Tăng tính tương tác, trải nghiệm, gắn với hoạt động giáo dục trong nhà trường
Hoạt động trải nghiệm đã trở thành môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác, các địa phương cũng được dành thời lượng để đưa nội dung giáo dục địa phương vào nội dung giáo dục lịch sử địa lý của địa phương mình. Những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan.
Hình ảnh các đoàn khách là học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại nhiều bảo tàng. Tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng văn học Việt Nam có không gian ngoài trời dành riêng cho các chương trình giáo dục di sản văn hóa. Để hoạt động tham quan, trải nghiệm của học sinh có hiệu quả, các lớp, nhà trường cần phối hợp với bảo tàng xây dựng mục tiêu của chuyến tham quan, cụ thể hóa thành các câu hỏi, các vấn đề cần trao đổi thảo luận hoặc dạy học theo dự án.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp xây dựng tài liệu “Các bước xây dựng Kế hoạch dạy học có sử dụng Di sản văn hóa phi vật thể” nhằm tăng cường kết nối bảo tàng và trường học.
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thời gian qua, bảo tàng đã tích cực phối hợp với một số bảo tàng tỉnh, thành phố và các ban ngành địa phương, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, trưng bày triển lãm.
Tích cực thúc đẩy, quảng bá hình ảnh bảo tàng trên các kênh truyền thông.
Thông tin quảng bá về Bảo tàng đã được giới thiệu trên các ấn phẩm, kênh truyền thông du lịch. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: từ báo điện tử, báo viết, kênh truyền hình, đài phát thanh… đến các bài viết, #hashtag trang mạng xã hội facebook, tiktok.
Các bảo tàng tích cực chuyển đổi số, đưa những thông tin hình ảnh liên quan đến hoạt động trong bảo tàng; phát động cuộc thi liên quan tìm hiểu sự kiện, tìm hiểu không gian bảo tàng qua trang web…..
Trang web Bảo tàng lịch sử Quốc gia với đa tác vụ:Giới thiệu bảo tàng, tin tức liên quan bảo tàng, trưng bày hiện vật, ….
Phát triển các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan
Trong những năm qua, các bảo tàng đã chú ý hơn tới dịch vụ tiện ích cho công chúng, như có điều hòa vào mùa nóng, có nhà hàng phục vụ đồ ăn, giải khát, khu vực vệ sinh.
Các bảo tàng chú trọng các không gian bên ngoài và thay đổi không gian trưng bày kết hợp cùng bảo tàng. Bảo tàng thường xuyên có các triển lãm ảnh liên quan đến sự kiện quan trọng của đất nước hay sự kiện tổ chức tại bảo tàng. Ngoài bảo dưỡng các hiện vật trong bảo tàng nhằm mục đích lưu trữ lâu dài, bên cạnh đó là cảnh quan xung quanh bảo tàng cũng được chú trọng đầu tư nhằm thu hút khách đến tham quan, check – in.
Bên cạnh đó, bảo tàng có thể là tổ chức các sự kiện văn hóa, nơi trưng bày, diễn ra các triển lãm văn hóa, triển lãm ảnh, thông qua đó để tăng cường lượng khách đến tham quan bảo tàng.
Bảo tàng với vai trò là một thiết chế văn hoá đặc thù, mang lại cho công chúng những thông tin, những tri thức chân thực, đáng tin cậy và lý thú; phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Một trong những chức năng quan trọng của bảo tàng là tuyên truyền giáo dục. Với chức năng này, bảo tàng đã và đang góp phần nâng cao dân trí, khơi gợi sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước
Thu Hải.