Bản chất của quá trình giáo dục là tổ chức các tình huống giả định để người học làm quen, đưa ra được những cách ứng xử, xử lý phù hợp theo chuẩn mực đạo đức xã hội. Để làm được điều đó, nhà giáo dục cần phải có vốn sống, phải có thâm niên “trải nghiệm đa dạng” để xây dựng tình huống, tổ chức cho người học giải quyết tình huống.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021 đặt ra nhiều yêu cầu cho các nhà giáo dục. Điểm mới trong chương trình là nội dung “hoạt động trải nghiệm” và hướng nghiệp. Đây là những nội dung đòi hỏi nhà giáo dục phải được tập huấn, hoàn thiện về nghiệp vụ tổ chức hoạt động giáo dục và hướng nghiệp.
Nhận thức một cách sâu sắc về yêu cầu ngày càng cao của các nhà giáo dục trong bối cảnh mới, TS. Nguyễn Hồng Kiên (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những bước đi tiên phong trong đổi mới cách tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông.
Để tạo kỹ năng cho các nhà giáo dục tương lai, ngay từ giờ học thực hành tổ chức hoạt động giáo dục cho sinh viên năm thứ 2, TS Kiên đã tạo môi trường thuận lợi để sinh viên có thể thỏa sức sáng tạo, xây dựng tình huống theo các chủ đề giáo dục.
Các bước triển khai tổ chức hoạt động giáo dục của sinh viên:
Bước 1: Sinh viên chia nhóm (bầu nhóm trưởng, chọn MC), Lựa chọn chủ đề
Bước 2: Các nhóm chủ động lên kịch bản, lựa chọn nội dung phù hợp với chủ đề.
Bước 3: Duyệt kịch bản cùng Giảng viên hướng dẫn.
Bước 4: Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện kịch bản.
Bước 5: Các nhóm tổ chức triển khai kịch bản
Bước 6: Ban giám khảo góp ý, đánh giá phần trình bày của các nhóm.
Theo TS Kiên, việc để cho sinh viên tự xây dựng kịch bản, xây dựng tình huống và tổ chức điều khiển hoạt động có ưu điểm:
+ Phát huy cao nhất tính sáng tạo của sinh viên
+ Tạo nên sự tự tin, mạnh dạn cho sinh viên
+ Giúp sinh viên vận dụng được đa dạng kiến thức từ nhiều môn học khác nhau
+ Tạo được tính chủ động, tích cực của sinh viên
+Hình thành và phát triển khả năng làm việc nhóm cho sinh viên.
+ Giúp giảng viên phát hiện được những hạn chế trong việc tổ chức hoạt động của sinh viên để kịp thời điểu chỉnh, hướng dẫn để các sinh viên hoàn thiện hơn.
Sản phẩm hoạt động tái chế rác thải nhựa
Bạn Lê Hồng Minh, sinh viên năm 2, ngành Sp Toán, MC của nhóm 6 chia sẻ: “Sau khi được tham gia hoạt động trải nghiệm hướng tới chủ đề “ươm mầm xanh đất nước”, em cảm thấy đây là một buổi trải nghiệm hết sức có ý nghĩa và bổ ích. Chúng em chủ động thực hiện các chủ đề theo ý tưởng của nhóm, được tham gia các trò chơi, các hoạt động rất sôi động, vui vẻ và rất hấp dẫn. Qua đó, em có thêm rất nhiều những kiến thức về ngành nghề, về những định hướng cho tương lai và vô vàn tri thức xoay quanh điều bổ ích về cuộc sống này. Em mong rằng sau này em sẽ có điều kiện thuận lợi để tổ chức hoạt động giáo dục như thế này ở nhà trường phổ thông”
Một số hình ảnh trong giờ thực hành tổ chức hoạt động giáo dục của lớp Sư phạm Toán, năm thứ 2, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bài gợi ý: Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học theo CTGD PT 2018