Đọc là một hoạt động cơ bản của con người nhằm chiếm lĩnh tri thức, làm giàu trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn. Vì thế, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đọc (nhất là đọc hiểu) được coi là kĩ năng hàng đầu (cùng với các kĩ năng viết, nói và nghe) được dạy xuyên suốt từ bậc tiểu học đến THPT.
Đọc có nhiều mức độ, ban đầu là đọc thông, đọc đúng ngữ liệu, tiếp đó là đọc kĩ, đọc sâu để từng bước hiểu được dụng ý của tác giả qua các bức hình nghệ thuật. Và cuối cùng là đọc hiểu thông điệp mà văn bản gửi đến người đọc. Đây là mức độ đọc thẩm mĩ. Việc đọc này cần được rèn luyện và trải qua quá trình thẩm thấu.
Nguồn: website trường TH Hoàng Văn Thụ
Đọc để cảm, để thưởng thức, để dùng, để tự phát triển bản thân và góp phần vun đắp cuộc sống hạnh phúc. Học sinh lớp hai cần rèn đọc nhiều, có kĩ năng đọc, đọc một cách khoa học và biết thoát khỏi cách đọc thuần túy tự phát sẽ chiếm lĩnh được nhiều tri thức, làm cơ sở . Đồng thời, trẻ cũng biết cách tiếp nhận thẩm mĩ để sống ĐẸP theo đúng nghĩa của từ này. Do đó, ngoài việc đưa yêu cầu về năng lực đọc hiểu, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ở tiểu học, nội dung Tập đọc môn Tiếng việt còn có ĐỌC MỞ RỘNG. Đọc mở rộng theo sát từng chủ đề trong sách giáo khoa với mục đích giúp học sinh có ý thức “mở rộng” nhằm khai thác sâu hơn chủ đề đang học; song song với đó là khám phá, tìm hiểu thêm những bài học cùng chủ đề, chủ điểm bên ngoài sách giáo khoa.
Để truyền cảm hứng đọc đến học sinh, giúp học sinh đọc mở rộng theo sát từng chủ đề trong sách giáo khoa, đặc biệt trong giai đoạn học online, giáo viên cần sáng tạo, đổi mới trong hướng dẫn đọc mở rộng.
Học sinh lớp 2 còn rất hiếu động nên các em thiên về tư duy trực quan, các em thích xem phim hoạt hình, chơi game. Ở lứa tuổi này các em thường thích hoạt động vui chơi tập thể, rất ít trẻ thích đọc, các em có đọc thì cũng chỉ đọc các văn bản trong sách giáo khoa hay những truyện tranh nhiều màu sắc, hình ảnh sinh động và đọc không thường xuyên liên tục. Chính vì vậy để các em không sợ đọc sách, ham thích tìm hiểu các bài đọc cùng chủ đề bên ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần giới thiệu với các em từ những quyển sách ít chữ, có hình ảnh, sách có nội dung cổ tích dần dần giới thiệu các loại sách danh nhân, văn hóa, lịch sử hay các bài báo, các văn bản thông báo thông tin… phù hợp với chủ đề tuần học. Giới thiệu bỏ ngỏ một cách hấp dẫn tạo sự tò mò để các em tìm đọc. Bên cạnh đó giáo viên còn có những cách bổ trợ tạo sự thích thú cho học sinh khi đọc sách như hướng dẫn học sinh làm trang trí, làm thẻ đánh dấu sách từ các vật dụng tái chế gần gũi. Tổ chức trưng bày triển lãm trên trang
Nguồn: website trường TH Hoàng Văn Thụ
Thấm nhuần quan điểm “Mỗi người đọc là một chủ thể tiếp nhận năng động, sáng tạo và quá trình đọc hiểu văn bản mang dấu ấn riêng của từng độc giả”, trong mỗi tiết Đọc mở rộng, giáo viên kẻ sẵn các cột trong phiếu đọc, ghi: Số thứ tự, Tên câu chuyện (bài thơ); Tên tác giả; Ghi lại (học thuộc) một câu văn (thơ)
yêu thích. Sau vài tuần giáo viên nâng dần yêu cầu và mức độ trong phiếu đọc, thay đổi nội dung ở một số cột như: Câu chuyện có những nhân vật nào?; Câu chuyện mở đầu như thế nào?; Câu chuyện kết thúc ra sao?; Nói về một nhân vật em thích trong câu chuyện; Nói về điều em thích nhất trong cuốn sách đã đọc… Sau khoảng 2-3 tháng các em có thể tự mình thiết kế, trang trí phiếu đọc sách theo những câu hỏi gợi ý hoặc sáng tạo thêm tùy theo khả năng của từng em. Từ những phiếu đọc sách đó, học sinh có thể tập hợp lại thành sổ tay lưu giữ những điều thú vị, bổ ích đọc được qua từng cuốn sách. Hiện tại các em sẽ chụp và gửi lên nhóm lớp.
Khắc phục khó khăn nghỉ dịch học online, một số em không có điều kiện được tìm đọc sách tại thư viện, giáo viên xây dựng kênh youtube cá nhân để làm những video giới thiệu sách, tạo không gian thư viện điện tử cho học sinh.
Để tạo động lực cho các em và đặc biệt hình thành thói quen lâu dài ham đọc, giáo viên nên tổ chức các cuộc thi mỗi tuần như: Thi thiết kế bìa sách, truyện đã đọc; Thi kể chuyện, đọc thơ về các câu chuyện tìm hiểu được trong sách; Thi tìm hiểu nội dung sách, thi vẽ tranh về câu chuyện tìm hiểu được trong sách. Sản phẩm của tất cả học sinh tham gia được đăng tải trên padlet của lớp. Các em chăm đọc, chăm gửi bài hoặc gửi video cảm thấy mình được “vinh danh” sẽ càng ham đọc sách. Các em chưa có bài gửi lên sẽ học hỏi bạn bè. Giáo viên phối hợp với cha mẹ các em giúp đỡ các em chưa thích đọc, các em không có sách, các em ít điều kiện tiếp cận sách, để em nào tham gia đọc và có bài đăng. Bên cạnh đó giáo viên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức cho các em trao đổi sách, chia sẻ sách với nhau; mua phần thưởng để tặng cho các em sau mỗi tháng với tên các giải thưởng để các em phấn đấu như: Người đọc được nhiều sách nhất, Người viết nội dung đoạn truyện hay nhất, Người thiết kế Phiếu đọc sách (thẻ đánh dấu) ấn tượng nhất…và quan trọng là phải cho các em bình chọn, có thể cả cha mẹ các em cùng bình chọn.
Với phương châm “Đọc để học – Học để làm người”, chúng tôi mong rằng học sinh của mình có thể chọn sách mình muốn đọc ở thư viện hay hiệu sách, tự thưởng thức quyển sách một cách tự nhiên nhất và thông qua đó, các em sẽ phát triển toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ; nâng cao kỹ năng đọc hiểu, theo chương trình đọc mở rộng giúp các em học sinh phát triển những kỹ năng liên quan như nghe, nói, viết bằng cách cung cấp thêm từ vựng và mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh; Xây dựng thói quen đọc chủ động và niềm yêu thích với việc đọc sách.
Bài viết của cô giáo: Đỗ Thu Thảo, Trường TH Hoàng Văn Thụ, Hà Nội.
* Nguồn tài liệu tham khảo:
- Tài liệu tập huấn giáo viên môn Tiếng Việt lớp 2 – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống – NXB Giáo dục Việt Nam.
- Đọc mở rộng lớp 2 “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” – Tác giả: Đỗ Xuân Thảo – Phan Hồ Điệp – NXB Đại học Sư Phạm.