Xin được chia sẻ câu chuyện của nhà giáo Trịnh Mạnh, chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 và Văn 5 (sách được dùng trong các trường Tiểu học toàn quốc từ năm 1982 đến năm học 2006-2007) về công việc của người biên soạn sách giáo khoa.
Trong đợt cải cách giáo dục 1981-1985, nhà giáo Trịnh Mạnh được Bộ Giáo dục giao làm chủ biên hai cuốn sách: Tiếng Việt lớp 2 và sách Văn 5 (đến năm 1994, sách Văn 5 gộp với Tiếng Việt 5 thành hai tập). Năm 1984, nhà giáo Trịnh Mạnh phải soạn xong cuốn Văn 5 để kịp in và triển khai trong năm học 1985-1986 cùng hai đồng tác giả.
Ông chia sẻ: “Thật mừng mà cũng thật lo, vì phải chọn hơn 100 bài văn. Chọn gì đây? Trong một buổi tọa đàm tại Viện Khoa học Giáo dục năm 1984, Viện mời rất nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng tới dự. Nhà thơ Xuân Diệu có phát biểu ý như sau: “Muốn dạy văn hay thì trước hết phải có văn hay, cũng như muốn là người phụ nữ đẹp thì trước hết phải là phụ nữ đã. Một bài văn hay là một bài văn có đạo đức rồi. Nguy nhất là chọn văn dở mà giáo viên lại tán là hay khiến óc thẩm mĩ của học sinh bị lệch lạc. Khi ra đời thấy Thị Nở lại tưởng Thúy Kiều”.
Lời phát biểu chí tình đó khiến tôi càng lo. Muốn chọn được hơn 100 bài văn (lớp 5 mỗi tuần có 2 bài tập đọc và kèm 1 bài đọc thêm) thì phải chọn hàng vài trăm bài, cả thơ lẫn văn rồi loại dần. Thế là tôi ngồi miệt mài suốt ba tháng liền trong thư viện để đọc sách. Có những cuốn tiểu thuyết dày như “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đọc suốt hai ngày mà không trích được đoạn nào. Cuốn “Những người khốn khổ” của Vích-to Huy-gô (ba tập) mà chỉ chọn được một đoạn “Sau trận mưa rào”.
Cảm ơn nhà thơ Xuân Diệu, tôi quyết định chọn một bài đưa vào sách. Nhưng toàn gặp thơ tình không hợp với học sinh tiểu học. May sao, tôi chọn được bài “Hoa học trò”. Thật mừng như tìm được vàng. Cũng xin nói thêm rằng, từ “học trò” đã ít dùng từ sau năm 1945 và thường dùng từ học sinh. Chính bài “Hoa học trò” đã góp phần làm từ “học trò” hồi sinh. Và hiện nay còn có báo “Hoa học trò”, có lẽ cũng do bài này rất hay, rất nghệ thuật.
Khi đọc tập thơ “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” của Lê Anh Xuân, tôi chọn được một đoạn rất hay và đặt tên là “Việt Nam” nhưng đoạn thơ có một câu hơi bị vướng. Nguyên văn câu thơ đó như sau:
“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa”.
“Đầu trời cuối đất” là một thành ngữ rất hay. Nhưng đã “đầu trời” rồi lại còn “cuối đất” nữa thì gắn liền với sự phân ranh giới, biên giới của đất nước cụ thể quá. Tôi nghĩ cần phải có những điều chỉnh đoạn thơ này. Đem đoạn trích này sang Hội nhà văn để trình bày (vì tác giả Lê Anh Xuân đã hi sinh), tôi được nhiều người gật gù điều phát hiện này. Cuối cùng, khi in vào sách Văn 5, tôi đành sửa lại là:
“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa”.
Chỉ sửa một chữ trong câu thơ khi tác giả đã mất, chủ biên sách giáo khoa Văn 5 đã tìm đến Hội nhà văn để trình bày, được nhiều người ủng hộ ông mới dám chỉnh sửa. Điều này thể hiện sự tôn trọng với tác giả bài thơ và đặc biệt hơn là thể hiện sự trách nhiệm của người biên soạn sách khi chỉnh sửa ngữ liệu gốc để đưa vào sách giáo khoa dạy học sinh.
PHAN NỮ LA GIANG