1. Đặt vấn đề
Trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPTTT), môn Tiếng dân tộc (TDT) là môn học cốt lõi thuộc lĩnh vực giáo dục Ngôn ngữ và văn học. Tiếng dân tộc là môn học thuộc lĩnh vực Ngôn ngữ và Văn học nhưng xếp vào loại Tự chọn 2 (TC2), không bắt buộc. Với những nội dung đặc thù của môn học và những đối tượng người học ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), môn học này càng phải được chú trọng hơn trong việc định hướng phát triển các năng lực chung và các năng lực đặc thù. Căn cứ vào mục tiêu định hướng thực hiện CTGDPT, nghiên cứu này đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển năng lực cho HS tiểu học vùng DTTS qua môn TDT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục dân tộc nói chung và đáp ứng yêu cầu dạy học TDT nói riêng.
2. Các nhóm năng lực chung và năng lực đặc thù cần hình thành cho HS tiểu học vùng DTTS qua môn TDT
Với quan điểm xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, chương trình chuyển đổi căn bản định hướng giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. Đây là quan điểm xuyên suốt chương trình và nội dung dạy – học phổ thông ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong các nhóm năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh phổ thông, có hai nhóm chủ yếu: các năng lực chung và các năng lực đặc thù. Các năng lực chung đã được xác địnn rất rõ ở CT GDPTTT, nhưng đối với những môn học có tính chuyên biệt, cần phải xác định rõ năng lực đặc thù cụ thể là gì? Từ đó, định hướng phát triển cho người học hình thành và phát triển năng lực đó trong quá trình dạy học.
Môn TDT không nằm ngoài quan điểm đó, dù là môn học tự chọn không bắt buộc, mà quan điểm này càng phải đề cao và tuân thủ triệt để, vì mục tiêu cuối cùng của môn học này là làm cho người học sử dụng được và sử dụng hiệu quả TDT như một công cụ giao tiếp quan trọng nhất trong đời sống của chính họ ở vùng không gian mà họ đang sống. Chúng tôi gọi đó là phát triển năng lực Tiếng dân tộc.
2.1 Nhóm năng lực chung
Là môn học thuộc lĩnh vực Ngôn ngữ và văn học, môn TDT phải đảm bảo góp phần hình thành và phát triển cho HS tiểu học người DTTS những năng lực chung như tất cả các môn học khác. Theo Phụ lục 3 trong Chương trình Tổng thể (Vai trò của các môn học đối với việc phát triển năng lực chung của học sinh), môn TDT cùng với các môn học cùng lĩnh vực phải hướng tới có các mức độ cần đạt cụ thể như sau: Mức độ A: Môn học đóng vai trò chủ yếu đối với sự phát triển năng lực tương ứng. Mức độ B: Môn học góp phần phát triển năng lực tương ứng. Mức độ C: Môn học tạo cơ hội phát triển năng lực tương ứng.
Phụ lục 3 cũng xác định, môn TDT đòi hỏi mức độ cần đạt ở từng nhóm năng lực như sau:
Năng lực tự học (Mức độ B); Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Mức độ B; Năng lực thẩm mĩ: Mức độ A; Năng lực thể chất: Mức độ C; Năng lực giao tiếp: Mức độ B; Năng lực hợp tác Mức độ B; Năng lực tính toán: Mức độ C.
So sánh và đối chiếu với môn Tiếng Việt cùng lĩnh vực Ngôn ngữ và Văn học, nhưng thuộc môn học bắt buộc nhận thấy: môn TDT chỉ có năng lực thẩm mĩ là hướng tới mức độ A, còn lại là có bốn năng lực hướng tới mức độ B; 3 năng lực yêu cầu ở mức độ C. Trong khi đó, môn Tiếng Việt hướng tới 4 mức độ A (năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mĩ; năng lực giao tiếp), một mức độ B (năng lực hợp tác), 3 mức độ C (Năng lực thể chất; Năng lực tính toán).
Cũng trong lĩnh vực Ngôn ngữ và Văn học, môn Ngoại ngữ (bao gồm Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2; Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12; Ngoại ngữ 2 là môn học TC1, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kì lớp nào trong các lớp từ 3 đến 12 tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường) yêu cầu hướng tới 4 mức độ A (năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mĩ; năng lực giao tiếp), 2 mức độ B (năng lực hợp tác; năng lực công nghệ thông tin), 2 mức độ C (năng lực thể chất; năng lực tính toán).
Điều đó không có nghĩa là môn TDT yêu cầu nhẹ hơn trong việc hình thành cho HS những năng lực chung, mà với đặc thù của mình (môn học cho đối tượng HS DTTS, HS ở vùng DTTS) môn TDT sẽ giúp cho việc phát triển các năng lực tương ứng để học tốt Tiếng Việt và các môn học khác.
Ở từng nhóm năng lực, môn TDT với các mức độ cần đạt sẽ có các yêu cầu để đảm bảo hỗ trợ cho các nhóm năng lực tương ứng.
Bảng 1: Nhóm năng lực chung cho môn TDT
Năng lực tự học | Năng lực giải quyết vấn đề | Năng lực thẩm mĩ | Năng lực giao tiếp | Năng lực hợp tác – kết nối |
Hình thành năng lực tự học ở nhà qua việc làm bài tập và mở rộng vốn từ giao tiếp với gia đình, bạn bè, người thân. Tự giác hoàn thành kế hoạch học tập môn TDT.
|
Giải quyết các vấn đề nảy sinh trong học tập và cuộc sống ở cộng đồng và địa phương bằng TDT.
|
Bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ qua các bài đọc về bản sắc văn hóa các DTVN trên các vùng miền đất nước.
Bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, chuẩn thẩm mĩ chung của cộng đồng DTVN.
|
Sử dụng đúng chuẩn ngữ âm, ngữ nghĩa, từ vựng và ngữ pháp TDT để giao tiếp bằng tiếng nói hoặc văn bản.
Đối tượng giao tiếp bằng TDT phải hiểu được mục đích giao tiếp và có tương tác. |
Bồi dưỡng năng lực hợp tác để kết nối và chia sẻ thông tin, hợp tác trong học tập môn TDT và các môn học khác.
Có năng lực kết nối bằng TDT trong phạm vi cư trú.
|
2.2. Năng lực đặc thù (Năng lực Tiếng dân tộc)
Năng lực đặc thù của môn TDT chính là năng lực sử dụng tiếng dân tộc hiệu quả trong giao tiếp ở các lĩnh vực của đời sống xã hội như: giao tiếp gia đình, giao tiếp trong cộng đồng giao tiếp nhà trường, chúng tôi gọi là Năng lực tiếng dân tộc. Như vậy, năng lực tiếng dân tộc thuộc nhóm năng lực công cụ cũng là một năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh DTTS.
Bảng 2: Nhóm năng lực đặc thù
Năng lực nói | Năng lực nghe | Năng lực đọc | Năng lực viết |
Năng lực phát âm: phát âm đúng các phụ âm, nguyên âm, âm tiết tiếng DT.
Năng lực đặt câu để nói được ý trọn vẹn, đúng ngữ điệu, thể hiện đúng suy nghĩa cá nhân, bộc lộ tình cảm thích hợp. Năng lực thực hiện các hành động ngôn ngữ một cách hiệu quả: kể, trình bày, báo cáo, hỏi, yêu cầu, đề nghị, khuyên v.v. Năng lực độc thoại, đối thoại trong gia đình, lớp học, nhà trường và trong cuộc sống v.v. Năng lực nói về một nội dung cho trước. Năng lực thuyết phục: nói đúng chủ đề, lập luận logic, nhất quán. Năng lực phát biểu ý kiến, thuyết trình, thuyết minh, giải thích trước đám đông. Năng lực đối thoại, trao đổi, thoả thuận, đàm phán v.v. |
Năng lực nghe: nghe người khác đọc, nghe đài, ti vi trong chương trình TDT.
Năng lực nghe – hiểu nghĩa hàm ẩn trong hội thoại Năng lực đánh giá, nhận xét về lời nói của người khác bằng TDT. Năng lực nghe – phản hồi ý kiến của người khác bằng TDT. Nghe – hiểu nghĩa tường minh: nghe người khác nói, nghe người khác đọc, nghe đài, ti vi trong chương trình TDT.
|
Năng lực đọc đúng, trôi chảy văn bản.
Năng lực đọc đúng về kĩ thuật với tốc độ đọc phù hợp với từng lớp học, cấp học. Năng lực đọc hiểu nội dung chính đơn giản, chủ yếu là nội dung tường minh. Năng lực đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu nội dung hàm ẩn như chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản đã đọc. |
Năng lực viết đúng chính âm: chuyển từ âm nghe được đến chữ DT.
Năng lực viết đúng chính tả, sử dụng dấu câu thích hợp. Năng lực viết đúng câu phản ánh đúng tư tưởng, suy nghĩ của cá nhân, bộc lộ cảm xúc phù hợp. Năng lực tạo lập văn bản ngắn bằng TDT: viết thư, lời nhắn cá nhân…
|
3. Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện môn Tiếng dân tộc theo định hướng phát triển năng lực cho HS Tiểu học vùng DTTS
3.1. Thuận lợi
– TDT là tiếng mẹ đẻ của HS DTTS, là công cụ giao tiếp của các em ở gia đình và cộng đồng. HS đã có số vốn từ và có kĩ năng giao tiếp thông thường bằng TDT.
– Môn TDT đã được đưa vào lĩnh vực giáo dục Ngôn ngữ và văn học, thuộc môn học cốt lõi trong chương trình GDPT.
– Môn TDT đã có nền tảng từ những chương trình dạy TDT trước đó.
3.2. Khó khăn
– Do điều kiện cư trú, nhiều nơi, trường, lớp có nhiều học sinh dân tộc khác nhau cùng học. Việc tổ chức dạy riêng tiếng dân tộc cho học sinh rất khó khăn, nhất là trong điều kiện thiếu trầm trọng giáo viên dạy tiếng dân tộc.
– Đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc (TDT) thiếu và chưa đảm bảo chất lượng, vì hiện Bộ GD&ĐT chưa mở mã ngành đào tạo chính quy tiếng dân tộc thiểu số…
– Môn TDT là môn TC 2 trong CTGDPT (tự chọn không bắt buộc), HS có thể chọn hoặc không, chính điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của môn học bởi, nếu số lượng HS chọn ít hay nhiều sẽ dẫn đến việc đầu tư rất khác nhau về nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học môn TDT ở các địa phương.
– Chưa có chương trình giảng dạy, tài liệu, sách giáo khoa môn TDT do Bộ GD&ĐT ban hành dành cho trường Tiểu học vùng DTTS.
Từ những khó khăn trên, việc dạy học TDT theo định hướng phát triển năng lực cần phải được nghiên cứu và xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi chỉ chú ý đến các nhóm năng lực chung và năng lực đặc thù cần hình thành cho HS tiểu học vùng DTTS qua môn TDT. Từ đó, đề xuất những giải pháp để dạy học tốt môn học này theo định hướng phát triển năng lực, góp phần vào đổi mới giáo dục ở vùng DTTS.
4. Một số giải pháp khắc phục khó khăn trong dạy học môn TDT phù hợp với định hướng phát triển năng lực cho HS tiểu học vùng DTTS
4.1. Nhóm giải pháp hướng tới các nhà quản lí
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có tiếng nói, chữ viết).
Đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dân tộc cho cán bộ và người dân, đồng thời thấy rõ mục đích của việc dạy học TDT là nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, là nhiệm vụ để đổi mới căn bản GDDT chứ không phải là để biết hay giao tiếp trong phạm vi hẹp.
Tuyên truyền mở rộng và đa dạng hoá loại hình dạy tiếng dân tộc trong trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Xác định rõ việc lựa chọn TDT trong nhà trường ở những địa phương thuộc vùng DTTS vừa là nhiệm vụ, vừa là nội dung phù hợp nhất đối với HS DTTS trong so sánh với Tiếng Anh là Tự chọn 1 (bắt buộc).
Tập huấn và bồi dưỡng phương pháp dạy học TDT để nâng cao chất lượng cho đội ngũ GV người DTTS.
Hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa, giấy vở viết cho học sinh người dân tộc theo học các lớp học chữ dân tộc. Đảm bảo đủ phòng học, các trang thiết bị, đồ dùng dạy học để phục vụ việc dạy và học chữ dân tộc cho các trường phổ thông.
4.2. Nhóm giải pháp hướng tới người dạy
4.2.1. Đổi mới về phương pháp dạy học
Vận dụng các phương pháp phát huy tính chủ động tích cực của người học; các phương pháp đặc trưng của môn học cho GV đang dạy học TDT:
Phươpng pháp thực hành giao tiếp
Phương pháp đóng vai
Phương pháp rèn luyện theo mẫu
Phương pháp phân tích ngôn ngữ
Phương pháp thảo luận, đặt và giải quyết vấn đề trong dạy học…
Phối hợp linh hoạt những phương pháp trên sẽ phát huy được hết khả năng của người học trong mỗi bài học từ đó tạo cho người học niềm hứng thú trong học tập.
4.2.2. Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học
Đối với môn TDT trong trường tiểu học, việc đa dạng hóa các hình thức dạy học là một trong những giải pháp cần thiết để giúp HS học tốt hơn môn học này. Chúng tôi tạm thời đưa ra ba hình thức phù hợp để GV tham khảo
Hình thức cá nhân tự học: phát huy năng lực tự học và sáng tạo.
Hình thức học theo nhóm nhỏ: phát huy năng lực tương tác và kết nối làm việc theo nhóm. Hình thức này đòi hỏi GV tổ chức lớp học phải giúp HS xây dựng những nhóm học tập, trong đó có những em đóng vai trò cốt cán, năng lực nổi trội cả ở nghe nói và đọc viết, các em khác sẽ tham gia vào nhóm tùy theo năng lực và dưới sự dẫn dắt của nhóm trưởng để hoàn thành nội dung học tập theo yêu cầu trên lớp hay về nhà. Đối với hình thức học tập này, GV có thể phân công nội dung công việc như một dự án nhỏ cho các em làm việc tùy theo đơn vị bài học yêu cầu.
Hình thức học theo lớp: để giờ học sinh động, hiệu quả phát huy tốt khả năng của mỗi cá nhân. Học theo lớp là hình thức cơ bản nhất, phát huy hiệu quả ối đa cho học TDT.
4.3. Nhóm giải pháp hướng tới người học
Phát triển năng lực tự học và năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mĩ ở môn TDT trong gia đình, cộng đồng và trong nhà trường bằng các hình thức nghe kể chuyện, sưu tầm và ghi chép lại văn học dân gian hay các hiểu biết phong tục tập quán, sinh hoạt ẩm thực của DTTS.
Tăng cường hội thoại bằng TDT trong giao tiếp.
Làm các video ngắn ghi lại các hội thoại.
Làm sổ từ song ngữ mini.
5. Kiến nghị và đề xuất
Kiến nghị Bộ hoàn thiện khung chương trình, sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn giảng dạy môn TDT trong CTPTTT.
Có định hướng cho các trường thuộc vùng DTTS lựa chọn môn TDT trong khung chương trình chung là môn học tự chọn của HS.
Tập huấn về phương pháp cho GV dạy TDT; bồi đưỡng giáo viên dạy học TDT; tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có là trí thức DTTS để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu dạy học, thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới.
Tham khảo: Kỹ năng tư duy sáng tạo của học sinh trong dạy học ngữ văn
___________________________
DƯƠNG THỊ THANH HƯƠNG (Viện KHGD Việt Nam)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018.
- Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018.
- Chương trình môn Tiếng Ba-na cấp tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2008.
- Chương trình môn Tiếng Ê đê cấp tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2007
- Chương trình môn Tiếng Mông cấp tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2008
- Chương trình môn Tiếng Chăm cấp tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2008