Tôi gặp anh lần đầu tiên ở Phòng Giáo dục Mường Lay, khi đó anh đương chức Phó trưởng ban nghiên cứu Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục), đang dẫn đầu đoàn cán bộ đi khảo sát ở địa phương.
Sau này về cơ quan dân tộc, tôi nhiều lần đi công tác cùng với anh, lần nào cũng thấy anh đeo một ba-lô rõ to. Trong ba lô lủng củng rất nhiều thứ: kìm, búa, cưa, đục, dây thép, dây đay và các mảnh vật liệu bằng tôn, bằng sắt…Mọi thứ đều được sắp xếp rất gọn gàng. Lên đến các trường vùng cao, sau màn chào hỏi là anh đi thăm cơ sở vật chất nhà trường. Trường thiếu cái gì là anh mở ba-lô lấy ra đồ nghề và làm ngay cho.Cái gì anh đã nhúng tay vào đều trở nên tinh xảo, chắc chắn. Bao giờ đoàn công tác về thì điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các thầy cô đều trở nên ngăn nắp, tiện nghi.
Trong đời thường, anh bình dị thân thương là thế.Nhưng trong chuyên môn, anh là một trong mấy nhà ngôn ngữ học tham gia xây dựng bộ chữ Hmông triển khai trong nhà trường.Chữ nghĩa anh sâu lắm.Nói đến chữ nào là nói tường tận, ngọn ngành. Các cụ bảo là nói có sách, mách có chứng. Bộ sách Tiếng Hmông anh làm chủ biên là một cống hiến lớn của ngành giáo dục trong sự nghiệp phát triển ngôn ngữ cho cộng đồng ngôn ngữ thiểu số. Bài hát nổi tiếng “Người Mèo có chữ rồi” là tiếng reo vui đến hôm nay còn chưa dứt. Anh là con người của công việc: nói ít làm nhiều. Đến tuổi về hưu, anh được Bộ mời ở lại làm thêm 5 năm nữa dể tiếp tục dìu dắt các bạn nghiên cứu trẻ. Anh được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.Theo tôi được biết, trong cơ quan nghiên cứu giáo dục dân tộc của Bộ từ trước đến anh là người duy nhất được tặng danh hiệu cao quý này.
Tôi còn nhớ, khi anh về nghỉ rồi, có đợt Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị Bộ tặng bằng khen và Giấy khen cho tác giả biên soạn sách dạy tiếng dân tộc thiểu số. Của đáng tội, số tác giả có công thì không để sót nhưng chỉ khen ở mức độ bình thường cho phải phép. Họ lại quan tâm dành bằng khen của Bộ trưởng đến người làm quản lí đương chức mặc dù chẳng có mảy may công lao. Trong bối cảnh đáng buồn đó, anh và anh Cư Hòa Vần – người có công lớn trong việc biên soạn cuốn Từ điển Hmông- Việt chỉ được tặng Giấy khen mà thôi. Đúng là một sự bạc bẽo, thiếu nghiêm túc!Lần ấy, anh và cả anh Cư Hòa Vần chỉ cười, một nụ cười rõ hiền. Hình như những người anh đã vượt qua mọi danh hiệu. Với anh, trên tất cả là sự cống hiến cho vùng cao nơi phát triển giáo dục cho đến nay vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn. Anh ấy là Phan Thanh – người con yêu của đất Quản Bạ, Hà Giang.
_____________
Giáo Học