TLGD – Sáng ngày 20/4/2024, Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo về vấn đề thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển.
Tham dự hội thảo có sự tham gia PGS. TS Trần Kiều – Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam, GS. TS Nguyễn Ngọc Phú – phó chủ tịch Hội, kiêm tổng thư ký Hội, PGS. TS Nguyễn Tiến Trung – Tổng biên tập tạp chí giáo dục, Bộ GD&ĐT, cùng các Ban thường vụ Hội khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, thay mặt Ban tổ chức & Ban Nội dung của hội thảo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú- Phó chủ tịch – tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam chia sẻ báo cáo tổng quan về Hội thảo RLPT lần thứ 4 của Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay Ban Thường vụ Trung ương Hội Khoa học Tâm Lý – Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thường niên được 03 hội thảo về RLPT. Kế thừa kết quả thành công của 3 hội thảo trước. Năm nay, Ban Thường vụ Trung ương Hội Khoa học Tâm Lý – Giáo dục Việt Nam đã quyết định tổ chức hội thảo quốc gia lần thứ tư về RLPT với chủ đề “Thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển”.
Ban tổ chức đã nhận được 44 báo cáo, trong đó có 04 báo cáo của chuyên gia nước ngoài (Hà Lan, Nhật, Malaysia) và 40 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước. Hội đồng khoa học của hội thảo đã lựa chọn được 34 tham luận, trong đó có 30 tham luận trong nước được biên tập và đưa vào Tuyển tập công trình khoa học của HT.
Trong đó, 10 báo cáo trong chủ đề 1 về “CÁC MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ, CAN THIỆP DÀNH CHO NGƯỜI RLPT” không chỉ chia sẻ một số thông tin lý luận về các mô hình đánh giá, can thiệp theo hướng tiếp cận liên ngành mà còn chia sẽ những mô hình thực đang được tổ chức và vận hành ở một số cơ sở can thiệp và giáo dục trong nước cũng như ở nước ngoài dành cho người RLPT, cụ thể như: Mô hình nhóm đa ngành tại 6 bệnh viện ở Huế, Quảng Nam và Quảng Trị; Mô hình phối hợp liên ngành tại Trung tâm Sao Mai; Mô hình liên ngành tại Bệnh viện Vinmec Times City; Mô hình phối hợp giữa y tế, tâm lý và giáo dục ở Nhật Bản, Chương trình hệ thống hỗ trợ tích hợp toàn diện của Dawn Bridge Malaysia. Các báo cáo đã chia sẻ cách vận hành, hiệu quả của mô hình và những bài học kinh nghiệm… đây là cơ sở hữu ích để các quý vị đại biểu, các cơ sở/các trung tâm dành cho người RLPT của Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi.
Có 07 báo cáo thuộc chủ đề 2 “CÁC LỰC LƯỢNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG ĐÁNH GIÁ, CAN THIỆP NGƯỜI RLPT” đã tập trung chia sẻ vai trò, thực trạng của các lực lượng liên ngành trong đánh giá, can thiệp người RLPT, trong đó có nói tới vị trí, vai trò của Nhà tâm lý lâm sàng, nhà tâm lý giáo dục, Nhà công tác xã hội, các bác sĩ và cha mẹ người RLPT,… đồng thời các nội dung cụ thể khác như: hy vọng và cảm nhận hạnh phúc của cha mẹ trẻ, stress và sự hài lòng của giáo viên dạy trẻ; khía cạnh chuyên sâu như đạo đức trong tham vấn tâm lý cho cha mẹ trẻ RLPT cũng được đề cập. Các báo cáo này mở ra một góc nhìn mới với những gợi mở và sự quan tâm cụ thể trong nhiều khía cạnh trực tiếp và gián tiếp liên quan tới mô hình tiếp cận liên ngành trong đánh giá và can thiệp người RLPT.
17 báo cáo thuộc chủ đề 3 “PHỐI HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ, CAN THIỆP VÀ GIÁO DỤC NGƯỜI CÓ RLPT” rất đa dạng, có nhóm các báo cáo tập trung vào chia sẻ biện pháp can thiệp; có nhóm các báo cáo mô tả hiệu quả của nghiên cứu và thực hành các phương pháp đánh giá, can thiệp; có nhóm các báo cáo thể hiện xu hướng phát triển mới gắn với công nghệ trong đánh giá, can thiệp người có RLPT, ví dụ như: ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀO HOẠT ĐỘNG CAN THIỆP TRẺ RLPT, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG CỤ ASQ3 ĐỂ SÀNG LỌC TRẺ EM CÓ RLPT, ỨNG DỤNG GIÁO DỤC STEAM TRONG GIÁO DỤC TRẺ KTTT. Có thể nói các báo cáo của chủ đề 3 là những nội dung mang tính thực hành cao, cung cấp những cơ sở và gợi mở những hướng mới trong việc nghiên cứu, tìm kiếm và phát triển những phương pháp đánh giá và can thiệp người RLPT dựa trên bằng chứng khoa học.
Điểm mới của hầu hết của các báo cáo khoa học lần này là đều chú ý tới tính hợp tác đa ngành, liên ngành trong bối cảnh đánh giá, can thiệp, giáo dục & hỗ trợ người có RLPT hiện nay.
Bên cạnh đó, các báo cáo cũng cho thấy những hạn chế và khoảng trống trong hợp tác đa ngành, liên ngành đối với hoạt động đánh giá, can thiệp và giáo dục người có RLPT; gợi mở những hướng nghiên cứu và những giải pháp trong tương lai gần nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người RLPT.