Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
1k
Xu hướng giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học đang được chú trọng và phát triển rộng rãi trên toàn thế giới. Đây là xu hướng giáo dục tập trung vào việc giáo dục cho học sinh tư duy khoa học máy tính, tư duy giải quyết vấn đề và sinh sống, hoạt động một cách an toàn, chính trực và hiệu quả trong thế giới số.
Tầm quan trọng
Việc giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì đây là độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp các em có được các kĩ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kĩ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Tại Việt Nam, hoạt động giáo dục kĩ năng công dân số những năm trước đây chủ yếu được thực hiện trong nhà trường ở phân môn Tin học. Tuy nhiên, hiện nay, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ lớp 3, với thời lượng 1 tiết/tuần trong 35 tuần học. Các nội dung kĩ năng công dân số cũng được thể hiện phong phú, đa dạng hơn với 3 mạch kiến thức chủ đạo là Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và truyền thông và Học vấn số hóa phổ thông.
Căn cứ thực hiện
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, ngày 17/4/2020, Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/06/2020, Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/01/2022, phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
Triển khai thực hiện
Giáo dục tiểu học là cấp học nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân, đây là cấp học vô cùng quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách con người. Vì vậy nếu giáo dục tiểu học được triển khai tốt, chắc chắn, đúng hướng sẽ có tác động một cách bền vững tới các bậc học tiếp theo.
Với tầm quan trọng như vậy, năm học 2023-2024, Bộ GDĐT triển khai thí điểm giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học giai đoạn 1 tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo lộ trình dự kiến, năm học 2024-2025, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai thí điểm với 10 tỉnh, thành phố tiếp theo. Năm học 2025-2026 sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc.
Hà Tĩnh là một trong 10 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Nội, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh) của cả nước được Bộ GDĐT lựa chọn triển khai thí điểm giai đoạn 1. Theo yêu cầu của Bộ GDĐT, mỗi Sở GDĐT triển khai thí điểm giai đoạn 1 lựa chọn ít nhất 05 phòng GDĐT, mỗi phòng GDĐT chọn ít nhất 02 trường tiểu học tham gia thí điểm. Sở GDĐT đã lựa chọn 5 phòng GDĐT: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh tham gia thí điểm bắt đầu từ học kỳ II năm học 2023-2024.
Hình thức tổ chức
Dạy học môn Tin học thực hiện Chương trình GDPT 2018: Việc dạy học môn Tin học đáp ứng đúng nội dung và yêu cầu cần đạt tương ứng theo quy định của Chương trình bảo đảm hình thành và phát triển năng lực Tin học quy định trong Chương trình GDTP 2018 đồng thời góp phần hình thành và phát triển năng lực số cũng như KNCDS cho học sinh.
Giáo dục kĩ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học: Trong hầu hết các môn học khác thuộc Chương trình GDPT 2018 đều hàm chứa những nội dung, cơ hội hình thành và phát triển năng lực Tin học nói riêng và thực hiện GDKNCDS nói chung cho học sinh. Do đó việc tích hợp nội dung GDKNCDS vào quá trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục là một giải pháp khả thi và hiệu quả thực hiện GDKNCDS cho học sinh cấp tiểu học.
Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kĩ năng công dân số: Là thực hiện tăng cường, bổ sung thời lượng, nội dung GDKNCDS trong kế hoạch giáo dục nhà trường, thường được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học. Có thể dạy trải đều theo số tiết/tuần (1 – 2 tiết/tuần) hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn trong năm học.
Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kĩ năng công dân số: Câu lạc bộ GDKNCDS thường được tổ chức theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh nên các câu lạc bộ thường có học sinh đến từ nhiều lớp, nhiều độ tuổi có chung năng khiếu, sở trường, sở thích. Nội dung GDKNCDS cho các câu lạc bộ thường là các chủ đề, nội dung, mô đun kiến thức…bảo đảm phù hợp với đối tượng đa dạng về trình độ của câu lạc bộ.
Cần sự chung tay thực hiện
Giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học là công việc mới và là vấn đề có nhiều khó khăn nên khâu chuẩn bị rất quan trọng, cấp thiết. Đặc biệt, đối với tinh thần của các đơn vị, nhà trường được lựa chọn làm thí điểm, cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Bởi thí điểm không chỉ là được thực hiện ở một trường, một phòng GDĐT, một địa phương – mà còn là điều kiện, nền tảng để Sở GDĐT, Bộ GDĐT làm mẫu sau đó có thể nhân rộng đến các địa phương khác và có những quyết định về lộ trình mới tiếp theo. Vì vậy trên hành trình thực hiện cái mới và vượt khó này để thành công đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng thuận, sự chung tay, tham gia tích cực của toàn xã hội./.
PHAN DUY NGHĨA
(Phòng GDPT, Sở GDĐT Hà Tĩnh)