Tôi còn nhớ như in những kỷ niệm thời thơ ấu, khi tham gia các trò chơi đóng vai cùng bạn bè, tôi luôn xung phong đảm nhận vai diễn của một cô giáo. Cảm giác cầm bảng phấn, bút, tỉ mỉ viết những dòng chữ trên bảng đen là điều tôi say mê. Niềm hứng thú của tôi không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mới mẻ, mà còn ở niềm vui khi thấy học trò tiếp thu được những kiến thức ấy.
Tình yêu và niềm đam mê với nghề giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn tôi. Không chỉ còn là ước mơ, sau bao năm tháng nỗ lực cố gắng cùng với sự dìu dắt của gia đình, thầy cô giờ đây tôi đã trở thành một giáo viên với 20 năm công tác trong nghề.
Nghề giáo, từ thời xa xưa đến nay, vẫn giữ vững vị thế cao quý, bởi vì sản phẩm mà giáo viên tạo ra không gì khác ngoài “con người” – là nền tảng vững chắc của xã hội. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn hướng dẫn con em những giá trị đạo đức, những lối sống có ý nghĩa. Người giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người biết quan tâm, chăm sóc học sinh bằng cả trái tim và tấm lòng bao dung của mình để mỗi học sinh khi bước tới trường học có cảm giác “hạnh phúc” như một gia đình.
Tôi luôn tâm niệm “ Xây dựng lớp học hạnh phúc – Hãy bắt đầu từ trái tim biết cho đi yêu thương”. Thật vậy, “ trường học hạnh phúc” là nơi cả giáo viên và học sinh được an toàn, được yêu thương và được tôn trọng. Như vậy trường học phải tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và bối cảnh giáo dục. Để có ngôi trường hạnh phúc thì mỗi giáo viên cần phải xây dựng một “Lớp học hạnh phúc”. Theo tôi để xây dựng được “Lớp học hạnh phúc” thì giáo viên là người có vai trò quyết định và phải bắt đầu từ sự thay đổi của chính bản thân người thầy. Đó là:“Hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình. Hãy làm cho mỗi lớp học, mỗi ngôi trường thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui”.
Cũng từ đó, môi trường học đường chỉ có thể có hạnh phúc nếu các mối quan hệ được xây dựng dựa trên yêu thương. Yêu thương bắt đầu từ sự thấu hiểu, chia sẻ với người khác mà không phải là sự ích kỉ, đơn phương thực hiện, nhưng hiện nay, các yếu tố kinh tế, về lợi ích cá nhân, những khó khăn rình rập đời sống của mỗi người, mỗi gia đình đã khiến cho việc quan tâm lẫn nhau, làm việc cùng nhau, vì nhau đang có phần bị xem nhẹ. Để xây dựng một nhà trường trong tình yêu thương đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người “Có thể ngày hôm nay, đời sống của đại đa số những thầy cô giáo như chúng ta vẫn còn khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng, với hai chữ nhà giáo trên vai, chúng ta sẽ luôn luôn phấn đấu và cố gắng hết mình để xứng đáng với sứ mệnh cao cả đó”
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo chúng ta phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của mình trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, ứng xử nhân văn để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo.
Mỗi một người giáo viên sẽ có cách để tạo nên một lớp học hạnh phúc theo cách của riêng mình. “Lớp học Hạnh phúc là lớp học được xây lên từ trái tim biết cho đi yêu thương và chúng ta cũng sẽ nhận lại được quả ngọt từ sự yêu thương đó. Tôi hy vọng rằng chúng ta cùng dũng cảm nhìn nhận, chia sẻ, trao đổi thẳng thắn quan điểm, suy nghĩ của mình để cùng bắt tay đồng hành với nhau trên hành trình xây dựng “Lớp học hạnh phúc – trường học hạnh phúc”. Trường học hạnh phúc chỉ được tạo bởi các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thầy cô có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm tận lực với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp…
Khó khăn có thật nhiều, nhưng khi xác định công việc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu, trách nhiệm với nghề thì bỏ lại tất cả phía sau, những nhà giáo như chúng tôi vẫn hàng ngày tươi cười rạng rỡ.
Có lẽ đến với nghề là một cái duyên nhưng quyết tâm sống được với nghề thì đó lại là lựa chọn. Và cho đến lúc này tôi càng hiểu hơn sự thiêng liêng vĩ đại của hai tiếng “Cô giáo – người mẹ hiền”. Sau mỗi cánh cổng của trường Tiểu học, luôn cần sự an toàn, niềm vui và hạnh phúc. Ở đó, những “mầm non tương lai” luôn cần được vun đắp!
Nguyễn Thị Bình / Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024