Trong cuộc sống con người ta, ngoài cái ăn, cái mặc ra thì cái tắm cũng rất quan trọng. Tắm không phải chỉ để tẩy trần, để xua tan mệt nhọc, để chữa bệnh mà còn có nhiều ý nghĩa khác.
- Tắm lúc đến chơi nhà
Khách đến chơi nhà bây giờ có thể đến một chốc một nhát rồi về, nhưng ngày trước thường là ở lại qua đêm, hoặc ở lại một vài ngày. Để khách đỡ mệt vì đường xa dặm thẳm, chủ nhà thường bố trí cho khách tắm rửa cho thoải mái, lấy lai sức khỏe sau đó mới hàn huyên đi vào mục đích chính của chuyến viếng thăm.Việc làm này như một thứ văn hóa của nhiều dân tộc. Con cái ở xa về cũng cho chúng tắm rửa sạch sẽ cho tỉnh táo. Tranh thủ lúc đó người nhà làm cơm thết đãi.Người nhà thường chuẩn bị sẵn khăn tắm, sữa tắm, dầu gội. Trong nhà tắm dẫu còn những thứ vừa nói, nhưng nhiều khi thay bằng thứ mới. Xứ Nepal cũng rất để ý đến văn hóa tắm. Nhà tắm của họ có cả chỗ tắm đứng có vòi hoa sen có cả bồn tắm. Dầu gội cũng có nhiều loại cho người tóc rễ tre cứng và người tóc tơ, người tóc khô và người tóc nhiều dầu.
Có lần tôi đến với một xã của một huyện miền núi thuộc tỉnh Yên Bái. Nơi đây là nơi sinh tụ của đồng bào Dao. Nhà người Dao lưng dựa vào đồi đất, phía sau là rừng tre, rừng luồng. Tôi để mắt quan sát thì thấy hầu hết những ngôi nhà trong bản có đặc điểm nửa sàn, nửa đất. Điều thú vị nhất là trong ngôi nhà của họ, hầu như nhà nào cũng có bồn tắm. Bồn tắm của họ không làm bằng i-nốc hay bằng xi măng mà làm bằng gỗ ghép giống như thùng rượu vang của một số nước châu Âu. Không hiểu họ làm bằng thủ công thế nào mà có những mảnh gỗ độ cong giống hệt nhau xếp khít với nhau bên ngoài là hai cái đai bằng mây. Khe tiếp giáp giữa hai mảnh ván không có một loại keo dính nào. Nghe nói đồng bào có một thứ keo dính gọi là sơn ta. Thứ sơn này có độ kết dính rất tốt. Nhưng với bồn tắm đồng bào không cần dùng. Người Dao có phong tục khách quí từ nơi xa đến bao giờ cũng được tắm nước nóng trong cái bồn tắm này. Khách tắm xong người nhà mới được tắm. Không biết họ có bỏ thêm vào bồn một thứ lá thuốc nào không? Được biết người Dao có nhiều vị thuốc quí dẫn vào cơ thể bằng con đường nước tắm. Điều này rất có lí bởi lỗ chân lông gặp nước nóng thì mở ra như những ô cửa số của tòa nhà cơ thể vậy.
Cách đây một vài năm, tôi có đến thăm nhà một anh học trò cũ ở Thái Bình.Nhà anh tọa lạc trong một khuôn viên rộng, trước nhà có bể bơi. Lúc vào phòng nghỉ dành cho khách quí tôi vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp cái bồn tắm giống như cái bồn tắm của người Dao năm xưa tôi đã thấy. Nghe nói, bồn làm bằng gỗ sồi khi gặp nước nóng sẽ tỏa ra một mùi hương đặc biệt.Tuy nhiên, cái bồn tắm của anh học trò tôi lấy nước từ trong bình nóng lạnh, còn của đồng bào thì nước phải đun trong một cái thùng lớn rồi rót vào. Thế là, đến với mảnh đất quê hương năm tấn tôi lại thêm lần chạm vào cái văn hóa tắm bồn của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tắm suối
Người Thái ở Tây Bắc có phong tục tắm suối.Không biết mùa đông họ tắm thế nào chứ ngày nóng nực thì tất cả ra suối.Đàn ông tắm ở một khúc, đàn bà và trẻ con tắm ở một khúc.Đàn bà Thái tắm rất khéo, chỉ cần xoay vần bộ váy áo mà giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề để lộ ra một phần cơ thể.Gặp đàn ông đi qua họ vẫn tắm hồn nhiên chỉ cần quay lưng lại mà thôi.Các cô gái Thái tắm xong cảm giác cô nào cô nấy như đẹp thêm lên đến mấy phần.
Hồi trường Sư phạm Lai Châu đóng ở bản Kệt gần huyện lị Tuần Giáo, thầy và trò làm gì có nhà tắm.Tất cả kéo nhau ra suối.Suối ở đây không hề lộ thiên mà chảy qua một cánh rừng thưa. Dưới là dòng nước chảy róc rách, trên là bóng cây đan nắng lưa thưa. Thật không kém gì cảnh tiên. Trên một dòng suối dài mỗi tốp chiếm cứ một đoạn. Vui, lịch sự và thanh tao không có gì là tục cả. Suối cũng nhiều cá, nhiều nhất là cá mương. Những con vật này vui vẻ làm nhiệm vụ giữ cho dòng suối lúc nào cũng xanh trong.
- Tắm tất niên
Người Việt có tục tắm tất niên.Tất niên là lúc sắp hết năm, có ý đưa năm cũ đi, chuẩn bị đón năm mới. Bây giờ thì không rõ chứ nhiều năm trước, nhiều gia đình người Việt có tục tắm trong mấy ngày này. Già trẻ lớn bé đều tắm. Người già và trẻ em không tự tắm được thì được người nhà giúp cho.
Ngày ấy, không có bình nóng lạnh nên nước nóng đều phải đun trong nồi to. Nhà nào cẩn thận thì nước nóng để tắm đều đun trong nồi riêng, không lẫn với nồi đun đồ ăn. Nồi đun nước tắm, đáy thường đóng một lớp cặn rất dày.
Được biết nhiều nhà nước tắm thường được đun cùng lúc với việc đun bánh bánh chưng. Đấy là do tiện củi lửa chứ không có lí do nào khác. Nồi nước tắm thường được bỏ lá thơm. Có nhà bỏ rễ hương bài, có nhà bỏ cây mùi già. Nước tắm thường có màu, mùi hương dâng lên ngào ngạt. Tắm đương nhiên là làm cho cơ thể sạch sẽ, nhưng còn có ý nghĩa tâm linh nữa. Tắm tất niên làm sạch mọi thứ dơ bẩn, rũ bỏ những gì không tốt, những gì ám ảnh trong năm cũ để bước sang năm mới với suy nghĩ và tâm hồn hoàn toàn thanh sạch. Người tắm sẵn lòng tin thì từ sau buồng tắm bước ra cảm thấy sảng khoái lạ thường.
- Tắm trong tín ngưỡng và phong tục tết
Có dân tộc như dân tộc Khmer còn có tục tắm cho nhà tu hành, tắm cho tượng Phật.Thời gian tiến hành lễ nghi tắm cho tượng Phật và các nhà sư là ngày Lơng-sạ còn gọi là ngày Boòng-hơi (làm cho hoàn tất) ngày thứ ba trong tết Chôl cho-năm thô-mây. Tất nhiên tắm trong tín ngưỡng nhà Phật hoàn toàn mang ý nghĩa tượng trưng. Người ta tắm cho nhà tu hành đặc biệt là sư thầy để tỏ lòng biết ơn.Tắm Phật để ngài được quang quẻ, đẹp đẽ, cầu mong mưa thuận gió hòa. Người làm việc này là Phật tử.
Chúng tôi nghĩ rằng, đằng sau nghi thức tắm cho tượng Phật và cho các nhà sư còn có một ý nghĩa sâu xa khác: Đức Phật hay các nhà tu hành dù có công đức phổ độ cho thế gian bao nhiêu cũng không quá khác phàm, cũng là con người gần gũi cũng cần được quan tâm như muôn vật của cõi chúng sinh.
Nhiều dân tộc có tết té nước. Hồi học chung với các bạn Lào ở Phnôm Pênh, gặp tết té nước, chúng tôi ai nấy ướt như chuột. Ướt mà vui và thấm thía ý nghĩa của phong tục từ ngàn xưa truyền lại.
_______________
AMA NGỌC HỒ