Trong cuộc sống luôn luôn xuất hiện mâu thuẫn và khi gặp những biến cố không mong muốn, mỗi người chúng ta sẽ đối diện với chúng như thế nào? Thường thì chúng ta sẽ có hai sự lựa chọn đối lập nhau: nhận trách nhiệm hay đẩy trách nhiệm đó đi (đâu đó người ta gán cho nó cái tên rất thể thao là: đá bóng trách nhiệm hay chuyền hai)
Có những người luôn không nhận lỗi về mình nhưng việc đầu tiên họ nghĩ tới là đẩy trách nhiệm đó cho người khác. Phương thức tư duy đó đã được hình thành, nuôi dưỡng và cắm rễ sâu trong con người họ, đến mức đã trở thành một phản xạ tự nhiên khiến nhiều người không thể tự mình ý thức ra được nữa, mà ngược lại nếu được người khác góp ý nhận xét thì họ sẽ ngay lập tức xù lông và phản xạ dội ngược trở lại.
Thói quen đổ lỗi không chỉ dừng lại ở một vài sự việc hay hiện tượng mà ngày càng trở nên phổ biến, không phải chỉ dừng lại ở mức độ một trào lưu hay theo phong trào mà nó từ lâu đã ăn sâu vào mỗi một con người, dường như đã dần trở thành một phong cách ứng xử hiện đại – một văn hoá đối đáp của xã hội ngày nay.
Một số học sinh trường Tô Hiến Thành đến muộn phải đứng ngoài trong buổi lễ khai giảng 5/9/2022 (Ảnh: Internet)
Đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho ngoại cảnh, đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên, đổ lỗi cho số phận, v.v… – đó là những đối tượng bị đổ lỗi phổ biến mà chúng ta vẫn thường hay vịn vào nhằm giảm thiểu hoặc tránh né trách nhiệm của bản thân.
Trong giáo dục gia đình, ngay từ lúc ấu nhi, trẻ đã được làm quen với cái gọi là “văn hóa” đổ lỗi. Ví dụ như: khi trẻ vấp phải cái bàn, cái ghế hay vật gì đó mà bị đau, thậm chí bị ngã thì người lớn thường đập tay vào yếu tố ngoại cảnh vì đã làm cho con cháu bị đau hoặc ngã. Hành vi này dù góp phần làm nguôi sự đau tức thời của trẻ nhưng vô tình hình thành “văn hóa” đổ lỗi.
Ngày nay khi đi đường, nếu xảy ra va chạm thì trước hết người ta sẽ xem lại thân thể hay phương tiện của mình có xây xát gì không và câu cửa miệng chỉ trực phát ra là: “Đi đứng như thế à? Đi kiểu gì vậy? Không có mắt à ?”… Người thì đổ lỗi, người thì ăn vạ, chẳng ai chịu nhường ai mà xảy ra tranh cãi. Có thể đúng là người này mắc lỗi trước nhưng người kia cũng là kẻ mắc lỗi sau.
“Con dại, cái mang”… lên truyền thông
Mới đây nhất, sau buổi sáng ngày 5/9, tình huống một số học sinh đến muộn không được vào dự lễ chào cờ tại trường THPT Tô Hiến Thành, (Tp Thanh Hóa) đã gây ầm ĩ trên các trang báo. Khởi nguồn bắt đầu từ một vài phụ huynh bức xúc, chia sẻ trên mạng xã hội, truyền thông rằng lỗi là do tắc đường, do nhà trường chứ không phải vì con mình đi muộn.
Sự việc khiến UBND tp Thanh Hóa và Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu CBQL trường THPT Tô Hiến Thành phải giải trình.
Theo chia sẻ với báo giới, bà Nguyễn Thị Lệ – Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiến Thành cho rằng: Để buổi lễ diễn ra nghiêm túc, trang trọng, các nhà trường đã chuẩn bị, tập duyệt rất chu đáo, trong đó có việc quy định về thời gian tập trung và tác phong nề nếp đối với giáo viên và học sinh. Cụ thể, giáo viên và học sinh nếu đi xe đến trường phải đưa xe vào trường trước 6h30, sau 6h30 không được chạy xe vào trường. Học sinh và giáo viên phải có mặt lúc 6h45, sau 6h45 sẽ đóng cửa. Dù đang trong kỳ nghỉ lễ nhưng các thầy cô giáo vẫn dành trọn cả ngày chủ nhật (mùng 4/9) để làm công tác chuẩn bị từ vệ sinh, trang trí trường lớp đến tổng duyệt các khâu tổ chức nghi thức của buổi lễ. Lễ khai giảng là sự kiện rất long trọng và trang nghiêm, có quan khách đến dự khai giảng, nếu chỉ vài học sinh đến muộn nhốn nháo ra vào sẽ rất mất mĩ quan.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Học sinh đến trường phải tuân thủ nội quy của nhà trường. Điều này đã được quy định trong Luật giáo dục 2019. Cụ thể:
“Nhiệm vụ của người học: Học tập, rèn luyện theo chương trình kế hoạch giáo dục, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục; Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục; chấp hành quy định của pháp luật” (Khoản 1&2, Điều 82, Chương V, Luật giáo dục 2019, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam).
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa CKHGD, UEd, VNU
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường ĐHĐG, ĐHQG Hà Nội, Nhà trường THPT Tô Hiến Thành, mà đại diện là Ban nền nếp đã ứng xử hoàn toàn đúng theo nội quy, quy chế hoạt động của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, xét ở góc độ quan trọng của buổi lễ khai giảng, học sinh là chủ thể chính của hoạt động này, nhà trường có thể có phương án dự phòng cho học sinh đến muộn, linh động, mềm dẻo hơn trong cách xử lý như: bố trí phương án gửi xe bên ngoài nhà trường để HS có thể gửi xe, nhẹ nhàng vào tham dự buổi lễ; bảo vệ của trường nên giải thích hướng dẫn để học sinh, phụ huynh không tụ tập nhốn nháo đông ngoài cổng trường gây hỗn loạn, mất an toàn giao thông và mất mĩ quan. Mặt khác, cũng theo PGS Nam, đây là một tình huống rất bình thường nhưng do cách ứng xử của phụ huynh chưa thật sự chuẩn nên đẩy vụ việc ầm ĩ trên báo chí, mạng xã hội. Cả nhà trường và phụ huynh nên thận trọng hơn trong ứng xử an toàn trên truyền thông để tránh xảy ra những hệ lụy không mong muốn.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cho rằng nhà trường đã làm tốt công tác chuẩn bị và thực hiện đúng nôi quy của nhà trường để buổi lễ khai giảng diễn ra theo kế hoạch. Hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” đã để lại những cái rùng mình không đáng có trong ngày đầu tiên của năm học mới. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng đã có cái nhìn khách quan về vấn đề này khi cho đây là vấn đề nhỏ, không đáng để gây ầm ĩ như vậy. Giá như một vài vị phụ huynh kia không mang cái dại của con mình lên mạng xã hội thì có lẽ buổi lễ khai giảng của nhà trường đã trọn vẹn niềm vui.
HH