TLGD – Năm học 2020 – 2021 chính thức triển khai chương trình giáo dục phổng thông mới bắt đầu từ lớp 1. Toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho học sinh. Trong đó, nội dung môn học và hoạt động giáo dục đều hướng tới hình thành và phát triển 5 phẩm chất cơ bản: Yêu nước, chăm chỉ, nhân ái, trung thực và trách nhiệm.
Giáo dục lòng nhân ái là giáo dục trẻ vừa có tình thương, vừa biết cách trao gửi, chia sẻ, lan tỏa tình yêu đến nhiều người. Con người ta chỉ có lòng yêu thương, chỉ có cái tâm thiện thôi chưa đủ, còn phải biết cách thể hiện tình yêu ấy một cách tế nhị. Ngày nay, người ta gọi đó là văn hóa ứng xử. Không chỉ quan hệ người với người mà ở bình diện quốc gia cũng vậy. Sự chân thành là sứ giả trung thành để gắn nối và gắn kết các bên thêm gần gũi, thấu hiểu và cảm thông cùng nhau.
Như chúng ta đã biết việc giáo dục phẩm chất với các môn Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Âm nhạc… là một việc làm phổ biến. Nhưng ít ai biết đến những tiết Toán tuy khô khan nhưng nếu biết cách thì chúng ta cũng dễ dàng biến nó thành những tiết học có ý nghĩa thiết thực. Môn Toán môn học trải dài và thông suốt trong các năm học trong chương trình giáo dục phổ thông và những kiến thức về môn Toán có ý nghĩa và ứng dụng vô cùng to lớn trong cuộc sống. Sự ứng dụng của môn Toán đã giúp con người ta tính toán, chia sẻ, trao đổi….
Ở tiểu học, các em cũng dần được hình thành những kiến thức cơ bản về môn Toán. Vậy việc để có một tiết học toán đầy thú vị thì đòi hỏi việc nghiên cứu và thiết kế bài giảng cũng phải thật chu đáo và có đầu tư. Và qua các tiết học các em ngoài nhận ra được những kiến thức, nắm bắt và vận dụng được thì việc giáo dục phẩm chất nói chung và phẩm chất nhân ái nói riêng là rất quan trọng. Tôi đã thực hiện phát triển phẩm chất nhân ái cho học sinh bằng những cách sau:
Lồng ghép qua các bài học cụ thể
Việc lồng ghép giáo dục vào các môn học là rất quan trọng, mỗi môn học đều có một nét riêng nhưng chung quy là đều hướng học sinh hoàn thành năng lực và phẩm chất cho học sinh. Giáo viên nếu biết lồng ghép giáo dục qua các tiết học thì hiệu quả sẽ rất cao.
Ngay từ đầu, trong sách Toán 3 (Bộ Cánh Diều), chúng ta thấy rõ điều này. Chỉ với một yêu cầu Em hãy chỉ dẫn giúp hai bố con Ngọc tìm được ghế của mình trong bài 4 (trang 7, Toán 3, tập 1). Qua yêu cầu này giúp hình thành cho học sinh phẩm chất nhân ái đó là giúp đỡ mọi người. Dù là người quen hay xa lạ thì chúng ta cũng nên mở lòng, giúp đỡ mọi người. Đối với việc hình thành phẩm chất từ những bài toán, dần dần giúp học sinh có thể hình thành thói quen giúp đỡ mọi người. Chỉ cần một câu hỏi đơn giản từ giáo viên: Em đã làm việc tốt gì trong bài toán này ? Em có sẵn sàng giúp đỡ mọi người không? Chỉ từng đó thôi cũng đủ giúp học sinh biết mình nên giúp đỡ mọi người xung quanh.
Bên cạnh tạo thói quen giúp đỡ mọi người, thì còn tạo cho học sinh biết giúp đỡ mọi người trong gia đình. Biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ những người trong gia đình. Tạo không khí gia đình tươi vui. Cụ thể là bài toán 4 (trang 37, Toán 3, tập 1), cậu bé Đức trong câu chuyện đã rất biết yêu thương mẹ mình, giúp mẹ làm bánh. Những tình huống gần gũi với cuộc sống của học sinh, tuy nhiên qua đó cũng là một bài học không chỉ là tính toán mà qua đó học sinh còn phát triển được phẩm chất nhân ái cho bản thân.
Cũng giống như bài trên, bài 4 (trang 39, SGK Toán 3, tập 1) cũng thể hiện rõ phẩm chất nhân ái nhưng được thể hiện qua nhân vật nhím con, gần gũi, thân thiện.
Tôn trọng, không phân biệt là một tính cách rất quan trọng, nhất là trong thời đại 4.0. Nó rất cần thiết đối với phẩm chất cho một con người trong tương lai. Trong bài 3 (trang 58, SGK Toán, Tập 1), sau khi học sinh hoàn thành yêu cầu tôi cho học sinh quan sát và tìm sự khác biệt giữa các bạn sau đó quan sát biểu cảm trên khuôn mặt và nêu ra nhận xét của mình. Các em rút ra được cho mình một điều là: không phân biệt dù bạn có hoàn cảnh khác biệt.
Trong bài Khối hộp chữ nhật. Khối lập phương, ở phần trò chơi “Đoán hình”, các em được bịt kín mắt sau đó đoán xem hình đó là hình gì. Sau khi các em hoàn thành xong trò chơi, tôi sẽ yêu cầu em đó nói về cảm giác khi mình bịt mắt, để từ đó các em sẽ có cái nhìn đồng cảm hơn về những người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.
Tuy là một bài toán, những chứa đựng cả một bài học vô giá về lòng nhân ái. Việc hình thành không chỉ trong ngày một, ngày hai mà đó là cả một quá trình vậy nên việc tìm hiểu các bài học để đưa vào nội dung lồng ghép cho các em là một việc hết sức quan trọng.
Tôi thực hiện các bước để lồng ghép như sau:
Bước 1: Nghiên cứu nội dung bài học
Bước 2: Lựa chọn nội dung lồng ghép (các nội dung là các biểu hiện của phẩm chất nhân ái đối với học sinh tiểu học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018)
Bước 3: Lồng ghép vào kế hoạch bài dạy
Bước 4: Thể hiện qua bài dạy
Bảng lồng ghép giáo dục phẩm chất nhân ái trong các bài học
STT | Nội dung lồng ghép | Bài/trang |
1 | Yêu thương, tôn trọng bạn bè, thầy cô và những người khác. | Ôn tập các số trong phạm vi 1000 (Bài 4, trang 7, Toán 3 – tập 1) |
2 | Yêu quý, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. | Ôn tập về phép chia, bảng chia 2, bảng chia 5 (Bài 4, trang 37, Toán 3 – tập 1) |
3 | Yêu quý, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. | Bảng chia 3 (Bài 4, trang 39, Toán 3 – tập 1) |
4 | Tôn trọng sự khác biệt của bạn bè trong lớp về cách ăn mặc, tính nết và hoàn cảnh gia đình. | Một phần hai. Một phần tư (Bài 3, trang 58, Toán 3 – tập 1) |
5 | Yêu quý, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. | Các số trong phạm vi 10000 (Bài 6, trang 6, Toán 3 – tập 2) |
6 | Biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật và đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai. | Khối hộp chữ nhật. Khối lập phương (Bài 3, trang 37, Toán 3- Tập 2) |
7 | Yêu quý, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. | Thực hành xem đồng hồ (Bài 4, trang 43, Toán 3- Tập 2) |
8 | Yêu quý, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. | Mi-li-lit (Phần Khởi động) |
Mỗi bài học được giáo viên lồng ghép là một lần các em phát hiện thêm những điều bất ngờ, thú vị. Tưởng chừng như chỉ có tính toán nhưng các em lại tìm thêm cho mình thêm bài học về tấm lòng nhân ái. Tạo thói quen luôn tìm tòi điều hay, điều mới qua các tiết học toán.
Xây dựng tình huống thực tiễn có nội dung nhân ái
Tôi xây dựng những tình huống, bài toán thực tiễn về lòng nhân ái để giúp các em bộc ra những biểu hiện bên ngoài và khi có những biểu hiện đó sẽ giúp cho các em thể hiện qua những việc làm, xử lí tình huống trong cuộc sống một cách nhân ái hơn.
Ví dụ: Trong tiết toán bài Một phần ba. Một phần tư. Một phần năm. Giáo viên ra nhiệm vụ: Các em hãy trang trí một chiếc bánh và sau đó chia lấy số phần số bánh cho người thân trong gia đình và nói lí do vì sao em lại chia bánh đó như vậy?
Vậy qua phần thực hành chia bánh này, học sinh vừa ôn lại kiến thức vừa thể hiện rõ tấm lòng của mình dành cho mọi người thân trong gia đình.
Hay là trong tiết toán, bài Mi-li-lít, giáo viên xây dựng tình huống: Em bé bị ho, mẹ nhờ em rót siro ho cho em bé với mức là 5ml. Học sinh thực hiện rót thuốc ho ứng với số ml cho em.
Hay là trong bài Nhiệt độ. Tình huống cô giáo đưa ra: Mẹ đi vắng để em bé cho em trông. Mẹ dặn: “Khi nào em đói thì pha sữa cho em uống, pha 2 muỗng bột với 500ml nước ấm nhiệt độ 60 độ C cho em nhé”. Em hãy giúp em bé pha sữa nhé !
Những tình huống gần gũi trong đời sống các em, vừa giúp các em vận dụng được những điều mình đã học, vừa giúp các em thể hiện rõ tình yêu thương của mình dành cho mọi người. Giúp các em thêm yêu quý, trân trọng những người xung quanh mình hơn.
Các bước tạo tình huống thực tiễn trong dạy học:
Bước 1: Xác định nội dung nhân ái cần lồng ghép
Bước 2: Xác định mục tiêu bài học cần lồng ghép
Bước 3: Xây dựng tình huống
Bước 4: Phân tích và giải quyết tình huống
Bước 5: Rút ra bài học về lòng nhân ái
Xây dựng các bài toán có lời văn chứa nội dung nhân ái
Toán có lời văn lớp 3 là dạng toán thực tế mà học sinh được tiếp cận từ rất sơm, có ý nghĩa quan trọng và thực tiễn cao. Việc lồng ghép phẩm chất nhân ái qua các bài toán có lời văn sẽ giúp cho các em vừa vận dụng kiến thức mình đã học vào giải quyết bài toán vừa giúp các em có cái nhìn toán diện về phẩm chất nhân ái. Qua nội dung bài toán, các em được bồi dưỡng phẩm chất được rèn luyện năng lực tính toán trong giải bài toán có lời văn cho học sinh. Để các em biết được giá trị của việc tính toán và ý nghĩa của những việc làm đúng như quan điểm của sách Cánh Diều “Đưa bài học vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào bài học”.
Các bước tạo bài toán chứa lời văn có nội dung nhân ái trong dạy học:
Bước 1: Xác định nội dung nhân ái cần lồng ghép
Bước 2: Xác định mục tiêu bài học cần lồng ghép
Bước 3: Xây dựng nội dung bài toán
Bước 4: Phân tích và giải bài toán
Bước 5: Rút ra bài học về lòng nhân ái
Ví dụ: Xây dựng bài toán có nội dung nhân ái trong bài Tiền Việt Nam
Bước 1: Nội dung nhân ái cần lồng ghép là “Biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai”
Bước 2: Mục tiêu bài học cần lồng ghép
Trong bài Tiền Việt Nam trang 57, Toán 3- tập 2, biết sử dụng tiền trong một số hoạt động. Vận dụng giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Bước 3:
Giáo viên ra bài toán: Để chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng bị thiên tai, nhà trường kêu gọi mọi người ủng hộ. Lớp 3A ủng hộ được 200.000 đồng, lớp 3B ủng hộ được 250.000 đồng. Hỏi cả hai lớp ủng hộ được bao nhiêu tiền?
Bước 4:
Học sinh phân tích đề bài và thực hiện giải bài giải.
Bước 5:
Qua bài toán trên em rút ra được bài học gì về lòng nhân ái?
Em có sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn không?
Trong bài Phép nhân trong phạm vi 1000, bài toán cô giáo đưa ra: Em hãy liệt kê những công việc mẹ đã làm trong một ngày, rồi đếm xem có bao nhiêu công việc. Sau đó tính số công việc đó mẹ phải làm trong một năm?
Qua bài toán học sinh biết được nỗi vất vả của mẹ, vừa giúp cho các em rèn luyện về phép nhân các số trong phạm vi 1000.
Mỗi tình huống, bài toán có nội dung nhân ái giúp các em bộc lộ các biểu hiện qua các việc làm, hành động, cách nghĩ. Học sinh nhận ra được sự ứng dụng của toán học trong đời sống vừa giúp các em ứng xử một cách nhân ái
Tổ chức các trò chơi chứa nội dung nhân ái
Để tạo hứng thú trong quá trình dạy học môn Toán và phát triển phẩm chất nhân ái cho học sinh một cách nhẹ nhàng, hiệu quả, giáo viên đã tổ chức các trò chơi. Trò chơi giúp các kích thích sự hứng thú, phấn khởi, tạo tâm thế thoải mái để các em bước vào một tiết học đầy hào hứng. Giáo viên cho học sinh chơi một số trò chơi với tên gọi gợi tính nhân ái, như là: Tìm bạn, Hái hoa tặng bà,… Học sinh vừa được chơi, vừa được củng cố kiến thức và tăng thêm tình yêu thương đối với bà và mẹ, tạo thêm niềm yêu thương giữa bạn bè.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Xác định nội dung nhân ái cần lồng ghép
Bước 2: Xác định thời điểm lồng ghép
Bước 3: Lựa chọn tên gọi
Bước 4: Xây dựng luật chơi
Bước 5: Thiết kế nội dung lồng ghép
Ví dụ: Lồng ghép trò chơi nhân ái trong bài Phép cộng trong phạm vi 100000 (Toán 3, tập 2, trang 53).
Bước 1: Nội dung lồng ghép Yêu quý, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình.
Bước 2: Xác định thời điểm lồng ghép
Lồng ghép vào phần Khởi động
Bước 3: Lựa chọn tên gọi
Bông hoa tặng bà.
Bước 4: Xây dựng luật chơi
Trên bảng có 4 bức hình bông hoa, phía sau mỗi bông hoa sẽ có câu hỏi, ai trả lời đúng câu hỏi sẽ được mang bức tranh bông hoa về tặng bà, còn nếu sai thì nhường quyền chơi lại cho người khác.
Bước 5: Thiết kế nội dung lồng ghép
Bức tranh 1, 2, 3, 4 với nội dung lầ lượt: 254 + 235, 43 + 271, 352 +24, 392 + 327
Đánh giá động viên, khích lệ
Trong quá trình đánh giá, tôi đánh giá sự tiến bộ của các em; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực, đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Tôi thay đổi ngôn từ trong đánh giá như: “Cô tin em”, “Em cố gắng lên nhé!”, “Em có thể làm tốt hơn thế” …như một lời động viên, khích lệ. Cô giáo đang lan tỏa tấm lòng nhân ái, niềm đam mê với Toán học tới các bạn từ đó giúp các bạn lan tỏa tình yêu, niềm đam mê với nhau.
Bên cạnh đó, giáo viên cần cho các em đánh giá nhau, giúp các em vừa tiến bộ vừa thể hiện được tình cảm với bạn. Các em sẽ biết động viên, khích lệ các bạn nhiều hơn, khiến cho tình bạn trở nên bền chặt hơn.
Trẻ em như trang giấy trắng, nhất là các bạn nhỏ tiểu học, chúng ta nên chuẩn bị những hành trang tốt đẹp nhất để dành cho các bạn nhỏ. Vậy việc phát triển phẩm chất nhân ái nói riêng qua môn Toán ngoài việc giúp các em rèn luyện kĩ năng tính toán, tình các em còn phát triển thêm toàn diện về nhân cách, đạo đức của bản thân để từ đó các em định hình, hoàn thiện bản thân hơn, để các em nhìn nhận cuộc sống và sống có ý nghĩa hơn.
Nguyễn Thị Ái Như / Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024