Lần nào tôi trà đá chém gió với đám bạn cũng có vài đứa chúi mũi vào Facebook. Công nghệ đã thay đổi toàn diện cách con người sử dụng thời gian trong cuộc sống. Bắt đầu bằng TV, rồi đến internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội… Từ em bé 2 tuổi, bố mẹ đã phải cho chơi iPad để nó chịu ăn uống hay đỡ “làm phiền”. Nhiều lần chúng tôi thảo luận về câu hỏi: làn sóng công nghệ tiếp theo, thứ mà sẽ chiếm lấy hầu hết thời gian của loài người, là gì? Những lúc đó tôi đều không ngần ngại khẳng định: đó là thực tế ảo, đặc biệt là mạng xã hội thực tế ảo. Không thể khác!
Thực tế ảo là gì?
Trước tiên chúng ta cần phân biệt 2 khái niệm là thực tế ảo (còn gọi là thực tại ảo, tiếng anh là Virtual Reality, viết tắt là VR) và thực tế được tăng cường (Augmented Reality – AR).
Thực tế được tăng cường là công nghệ cho phép bổ sung thông tin vào những gì bạn nhìn thấy. Ví dụ khi chĩa ống kính về tháp Effel, màn hình sẽ hiển thị các thông tin bổ sung như chiều cao, năm xây dựng, kiến trúc sư, vật liệu, v.v. Khi chĩa ống kính về nhóm bạn, màn hình sẽ nhận diện và hiện thông tin dòng trạng thái Facebook hoặc Twitter của từng người. Dù các ứng dụng loại này có thể có trên máy tính thường, nó đặc biệt hữu dụng trên điện thoại và các thiết bị thông minh – như Google Glass chẳng hạn.
Xa hơn nữa, không chỉ bổ sung thông tin, công nghệ có thể cho phép thêm các vật ảo vào. Ví dụ, bạn muốn trang trí nội thất cho căn hộ mới? Có thể thử bày trí căn hộ của mình bằng các “đồ đạc ảo” trước khi chọn mua. Hoặc như chiếc gương điện tử của Shiseido cho phép thử các “mỹ phẩm ảo” trên khuôn mặt mình trước khi quyết định. Kính HoloLens của Microsoft còn đi xa hơn thế, cho phép biến đổi những gì bạn nhìn thấy, từ 2D sang 3D chẳng hạn. Chính do có nhiều yếu tố ảo mà mà nhiều người gọi HoloLens là thực tế pha trộn (Mixed Reality) – pha trộn giữa ảo và thực.
Tuy được bổ sung các yếu tố ảo, các công nghệ trên vẫn dựa trên thế giới thực. Chúng chỉ “tô vẽ” thêm cho thực tế. Bạn không sợ cụng đầu vào tường khi đi lại mà đeo kính này, vì bạn vẫn nhìn thấy các bức tường. Nên tất cả sản phẩm đại loại như trên đều có thể coi là thực tế được tăng cường.
Trái lại, thực tế ảo là một môi trường hoàn toàn không thật. Nó là môi trường 3D được mô phỏng bởi máy tính mà không cần dựa vào thế giới thật xung quanh. Oculus Rift của Facebook chẳng hạn. Khi đeo vào, bạn sẽ gia nhập vào một thế giới riêng, không liên hệ với thế giới thật. Chính vì yếu tố này mà công nghệ thực tế ảo rất phù hợp đối với ngành công nghiệp games. Nhưng tiềm năng của công nghệ này còn lớn hơn rất nhiều – ở các phần sau của bài viết tôi sẽ thảo luận kĩ hơn.
[Video] Dùng Oculus Rift để chơi game Skyrim. Bạn nên xem 1 đoạn để hình dung được về thực tế ảo.
Thực tế được tăng cường, do dễ ứng dụng với chi phí rẻ hơn, nên được dự đoán là sẽ có thành công thương mại và có thị trường sớm hơn. Tuy nhiên, chính thực tế ảo mới là công nghệ mang trong mình tiềm năng thay đổi sâu sắc và căn bản thế giới loài người.
Đây là ảo hay thật?
Chắc đã đôi lần mộng mị giữa đêm khuya bạn tự hỏi “mình đang thức hay ngủ, đây là thật hay mơ?”. Bạn có nghĩ trong tương lai sẽ có lúc băn khoăn “đây là thế giới ảo hay thật”?
Thật ra thì khi chơi game Mario, cái thế giới của Mario đó cũng là thực tế ảo. Và hẳn là bạn cũng có vui buồn hay tức giận mỗi khi Mario gặp nạn. Nhưng mức độ nhập tâm của bạn vào thế giới đó còn rất thấp.
Hay khi bạn cùng người yêu đi xem một bộ phim hay. Cô ấy sụt sùi khóc vì cảm động hoặc co rúm vì sợ. Ở đây, dù mức độ nhập tâm đã cao hơn nhiều nhưng 2 bạn vẫn chỉ đóng vai trò người quan sát bên ngoài thay vì tham dự vào câu chuyện.
Công nghệ thực tế ảo được kỳ vọng đem đến một trải nghiệm hoàn toàn khác. Thử hình dung bạn bước vào một thế giới ảo, nhập vai hoàn toàn trong đó, tương tác với các vật ảo, gắn bó cảm xúc, có các mối quan hệ, tham dự các sự kiện, các trò chơi, và thậm chí kết hôn, sinh con đẻ cái. Thế giới mới này không bị hạn chế bởi các quy luật vật lý như thế giới thực – bạn có thể ngay lập tức đến một bãi biển đẹp như Hawaii mà không phải xin thị thực loằng ngoằng hay trải qua những chuyến bay dài mệt mỏi. Nó cũng không bị hạn chế bởi các luật lệ hay quy tắc xã hội hiện có – mọi quy tắc có thể được sáng tạo lại bởi các công ty phần mềm. Quả là một giấc mơ được đặt hàng. Nếu chất lượng của thế giới ảo đạt mức bằng hoặc cao hơn thế giới thực thì ai còn muốn sống trong thế giới thực nữa? Nhiều người trong chúng ta sẽ nghiện thực tế ảo, dành phần lớn thời gian sống cuộc sống ảo, có bao nhiêu tiền nướng hết vào đó, và thậm chí kiếm tiền từ đó.
Lẽ dĩ nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Thực tế ảo sẽ đi kèm các vấn đề cả trong bản thân nó cũng như hệ quá nó gây ra cho thế giới thật. Nó giống như câu chuyện cứ tưởng người giàu thì sướng, nhưng hóa ra họ cũng gặp vô số những vấn đề. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không ham giàu. Vì thế mà sự lấn lướt của cái ảo trước cái thật sẽ trở thành điều không tránh khỏi trong tương lai.
Chúng ta đang ở đâu trên hành trình này?
Thực tế ảo không phải là câu chuyện mới. Đầu những năm 90, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực cho chủ đề này. Kì vọng được đẩy lên cao, nhưng do những khó khăn về mặt công nghệ, kết quả thực tế đã không tương xứng. Vì thế, nó dần bị lãng quên, nhường chỗ cho ngôi sao mới thời đó là mạng Internet.
Những thách thức về công nghệ đó là gì? Để người dùng cảm thấy thực sự đang hiện diện trong thế giới ảo, hình ảnh, âm thanh phải sắc nét như thật. Khi bạn thay đổi góc nhìn hay di chuyển, máy phải ngay lập tức tính toán và hiển thị lại hình ảnh và xử lý âm thanh sao cho kịp thời và tự nhiên nhất. Để người dùng cảm thấy đang tham dự, họ phải tương tác được với môi trường ảo, với các vật ảo, cũng như với bạn bè ảo. Điều này đòi hỏi năng lực tính toán, xử lý hình ảnh âm thanh, nhận dạng giọng nói, cảm biến, theo dõi chuyển động, v.v. Kể cả khi nền tảng công nghệ đã sẵn sàng, việc tạo ra nội dung và thiết kế ứng dụng cho nó cũng mất nhiều công sức – chẳng hạn để mô phỏng hoàn chỉnh một cabin tập lái máy bay cũng đỏi hỏi nhiều người làm việc trong thời gian dài. Nếu nền tảng công nghệ không ổn, người dùng sẽ cảm thấy hình ảnh giật, âm thanh không tự nhiên, cảm giác không thật, thậm chí say hoặc buồn nôn, v.v. Nếu nội dung không đầy đủ và có chất lượng, người dùng sẽ chóng chán. Cách đây 20 năm, công nghệ đã không đủ để giải bài toán này. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của phần cứng và phần mềm, những khó khăn đó dần được giải quyết.
Thực tế ảo hồi sinh và bắt đầu gây được sự chú ý của dư luận vào đầu năm 2014, khi Facebook bỏ ra 2 tỉ USD mua lại Oculus Rift, một công ty non trẻ sản xuất thiết bị thực tế ảo. Người ta đang chờ đợi sản phẩm thực tế ảo đầu tiên thương mại hóa thành công – giống như Apple đã làm được với iPhone và mở ra 1 kỉ nguyên mới. Hai sản phẩm đang dẫn đầu và được nhiều kỳ vọng là Oculus Rift của Facebook, dự định thương mại hóa cuối năm 2015, và dự án Morpheus của Sony – dự định thương mại hóa trong năm 2016. Các ông lớn khác cũng không chịu đứng ngoài cuộc, từ Google, Microsoft, Apple cho đến Samsung, HTC, NVidia đều đua nhau mua lại các công ty thực tế ảo hoặc trình diễn các công nghệ liên quan. Mười năm trước, không ai hình dung được điện thoại thông minh sẽ thay đổi thế giới như như thế nào. Thực tế ảo cũng đang đứng trước cơ hội như vậy, dù không ai nói trước được tương lai.
Cho dù ngành công nghiệp games đang là động lực thúc đẩy thực tế ảo phát triển, tiềm năng của công nghệ này không bó hẹp ở đó. Nó có thể được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác, từ việc huấn luyện (lái máy bay ảo, nhảy dù, chiến đấu), du lịch (ngồi nhà mà vẫn trải nghiệm vẻ đẹp choáng ngợp của hang Sơn Đoòng), hội họp từ xa (cho cảm giác như đang hiện diện), giáo dục, y học (tập luyện phẫu thuật trên bệnh nhân ảo, hoặc tham gia chỉ đạo phẫu thuật từ xa), điện ảnh, giải trí (chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tưởng!). Người ta còn dùng thực tế ảo để chữa trị các bệnh tâm lý, chẳng hạn sợ rắn hoặc sợ máy bay thì cho trải nghiệm các cảm giác này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Còn khả năng áp dụng công nghệ này cho ngành công nghiệp tình dục thì khỏi bàn, tôi xin dành lại cho bạn tự tưởng tượng.
Cái gì có thể trở thành một Facebook tiếp theo? Đó là khi chúng ta xây dựng được một xã hội ảo đạt mức độ hoàn thiện nhất định và có số lượng người tham gia đông đảo. Khi yếu tố nhập tâm và tương tác của thực tế ảo kết hợp với nhu cầu giao lưu chia sẻ và thể hiện của mạng xã hội, sẽ chẳng còn gì có thể khiến loài người say đắm hơn.
Dĩ nhiên công nghệ thực tế ảo sẽ chưa phát triển nhanh đến độ xây dựng được ngay những thế giới ảo phức tạp, tinh tế, và hoàn chỉnh. Có lẽ cần 10 hoặc 20 năm nữa. Còn trong những năm tới, chắc chắn việc ứng dụng thực tế ảo vào ngành công nghiệp games sẽ có nhiều bước tiến, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.
Sự tương đối của thực tại
Khi chúng ta gọi thế giới mà máy tính tạo ra là “thực tế ảo”, tức là đã mặc định thế giới ta đang sống là thực. Thử hình dung khi cái “thế giới ảo” đó “thật” đến mức ta không biết nó là ảo nữa. Khi đó đối với chúng ta cái thế giới ảo đó chính là thế giới thực. Chúng ta chìm đắm trong nó, và tiếp tục tạo ra thế giới ảo khác bên trong thế giới ảo. Như vậy các thế giới có thể phân tầng như 1 cây phả hệ? Về lý thuyết thì điều đó là có thể.
Như vậy lấy gì đảm bảo là thế giới ta đang sống là thật, là điểm gốc của cái cây kia? Điểm gốc đó có tồn tại không, và giả sử có tồn tại thì tại sao chúng ta là gốc mà không phải là 1 thế giới phía trên nào khác?
Tôi luôn tin rằng tất cả là ảo, cả cái thế giới ta đang sống đây cũng là kết quả của việc “giả lập” ở đâu đó khác. Chuỗi giả lập đó liên tục không có điểm dừng. Dĩ nhiên không nhất thiết giả lập theo cái cách máy tính giả lập. Giấc mơ cũng là một dạng giả lập. Và có lẽ còn những cách “giả lập” khác ta không biết tới. Mà khi đó nói cho cùng ảo hay thật không còn quan trọng, chúng chỉ là một thôi. Khi ta muốn chọn 1 thứ để làm hệ quy chiếu hoặc làm tiền đề, thì ta gọi nó là thật. Khi nhìn rộng hơn, nó lại là ảo.
Thực ra tôi đã viết về điều này ở bài Khoa học: Tòa lâu đài lơ lửng và Người ngoài hành tinh ở đâu?. Dù vậy, khi viết về thực tế ảo, sự tương đối của thực tại lại hiện về rõ hơn. Giờ đây chúng ta có thể tin rằng, bằng công nghệ, con người có khả năng sẽ tạo ra một thế giới ảo hoàn thiện. Đến mức nhiều người trong chúng ta sẽ “định cư” ở đó và không có ý định quay về
Trương Hồng Thi