Đội ngũ TTCM các trường TH còn có những nhược điểm về số lượng, cơ cấu, đặc biệt là chất lượng. Do đó, phát triển đội ngũ TTCM trường TH đáp ứng về số lượng, cân đối về cơ cấu, có chất lượng cao là đòi hỏi bức thiết để thực hiện thành công chương trình GDTH mới. Trong việc phát triển đội ngũ TTCM, vấn đề cơ bản, quan trọng hàng đầu là bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà trường, quản lý TCM.
Một số vấn đề về bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học Việt Nam
Từ vai trò, nhiệm vụ, chức năng của người TTCM trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục 2018 và đánh giá của cán bộ quản lý, TTCM và giáo viên tiểu học về thực trạng năng lực quản lý của đội ngũ TTCM, chúng tôi cho rằng việc nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ này là vấn đề rất cần thiết. Điều đó phải được thực hiện bằng nhiều giải pháp toàn diện trong đó bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hình thành kĩ năng quản lý là việc làm quan trọng đầu tiên.
1.1. Mục tiêu bồi dưỡng: hình thành cho các TTCM trường TH hệ thống kiến thức cơ bản về khoa học quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, các kĩ năng tối thiểu để thực hiện tốt hoạt động quản lý tổ chuyên môn.
1.2. Nội dung bồi dưỡng: việc bồi dưỡng bao gồm những nội dung cơ bản:
Kiến thức: bao gồm :
+ Kiến thức chung về quản lý giáo dục và quản lý nhà trường, tâm lý học quản lý….
+ Kiến thức quản lý cụ thể: kiến thức về quản lý theo chức năng: lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch và tổ chức các điều kiện thực hiện tốt kế hoạch.
+ Kiến thức về các kĩ năng mềm phục vụ cho hoạt động quản lý TCM: giao tiếp sư phạm, lôi cuốn người khác, tìm hiểu về người khác….
Kĩ năng quản lý hoạt động tổ chuyên môn, bao gồm: kĩ năng xác định các hoạt động chủ yếu theo yêu cầu của hoạt động giáo dục và đổi mới chương trình của nhà trường, kĩ năng xây dựng kế hoạch hoạt động có cơ sở khoa học và có tính khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể của TCM. kĩ năng tổ chức sinh hoạt TCM hiệu quả, kĩ năng tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá hoạt động TCM, kĩ năng huy động các nguồn lực cho hoạt động TCM…và các kĩ năng mềm cụ thể phục vụ cho hoạt động quản lý TCM…
Thái độ tích cực đối với hoạt động chuyên môn và quản lý TCM.
Trong đó cơ bản nhất đồng thời là cấp bách trước mắt là các kiến thức và kĩ năng về:
1.2.1. Các chức năng quản lý của người TTCM bao gồm:
Lập kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch hoạt động của TCM. Qui trình xây dựng kế hoạch hoạt động của TCM: Trên cơ sở các văn bản pháp qui và các chính sách của nhà nước, ngành và kế hoạch năm học của nhà trường, với những điều kiện cụ thể của TTCM, xây dựng được dự thảo kế hoạch hoạt động hàng tháng, học kì và cả năm của tổ. Sau đó đưa ra TCM thảo luận và quyết định về các kế hoạch. Trong việc lập kế hoạch hoạt động của TCM, khi xây dựng kế hoạch TTCM cần xác định được mục tiêu của kế hoạch, điểm xuất phát, khả năng của bản thân và các thành viên đạt tới mục đích, các nội dung cơ bản cần thực hiện, cách thức thực hiện và qui trình thực hiện theo thời gian, điều kiện thực hiện, phân công trách nhiệm của các các thành viên của tổ trong việc thực hiện kế hoạch, xác định cách thức kiểm soát và đánh giá việc thực hiện…Trong việc xây dựng kế hoạch, các TTCM cũng cần vận dụng những kinh nghiệm đã được rút ra trong thời gian trước. Tổ chức thực hiện kế hoạch là kĩ năng triển khai kế hoạch được xây dựng thành hoạt động thực tiễn. Trong đó tổ chức cơ cấu nhân sự tham gia hoạt động có vai trò quan trọng. Cùng với việc tổ chức thực hiện thì khả năng điều chỉnh kế hoạch khi tình huống thay đổi cũng là nội dung quan trọng. Kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch cũng là nội dung cần bồi dưỡng. Trong đó kiểm tra phải được xem là một hành động thực hiện song song với hoạt động thực hiện kế hoạch nhằm khẳng định nódđã được thực hiện đúng với kế hoạch đã đề ra. Còn đánh giá là việc đưa kết quả việc thực hiện so với mục tiêu của kế hoạch. Nhờ đánh giá xác định được chất lượng và hiệu quả của TCM. Trong đánh giá cần rút ra những kinh nghiệm cho các kế hoạch hoạt động về sau.
1.2.2. Quản trị sự thay đổi ở trường TH bao gồm:
Những nội dung, vấn đề thay đổi của TCM trong bối cảnh đổi mới giáo dục tiểu học và quản trị sự thay đổi. Những yêu cầu, qui tắc và qui trình quản trị sự thay đổi
1.2.3. Quản trị hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Lâu nay, chương trình giáo dục TH Việt nam theo định hướng tiếp cận nội dung, chương trình mới được xây dựng theo tiếp cận năng lực. Vì vậy, phải bồi dưỡng cho các TTCM kiến thức về các vấn đề liên quan, đặc biệt là về yêu cầu, nội dung và cách thức thực hiện chương trình và quản lý hoạt động giáo dục theo chương trình mới.
1.2.4. Quản lý đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo định hướng phát triển năng lực bao gồm các nội dung:
Sự khác biệt cơ bản giữa đánh giá học sinh theo tiếp cận nội dung và tiếp cận năng lực; ý nghĩa và yêu cầu, phương pháp và hình thức tổ chức đánh giá học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục tiểu học mới; vấn đề xây dựng kế hoạch, qui trình tổ chức đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực của TCM.
1.2.5. Quản trị chất lượng giáo dục ở trường TH gồm các vấn đề:
chất lượng, chất lượng giáo dục, quản trị và xây dựng hệ thống quản trị ở cấp TCM chất lượng giáo dục TH.
2.3. Phương pháp và cách thức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học
2.3.1. Về phương thức bồi dưỡng: Cần kết hợp cả hai phương thức từ trên xuống và từ dưới lên.Việc bồi dưỡng theo phương thức thứ nhất nhằm vào những kiến thức và kĩ năng quản lý cơ bản mà người TTCM cần phải nắm vững như: khoa học quản lý, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chương trình và phát triển chương trình TH mới…Phương thức thứ hai dành cho những kiến thức và kĩ năng mà mỗi người TTCM đang cần và đang thiếu trong việc đáp ứng những nhu cầu của hoạt động quản lý hiện tại và những thế mạnh và nhược điểm của mỗi TTCM đối với hoạt động quản lý.
2.3.2. Về phương pháp bồi dưỡng: phương pháp chủ yếu là tự học có hướng dẫn theo qui trình sau:
– Tổ chức hướng dẫn sơ bộ về mục tiêu, nội dung và phương pháp học tập và phát tài liệu học tập cho học viên.
– Học viên tự nghiên cứu tài liệu.
– Các học viên thực hiện thảo luận theo nhóm về tài liệu, đề xuất những vấn đề mà các học viên chưa rõ hoặc chưa thống nhất được qua thảo luận. Các nhóm tổ chức việc vận dụng kiến thức vào các tình huống để hình thành kĩ năng.
– Tổ chức cho các giảng viên giải đáp các thắc mắc, hệ thống lại các nội dung cơ bản của tài liệu.
2.3.3. Về hình thức bồi dưỡng: Để bồi dưỡng hiệu quả, cần kết hợp nhiều hình thức đa dạng như: bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng theo hình thức từ xa-online; phối hợp với các trường Sư phạm tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao…
2.4. Đánh giá kết quả bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học
Việc đánh giá phải xác nhận được mức độ nâng cao của năng lực quản lý hoặc các thành tố của nó ở các TTCM qua quá trình bồi dưỡng.
2.4.1. Nội dung đánh giá kết quả bồi dưỡng phải thực hiện được ít nhất về hai mặt: kiến thức và kĩ năng quản lý ( sự vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống quản lý).
2.4.2. Hình thức đánh giá kết quả bồi dưỡng cần kết hợp tự đánh giá, đánh giá của nhóm, đánh giá qua bài kiểm tera lý thuyết và thực hành, qua nhận xét của cán bộ quản lý và giáo viên trong TCM.
Kết quả đánh giá qua khóa bồi dưỡng được sử dụng để TTCM tự điều chỉnh, xác định nội dung và hình thức bồi dưỡng tiếp theo, cho các cấp quản lý cao hơn xác định nội dung, cách thức và hình thức của các khóa bồi dưỡng sau và xây dựng qui hoạch bồi dưỡng và sử dụng các TTCM cho các nhà trường.
3. Thử nghiệm bồi dưỡng kiến thức quản lý cho các tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tiểu học mới
3.1. Tổ chức thử nghiệm
– Mục đích thử nghiệm: bước đầu kiểm chứng tính hiệu quả và tính khả thi của giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho các TTCM trường TH đã đề xuất.
– Giả thuyết thử nghiệm: Có thể nâng cao nhận thức về quản lý của các TTCM trường TH nếu thực hiện hoạt động bồi dưỡng năng lực cho họ theo phương án đã đề xuất.
– Nội dung thử nghiệm; Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, tác giả chỉ tiến hành thử nghiệm nội dung bồi dưỡng kiến thức quản lý và chương trình giáo dục tiểu học mới cho các TTCM.
– Khách thể thử nghiệm: gồm 45 TTCM trường TH đại diện cho 3 vùng cơ bản của tỉnh Nghệ An (Miền núi 16 người, đồng bằng 16 người, thành phố 13 người). Tác giả cũng đã chọn nhóm khách thể đối chứng tương đương với nhóm thử nghiệm về các mặt.
3.2. Cách thức thử nghiệm:
– Trên cơ sở nội dung bồi dưỡng xác định, tác giả và cộng sự đã thiết kế chương trình, biên soạn tài liệu và hệ thống câu hỏi đánh giá kết quả bồi dưỡng.
– Trước khi thử nghiệm tiến hành đo trình độ kiến thức của cả hai nhóm thử nghiệm và đối chứng.
– Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức đã xác định cho nhóm thử nghiệm. Nhóm đối chứng không được bồi dưỡng.
Việc thử nghiệm được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2019 tại tỉnh Nghệ An.
– Đánh giá kết quả thử nghiệm: Sau khi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu tổ chức đánh giá kiến thức bồi dưỡng bằng hệ thống câu hỏi đã xây dựng. Kết quả đánh guias được xếp thành 4 loại: tốt, khá, đạt yêu cầu, không đạt yêu cầu.
- Xử lý kết quả thử nghiệm: Kết quả thử nghiệm thu được đã được tác giả xử lý bằng phần mềm vxwr lý thống kê IBM SPSS Statistic 2.0 để tính độ lệch chuẩn, điểm vtrung bình, phương sai hệ số biến thiên.
3.3. Phân tích kết quả thử nghiệm
3.3.1. Kết quả trước thử nghiệm
Bảng 1: kết quả trước thử nghiệm
Nhóm | Mức
Độ SL |
Tốt | Khá | Đạt | Không đạt |
SL, % | SL,% | SL,% | SL, % | ||
Đối chứng | 45 | 3 | 10 | 28 | 4 |
6.66 | 22.22 | 62.22 | 8.88 | ||
Thử nghiệm | 45 | 3 | 8 | 29 | 5 |
6. 66 | 17.77 | 64.44 | 11.11 |
Kết quả khảo sát cho thấy, trình độ kiến thức quản lý của nhóm thử nghiệm và nhóm đối chúng là tương đương nhau.
3.3.2. Kết quả thử nghiệm
Bảng 2: Tần suất kết quả kiểm tra sau thử nghiệm
Nhóm | Số lượng | Các thông số | |||
X | Phương sai | Độ lệch chuẩn | Hệ số biến thiên | ||
Đối chứng | 45 | 6.78 | 2.69 | 1.72 | 25.00 |
Thử nghiệm | 45 | 8.32 | 0.90 | 0.98 | 12.00 |
Kết quả thu được cho thấy:
Trung bình cộng điểm số của nhóm thử nghiệm (8.32) cao hơn nhóm đối chúng.
Phương sai của nhóm thử nghiệm (0.90) thấp hơn nhóm đối chứng (2.69).
Độ lệch chuẩn của nhóm thử nghiệm (0.98) cũng thấp hơn nhóm đối chứng (1.72).
Hệ số biến thiên của nhóm thử nghiệm (12.0) thấp hơn nhiều so với nhóm đối chứng (25.00).
Kết quả thu được cho thấy, trình độ kiến thức về các nội dung được bồi dưỡng của nhóm thử nghiệm cao hơn nhóm đối chứng. Sự khác biệt này là đáng tin cậy. Điều đó bước đầu xác nhận, hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về quản lý và về chương trình giáo dục mới là có hiệu quả và khả thi.
Kết luận
– Đội ngũ TTCM có vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà trường. Hiệu quả công việc quản lý của TTCM có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của TCM và qua đó đến chất lượng giáo dục toàn diện ở trường tiểu học. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, ngoài năng lực chuyên môn, nghiệp vụ người TTCM cần có năng lực quản lý. Đó là tổ hợp những kiến thức về khoa học và kinh nghiệm quản lý, các kĩ năng quản lý và thái độ tích cực đối với hoạt động quản lý TCM.
– Tuy nhiên, trong thực tế giáo dục Tiểu học việt Nam, vấn đề năng lực quản lý của các TTCM chưa được quan tâm đúng mức thể hiện ở chỗ hầu hết họ chưa được bồi dưỡng về kiến thức và kĩ năng quản lý trước và trong khi đảm nhận chức vụ này. Kết quả điều tra cho thấy, giáo viên và cán bộ quản lý trường TH khi được hỏi về những phẩm chất tâm lý của đội ngũ TTCM đánh giá không cao năng lực quản lý và năng lực xã hội của đội ngũ này.
– Việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ TTCM trường TH là yêu cầu cấp thiết để họ đáp ứng tốt yêu cầu của đổi mới giáo dục TH nói chung và thực hiện chương trình giáo dục TH mới nói riêng. Hoạt động bồi dưỡng cho TTCM trường TH trước hết phải hướng vào nội dung kiến thức cơ bản về khoa học quản lý, về đổi mới và phát triển chương trình, về đánh giá học sinh TH…Hoạt động bồi dưỡng cần kết hợp cả hai hướng từ trên xuống và từ dưới lên với phương pháp tự học có hưỡng dẫn vói các hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện cụ thể của học viên.
____________
TS. Phan Quốc Lâm.
NCS. Phùng Quang Dương, Đại học Vinh.
Xem thêm: Đổi mới Tổ chức hoạt động giáo dục trong trường phổ thông