Notice: A non well formed numeric value encountered in /home/urlblenvhosting/public_html/tamlygiaoduc.com.vn/wp-content/themes/soledad/functions.php on line 3784
1k
Cụm từ “Bộ đội Cụ Hồ” (“BĐCH”) xuất hiện đầu tiên là do đồng bào các dân tộc Tây Bắc (Thái Nguyên) thời kỳ kháng chiến chống Pháp đặt. Từ đó, tên “BĐCH” trở thành danh từ chung dành cho những quân nhân cách mạng mà Nhân dân luôn khâm phục, quý mến, thương yêu. Phẩm chất “BĐCH” là một hệ thống những giá trị cao đẹp, cốt lõi của nhân cách quân nhân cách mạng, của bản chất quân đội cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Hiếm có nước nào mà Nhân dân lấy tên của lãnh tụ đặt tên cho Quân đội nước mình. Việc ghép cụm từ “Bộ đội” với cụm từ “Cụ Hồ” là Nhân dân ta đã đem hai biểu tượng cao nhất của lòng kính trọng, thương yêu, tin cậy đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh và đội quân do người tổ chức, rèn luyện để sáng tạo nên một biểu tượng độc đáo, mang giá trị văn hóa đặc trưng cho tình cảm thiết tha của Nhân dân đối với quân đội cách mạng, quân nhân cách mạng của thế hệ Hồ Chí Minh – một giá trị văn hóa cao đẹp, đặc sắc của quân đội và nhân dân ta.
Dù hiện thân “BĐCH” vô cùng sinh động, phong phú trên các lĩnh vực đời sống quân nhân, các loại hình quân binh chủng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, song mọi biểu hiện của “BĐCH” đều có chung những đặc trưng cơ bản về phẩm chất. Những đặc trưng cơ bản đó là cơ sở thống nhất cho việc nhận diện những hiện thân khác nhau của “BĐCH” cũng như việc xây dựng, phát huy nhân cách “BĐCH” ở các đơn vị QĐNDVN. Phẩm chất “BĐCH” trong giai đoạn hiện nay được biểu hiện qua bốn đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân
Tận trung với Đảng, với nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây chính là giá trị, phẩm chất cao quý nhất của “BĐCH”. QĐNDVN do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, giáo dục và rèn luyện để phục vụ cho mục tiêu của Đảng là chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trung với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân là biểu hiện cốt lõi về bản chất của QĐNDVN. Kẻ thù luôn muốn Quân đội ta, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta phai nhạt mục tiêu lý tưởng chiến đấu, muốn chúng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để xa rời Đảng. Song lịch sử đã chứng minh, QĐNDVN luôn sáng ngời bản chất cách mạng, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn một lòng một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Nhân dân. Cũng chính nhờ có phẩm chất cao quý đó mà QĐNDVN, có đủ sức đương đầu và chiến thắng những đội quân xâm lược lớn mạnh nhất như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với phẩm chất cao quý đó, mọi cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN luôn vượt qua mọi thử thách gian lao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, luôn chiến đấu dưới lá cờ Đảng vinh quang.
Tận hiếu với dân, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân chiến đấu. Đặc trưng truyền thống cốt lõi của QĐNDVN là từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Mối quan hệ giữa quân đội ta với Nhân dân ta được khái quát thành mối quan hệ “cá với nước”, được ghi rõ tại “12 điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân” (“Không lấy cái kim sợi chỉ của nhân dân”[1]…) cũng như tại “10 lời thề danh dự của quân nhân” (“Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng 3 điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; và 3 điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân, để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí”[2]) và các văn bản quy phạm khác. Từ tên gọi của Quân đội, thành phần quân, binh chủng, thành phần xuất thân của quân nhân cho đến chức năng, nhiệm vụ của QĐNDVN đều gắn với Nhân dân. Trong suốt quá trình tổ chức, giáo dục, rèn luyện quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo làm sao cho Quân đội ta thành một đội quân chân chính của Nhân dân. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Người dạy: Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng rất vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân Quốc gia đầu tiên ở nước ta. Trong kháng chiến chống Pháp, tại Hội nghị chiến tranh du kích, Người nói: “ Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân…, phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục và vận động Nhân dân”[3]. Người nhắc: bất cứ trong tình huống nào cũng phải bám lấy dân, dựa vào dân để tồn tại. Đó là chìa khóa của mọi thắng lợi. Tư tưởng về xây dựng, phát huy một quân đội của dân, dựa vào dân và vì Nhân dân của Hồ Chí Minh đã tạc vào bản chất của QĐNDVN một phẩm chất cao quý, đặc trưng cho giá trị chính trị – đạo đức – văn hóa cao nhất của biểu tượng “BĐCH”. Trong hàng ngũ của đội quân đó, mọi cán bộ, chiến sĩ đều rèn luyện để trở thành những người con trung hiếu với Nhân dân, một lòng gắn bó với Nhân dân, vì Nhân dân mà chiến đấu hy sinh quên mình, hòa vào dân trong mối quan hệ “máu – thịt”, “cá – nước” để rồi “đi dân nhớ, ở dân thương” thực hiện nhiệm vụ trong sự giúp đỡ, đùm bọc che chở của Nhân dân.
Cán bộ, giảng viên, công nhân viên, chiến sĩ Học viện Chính trị tiến bước dưới Quân kỳ Quyết thắng
Hai là, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như ruột thị
Với đồng đội, người quân nhân cách mạng có mối quan hệ đặc trưng là đoàn kết, thương yêu. Yêu thương đồng chí, đồng đội là nền tảng của quan hệ quân nhân, là tiêu chí phân biệt người quân nhân cách mạng với người lính quân đội của giai cấp bóc lột. Tình yêu thương đó xuất phát từ quan hệ giai cấp cần lao, từ mục tiêu chiến đấu để giải phóng giai cấp, giải phóng người lao động khỏi áp bức bóc lột. Từ tình thương yêu giai cấp cao cả đó đã hình thành các phẩm chất: đoàn kết, dân chủ, kỷ luật – những phẩm chất cần thiết để tạo nên sức mạnh của đội quân cách mạng. Không có được những phẩm chất này thì QĐNDVN không thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không thể đủ sức mạnh để chiến thắng những kẻ thù hung bạo của thời đại.
Trong “10 lời thề danh dự của quân nhân”, có nhấn mạnh: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận, thực hiện toàn quân một ý chí”[4]. “BĐCH” được thừa hưởng phẩm chất quý giá này từ tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, từ tấm gương hết lòng thương yêu chăm lo cho bộ đội của Bác. Hình ảnh người “Cha già dân tộc” nhường cơm xẻ áo, chăm lo từng giấc ngủ cho anh đội viên vệ quốc đoàn, thức trắng vì lo cho đoàn dân công trong đêm mưa rừng Việt Bắc luôn làm xúc động lòng người và là tấm gương để bộ đội của Người noi theo. Bởi vậy, phẩm chất “BĐCH” đã trở nên rực rỡ bởi những câu chuyện xúc động về tình đồng đội, tình cán – binh, sẵn sàng đem thân mình che đạn cho đồng đội, xẻ chia những cọng rau rừng, sắn rẫy, ôm ấp truyền hơi ấm cho nhau khi cơn sốt rét ập đến, cùng nhau sưởi chung bếp hồng, băng đèo, lội suối, trên đường tuần tra biên giới… Họ đã vượt lên trên cả những câu chuyện cổ cảm động nhất về tình thương yêu của con người. Những yếu tố đó đã kết thành nét đặc trưng của phẩm chất “BĐCH” – Người quân nhân cách mạng của QĐNDVN.
Bộ đội Biên phòng đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia
Ba là, tinh thần tự lực, tự cường, dũng cảm vô song, mưu trí, sáng tạo, không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; lạc quan và luôn tu dưỡng, rèn luyện của người quân nhân cách mạng.
Phẩm chất quyết chiến, quyết thắng là đặc trưng nổi bật ở nhân cách “BĐCH”, là truyền thống vinh quang của QĐNDVN anh hùng, và của nhiều quân binh chủng, đơn vị thuộc Quân đội ta. Dân tộc Việt Nam anh hùng đã sinh ra QĐNDVN anh hùng, Quân đội anh hùng đã rèn luyện nên những cá nhân anh hùng, tập thể anh hùng trong đấu tranh cách mạng. Truyền thống quyết chiến, quyết thắng được xây dựng, phát huy trên một loạt phẩm chất tinh thần tự lực, tự cường, dũng cảm vô song, mưu trí, sáng tạo, không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; lạc quan và luôn tu dưỡng, rèn luyện của người quân nhân cách mạng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao của mọi cán bộ, chiến sĩ, mọi tập thể quân nhân trong mọi hoàn cảnh. Nhờ những phẩm chất ấy mà QĐNDVN, các đơn vị, mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội đã xây dựng, phát triển nên những cách đánh độc đáo, thông minh trong cuộc chiến tranh Nhân dân thần thánh, đã xây dựng, phát triển lực lượng từ nhỏ đến lớn, tạo sức mạnh tổng hợp cùng toàn dân tộc đánh thắng những tên xâm lược hung bạo nhất của thời đại.
Truyền thống quyết chiến quyết thắng còn được xây dựng, phát huy từ phẩm chất tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị và những phẩm chất, năng lực cần thiết của người quân nhân. Đó là những phẩm chất được kế thừa từ truyền thống cần cù, ham học hỏi của người Việt Nam, được phát triển trong thời đại khoa học, công nghệ và được phát huy trong danh hiệu cao quý “BĐCH”. Nhờ có sự tích cực học tập, rèn luyện mà “BĐCH” luôn trau dồi tri thức, hun đúc bản lĩnh chính trị, chiếm lĩnh công nghệ, tinh nhuệ kỹ năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật vươn tới tầm cao của khoa học, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù.
Thủy thủ Tàu 184 – Hải Phòng, Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Vùng 4 Hải quân làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại
Bốn là, dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; nêu cao tinh thần quốc tế vô sản.
Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật là bản chất, truyền thống, là những phẩm chất cần thiết để tạo nên sức mạnh của Quân đội. Tính dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh dựa trên nền tảng của quan hệ quân nhân, là tiêu chí phân biệt người quân nhân cách mạng trong QĐNDVN với người lính quân đội của giai cấp bóc lột, với những người trong các tổ chức khác, trong xã hội nói chung. Từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta luôn coi trọng phát huy quyền làm chủ của cán bộ, chiến sĩ; coi đó là mặt công tác cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhằm tạo môi trường thuận lợi để bộ đội hoàn thành mọi nhiệm vụ. “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội” – QĐNDVN dưới sự lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt” của Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn mang trong mình bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Do vậy, bản chất kỷ luật của Quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng, là kỷ luật “tự giác, nghiêm minh”. Đoàn kết tốt, chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp, một phẩm chất cao quý của “BĐCH”, là một yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chính quy và tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của QĐNDVN.
Trên nền tảng tình thương yêu giai cấp cao cả, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thuỷ chung, nhân đạo với tù hàng binh đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của “BĐCH”. Đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết quốc tế “bốn phương vô sản đều là anh em”. Tư tưởng đạo đức của Người đã thấm sâu vào nền văn hóa dân tộc để “BĐCH” nhập thân văn hóa và trở thành nhân cách quân nhân cách mạng với những phẩm chất cao đẹp về tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Hàng vạn người lính tình nguyện Việt Nam đã hy sinh cả máu xương để cứu Nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng của Khơme đỏ để Nhân dân Campuchia xúc động gọi là “đội quân nhà Phật” là minh chứng sáng ngời về tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng thủy chung. Việc “BĐCH” đã nhường phần ăn ít ỏi của mình cho tù hàng binh Pháp ở Điện Biên Phủ, bảo đảm cho phi công Mỹ ở “Khách sạn Hin-tơn” (nhà tù Hỏa Lò) được no đủ khi chính mình còn muôn vàn thiếu thốn là biểu hiện chủ nghĩa nhân đạo cao cả đối với chính kẻ thù gây đau thương cho dân tộc nhưng đã thua trận đầu hàng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều câu chuyện khác về hình ảnh “BĐCH” luôn là lực tiên phong tuyến đầu trong công tác chống thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, vào rừng nằm võng ăn cơm nắm, nhường doanh trại chính quy cho nhân dân cách ly dịch Covid-19; kề vai sát cánh cùng nhân dân bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới Quốc gia. Và những năm gần đây, những lá Quân kỳ của QĐNDVN còn được “BĐCH” giương cao khi đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc ở một số khu vực có xung đột trên thế giới. Ngoài ra, “BĐCH” còn thực hiện nhiệm vụ kinh tế – quốc phòng ở nhiều nước trên thế giới.
Sĩ quan QĐNDVN thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc
Có thể nói, phẩm chất cao đẹp của “BĐCH” đã vượt khỏi những giới hạn về thời gian và không gian để lan tỏa, nhập sâu vào ánh mắt, trái tim của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những phẩm chất ấy có nguồn gốc từ trong sâu xa cội nguồn văn hóa dân tộc với tinh thần của “Bình Ngô đại cáo” và phát triển lên tầm cao trong thời đại Hồ Chí Minh để hiện thân rực rỡ ở phẩm chất “BĐCH”. Chính phẩm chất cao cả này đã làm cho QĐNDVN có được vị trí cao hơn trong địa chính trị quân sự thế giới và trong ánh mắt, trái tim bạn bè quốc tế.
Những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “BĐCH” trên đây là thể hiện sinh động hình ảnh “BĐCH” trong lòng Nhân dân, đồng thời cũng là những phẩm chất cơ bản để xây dựng và phát huy phẩm chất “BĐCH” – Người quân nhân cách mạng trong QĐNDVN. Những phẩm chất này sẽ định hướng cho quá trình xây dựng và phát huy phẩm chất “BĐCH” thời kỳ mới gắn với từng cá nhân, từng cơ quan, đơn vị. “BĐCH” – một tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà Nhân dân dành cho Quân đội ta. Đó là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của quân nhân cách mạng, một giá trị văn hoá – đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Phẩm chất truyền thống “BĐCH” được xây đắp nên từ sự phấn đấu, hy sinh vô bờ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ; được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tổ chức, giáo dục, rèn luyện; được Nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, nuôi dưỡng. Những phẩm chất quý giá đó càng trở nên rực rỡ qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, xây dựng, phát huy và trưởng thành của quân đội, được lưu truyền, kế tục, phát triển qua nhiều thế hệ, được chọn làm nguồn cảm hứng vô tận của tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật hôm qua, hôm nay và cả mai sau…
Lê Duy Dũng, Trương Văn Hoành, Cao Chí Luyện
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Ảnh trong bài do tác giả cung cấp.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ tổng Tham mưu, Điều lệnh quản lý bộ đội, “12 điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân”, Nxb Quân đội nhân dân.
[2] Bộ tổng Tham mưu, Điều lệnh quản lý bộ đội, “10 lời thề danh dự của quân nhân”, Lời thề thứ 9, Nxb Quân đội nhân dân.
[3] Hồ Chí Minh (1985), Toàn tập, tập 5, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr 297
[4] Bộ tổng Tham mưu, Điều lệnh quản lý bộ đội, “10 lời thề danh dự của quân nhân”, Lời thề thứ 7, Nxb Quân đội nhân dân