Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng với sự du nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã hình thành một tầng lớp xã hội mới – tầng lớp tư sản. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tầng lớp tư sản dân tộc, doanh nhân Việt Nam có sự phát triển. Họ đã có nhiều đóng góp vào phong trào yêu nước, vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám và vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.
1. Doanh nhân Việt Nam với Cách mạng Tháng Tám
Khi nghiên cứu lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là về Cách mạng Tháng Tám, một vấn đề làm chúng tôi muốn đi tìm câu trả lời chính xác, đó là: Tại sao Bác Hồ khi trở về với Hà Nội lại chọn căn nhà của một trong những người giàu nhất, của con phố giàu nhất làm nơi ở, nơi làm việc của mình trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và để làm nơi họp bàn, quyết định một số vấn đề trọng đại của đất nước? Với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, chúng ta rất hiểu, hoàn toàn không phải là vì Bác muốn ở trong một căn nhà với các tiện nghi sang trọng, mà ở đây, có sự ẩn chứa trong đó một tư duy chính trị vô cùng sâu sắc của một lãnh tụ tối cao của dân tộc, một bậc hiền triết vĩ nhân. Vấn đề ở đây là gì?
Bảy lăm năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngày 25/8/1945, Bác Hồ được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh… đưa đến đây, được chủ nhà bố trí ở một căn phòng trên tầng 2 và Bác đã lưu trú lại đây từ tối 25 – 30/8/1945, đó là những ngày lịch sử của đất nước, dân tộc. Tại đây, Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những “ngày đặc biệt” tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, phòng ăn của gia đình được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tại căn phòng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn, thông qua 3 nội dung quan trọng là Tuyên ngôn Độc lập; tổ chức lễ Quốc khánh và thành phần Chính phủ lâm thời nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức yêu nước, quyết định ngày tuyên bố độc lập. Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được gia đình ông bà Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Hầu hết những vật dụng trong nhà đều được bảo vệ cẩn thận, những nét xưa của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, cửa mở cho du khách ra vào tự do.
Điều đó cho thấy lòng tin của Bác Hồ đối với tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Chính lòng tin của Bác Hồ đối với tinh thần yêu nước của các nhà công – thương đã thể hiện đường lối của cách mạng. Đường lối ấy đã khiến giới công – thương hết lòng ủng hộ. Không chỉ có ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, trong những ngày đầu, ngay sau Cách mạng tháng 8/1945, khi quốc khố gần như trống rỗng, chỉ có hơn 1 triệu đồng tiền Đông Dương thì quá nửa là tiền cũ, rách nát, không tiêu được. Khi đó, bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng chồng là thương gia Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Chính phủ trong Tuần lễ vàng số tiền lên đến 5.147 cây vàng. Hơn thế nữa, với triết lý kinh doanh luôn được gia đình thương gia Trịnh Văn Bô giữ vững trong suốt thời gian dài kinh doanh là “Buôn bán lãi được 10 đồng thì giữ lại 7 phần để tái đầu tư, còn 3 phần để giúp từ thiện. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả” đã trở thành triết lý kinh doanh của cả thế hệ công thương Việt Nam. Đây cũng là bài học cho nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Nhận thức rõ vai trò của tầng lớp doanh nhân đối với cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, trên cơ sở coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho doanh nhân Việt Nam đã định hướng, động viên, khích lệ đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển theo tư tưởng của Người.
Với nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công – thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, nửa tháng sau ngày Độc lập (ngày 18/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ giới doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới giới công – thương Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới Công – Thương đã đoàn kết lại thành “Công – Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay “Công – Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”[1]. Về vai trò của giới công – thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công – Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”[2]. Về trách nhiệm của Chính phủ đối với sự phát triển của giới công – thương, Người chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”[3].
Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, tầng lớp doanh nhân đã có nhiều đóng góp quý báu cho cách mạng, không chỉ đóng góp nguồn tài chính cho các phong trào cách mạng mà họ còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ghi nhận, tôn vinh doanh nhân tiêu biểu đối với cách mạng và đất nước, ngày 13/10/2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho các doanh nhân: Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô[4]; Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”; đặt tên đường Trịnh Văn Bô tại Thủ đô Hà Nội.
2. Doanh nhân Việt Nam với sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay
Tiếp nối thế hệ doanh nhân cha anh, ra đời và phát triển cùng với sự nghiệp đổi mới, đội ngũ doanh nhân hiện nay đã đóng vai trò ngày càng lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân tích cực tham gia các chương trình hoạt động xã hội như “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện,… góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để vận động đội ngũ doanh nhân có nhiều đóng góp hơn nữa xây dựng phát triển kinh tế – xã hội, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, biện pháp để vận động và khuyến khích đội ngũ doanh nhân phát triển, theo đó, vai trò của đội ngũ doanh nhân từng bước được nhận thức rõ và có những chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nhân Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo bản sắc thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này. Tháng 6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng ta xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”[5].
Tiếp tục làm rõ hơn vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, tháng 9/2019, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đã tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Tại sự kiện này, Trưởng Ban kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình đã nhắc lại bức thư Bác Hồ gửi ngành công thương năm 1945 và khẳng định: “Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này”.
Hằng năm, nhiều giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích, tôn vinh doanh nhân như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, giải thưởng Sao Đỏ “Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu”, thành lập “Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam”…
Những tư duy, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây được Đảng, Nhà nước ta hiện nay vận dụng, sáng tạo, phát triển đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò lịch sử của mình trong Cách mạng Tháng Tám để trụ vững, vượt qua khó khăn, trở ngại, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước giai đoạn cách mạng mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng đang gặp phải giới hạn nhất định khi nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trong khi nền kinh tế nước ta lại chưa phát triển nhanh và bền vững. Đây là hệ quả của sự tác động đan xen từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, giới doanh nhân chia sẻ, tuy cũng xuất phát từ nhận thức, trách nhiệm, năng lực của chính đội ngũ doanh nhân, nhưng nguyên nhân chính làm cho vai trò của đội ngũ doanh dân chưa được phát huy tối đa chính là: thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
3. Phát huy vai trò lịch sử của doanh nhân trong Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp phát triển đất nước giai đoạn cách mạng mới
Để vai trò lịch sử của doanh nhân trong Cách mạng Tháng Tám được phát huy hơn nữa trong sự nghiệp phát triển đất nước giai đoạn cách mạng mới hiện nay, cần phải có sự nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp từ cả phía Đảng, nhà nước và cả phía đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó:
Đối với Đảng và Nhà nước:
Đảng và Nhà nước tiếp tục coi trọng, khẳng định vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế.
Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, sự phản biện, phản hồi, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh.
Chính phủ, các bộ ngành đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, gỡ bỏ những rào cản, xóa bớt những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho doanh nghiệp… tạo hành lang pháp lý rộng thoáng, góp phần động viên, khuyến khích doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển kinh doanh. Đại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng sáng ngời khi Chính phủ và doanh nghiệp, doanh nhân đã cũng ngồi với nhau bàn bạc, doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế cho Chính phủ và Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân trụ vững qua đại dịch, tiếp tục phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Bên cạnh việc đề ra những chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và doanh nhân phát triển kinh doanh, cần phải có chính sách tôn vinh đội ngũ doanh nhân, những doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân:
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần có nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong lịch sử, từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, nâng cao năng lực, thực sự cố gắng trở thành một trong những lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam thời kỳ mới.
Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phấn đấu trở thành thành phần trụ cột của nền kinh tế, là lực lượng chủ lực đi đầu trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa trước sự lan tỏa như vũ bão của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.
Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về quy mô, trình độ, phạm vi hoạt động của mình ở mọi lĩnh vực trong sản xuất và trong cuộc sống (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ…), từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước.
Có thể nói, lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng kiến và ghi nhận sự ra đời, phát triển của các thế hệ doanh nhân Việt Nam. Họ đã thể hiện vai trò của mình suốt chiều dài lịch sử từ việc tham gia trong phong trào yêu nước, ủng hộ cách mạng, góp phần thành công của Cách mạng Tháng Tám để khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến việc xây dựng thế hệ “Doanh nhân đổi mới” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với một tinh thần không cam chịu đói nghèo, tụt hậu, bằng nỗ lực và đam mê làm giàu, quyết tâm cùng toàn dân tộc tạo nên bước chuyển mang tính lịch sử, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, mãi xứng đáng, tự hào là “một cánh sao vàng” trên lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng năm cánh của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước đây, của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay và mai sau.
Lê Đình Thụ
Khoa Kinh tế Chính trị học Mác-Lê Nin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, tr. 53.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, tr. 53.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, tr. 53.
[4] http://enternews.vn/nguyen-son-ha-ong-to-nghe-son-doanh-nhan-lung-lay-36913.html
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội, tháng 6/2017.
Tham khảo thêm: “Doanh nhân – Người là ai?”