Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh.
Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới.
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”(World Book and Copyright Day), trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ. Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.
Ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là một việc đáng quý”. Xác định được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Sách luôn là chìa khóa khai mở kho tàng tri thức của nhân loại, khai sáng tâm hồn, là người bạn, người thầy. Đọc sách để rèn chí, luyện tài, giúp các em học sinh cũng như bạn trẻ bớt sa vào các trò chơi vô bổ. Để khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người đặc biệt đối với học sinh, sinh viên. Nâng cao nhận thức văn hóa đọc, khơi dậy lòng ham mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập suốt đời cua cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên Nhà trường, phát huy vai trò , trách nhiệm của Trường Đại Học Hồng Đức đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Sáng ngày 16/4/2024, Trung tâm Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Hồng Đức (HDU) đã tổ chức khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” năm 2024 và trao giải Cuộc thi “Sách hay cần bạn đọc”.
Với hoạt động được tổ chức thường niên có sự quan tâm tham dự của ThS. Nhà thơ Thy Lan – Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá, Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh; Nhà thơ Lê Quang Sinh – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam; Nhà thơ Văn Đắc – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hoá; Nhà thơ Tuấn Lộc – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm – Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; ông Lê Văn Giang – Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Đại Phát – Nhà tài trợ cho Cuộc thi “Sách hay cần bạn đọc”. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Hoàng Nam – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể cấp trường và đông đảo cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên trong toàn trường.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, TS. Hoàng Nam – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh dân tộc Việt Nam từ bao đời đã có truyền thống hiếu học, quý sách. Mỗi cuốn sách hay không chỉ chứa đựng kho tàng tri thức, tinh hoa mà còn mở ra cánh cửa hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Đồng thời, TS. Hoàng Nam cũng khẳng định: “Trong những năm qua, phong trào đọc sách, đưa sách đến với người đọc đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của cán bộ giảng viên và người học trong Nhà trường. Hằng năm, thông qua các hoạt động hưởng ứng ngày sách Việt Nam, Nhà trường đã huy động sự tham gia của cộng đồng và mọi nguồn lực xã hội trong việc đầu tư phát triển văn hóa đọc; xây dựng không gian văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho nhiều đối tượng bạn đọc; tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa sách với người đọc; khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội”.
Trong xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, các hình thức đọc sách, các phương tiện để con người tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn. Nhưng cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó. Gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử, và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn cung cấp tri thức, là món ăn tinh thần quý giá nhất. Từ lễ phát động ngày hội sách năm thứ 3 của Trường Đại Học Hồng Đức, hy vọng rằng các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong các năm tiếp theo sẽ có được sự tham gia tích cực và nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, góp phần kết nối tri thức và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cuộc thi “Sách hay cần bạn đọc” đã thu hút hơn 100 tác phẩm dự thi viết và dàn dựng video, clip giới thiệu sách của các tập thể, cá nhân là học sinh, sinh viên các khoa đào tạo và Trường Tiểu học, THCS & THPT Hồng Đức. Các tác phẩm dự thi được đăng tải trên fanpage Trường Đại học Hồng Đức đã thu hút được tổng 20.000 lượt chia sẻ và bình luận tích cực, tạo sự lan toả lớn về giới thiệu sách và thúc đẩy văn hoá đọc trong cộng đồng dân cư và xã hội. Kết quả, Ban tổ chức tổ chức đã trao Giấy khen và phần thưởng cho 10 tập thể và 10 cá nhân đạt giải trong cuộc thi, trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao giải cho các tác phẩm dự thi có sức lan toả nhiều nhất (tác phẩm có nhiều lượt like, bình luận và chia sẻ).
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm giới thiệu tới độc giả hàng nghìn đầu sách thú vị và bổ ích với nhiều chủ đề khác nhau, là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Ngày hội một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh giá trị của sách và “văn hóa đọc’ trong cộng đồng, qua đó nâng cao nhân thức của mỗi người dân về ý nghĩa to lớn của việc đọc sách đối với việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây cũng là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, in, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Đồng thời, cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Niềm đam mê đọc sách của mỗi người được tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó, nền tảng gia đình, nhà trường và xã hội cũng giữ vai trò quan trọng, góp phần hun đúc nên tình yêu, niềm đam mê đọc sách.
Hãy cùng nhau lan tỏa, nhân lên tình yêu sách, cùng nhau vun trồng văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập suốt đời và cùng đọc để sống hạnh phúc, kiến tạo, xây dựng xã hội văn minh, như thông điệp của Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam “ Sách hay cần bạn đọc”.
Lê Hoa