Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
1k
Nhân ái (Humanenss), hay vị tha (Altruistic) là yêu thương con người, vì người khác, có tinh thần chăm lo và hành động giúp đỡ vô tư đến lợi ích của người khác, có thể vì lợi ích của người khác mà hy sinh lợi ích của mình. Ngược với nhân ái, vị tha là vị kỉ và vô cảm, chỉ chăm lo đến lợi cá nhân mình, không quan tâm, thờ ơ và thiếu đồng cảm với người khác.
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Như Trang trên 584 học sinh tại 3 trường trung học phổ thông, địa bàn Hà Nội, có tới 31,3% có hành vi bạo lực với bạn trong năm trước (Nguyễn Thị Như Trang, 2017). Điều này cho thấy, phẩm chất nhân ái đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ thực trạng phẩm chất nhân ái của học sinh Trung học cơ sở, cung cấp cơ sở cho việc giáo dục phẩm chất nhân ái của học sinh trong nhà trường.
2. Nội dung
2.1. Các nghiên cứu về hành động nhân ái và động cơ nhân ái
Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, hành động nhân ái hay hành vi vị tha là hành động giúp đỡ người khác mà người thực hiện không nghĩ đến lợi ích hay sự an toàn cho chính bản thân mình; là những hành vi tự nguyện nhằm giúp đỡ người khác (Batson, 1991,1998; Lawles & Thye, 1999; Jeffrey Nevid, 2003; Philip G. Zimbardo, 1985). Theo Lê Văn Hảo và Knud S. Larsen (2015), hành vi vị tha xảy ra khi ta thực hiện một hành động tự nguyện để giúp một ai đó và không chờ đợi được đền đáp hay trả ơn. Lòng nhân ái được biểu hiện qua các hành vi thuần khiết không vụ lợi, bao gồm nhiều mối tương quan; là sự trao cho người khác lòng tốt, sự từ bi của mình (Piero Ferrucci, 2012).
Động cơ thúc đẩy hành động nhân ái là động cơ vị tha. Hành vi giúp đỡ người khác được thú đẩy bởi nhiều loại động cơ. Có thể là động cơ vị tha; có thể là động cơ trao đổi cùng có lợi (Batson, 1998; Lawler & Thye, 1999); nhằm nâng cao hình ảnh bản thân (Nowak, Pape & Sigmund, 2000); thay đổi vị thế của cá nhân trong mắt người khác (Campbell, 1975); sự khen ngợi hay những phần thưởng khác (Mills & Grusec, 1989; Rushton& Campbell, 1977). Theo Batson, có 4 nhóm động cơ thúc đẩy cá nhân hành động hướng đến người khác: Hành động vì lòng vị tha; Hành động vì tính ích kỉ, hành động nhằm mang lại lợi ích cho mình; Hành động vì chủ nghĩa tập thể, mang lại lợi ích cho nhóm, tập thể mà cá nhân đó đang sống và tham gia; Hành động theo nguyên tắc đạo đức, niềm tin tôn giáo hay trách nhiệm công dân. Hành động được thúc đẩy bởi động cơ nhân ái là hành động hoàn toàn tự nguyện, được dựa trên sự thông cảm, đồng cảm của cá nhân, vượt ra khỏi lợi ích cá nhân, của nguyên tắc và sự công bằng trong tập thể (Batson, 1998). Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh khía cạnh hy sinh của cá nhân trong hành vi vị tha so với hành động giúp đỡ xã hội thông thường (Kusum Yadav, 2014). Chẳng hạn, hành động lao vào ngôi nhà đang bị cháy để cứu em bé, khác với hành động gọi điện báo cho cảnh sát PCCC (Batson, 1991).
Nghiên cứu hành vi vị tha của học sinh tiểu học và trung học cơ sở, Binfet và Camilla Enns (2018) đã đưa ra khái niệm về lòng tốt âm thầm, một hình thức lòng tốt về mặt xã hội và cảm xúc mà người nhận không biết người khởi xướng ra các hành động đó. Hành động nhân ái không bị tác động bởi sự thừa nhận hoặc củng cố bởi các tác nhân bên ngoài.
Trong những trường hợp điển hình, có thể tách ra những hành vi được thúc đẩy bởi động cơ vị tha hoàn toàn như hành động hy sinh bản thân mình để cứu người bị nạn; hành động của trẻ em nhiều năm cõng bạn đi học v.v. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, thường khó tách ra rõ ràng giữa động cơ ủng hộ xã hội với động cơ vị tha hoàn toàn (Batson & Powell, 2003).
2.1.2. Nghiên cứu về nhận thức trong nhân ái
Walster, Walster & Berscheid (1978) đã chỉ ra nhận thức là yếu tố dẫn dắt hành động nhân ái theo những con đường khác nhau; là sự điều phối, giám sát của cá nhân trong việc thực thi các hành động nhân ái. Theo Batson & Powell (2003), nhận thức giúp cá nhân nhận dạng và phân định các động cơ và hành động nhân ái với các hành vi khác; xác định các chuẩn mực văn hoá – xã hội về nhân ái và hành động nhân ái; giúp cá nhân cảm nhận được cảm xúc và hoàn cảnh của người khác, từ đó có sự thấu cảm đối với người khác, làm gia tăng hành động nhân ái
Nhận thức cũng giúp cá nhân nhận dạng tình huống diễn ra các hành động nhân ái và ra các quyết định hành động giúp đỡ phù hợp. Latane và Darley (1970) đã xác lập mô hình chung về hành vi vị tha gồm 4 bước cơ bản: Nhận thức về người và tình huống cần giúp đỡ; Hiểu sự kiện cần được giúp đỡ; Nhận thức về trách nhiệm và về sự cần thiết của giúp đỡ; Quyết định và thực hiện hành động giúp đỡ.
2.1.3. Nghiên cứu về thái độ nhân ái: sự đồng cảm, thấu cảm trong nhân ái
Đồng cảm được coi là năng lực hiểu những gì người khác cảm thấy; hiểu được hoàn cảnh của người khác và thâm nhập và thế giới tâm hồn của người khác; đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có hành vi ứng xử phù hợp. Có sự thống nhất giữa đồng cảm với lòng nhân ái: Nỗi đau của người khác chính là nỗi đau của mình. Đồng cảm sẽ dẫn đến hành vi vị tha như sự nhạy cảm, lo lắng, sự chia sẻ, an ủi, giúp đỡ người khác. Đồng cảm và đạo đức là nguồn gốc của vị tha. Ngược với đồng cảm là vô cảm, ác cảm. Sự thiếu đồng cảm thường thấy ở người trộm cắp hay những thủ phạm giết người (Goleman, 1995). Đồng cảm dẫn đến sự hoà hợp giữa trẻ em với nhau (Strern, 1987).
Hoffman đã phân tích các hành vi đạo đức của trẻ em và khái quát, những hành vi đạo đức được bắt nguồn từ sự đồng cảm với những người gặp cảnh ngộ, từ đó xuất hiện ở trẻ nhu cầu chia sẻ nỗi đau của họ, thúc đẩy trẻ có hành động giúp đỡ. Cũng theo Hoffman, đồng cảm phát triển từ tuổi thơ ấu và đạt đến sự định hình, bền vững và mạnh mẽ ở tuổi thiếu niên (Hoffman, 2000).
2.1.4. Nghiên cứu các lĩnh vực hành động nhân ái
Trong một nghiên cứu, Piero Ferucci (2012) đã khái quát 12 biểu hiện sinh động của lòng nhân ái ở mỗi cá nhân: Sự chân thực với mọi người; Thái độ ấm áp, Gần gũi; Sự tha thứ; Cởi mở; Đoàn kết; Tin tưởng; Sự chú tâm; Đồng cảm; Khiêm tốn; Kiên nhẫn; Hào phóng; Tôn trọng; Sự linh hoạt; Ghi nhớ; Lòng trung thành; Sự biết ơn; Phục vụ; Niềm vui khi làm được việc tốt. Keiko Otake và cộng sự đề xuất các thành tố của lòng nhân ái bao gồm: (a) động lực để ứng xử tốt với người khác; (b) sự công nhận lòng tốt ở người khác; và (c) việc thực hiện các hành vi tử tế trong cuộc sống hàng ngày của cá nhân (Keiko Otake, Satoshi Shimai, Junko Tânka-Mátumi, Kanako Otsui, Barbara L. Fredrickson (2006).
Binfet và Gaertner đã nghiên cứu nhận thức của 112 trẻ nhỏ về lòng nhân ái, cho thấy học sinh nhận thấy lòng tốt được thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc người khác; thể hiện tình cảm, yêu thương, giúp đỡ mang tính thể chất và cảm xúc; Sự cho đi; thể hiện trách nhiệm; chia sẻ v.v (Binfet và Gaertner, 2015). Binfet và Passmore cũng tìm hiểu nhận thức của các giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12 về lòng tốt của giáo viên đối với học sinh. Giáo viên nhấn mạnh các lĩnh vực thể hiện lòng tốt là Tận tâm; Rộng lượng; Giúp đỡ, Quan tâm; Chia sẻ tình yêu thương; Khích lệ, động viên; Cảm thông; Vị tha; Tôn trọng; Thân thiện; Kiên nhẫn; Công nhận/Biết ơn (Binfet & Passmore, 2017).
2.1.5. Nghiên cứu các yếu tố tác động tới phẩm chất nhân ái
Mille, Kozu & Davis, (2001) tìm hiểu quan hệ và sự tác động của các yếu tố nhận thức, thái độ (tâm trạng, sự thấu hiểu) với hành vi vị tha. Trong các nghiên cứu của Shumaker & Hill (1991); Crawford & Unger (2000); Becker & Eagly (2004), phụ nữ thường chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới trong các hành động chăm sóc trẻ em, giúp đỡ người khó khăn, gặp tai nạn và các hành động trợ giúp xã hội khác, được thúc đẩy bởi sự đồng cảm, thấu cảm và lòng trắc ẩn của người phụ nữ. Steblay đã nghiên cứu hành vi vị tha của các cư dân sống trong các cộng đồng khác nhau và đi đến nhận định: ở các cộng đồng dân cư nông thôn, các thành viên có hành vi vị tha phổ biến hơn trong cộng đồng đô thị; mật độ dân cư trong cộng đồng ít hơn có hành vi vị tha nhiều hơn so với cộng đồng có mật độ dân cư cao (Steblay, 1987). Kumar (2016) đã nghiên cứu so sánh phẩm chất vị tha của học sinh Trung học cơ sở nam và nữ. Kết quả thu được khẳng định học sinh nữ có mức độ vị tha cao hơn so với học sinh nam. Trong một nghiên cứu của Đỗ Ngọc Khanh (2017) về thấu cảm và hành vi ủng hộ xã hội, được thực hiện trên 1.200 thanh niên (từ 15 tuổi đến 26 tuổi), mức độ quan tâm thấu cảm của nữ thanh niên cao hơn nam thanh niên. Cũng trong nghiên cứu này, thanh niên cư trú ở nông thôn có mức độ quan tâm thấu cảm cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê so với thanh niên cư trú ở đô thị.
Ali, I., Ali, M., Badghish, S., and Baazeem, A.S (2018) phân tích nhiều nghiên cứu về tác động của gia đình, cha mẹ đến lòng nhân ái của trẻ em. Chẳng hạn, cha /mẹ khuyến khích con mình chia sẻ đồ chơi và đồ ăn cho bạn sẽ làm tăng cơ hội phát triển nhân ái ở các em; ảnh hưởng có tính quyết định của thói quen, của phong cách nuôi dạy con cái của cha mẹ đến sự phát triển các hành vi xã hội và vị tha ở trẻ em.
Nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tới sự bắt chước của trẻ em đối với các mẫu hành vi vị tha của người lớn thông qua các phương tiện truyền thông, truyền hình hay qua các phong trào thiện nguyện như hiến máu, từ thiện (Rushton & Campbell, 1977).
Kaplan, Madeleine deBlois, Dominguez, Walsh (2016) nghiên cứu giáo dục lòng tốt của học sinh theo mô hình các hành động ngẫu nhiên của lòng tốt và triển khai các chương can thiệp tâm lý tích cực dựa trên lòng biết ơn và nhân ái, làm tăng sự hài lòng về cuộc sống của những người tham gia.
Nhìn chung, có rất nhiều nghiên cứu về phẩm chất nhân ái và những thành phần, biểu hiện của nhân ái qua các hành vi giúp đỡ người khác, cũng như các yếu tố tác động, chi phối đến phẩm chất nhân ái. Nhờ đó nhiều vấn đề về phẩm chất nhân ái đã được làm sáng tỏ. Nghiên cứu này tìm hiểu phẩm chất nhân ái của học sinh THCS dựa trên sự kế thừa và phát triển những nghiên cứu đã có, được đề cập ở trên.
2.2. Tổ chức nghiên cứu phẩm chất nhân ái của học sinh trung học cơ sở ở Việt Nam
2.2.1. Nội dung nghiên cứu
Nội dung nghiên cứu tìm hiểu 5 yếu tố tâm lí trong phẩm chất nhân ái của học sinh trung học cơ sở: (i) Động cơ thúc đẩy hành vi vị tha; (ii) Thái độ nhân ái (Đồng cảm, khoan dung, độ lượng, tôn trọng người khác); (iii) Nhận thức của cá nhân về nhân ái; (iv) Hành động giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác; (v) Hành động đấu tranh bảo vệ người khác. Ngoài ra nghiên cứu cũng đề cập tới cảm nhận của trẻ em về gia đình, về các quan hệ trong gia đình có liên quan tới phẩm chất nhân ái của các em.
2.2.2. Địa bàn và khách thể nghiên cứu
Mẫu khảo sát là 814 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của 4 trường THCS trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá và Sơn La, là các địa phương phía Bắc Việt Nam. Phân phối mẫu khách thể như sau: Về giới tính: Học sinh nữ: 403 em (49,5%), học sinh nam 411 em (50,5%); Địa bàn cư trú của gia đình: Gia đình sống ở đô thị: 491 em (60,3%), gia đình sống ở nông thôn: 323 em (39,7%); Tham gia hoạt động với vai trò quản lí trong tập thể lớp: Có tham gia: 271 em (33,3%), không tham gia: 543 em (66,7%); Quan hệ trong gia đình: Gia đình hoà thuận, ấm áp, thân thiện: 324 (39,8%), Gia đình không hoà thuận: 490 em (60,2%).
2.2.3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chính là khảo sát bằng thang đánh giá, dành cho học sinh Trung học cơ sở; kết hợp với phỏng vấn sâu giáo viên và cha mẹ học sinh. Ngoài ra có sử dụng phương pháp quan sát và phương pháp xủ lý số liệu SPSS.
Nội dung thang gồm 60 câu hỏi (60 items), tập trung vào 6 chủ đề (mỗi chủ đề 10 items). Mỗi câu hỏi được đánh giá theo 3 mức: Mức tốt (Mức cao), tương ứng với 3 điểm; Mức bình thường, tương ứng với 2 điểm và mức thấp, tương ứng với 1 điểm.
Kết quả thử nghiệm bộ câu hỏi trong bảng hỏi, trên mẫu khách thể 116 học sinh Trung học cơ sở, cho có độ tin cậy khoa học được thể hiện trong bảng dưới.
Bảng 1: Kết quả kiểm định độ tin cậy của công cụ khảo sát
Nội dung | Hệ số tương quan biến – tổng | Hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha |
Động cơ thúc đẩy hành vi vị tha | 0,75 | 0,908 |
Nhận thức trong hành vi vị tha | 0,63 | |
Thái độ (đồng cảm, khoan dung, độ lượng) | 0,82 | |
Giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác | 0,84 | |
Đấu tranh bảo vệ người khác | 0,79 |
Kết quả kiểm định cho thấy các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng phù hợp (> 0,3). Hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha = 0,908 > 0,6, nên thang đánh giá đạt yêu cầu về độ tin cậy.
2.3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
2.3.1. Đánh giá chung về phẩm chất nhân ái của học sinh Trung học cơ sở được khảo sát
Kết quả khảo sát về 5 thành phần trong phẩm chất nhân ái của 814 học sinh trung học cơ sở được tập hợp trong bảng 2
Bảng 2: Tự đánh giá của học sinh trung học cơ sở về phẩm chất nhân ái của mình
Các biểu hiện | Mức độ | ||||
Điểm số | Tỉ lệ % | ||||
ĐTB | Độ lệch trung bình | Cao | TB | Thấp | |
Động cơ thúc đẩy hành động nhân ái | 2,14 | 0,62 | 23,4 | 67,9 | 8,7 |
Thái độ nhân ái | 2,05 | 0,61 | 20,0 | 66,1 | 13,9 |
Nhận thức về nhân ái | 1,78 | 0,69 | 10,9 | 60,9 | 28,2 |
Giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác | 2,08 | 0,78 | 24,9 | 60,2 | 14,9 |
Đấu tranh bảo vệ người khác | 1,89 | 0, 67 | 12,4 | 71,4 | 16,2 |
Tổng hợp | 2,03 | 0,71 | 18,3 | 65,6 | 16,1 |
Ghi chú: Điểm cao nhất: 3 điểm, điểm trung bình: 2 điểm và điểm thấp nhất: 1 điểm
Nhìn chung, phẩm chất nhân ái của học sinh được khảo sát đạt mức trung bình, xét cả về phương diện điểm trung bình cũng như tỉ lệ % ở các mức độ khác nhau. Độ lệch điểm trung bình cao hơn chút ít so với độ lệch kì vọng, phản ánh độ phân tán giữa các học sinh về phẩm chất nhân ái không cao. Đa số học sinh tập trung ở mức trung bình (65,6%), số học sinh đạt mức tốt (Mức cao) và thấp chiếm tỉ lệ ít và tương đương nhau (dưới 20% mỗi loại)
Phân tích sâu hơn, cả 5 thành phần nhân ái đều có điểm trung bình ( từ 1,78 điểm/3 đến 2,14 điểm/3) theo thang 3 điểm. Như vậy, xét tổng thể, không có thành phần nào được khảo sát đạt dưới mức thấp, nhưng cũng không có thành phần nào ở mức cao. Trong đó, điểm trung bình cao nhất là động cơ thúc đẩy hành động nhân ái (2,14/3 điểm); tiếp đến là hành vi giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác (2,08/3 điểm) và thái độ nhân ái như đồng cảm, khoan dung, độ lượng v.v. (2,05/3 điểm). Qua trao đổi trực tiếp, nhiều giáo viên, học sinh các trường chia sẻ: đa số học sinh giúp bạn hoặc người nào đó đang gặp khó khăn, tai nạn; quyên góp, từ thiện v.v. là do tự nguyện, từ sự đồng cảm với bạn, không nghĩ đến sự trả ơn; giúp bạn vì bạn đang gặp khó khăn cần đến sự giúp đỡ của mình v.v.
Trong các thành phần của phẩm chất nhân ái, nhận thức về nhân ái của học sinh có điểm trung bình thấp nhất (1,78/3 điểm). Có rất ít học sinh được khảo sát định dạng được thế nào là hành động nhân ái; phân biệt hành động nhân ái với hành vi có tính trao đổi; nhiều học sinh chỉ nêu được 3- 5 hành động giúp đỡ người khác có động cơ nhân ái; nhiều em quan niệm hành vi che dấu khuyết điểm của bạn thân trước người khác (hoặc trước Thầy/ Cô giáo) là hành vi giúp bạn, vì bạn.
Trong các hành động nhân ái, các hành động giúp bạn, giúp đỡ người khác khi gặp nạn, gặp khó khăn, nhường nhịn bạn, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh vì bạn có điểm trung bình cao hơn các hành động đấu tranh bảo vệ bạn khi bị bắt nạt hay bị Thầy/ Cô giáo, bạn khác hiểu lầm, nhất là các hành động đấu tranh bảo vệ bạn, can ngăn hành vi không đúng của bạn (2,08/3 so với 1,89/3 điểm). Điều này cũng liên quan tới nhận thức của học sinh về nhân ái. Nhiều em chưa ý thức được đấu tranh bảo vệ bạn, bảo vệ người khác khi bị hiểu sai là hành động nhân ái ở mức cao.
Có mối tương quan giữa các thành phần trong phẩm chất nhân ái cuả học sinh được khảo sát. Kết quả kiểm định được mô tả trong bảng 3 thể hiện rõ điều đó.
Bảng 3. Tương quan giữa các biểu hiện phẩm chất nhân ái của học sinh Trung học cơ sở được khảo sát
Động cơ thúc đẩy hành động nhân ái | Thái độ nhân ái | Nhận thức nhân | Giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác | Đấu tranh bảo vệ người khác | ||
Động cơ thúc đẩy hành động nhân ái | Pearson Correlation | 1 | .758** | .506** | .749** | .641** |
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 | .000 | ||
N | 402 | 402 | 402 | 402 | 402 | |
Thái độ nhân ái | Pearson Correlation | .758** | 1 | .553** | .828** | .697** |
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 | .000 | ||
N | 402 | 402 | 402 | 402 | 402 | |
Nhận thức nhân | Pearson Correlation | .506** | .553** | 1 | .562** | .655** |
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 | .000 | ||
N | 402 | 402 | 402 | 402 | 402 | |
Giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác | Pearson Correlation | .749** | .828** | .562** | 1 | .750** |
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 | .000 | ||
N | 402 | 402 | 402 | 402 | 402 | |
Đấu tranh bảo vệ người khác | Pearson Correlation | .641** | .697** | .655** | .750** | 1 |
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 | .000 | ||
N | 402 | 402 | 402 | 402 | 402 |
**Tương quan có ý nghĩa ở mức 0,01
Giữa các thành phần trong phẩm chất nhân ái của học sinh có tương quan thuận, với mức độ chặt chẽ khác nhau, không có tương quan nào âm.
Giữa thái độ nhân ái (đồng cảm, khoan dung, độ lượng, quan tâm lẫn nhau) và động cơ thúc đẩy hành động nhân ái như tình yêu thương, lòng vị tha với các hành vi giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì bạn, vì người khác; nhất là tương quan giữa thái độ nhân ái với hành động giúp đỡ người khác có tương quan khá chặt chẽ. Nhận thức về nhân ái thấp hơn khá nhiều các thành phần khác và giữa nhận thức với động cơ, thái độ nhân ái, với hành động giúp đỡ, nhường nhịn, hy sinh vì người khác, tuy cũng có tương quan thuận, nhưng không chặt. Điều này chứng tỏ, các yếu tố thuộc về động cơ, thái độ nhân ái của học sinh được khảo sát có tác động mạnh hơn yếu tố nhận thức trong việc thúc đẩy hành động vị tha của các em. Hành động nhân ái của các em thiên về cảm xúc, tình cảm.
2.3.2. Phẩm chất nhân ái của học sinh trung học cơ sở được khảo sát xét theo các tham số
Vấn đề đặt ra là có sự khác biệt về nhân ái và hành động nhân ái giữa các học sinh, nếu được xét theo các tham số giới tính, địa bàn sinh sống của gia đình, sự tham gia hoạt động tập thể với vai trò nhất định và sự cảm nhận của các em về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình? Kết quả phân tích điểm trung bình và kiểm định sự khác biệt điểm trung bình nhân ái giữa các học sinh được mô tả trong bảng 4.
Bảng 4: Phẩm chất nhân ái và sự khác biệt về các thành phần trong nhân ái của học sinh được khảo sát theo các tham số.
Các thành phần của nhân ái | Điểm trung bình và hệ số khác biệt giữa các điểm trung bình | Phẩm chất nhân ái của các học sinh xét theo các tham số | ||||||||
Giới tính | Địa bàn cư trú của gia đình | Tham gia hoạt động tập thể | Quan hệ gia đình | |||||||
Nam | Nữ | Đô thị | Nông thôn | Có tham gia | Không tham gia | Hoà thuận | Không hoà thuận | |||
Động cơ nhân ái | Điểm Trung bình | 2,07 | 2,21 | 1,95 | 2,37 | 2,28 | 2,01 | 2,57 | 1,69 | |
P | 0,072 | 0,000 | 0,002 | 0,000 | ||||||
Thái độ nhân | Điểm Trung bình | 1,93 | 2,14 | 1,88 | 2,27 | 2,16 | 1,96 | 2,33 | 1,78 | |
P | 0,006 | 0,000 | 0,040 | 0,000 | ||||||
Nhận thức nhân ái | Điểm Trung bình | 1,71 | 1,85 | 1,66 | 1,93 | 1,82 | 1,76 | 2,12 | 1,46 | |
P | 0,103 | 0,012 | 0,669 | 0,000 | ||||||
Hành vi giúp đỡ người khác | Điểm Trung bình | 2,01 | 2,17 | 1,91 | 2,29 | 2,18 | 1,99 | 2,35 | 1,79 | |
P | 0,035 | 0,000 | 0,054 | 0,000 | ||||||
Hành vi đấu tranh bảo vệ người khác | Điểm Trung bình | 1,81 | 1,98 | 1,67 | 2,14 | 2,01 | 1,81 | 2,18 | 1,59 | |
P | 0,069 | 0,000 | 0,021 | 0,000 | ||||||
Chung | Điểm Trung bình | 1,92 | 2,16 | 1,86 | 2,23 | 2,21 | 1,87 | 2,39 | 1,67 | |
P | 0,003 | 0,000 | 0,016 | 0,000 | ||||||
(Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi P < 0,05)
2.3.2.1. Phẩm chất nhân ái của học sinh được xét theo giới tính
Điểm trung bình của phẩm chất nhân ái và của từng thành phần được khảo sát ở học sinh nữ đều cao hơn học sinh nam. Kết quả kiểm định cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P = 0,003).
Phân tích sâu từng thành phần nhân ái cho thấy, có 3/5 thành phần nhân ái: động cơ nhân ái, hành động bảo vệ bạn hay người khác và nhận thức về nhân ái tuy có sự khác nhau giữa nam và nữ, nhưng không có ý nghĩa về phương diện thống kê (P > 0,05). Các thành phần thái độ nhân ái và hành vi giúp đỡ người khác của các học sinh nữ cao hơn rõ ràng so với các học sinh nam. Như vậy, mức độ nhân ái của học sinh nữ cao hơn của học sinh nam chủ yếu là do sự vượt trội về sự đồng cảm, thấu cảm của học sinh nữ so với học sinh nam. Điều này cũng được khẳng định trong các nghiên cứu của Shumaker & Hill, 1991; Crawford & Unger, 2000; Becker & Eagly; 2004; Kumar, 2016; Đỗ Ngọc Khanh, 2017)
2.3.2.2. Phẩm chất nhân ái của học sinh được xét theo địa bàn cư trú của gia đình
Các thành phần trong phẩm chất nhân ái ở học sinh được khảo sát có gia đình sống trên địa bàn nông thôn cao hơn nhiều so với các học sinh có gia đình sống ở các khu đô thị. Ở nhóm học sinh sống trên địa bàn nông thôn có 4/5 thành phần nhân ái có điểm trung bình lớn hơn 2,14/3 điểm (trừ điểm trung bình về nhận thức nhân ái: 1,93 điểm), thì ở nhóm học sinh sống trên địa bàn đô thị không có thành phần nào đạt mức 2,0 /3 điểm. Thậm chí thành phần nhận thức và hành vi đấu tranh bảo vệ bạn, đấu tranh bảo vệ người khác có điểm trung bình ở mức thấp. Các kết quả kiểm định cho thấy, điểm trung bình chung về phẩm chất nhân ái cũng như các thành phần của nhân ái ở các học sinh nông thôn cao hơn rõ ràng so với các học sinh có gia đình sống ở các khu đô thị. Trong các nghiên cứu của Steblay (1987) và Đỗ Ngọc Khanh (2017) cũng cho kết quả tương tự: ở các cộng đồng dân cư nông thôn, các thành viên có hành vi vị tha phổ biến hơn trong cộng đồng đô thị.
Trong truyền thống Việt Nam, nông thôn là cộng đồng xã hội có quy mô dân cư nhỏ, phổ biến, vững bền, dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp với đặc trưng tính cộng đồng cao, tính cách trọng tình cảm (tình làng, nghĩa xóm) và đoàn kết, hoà hiếu, giúp đỡ nhau giữa các thành viên (Trần Ngọc Thêm, 2000), tạo ra truyền thống “văn hoá làng” và là cơ sở của sự đồng cảm, thấu cảm lẫn nhau; Dựa trên sự đồng cảm, phát triển các hành vi giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong cộng đồng, điều mà các cư dân đô thị ít có.
2.3.2.3. Phẩm chất nhân ái của học sinh được xét theo sự tham gia hoạt động tập thể với vai trò nhất định
Trong lớp học, nhiều học sinh được giao nhiệm vụ với vai trò như lớp trưởng, lớp phó; tổ trưởng, tổ phó; bí thư chi đội thiếu niên; phụ trách văn nghệ; sao đỏ…. Để được giao các hoạt động này, học sinh cần có uy tín trong tập thể và được các bạn tin cậy. Vấn đề đặt ra là ở những học sinh đã và đang tham gia hoạt động trong tập thể với các vai trò trên có phẩm chất nhân ái như thế nào và có sự khác biệt gì so với những học sinh khác?
Điểm trung bình của phẩm chất nhân ái và của từng thành phần trong phẩm chất nhân ái ở học sinh tham gia các hoạt động với vai trò khác nhau đều cao hơn so với học sinh không tham gia. Trong đó, sự khác biệt điểm trung bình của phẩm chất nhân ái nói chung giữa các học sinh tham gia hoạt động với học sinh không tham gia có ý nghĩa thống kê, với P = 0,016. Các thành phần động cơ nhân ái, thái độ nhân ái và hành vi đấu tranh bảo vệ bạn, bảo vệ người khác của học sinh tham gia các vai trò khác nhau trong tập thể cao hơn rõ ràng so với học sinh không tham gia, nhất là động cơ thúc đẩy hành động nhân ái và hành động đấu tranh bảo vệ bạn. Theo Baumeister, Chesner, Sender và Tice (1988) và Maykey (2000), khi cá nhân nhận thức, ý thức được trách nhiệm của mình trong nhóm, như vai trò là nhóm trưởng hay đang đảm nhận vai trò nào đó trong nhóm, thì hành vi giúp đỡ được tăng lên. Điều này góp phần giải thích vì sao những học sinh Trung học cơ sở tham gia công tác tập thể được khảo sát có động cơ, thái độ nhân ái cao hơn các bạn khác và hành động đấu tranh bảo vệ các bạn trong tập thể cũng cao hơn.
2.3.2.4. Phẩm chất nhân ái của học sinh được xét theo cảm nhận về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
Quan hệ trong gia đình (đặc biệt là quan hệ cha/mẹ với con) có vai trò quyết định tới sự tương hợp và xung đột tâm lí giữa các thành viên (Lê Minh Nguyệt, 2015). Tuy nhiên, sự tác động của cha/mẹ tới con không trực tiếp, mà gián tiếp qua sự cảm nhận của trẻ em. Trẻ có thể cảm nhận về gia đình hoà thuận, với đặc trưng mọi người thân thiện, tôn trọng, quan tâm và đồng cảm với nhau; người lớn (cha/ mẹ) gương mẫu và có thái độ, hành vi thấu cảm và là bạn của con. Ngược lại, cảm nhận về gia đình không hoà thuận, mọi người thiếu thân thiện, ít quan tâm, đồng cảm với nhau; người lớn (cha/mẹ) thường ứng xử với nhau và với con theo cách độc đoán, thậm chí thiếu gương mẫu, thô bạo. Vấn đề đặt ra trong nghiên cứu này có sự khác nhau về mức độ nhân ái giữa những học sinh có cảm nhận khác nhau về gia đình, đặc biệt là hình ảnh về người cha/ mẹ và quan hệ giữa cha mẹ với mình? Kết quả khảo sát được tập hợp trong bảng 4.
Giữa các học sinh được khảo sát có cảm nhận khác nhau về quan hệ trong gia đình có sự khác biệt rất lớn về phẩm chất nhân ái. Những học sinh có gia đình hoà thuận có điểm trung bình về phẩm chất nhân ái cũng như điểm trung bình các thành phần cao hơn rất nhiều so với những học sinh có gia định không hoà thuận (Kết quả kiểm định của tất cả các thành phần đều có P = 0,000). Ở nhóm học sinh có gia đình hoà thuận, tất cả các thành phần nhân ái đều có điểm trung bình rất cao (từ 2,12 điểm – 2,57 / 3 điểm), nhất là động cơ, thái độ nhân ái và hành vi giúp đỡ bạn, giúp đỡ người khác. Ở nhóm học sinh có gia đình không hoà thuận, điểm trung bình của các thành phần nhân ái đều thấp. Trong đó nhận thức nhân ái và hành động đấu tranh bảo vệ bạn, bảo vệ người khác có điểm trung bình rất thấp, đặc biệt là nhận thức về nhân ái (1,46 điểm/3 điểm). Từ những kết quả khảo sát, có thể nhận thấy yếu tố quan hệ gia đình, quan hệ giữa cha/ mẹ với con tác động rất mạnh đến phẩm chất nhân ái và hành động nhân ái của học sinh. Điều này phù hợp với nhiều nghiên cứu đã có (Ali, I., Ali, M., Badghish, S., and Baazeem, A.S, 2018).
3. Kết luận
Nghiên cứu này được triển khai trên 814 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 thuộc 5 trường Trung học cơ sở ở Việt Nam nhằm phát hiện mức độ nhân ái cũng như các thành phần trong nhân ái của các em: Động cơ nhân ái, thái độ nhân ái, nhận thức nhân ái, hành động giúp đỡ, nhường nhịn và hy sinh vì bạn, vì người khác và hành động đấu tranh bảo vệ bạn, bảo vệ người khác.
Các kết quả khảo sát và phân tích đã cho thấy mức độ nhân ái cũng như các thành phần nhân ái ở học sinh được khảo sát đạt trung bình và tương đối tập trung. Các thành phần động cơ, thái độ nhân ái với hành động giúp bạn, giúp người khác có điểm trung bình tương đối cao; giữa các thành phần này có tương quan thuận và chặt. Nhận thức của học sinh về nhân ái có điểm trung bình thấp nhất; giữa nhận thức về nhân ái với các thành phần khác trong phẩm chất nhân ái của học sinh có tương quan thuận nhưng không chặt.
Có sự khác biệt rõ ràng về phẩm chất nhân ái cũng như hành động nhân ái của học sinh được khảo sát theo các tham số: giới tính, địa bản cư trú, mức độ tham gia các hoạt động tập thể của học sinh và cảm nhận của các em về mức độ hoà thuận trong gia đình. Học sinh nữ trung học cơ sở được khảo sát có phẩm chất nhân ái cũng như hành động nhân ái cao hơn học sinh nam; học sinh sống ở nông thôn cao hơn học sinh sống ở đô thị; học sinh tham gia các hoạt động tập thể cao hơn học sinh không tham gia và học sinh trong gia đình mà các em cảm nhận là gia đình hoà thuận cao hơn các em trong gia đình không hoà thuận.
Sự tương quan giữa các thành phần trong nhân ái của học sinh được khảo sát; mức độ thấp và tương quan thuận nhưng không chặt của nhận thức nhân ái với những thành phần nhân ái khác ở học sinh và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ nhân ái giữa học sinh sống trong gia đình mà các em cảm nhận là gia đình hoà thuận với học sinh trong các gia đình không hoà thuận, là những điểm chính được phát hiện trong nghiên cứu này và cũng là những điểm cần được lưu lý trong công tác giáo dục nhân ái cho học sinh tuổi trung học cơ sở.
Tham khảo: Nhân cách và cái tôi trong nhân cách