Ngày 8/1/2023, trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội phối hợp với hệ thống giáo dục Tân Thời Đại tổ chức Hội thảo quốc tế “Giáo dục sớm, giáo dục Phần Lan, cánh cửa mở ra thế giới”. Hội thảo có sự tham gia của TS Cù Thị Thủy – Phó vụ trưởng Vụ GD Mầm non, Bộ GD&ĐT, GS TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – nguyên phó viện trưởng viện KHGD VN, chuyên gia giáo dục sớm và giáo dục đặc biệt; Ms Olli Kammunen (Phần Lan), bà Đào Thị Thu Thảo – Phó tổng GĐ cty GD Tân Thời Đại và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều cơ sở đạo tạo đại học, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên địa bàn tp Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng trường ĐHGD, ĐHQG Hà Nội rất coi trọng việc phối hợp giữa hai đơn vị. Theo GS Thanh, với nhu cầu liên tục cập nhật những thành tựu về giáo dục sớm, học tập kinh nghiệm từ những mô hình giáo dục xuất sắc trên thế giới để Việt hóa và triển khai có hiệu quả ở Việt Nam, Trường Đại học Giáo dục phối hợp với Tập đoàn Tân Thời Đại tổ chức Hội thảo “Giáo dục sớm – Giáo dục Phần lan – Cánh cửa mở ra thế giới” với kỳ vọng mở ra các diễn đàn để các các nhà khoa học, thầy cô giáo chia sẻ về những triết lý và mô hình đào tạo giáo viên cũng như các mô hình giáo dục sớm từ đất nước Phần Lan. Hội thảo lần này cũng đánh dấu sự khởi đầu cho quan hệ hợp tác khăng khít giữa Trường Đại học Giáo dục và Hệ thống Tân Thời Đại trong việc xây dựng mô hình bồi dưỡng đào tạo giáo viên Mầm non, tiểu học đáp ứng bối cảnh hội nhập và tăng cường các cơ hội thực tập, nghề nghiệp việc làm cho SV của Trường.
Chia sẻ về Hội thảo Giáo dục sớm – Giáo dục Phần Lan – cánh cửa mở ra thế giới, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật với các nhà khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực giáo dục sớm – Giáo dục Phần Lan và thực tiễn áp dụng triết lý, mô hình, chương trình giáo dục sớm của Phần Lan vào Việt Nam để đề xuất cách thức triển khai các phương pháp giáo dục hiện đại vào trong các cơ sở GDMN.
Tại buổi Hội thảo, trường ĐHGD và hệ thống giáo dục Tân Thời Đại đã ký thỏa thuận hợp tác về giáo dục.
Vai trò của Giáo dục sớm đối với sự phát triển của trẻ
Nói về chủ đề giáo dục sớm, GS. TS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ: Tất cả chúng ta đều hiểu rằng sự phát triển trong những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời. Cũng bởi lí do này, các tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất đã được cộng đồng nói chung và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm và tìm hiểu, nghiên cứu từ lâu.
Mỗi một giai đoạn lịch sử đều mang trong mình những đặc điểm nổi bật và rất riêng, song hành với nó là sự phát triển, diễn tiễn và cách thức mà các lĩnh vực trong thời đại đó hoạt động. Cụ thể trong thời đại mà chúng ta đang sống hiện nay – thời đại của công nghệ, của số hoá đã kéo theo sự thay đổi của toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả giáo dục sớm. Ở các giai đoạn khác nhau, quan điểm, lý thuyết và sự hiểu biết về can thiệp sớm lại có sự điều chỉnh, cải tiến bởi, thông qua một quá trình thử nghiệm, chúng ta xác định được điều gì là có giá trị và hiệu quả với trẻ, điều gì là không cần thiết và điều gì không còn phù hợp với đặc điểm của trẻ, không còn phủ hợp với thời đại nữa, từ đó những thay đổi của giai đoạn tiếp theo sẽ phù hợp hơn so với giai đoạn trước.
Cùng chủ đề này, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định: các nhà khoa học thần kinh và các nhà giáo dục học đều nhất trí với nhau rằng những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành. Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Và những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ điêu khắc nên những hệ kết nối làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy.
Cần nhận diện đúng về giáo dục sớm
Giáo dục sớm hay phương pháp giáo dục sớm được hiểu là cách thức, là quá trình tác động lên trẻ giai đoạn từ 0-6 tuổi nhằm kích hoạt vỏ não đặc biệt là não phải, từ đó giúp khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ. Hiểu cách khác: Giáo dục sớm là một khoa học giáo dục về não bộ. thực chất là quá trình trẻ học mọi thứ xung quanh mình. Chính vì vậy, giáo dục sớm bắt đầu ngay từ trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển đầy đủ các giác quan để đón nhận mọi kích thích từ môi trường bên ngoài.
Hiện nay, trên diễn đàn khoa học đang tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về “Giáo dục sớm”. Do đó, PGS Nam lưu ý Giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, chuẩn bị cho con bước vào trường tiểu học không phải bỡ ngỡ với kiến thức. Vì vậy, gia đình và người lớn đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải chín ép.
Chúng ta cần phải hiểu giáo dục sớm là giáo dục tố chất, tạo nền tảng cho sự phát triển của trẻ và giúp trẻ phát triển tốt hơn khi trưởng thành. Giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn gắn với cuộc sống của trẻ có định hướng giáo dục. Giáo dục sớm cũng phải đúng thời điểm và đúng cách.
Báo cáo tham luận trong Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Hoàng Thị Nho – Trưởng Bộ Môn MN, Trường ĐHGD đã báo cáo về Chương trình Giáo dục Mầm non Phần Lan. Báo cáo đã giới thiệu về những triết lý cốt lõi (gồm giá trị cá nhân của mỗi trẻ được thể hiện; lớn lên như một con người và quyền trẻ em được tôn trọng). Theo đó, những giá trị mà Chương trình trường học Phần Lan hướng đến như: Mối quan hệ cá nhân nồng ấm; Lớn lên, học tập và phát triển an toàn; Môi trường an toàn, lành mạnh, cho phép trẻ chơi và các loại hoạt động phong phú khác nhau; Hiểu và giao tiếp phù hơp với sự trưởng thành và độ tuổi của trẻ; Được nhận những hỗ trợ đặc biệt mà trẻ muốn; Văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, niềm tin của trẻ. Từ đó, chúng ta hiểu GDMN của Phần Lan được tổ chức (học qua chơi và trải nghiệm; ghép nhóm tuổi hỗn hợp; tiếp cận lãnh đạo trẻ) để cải thiện niềm vui và ý nghĩa của việc học tập với học sinh, nâng cao tư duy và học cách tìm hiểu cũng như các kỹ năng chuyển đổi, hỗ trợ phát triển trường học như cộng đồng học tập hợp tác. Các phương pháp kiểm tra đánh giá theo dõi sự phát triển của trẻ theo chương trình Giáo dục Mầm non của Phần Lan cũng sẽ được trình bày.
Kết luận các nội dung của hội thảo, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất: Đối với bậc học Mầm Non, những cơ sở cần thiết để dựa vào xây dựng khung chuẩn năng lực của GVMN gồm bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục, robot giáo viên đã được sử dụng trong các trường Mầm non tại Phần Lan; mô hình năng lực giáo viên thế kỷ 21 (phải có kiến thức chuyên môn, công nghệ và sư phạm số); các chuẩn năng lực chung của công dân thế kỷ 21; khung tham chiếu về năng lực số của công dân các quốc gia trên thế giới; những yêu cầu ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; so chuẩn giáo viên Mầm non trong nước và khu vực. Các yêu cầu mới về năng lực số trong chương trình giáo dục trẻ mầm non. Tất cả những cơ sở đó góp phần hình thành nên khung năng lực cho GVMN gồm các tiêu chuẩn về Phẩm chất, năng lực chung; năng lực sư phạm; năng lực giáo dục và năng lực khoa học chuyên ngành Mầm non trong đó đề cập cụ thể đến khung năng lực số cho GVMN.
Bài và ảnh: Ban tổ chức hội thảo