Trong thời gian nghiêm túc thực hiện chủ trương cách ly xã hội vì nạn dịch Covid-19, tương tự như mọi người, tôi có dịp ở nhà nhiều hơn nên sử dụng điện thoại cũng nhiều hơn, trò chuyện với bạn hữu cùng người thân quen, trong nước và ngoài nước đều không ít. Do đã thuộc hàng cao niên nên những cuộc trò chuyện của chúng tôi vẫn chủ yếu là thăm hỏi và cầu chúc cho nhau được bình an dù nạn dịch nặng nề đang hoành hành khắp thế giới. Nhưng trong chỗ không ngờ tôi bỗng có cuộc đối thoại với một Tiến sĩ người Mỹ qua mạng FaceTime. Vị Tiến sĩ này mới ngoài sáu mươi, khỏe mạnh, năng động và tính rất thẳng thắn nhưng khả năng chắt lọc thông tin theo tôi là chưa cao. Sau vài câu xã giao, vị Tiến sĩ này hỏi :
- Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách những vùng nguy hiểm của nạn dịch Covid-19 bởi lẽ Việt Nam ở sát ngay ổ dịch lớn nhất hành tinh là Trung Quốc. Chắc người Việt Nam chết vì nạn dịch nhiều lắm có phải không ?
- Tôi nghĩ ai ai cũng cần tự kiểm tra mọi thông tin trước khi nêu nhận định của mình vì đó là thói quen đương nhiên cần có và phải có của tri thức. Đúng là Việt Nam gần Trung Quốc nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao nhưng lúc này, ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới lại không phải Trung Quốc nữa. Vả chăng, nguy cơ cao với bị tử vong với số lượng cao là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
- Vậy người Việt Nam đã bị tử vong khoảng bao nhiêu ?
- Việt Nam hoàn toàn chưa có người nào tử vong vì dịch Covid-19, ngược lại, hơn quá nửa số bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19 đã được chữa lành.
- Tôi không tin. Giỏi như Mỹ và các nước tiên tiến không làm được, lẽ đâu Việt Nam có thể làm được. Bên này nhiều người cho là Việt Nam cũng như Trung Quốc, luôn luôn tìm cách bưng bít sự thật. Nước Mỹ tự do và văn minh không ưa kiểu bưng bít ấy.
- Mỹ có rất nhiều người tài giỏi, không ít nhà khoa học Mỹ được nhận giải Nobel, thế giới luôn bày tỏ thái độ trân trọng và nể phục họ. Nhưng giữa trí thức hàn lâm rất uyên bác với ứng dụng thực tiễn sinh động luôn luôn có khoảng cách. Cứ hỏi các bậc được trao giải Nobel Y khoa xem, giữa họ với một cô y tá rất bình thường, ai chích thuốc cho bệnh nhân giỏi hơn ai. Tôi từng có dịp cùng dự tiệc với một vị Giáo sư lừng danh, tác giả của hơn 100 cuốn sách khảo cứu rất có giá trị. Nhưng ăn xong, vị Giáo sư loay hoay mãi với lọ tăm vì không sao lấy được tăm. Người phục vụ bàn tinh ý liền chạy vội tới và nói là bác để cháu lấy cho, đây là loại ống đựng tăm kiểu mới, phải ấn ngón tay vào đây, giữ ngón tay một lúc tăm mới chìa ra. Vị Giáo sư cười tươi và nói là kiến thức như trời như biển, cháu chỉ dẫn cho bác một kỹ năng ngỡ rất dễ nhưng quả thật không dễ. Cảm ơn cháu, cảm ơn người thầy trẻ tuổi của bác.
- Triết lý của mẩu chuyện ông vừa kể là gì ?
- Rất đơn giản thôi. Người giỏi không phải bất cứ lĩnh vực nào cũng giỏi. Quốc gia văn minh không phải tất cả những gì gắn bó mật thiết với họ cũng đều văn minh. Là người từng đến những nước được ông xếp vào hàng văn minh nhất, tôi cảm nhận rất rõ điều này.
- Xin thẳng thắn hỏi điều này, Tiến sĩ Việt Nam được mấy người như ông ?
- Trước khi trả lời, tôi xin đề nghị ông hãy nói chuyện với tôi bằng tiếng Trung Quốc. Những nhận định của ông có vẻ như ông đã nghiên cứu khá kỹ về Trung Quốc, có đúng như vậy không nào ?
- Rất tiếc ! Rất tiếc ! Tôi không biết một tiếng Trung Quốc nào cả.
- Tôi từng tiếp khá đông Tiến sĩ Mỹ khi họ đến Việt Nam và tôi cũng tới mấy chục tiểu bang của Mỹ. Tôi thấy có rất nhiều Tiến sĩ Mỹ quá giỏi, họ xứng đáng là những nhà khoa học thực thụ nhưng cũng thấy không ít Tiến sĩ Mỹ chỉ biết mỗi tiếng Mỹ, nói được dăm ba câu tiếng Mexico. Tiến sĩ Việt Nam hiện nay hầu như không có loại đó. Tôi tự hào về họ.
- Trở lại dịch Covid-19. Ông cho là Chính phủ Việt Nam không bưng bít số ca tử vong ư ?
- Tôi không có tư cách để trả lời thay Chính phủ nhưng tôi tin, rất tin Chính phủ Việt Nam không dại gì bưng bít vì bưng bít nghĩa là tự đẩy mình vào chỗ chết, là giết người thay cho virus của đại dịch. Nói khác hơn, bưng bít số ca tử vong về đại dịch Covid-19 là một tội ác và xã hội công bằng sẽ không dễ gì chịu bỏ qua đâu. Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành tổ chức, động viên mọi lực lượng và huy động mọi phương tiện để chống dịch và họ đã thành công. Thế giới tuy cũng có vài tiếng nói chê bai lạc lõng nhưng chủ yếu là khen ngợi và khâm phục Việt Nam. Trong số những người công khai nói lời khen ngợi có không ít các bậc nguyên thủ quốc gia. Chưa có ai tử vong là bởi Việt Nam có quyết tâm và có quyết sách đúng đắn này.
- Nếu đã chữa trị rất tốt và không có ca nào tử vong vì dịch Covid-19, tại sao Việt Nam còn truyền lệnh cách ly toàn xã hội ?
- Thực tế đã chứng minh, cách ly là giải pháp có tác dụng ngăn ngừa lây lan đầy hiệu quả và nhờ cách ly nên số người Việt Nam dương tính với Covid-19 rất ít. Việt Nam đã kịp thời vạch chiến lược chống Covid-19 khi dịch Covid-19 chưa tràn sâu vào lãnh thổ. Qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy rõ quốc gia nào tỏ ra lúng túng với giải pháp này, dân của họ bị tử vong nhiều nhất. Nhân dân Việt Nam kính trọng các nhà điều khiển vận mệnh quốc gia và chân thành ủng hộ chủ trương phòng chống dịch Covid-19 một phần cũng bởi lý do này.
- Nhưng nếu cho cách ly toàn xã hội, dân của một nước nghèo như Việt Nam làm sao có thể chịu đựng. Có bao giờ ông nghĩ rằng người Việt Nam dù không tử vong bởi dịch Covid-19 cũng có thể tử vong vì nạn đói kém hay không ?
- Người Việt Nam từng trải gian nan đến cùng cực, có không ít lần người Việt Nam sẵn sàng nhường nhịn với tinh thần“nắm gạo chia đôi”. Giờ đây, không phải “nắm gạo chia đôi” như ngày xưa nữa, thay vào đó là hàng vạn bao gạo phát miễn phí cho tất cả những ai có nhu cầu sử dụng. Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang tiến hành trợ cấp cho người gặp khó khăn nên xã hội tự tin có thể vượt qua được.
Cơ sở cách ly Đồng Xanh – Đồng Nghệ ở Đà Nẵng
- Tôi tin ông nhưng xin hỏi, tại sao trong điều kiện khoa học chưa phát triển mạnh mẽ, người Việt Nam vẫn có thể làm được điều kỳ diệu này.
- Lãnh thổ Việt Nam tuy chỉ bằng 3/4 diện tích bang California (Mỹ) nhưng có tới cộng đồng 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có một địa bàn cư trú quen thuộc riêng, có tiếng nói và hệ thống phong tục tập quán riêng nhưng tất cả đều cùng nhận mình có chung một vị Tổ là Hùng Vương. Khi đến định cư ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, người Việt luôn kính cẩn tưởng nhớ Hùng Vương. Người Việt thường sống rất bình dị nhưng khi vận mệnh dân tộc bị đe dọa, tất cả đều sẵn lòng chung sức giúp nhau. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của của chiến thắng. Chiến thắng ngoại xâm. Chiến thắng thiên tai. Chiến thắng dịch bệnh. Một khi ý chí được kích hoạt đúng tầm và đúng lúc, một khi lòng nhân ái và niềm tự tôn dân tộc được đồng lòng đề cao mãnh liệt, trí tuệ của xã hội Việt Nam nẩy nở đến lạ kỳ.
- Việt Nam đã thành công trong chống dịch Covid-19, vậy tại sao không chia sẻ thành công với các quốc gia khác.
- Có lẽ vì ông chưa có được những thông tin này đấy thôi. Việt Nam đã chia sẻ, đang tiếp tục chia sẻ, rất vui vẻ và vô tư. Vả chăng, đại dịch Covid-19 đã lan khắp hành tinh, tinh thần nên không sẵn lòng chia sẻ cũng có nghĩa là tự gây nguy hại cho mình.
Chiều ngày 04-4-2020, một người Mỹ chân thành nói lời cảm ơn vì được các bác sĩ ở bệnh viện Đà Nẵng chữa khỏi Covid-19
Ông bạn Tiến sĩ người Mỹ tỏ ra rất cảm kích trước những lời trao đổi thẳng thắn với tôi và ông bày tỏ ý định học một số chuyên đề về Việt Nam học. Tôi hứa, nếu vì những ký do chính đáng nào đó khiến ông không thể hoặc chưa thể sang Việt Nam, tôi sẽ gửi tài liệu cho ông đọc, nếu ông sang Việt Nam, tôi sẽ là người trực tiếp giúp ông. Đắn đo một lúc, ông mới mạnh dạn hỏi tôi câu cuối cùng :
- Tại sao ông lại có sẵn tư liệu để có thể thực hiện công việc khó khăn này.
Đơn giản vì tôi hai lần được hai trường đại học lớn tin cậy giao việc thành lập và đứng đầu hai khoa Việt Nam học, đó là chưa kể sau đó còn được mời thành lập và đứng đầu hai Viện nghiên cứu về Khoa học Xã hội. Là nhà giáo lâu năm, tôi phải vừa tham gia giảng dạy vừa tiến hành nghiên cứu vì đó là yêu cầu rất tự nhiên của mọi nhà giáo giảng dạy từ bậc đại học trở lên. Trong những người theo học có một số là Thạc sĩ của Mỹ, đặc biệt có một Giáo sư Tiến sĩ người Đức. Họ cung kính gọi tôi là thầy nhưng đúng ra đây là cuộc trao đổi học thuật bình thường. Tôi chỉ dẫn cho họ vài ba điều họ chưa biết nhưng tôi lại được học từ chính họ quá nhiều điều tôi chưa hay.
_______________
TS NGUYỄN KHẮC THUẦN