Trường học hạnh phúc đã trở thành một từ khóa phổ biến trong ngành giáo dục tại Việt Nam. Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy school” của UNESCO, mô hình trường học hạnh phúc tại Việt Nam được triển khai từ năm 2018 với 22 tiêu chí tập trung vào 3 khía cạnh cốt lõi: Con người (People) – Hệ thống (Process) và Môi trường (Place). Trong đó, khía cạnh Con người đã đề cập rất nhiều đến vai trò của giáo viên trong việc phát triển mô hình này, cụ thể: thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Giáo viên là những người có tác động quan trọng về xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của hàng học sinh. Nếu giáo viên có tình trạng sức khỏe tâm thần tốt, có thái độ, nhận thức, và năng lực tốt, sẽ tạo ra những tác thế hệ học trò hạnh phúc, có tác động lâu dài đến sự phát triển của hàng nghìn học sinh.
Chính vì vậy, ngày 17/12, sau chương trình Hội thảo Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc (ngày 16/12) là chuỗi chương trình tập huấn dành cho hơn 100 giáo viên phổ thông với 3 chuyên đề.
Chuyên đề thứ nhất với nhan đề “Trường học hạnh phúc và phương pháp giáo dục tích cực nhằm phòng chống bạo lực học đường” do PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa trình bày.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa dẫn các nghiên cứu của Sydney Jourard để chứng mình một cá nhân dù có đạt được thành công đỉnh cao, nhưng nếu không nuôi dưỡng được mối quan hệ thân thiết, gắn bó với những người thân thì hạnh phúc chỉ là tạm thời và hạn chế. Vì 85% hạnh phúc trong cuộc sống bắt nguồn từ những mối quan hệ cá nhân. Thời gian dành cho những người thân là cội rễ của niềm vui, cảm giác hứng thú và thỏa mãn. Chỉ có khoảng 15% còn lại của hạnh phúc có được từ những thành công mà cá nhân đạt được.
Nhưng để hạnh phúc, con người cần cuộc sống cân bằng. Mỗi người sinh ra đã có năng lực để hạnh phúc. Vì vậy đừng chờ đợi hạnh phúc tìm đến mà chúng ta cần kiến tạo nó. TS Thoa đã giúp các thành viên tham gia các hoạt động trải nghiệm để nhận ra rằng Kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc là cảm xúc tiêu cực. Sự bất mãn, ganh ghét, thù hận sẽ tạo nên bất hạnh. Tính ích kỷ là kẻ thù của hạnh phúc kể cả trong quan hệ gia đình và xã hội. Người thành công về địa vị, quyền lực hay tài chính không có nghĩa là có hạnh phúc. Không ai có thể hạnh phúc nếu chỉ khư khư giữ và biến mọi thứ thành của mình. Và một cách để mỗi con người luôn hạnh phúc trong mỗi ngày là hãy biết ơn. Mỗi người hãy nghĩ về những ân huệ mà cuộc đời đã mang đến, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc! Hạnh phúc mà chúng ta tạo ra cho mình hàng ngày chính là thiên đường trong cuộc sống thực tại. Hãy học cách trân trọng những gì mình đang có. Con người thường không nhận ra giá trị của một thứ gì đó cho đến khi không còn có nó nữa.
Chuyên đề thứ hai được PGS.TS Trần Văn Công đi sâu phân tích những phương pháp cụ thể để người Giáo viên có thể cân bằng tâm lý và có một SKTT tốt. Đầu tiên là sự chú tâm và nhận diện ra các biểu hiện, nguy cơ tổn thương mà hàng ngày chúng ta có thể không thường chú ý… ví dụ chúng ta cảm thấy ăn không ngon, ngủ không sâu như trước, chúng ta có xu hướng cô lập mình khỏi gia đình và bạn bè để tập trung cho công việc, chúng ta bỗng không chịu nghỉ giải lao và đứng lên theo giờ quy đình, không còn cảm thấy thích thú và cam kết với những công việc mình đang làm, cảm thấy dễ khó chịu và nổi nóng khi tương tác với người khác trên mạng. Nhiều giáo viên cũng cảm thấy mình vô cảm sau một cuộc họp hoặc livestream, cảm thấy ít thông cảm và chu đáo hơn với những đứa học sinh…
Qua đó, TS Trần Văn Công đã hướng dẫn các bài tập trải nghiệm chánh niệm để phát hiện những điều vẫn xảy ra xung quanh chúng ta nhưng cuộc sống bồn bề khiến cho chúng ta đã bỏ qua rất nhiều trong cuộc sống, qua đó khuyến khích điểm mạnh của cá nhân, thúc đẩy ý nghĩa cuộc sống, sử dụng sáng tạo, tập trung vào lòng dũng cảm, tính kiên định và thực hành “dòng chảy”
Chiến lược dòng chảy khuyến khích chúng ta hồi tưởng về những sự kiện tích cực trong QUÁ KHỨ (Hồi ức tích cực); Tiếp tục những trải nghiệm tích cực trong HIỆN TẠI (Nhắc lại 3 sự kiện tích cực hàng ngày, biết ơn người khác, đếm việc tử tế của bản thân, chụp ảnh chánh niệm…) và Trải nghiệm tích cực trong TƯƠNG LAI thông qua sự mong đợi (Tưởng tượng tích cực về những gì sẽ xảy ra, trải nghiệm khan hiếm…)
Phiên tập huấn cuối cùng do PGS.TS Trần Thành Nam tập huấn với chủ đề An toàn trên không gian mạng và ảnh hưởng của mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần của GV và học HS. Từ những kết quả nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng, gây ra áp lực đối với GV bao gồm cả việc đưa thông tin một cách thiếu cân nhắc lên trên MXH, không biết bảo vệ bản thân.
TS Trần Thành Nam chỉ rõ các nguy cơ khi trực tuyến. Thông tin trực tuyến rất khác so với thông tin truyền thống: sao chép nhanh chóng và phân phối, lan truyền dễ dàng. Được lưu trữ ở nhiều nơi, được tạo và đồng bộ hóa, có thể hiển thị với các mức độ tìm kiếm khác nhau.
Có rất nhiều nguy cơ trên mạng ( từ việc tiếp xúc nội dung không phù hợp bạo lực tình dục, bị quấy rối bắt nạt trực tuyến, gặp gỡ những người xấu, tiếp cận với thông tin giả, bị đánh cắp thông tin và thiết bị hỏng hóc do dính virus). Trên môi trường trực tuyến, có rất nhiều hành vi chúng ta nghĩ hoàn toàn bình thường nhưng lại có những hệ quả tiềm ẩn. TS Nam đã dẫn một tố ví dụ như:
+ Việc điền thông tin cá nhân vào các hồ sơ, khảo sát trên mạng: Cho phép kẻ xấu có cơ hội biết được tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, tên trường lớp, v.v. để tìm thấy em ở ngoài đời thực.
+ Việc tải các hình ảnh, video clip không rõ nguồn gốc: Có thể khiến máy của em bị dính virus, mất dữ liệu, cho phép hacker đánh cắp thông tin cá nhân
+ Việc phản hồi các tin tức gây hấn hoặc quấy rối người khác: Tiếp tay cho kẻ xấu gây tổn thương cho người khác, làm vấn đề càng trở nên nghiêm trọng, nạn nhân có thể có các hành vi tiêu cực với bản thân họ do không chịu nổi áp lực từ dư luận
+ Việc đăng một hình ảnh lên mạng: Khiến kẻ xấu có thể chế giễu bằng các bình luận hoặc có thể cắt ghép, chế ảnh của em để làm trò đùa, để bôi nhọ hình ảnh trên mạng của em
+ Việc đăng thông tin trên blog hoặc các trạng mạng xã hội: Kẻ xấu có thể đọc và chia sẻ các thông tin với mục đích xấu như chế giễu, bôi nhọ, sử dụng thông tin đó để bịa đặt, xuyên tác, làm hại em
+ Việc nói chuyện chat với người lạ trong các nhóm chat (phòng chat/ chat room): thì kẻ xấu có thể lợi dụng để thu thập thông tin cá nhân, làm quen và có các ý đồ khác như xâm hại, bắt cóc, v.v.
+ Việc sử dụng webcam khi chat trực tuyến: Kẻ xấu có thể lợi dụng để thấy được nơi em sống, dụ dỗ thực hiện các hành vi không lành mạnh, lưu lại và lấy video đó đe dọa, đăng lên cho mọi người xem.
+ Việc gặp mặt người lạ trên mạng ở ngoài đời thực: Kẻ xấu có thể lợi dụng để xâm hại, bắt cóc, trộm cướp, lừa đảo.
Trong phần trao đổi, TS Trần Thành Nam cũng chia sẻ rất thẳng thắn về những chiến lược xử lý tin đồn ví dụ như:
+ Nhanh chóng cắt đứt tin đồn, lời đàm tiếu bằng cách tham gia ngay trước khi mọi thứ bị lan truyền đi quá xa (nguyên tắc là trước 72h sau khi tin đồn đầu tiên bị phát tán). Hãy nói thẳng với mọi người bạn đã nghe mọi người nói X, Y, Z về bạn và điều đó là hoàn toàn sai. Đơn giản vậy thôi!
+ Xử lý ngay tại nguồn: Nếu đã xác định được, hãy đến gặp thẳng người tung tin đồn, đưa chuyện để làm rõ đâu là thông tin thật và đâu là sự tưởng tượng hoặc suy diễn không chính xác. Nếu có những thông tin sai, vu khống… lập hồ sơ, biên bản ghi lại ngay lập tức… và trước hết yêu cầu đính chính trước khi xử lý tiếp theo.
+ Nếu có một sự thật trong những gì mà người ta đang đàm tiếu. Bạn chỉ cần nói, điều A là sự thật còn tất cả điều khác không đúng. Tôi sẽ theo dõi và ghi lại diễn tiến câu chuyện đang được tạo dựng, nhưng sẽ không muốn nói thêm về chúng nữa.
+ Nếu đủ tự tin, bạn chỉ cần cười trừ với những lời đàm tiếu. Tự hỏi xem người thân của bạn có quan tâm đến những lời đàm tiếu không. Những người nói xấu có thực sự quan trọng với bạn không. Họ nói xấu có bạn có làm bạn “bớt đẹp” đi chút nào không. Khi bạn cười trừ và chẳng quan tâm, mọi người sẽ nhanh chóng thấy chán và chuyển sang chuyện khác.
+ Không bao giờ để người khác thấy bạn khó chịu hoặc thất vọng với tin đồn vì đó chính là thuốc kích thích cho những người tung tin đồn tiếp tục hành động.
+ Học cách bớt chia sẻ những thứ không cần thiết lại. Đừng cái gì cũng share lên MXH của bạn vì đó chính là chất liệu cho những tin đồn. Chính bạn cũng phải hạn chế buôn chuyện vì nó rất là nghiện.
+ Nếu những người khác cứ thích buôn chuyện với bạn. Hãy tập nói thẳng: “Xin lỗi, tôi nói điều này có vẻ không thoải mái, nhưng tôi thực sự không muốn bạn nói cho tôi nghe về điều này đâu. Bạn hãy dừng lại. Làm ơn!”
Có thể nói Hội thảo Chăm sóc sức khỏe tâm thần và tập huấn cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc đã thành công tốt đẹp. Các báo cáo tham luận và nội dung tập huấn cho giáo viên là cách tiếp cận mới, mang lại những giá trị về tinh thần rất ý nghĩa cho giáo viên. Nhà trường muốn đạt được mục tiêu “Nhà trường hành phúc”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì trước hết các chủ thể hoạt động trong nhà trường cần được quan tâm, chăm sóc về sức khỏe tâm thần để có trạng thái tâm lí tốt, luôn có thâm thế sẵn sàng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ.
Bài và ảnh: BTC Hội thảo