – đáp khẩu hiệu; tổng kết hoạt động công tác Đội trong tuần vừa qua và phổ biến kế hoạch tuần kế tiếp. Phần sinh hoạt theo chủ điểm thực hiện theo chương trình và sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm.
“Sinh hoạt đầu tuần” và “Sinh hoạt dưới cờ” có gì khác nhau?
Từ năm học 2019-2020 trở về trước, vào ngày thứ hai hàng tuần, các trường tiểu học thường tổ chức lễ chào cờ và sau đó là sinh hoạt với học sinh toàn trường. Buổi sinh hoạt sau lễ chào cờ ấy được gọi là “Sinh hoạt đầu tuần” và thường được thực hiện theo các bước: Nhận xét hoạt động của nhà trường về mọi mặt trong tuần qua; phổ biến các hoạt động của nhà trường, của Đội trong tuần mới; tổ chức các hoạt động hay chuyên đề của nhà trường, của Đội. Nếu không có hoạt động, chuyên đề thì Tổng phụ trách Đội có thể cho học sinh ca hát, vui chơi, tập bài hát mới.
Sinh hoạt đầu tuần là hoạt động của riêng mỗi trường, nhà trường muốn hoạt động nào thì sẽ tổ chức hoạt động ấy; không có chương trình, không có sách giáo khoa cho học sinh.
Từ năm học 2020-2021, thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1, tiết sinh hoạt sau lễ chào cờ chính thức có tên gọi là “Sinh hoạt dưới cờ”. Theo đó, sinh hoạt dưới cờ là một hoạt động của hoạt động trải nghiệm – một hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 có nội dung cụ thể trong sách giáo khoa và được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, vì vậy nó hoàn toàn khác với sinh hoạt đầu tuần.
Cùng lúc thực hiện hai chương trình thì tổ chức tiết Sinh hoạt dưới cờ như thế nào?
Hiện nay, các trường tiểu học cùng lúc thực hiện hai chương trình giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (Chương trình GDPT 2006) ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Chương trình GDPT 2018 ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Để tổ chức tiết Sinh hoạt dưới cờ đảm bảo theo hai chương trình, ngày 19/8/2019, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 3535/BGDĐT-GDTH về việc Hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021. Theo đó, trong mục 1.3. Kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, công văn hướng dẫn: “Hoạt động trải nghiệm được quy định 105 tiết/năm học, trong đó 35 tiết sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường), 35 tiết sinh hoạt lớp; 35 tiết hoạt động giáo dục theo chủ đề”.
Như vậy, nếu sinh hoạt đầu tuần chỉ tổ chức với quy mô trường thì sinh hoạt dưới cờ còn có thể tổ chức dưới quy mô nhóm lớn (khối lớp).
Do đó, nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 (Chương trình GDPT 2018) và học sinh lớp 4, lớp 5 (Chương trình GDPT 2006) sinh hoạt dưới cờ với nội dung riêng biệt theo quy mô khối lớp và có thể “được tổ chức trong và ngoài lớp học” như công văn đã nêu.
Cùng lúc thực hiện cho nhiều lớp thì tổ chức tiết Sinh hoạt dưới cờ như thế nào?
Tiết Sinh hoạt dưới cờ được tổ chức theo quy mô nhóm lớn (khối lớp), quy mô trường nên cùng lúc sẽ có học sinh của nhiều lớp tham gia. Để kết nối chủ đề của các lớp và phù hợp với các đối tượng học sinh, nhà trường cần phải xây dựng kế hoạch cho các tiết Sinh hoạt dưới cờ.
Trước hết cần phải có người điều phối cho hoạt động chung này (thường là Tổng phụ trách Đội hoặc Phó hiệu trưởng). Người điều phối làm việc, họp bàn với những người có liên quan để lên kế hoạch tổ chức các tiết Sinh hoạt dưới cờ cho tháng, quý, học kỳ và năm học (theo các chủ đề, chủ điểm tháng). Người điều phối trực tiếp phụ trách thiết kế khung kế hoạch tổ chức Sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, bàn bạc để phân công nhiệm vụ này cho những người có liên quan.
Sắp xếp, bố trí giáo viên, luân phiên các khối lớp thực hiện phần sinh hoạt theo chủ điểm (ví dụ, có tuần lớp 1 tham gia hoạt động trên sân khấu, có tuần lớp 1 tham gia như người quan sát, khán giả).
Khi phân công lớp phụ trách thực hiện phần sinh hoạt theo chủ điểm, giáo viên chủ nhiệm của lớp trao đổi với người điều phối hoặc người phụ trách tiết Sinh hoạt dưới cờ để tùy vào tình huống cụ thể mà có những chuẩn bị phù hợp.
Ai dạy tiết Sinh hoạt dưới cờ?
Cũng trong mục 1.3. Kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, văn bản 3535 đã hướng dẫn cụ thể: “Căn cứ quy mô và nội dung của từng hoạt động cụ thể việc tổ chức Hoạt động trải nghiệm, đặc biệt tổ chức ở quy mô khối lớp, quy mô trường phải có sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục: giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách, giáo viên dạy học các môn chuyên biệt (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể chất), Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chức chính trị, xã hội, cha mẹ học sinh, các nhà tài trợ,….”.
Như vậy, sinh hoạt dưới cờ có nhiều thành phần tham gia tổ chức hoạt động, không phải chỉ có ban giám hiệu, tổng phụ trách Đội “gánh vác” như sinh hoạt đầu tuần.
Hiện nay, tiết Sinh hoạt dưới cờ thường do Ban Chấp hành Liên Đội thực hiện phần nghi lễ, tập thể học sinh và giáo viên chủ nhiệm của lớp được phân công thực hiện phần sinh hoạt theo chủ điểm; lớp được phân công luân phiên từ đầu năm học. Ban Giám hiệu và Tổng phụ trách Đội giữ vai trò định hướng, giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phân công là người hỗ trợ học sinh thực hiện.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế của đội ngũ giáo viên, nhà trường có thể bố trí giáo viên thực hiện phần sinh hoạt theo chủ điểm không phải là giáo viên chủ nhiệm của lớp được phân công.
Tiết Sinh hoạt dưới cờ có tính vào tiết giảm trừ của giáo viên chủ nhiệm không?
Theo quy định tại Điều 8. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn của Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì “Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần”.
Việc giảm tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm lớp là để cho họ thực hiện nhiệm vụ chủ nhiệm lớp (được quy định tại Điều 4. Nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp của Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT), đó là: (1) Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của cả lớp; (2) Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm; (3) Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ học sinh; (4) Tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh do nhà trường tổ chức; (5) Báo cáo thường kì hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.
Mặt khác, theo Chương trình GDPT 2018 cấp Tiểu học, mỗi tuần ở mỗi khối lớp có 03 tiết Hoạt động trải nghiệm, đây là các tiết học bắt buộc (như các môn Toán, Tiếng Việt,…), có chương trình và sách giáo khoa riêng, đối tượng thực hiện có thể là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên khác. Vì vậy, theo chúng tôi, 3 tiết dạy này không thể tính vào 3 tiết giảm trừ của giáo viên chủ nhiệm lớp được.
_____________
PHAN DUY NGHĨA (Phòng GDPT, Sở GDĐT Hà Tĩnh)