Lứa tuổi học sinh trong bối cảnh hiện tại đang đối diện với áp lực từ nhiều phía, trong đó có những áp lực phát sinh từ những mục tiêu tích cực nhưng cũng có những áp lực sinh ra từ những hoạt động tiêu cực. Tất cả đều có thể dẫn tới sự mất cân bằng về tâm lý, tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần (SKTT) của một bộ phận trẻ em, học sinh.
Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.
Những con số “đỏ”
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên ở độ tuổi học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… đang trở nên phổ biến do nhiều nguyên nhân như áp lực học tập nhất là vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, nghiện mạng xã hội, hút thuốc lá, uống rượu, bia… Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Và khi kết quả học tập không tốt lại tạo ra áp lực dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Tại Hội thảo góp ý Đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030, bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường (UNICEF) cho hay, tại Việt Nam, kết quả khảo sát sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia năm 2022 (trẻ từ 10-17 tuổi) cung cấp những con số đáng chú ý.
Cụ thể, 21,7% trẻ vị thành niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 3,3% trong đó đáp ứng các tiêu chí về rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu phổ biến nhất với 18,6% và trầm cảm chiếm 4,3%. Ở nhóm trẻ em và vị thành niên, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là 8% đến 29%. Tỷ lệ số ca tự tử trên tổng số ca tử vong ở trẻ vị thành viên là 2,3%.
Còn theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần, tăng 3-5 lần so với bình thường… Những con số đáng chú ý cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường và điều này cần phải thực hiện ngay, không thể trì hoãn.
Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý). Khi mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ thường có biểu hiện mất ngủ, lo lắng quá mức, mệt mỏi vô cớ, thường xuyên cáu gắt, sợ phải đến trường… Đối với lứa tuổi học sinh thông thường cần được ngủ trung bình tối thiểu 8 giờ mỗi ngày để đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, đủ sức khỏe để tiếp tục học tập vào ngày tiếp theo. Tuy nhiên, khi trẻ có biểu hiện mất ngủ, tổng thời gian ngủ trong ngày dưới 4-5 giờ, kèm than phiền mệt mỏi, biếng ăn, hay cáu gắt, bi quan, chán nản, cho rằng bản thân không đáp ứng được kỳ vọng gia đình… là dấu hiệu các em đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
Theo số liệu thống kê từ tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022, cụ thể: nhóm trẻ em từ 11 – 14 tuổi có 2.580 cuộc (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 1.986 cuộc (chiếm 8,4%), tăng 5,3% so với năm 2022. Nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu cũng tăng, cụ thể: khó khăn liên quan đến các mối quan hệ ứng xử; sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm lý… Các em trong độ tuổi từ 10 – 16 thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ từ 22 – 24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử, v.v…
Có thể thấy, sức khỏe tâm thần là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ nhất là trong việc học hành. Cần tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học. Tăng cường các hoạt động thể thao cho trẻ, nên cho trẻ ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.
Khi trẻ Khi có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ, thầy cô nên quan tâm để nắm bắt các vấn đề trẻ đang gặp phải và khuyến khích trẻ nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết. Nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện hay hành động bất thường, nên sớm cho trẻ tới các chuyên gia về tâm lý hoặc bệnh viện tâm thần để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý, kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Những hồi hồi chuông đau lòng
Thống kê đã cho thấy chỉ có 8,4% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi và chỉ có 5,1% cha mẹ biết được con họ cần có được sự giúp đỡ đối với các vấn đề cảm xúc và hành vi. Đã có quá nhiều trường hợp trẻ gặp vấn đề nhưng lại lựa chọn cách giải quyết tiêu cực thậm chí là cực đoan với bản thân, dẫn đến những hậu quả khiến người lớn, cha mẹ, thầy cô, bạn bè phải đau lòng.
Vào năm 2022, một học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TP. HCM) cũng nhảy từ tầng 3 tự tử. Qua xác nhận của bạn bè, học sinh này có dấu hiệu trầm cảm từ trước và từng chia sẻ với các bạn nhiều điều lạ lùng, trong đó có ý định tự tử
Bàng hoàng và đau xót hơn nữa là hành động của nam sinh 16 tuổi đang theo học tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã chọn cách gieo mình xuống từ tầng 28 trước sự bàng hoàng, bất lực, vô vọng của người bố xảy ra vào đầu tháng Tư năm 2022 tại tòa chung cư chung cư Văn Phú. Đau lòng hơn nữa trước khi chọn cách kết thúc, nam sinh đã để lại thư tuyệt mệnh với những lời lẽ bế tắc và nông nổi.
Tháng 4/2023, tại thành phố Vinh (Nghệ An) một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Đại học Vinh đã tự tử tại nhà riêng. Gia đình cho biết em bị bạn học cô lập, đả kích một thời gian dài và không tìm được sự chia sẻ giúp đỡ.
Gần đây nhất, tháng 1/2024 một nam sinh lớp 10 Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Hóc Môn nhảy từ lầu 3 trong trường rồi sau đó tử vong.
Tại Thanh Hóa, từ năm 2022 đến nay đã có 06 trường hợp học sinh từ bậc tiểu học đến THPT chọn cách tự tử. Đa số các em đều hành động một cách bồng bột, thiếu suy nghĩ, suy nghĩ tiêu cực do không tìm được sự chia sẻ hoặc cách giải quyết vấn đề mà mình đang gặp phải.
Thực tế đó cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) trong thanh thiếu niên Việt Nam đang trở nên đáng báo động. Sự thiếu hụt về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em cũng như nguồn nhân lực về bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý là một trong những nguyên nhân các trẻ vị thành niên khó nhận được sự trợ giúp kịp thời, dẫn đến các ca rối loạn lo âu, trầm cảm, tự sát ở lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng. Vì thế, việc quan tâm đúng mức đến công tác chăm sóc SKTT học đường cần phải được thực hiện nghiêm túc và không thể trì hoãn.
Năm 2022, tại lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, chúng ta phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.
Vậy cần có những chương trình hành động cụ thể như thế nào để trẻ em và học sinh không cảm thấy cô đơn trong hành trình của mình, để những đứa trẻ luôn được chăm sóc tốt nhất về thể chất và tinh thần chính là trách nhiệm, nhiệm vụ của gia đình, nhà trường và xã hội. Những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá cụ thể sẽ là nền tảng đầu tiên để chương trình chăm sóc SKTT trẻ em và học sinh đạt hiệu quả thiết thực.
Bài 2: SKTT học sinh: Lắng nghe để có hành động đồng bộ.
Lâm Ngọc / Tạp chí in Số chuyên đề T4/2024