TLGD – Ai đó đã từng nói: “ Kỉ niệm sẽ không còn nếu lòng người vội xóa nhưng sẽ là tất cả nếu lòng người còn ghi.”
Vâng đúng là như vậy, thấm thoát mới đó mà tôi đã xa mảnh đất thân yêu Điện Biên Đông 1 huyện miền núi của tỉnh Điện Biên tính tới nay đã gần 9 năm. Nhớ lại ngày nào, 1 cô sinh viên nhỏ bé như tôi chân ướt chân ráo bước vào nghề. Cơ duyên may mắn tôi có quyết định được phân công về giảng dạy và công tác tại ngôi trường Tiểu học Sư Lư trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên.
Ngày đầu tiên nhận công tác về trường, tôi không may mắn như bao cô, cậu sinh viên mới ra trường khác là được bố, mẹ, hay anh chị em đưa đi mà thay vào đó từ thành phố, mình tôi chạy xe máy hơn 50km đường rừng vào đến Thị trấn huyện Điện Biên Đông, tôi được một người bạn của chú thím chờ ở huyện, 1h 15 phút tôi có mặt tại điểm hẹn với chú, sau khi nghỉ ngơi, giới thiệu làm quen , chú giục tôi: Chú cháu mình cố gắng xuất phát vào trường sớm, không sẽ tối mất, cả đoạn đường dài hơn 20km đường rừng tính từ huyện vào trường, ngồi sau xe chú, tôi háo hức như đứa trẻ ngày đầu được mẹ đưa đến lớp, trong đầu tôi tưởng tượng ra nhiều thứ tốt đẹp, nhưng khác xa trong trí tưởng tượng của tôi, ngôi trường mà tôi đến khá xa trung tâm huyện, 100% là đường đất, gần như tất cả hộ dân xung quanh đều là người dân tộc Mông và Thái. Xe chạy mãi, mà chú cháu tôi vẫn chưa đến được trường vì đường rất khó đi, có đoạn tôi còn xuống đi bộ vì trời mưa đường quá trơn, sau hơn 2 tiếng đồng, 2 chú cháu vào đến trường. Chú cười nhìn tôi, cháu thấy thế nào, có mệt lắm không? Đây là ngôi trường gần nhất trong 3 ngôi trường của huyện rồi đấy cháu ạ. Tôi gãi đầu nhìn chú, đường thế này, chắc phải cả năm cháu mới ra huyện được ý chú nhỉ? Chú cười động viên tôi, ít nữa lái xe quen tay rồi, sợ lại 1 tuần ra thăm cô, chú 1 lần ý chứ…. Nhìn ngôi trường khang trang, tôi như có thêm động lực để quên đi đoạn đường khó tôi vừa đi qua.
Chú cháu tôi được Thầy Lò Văn Yên, Bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường đón từ cổng, tôi không nghe được chú đã dặn thầy điều gì nhưng chỉ nghe được thầy nói với chú, anh cứ yên tâm… Nhớ về trường, có lẽ kỉ niệm mà tôi nhớ nhất đó là cứ mỗi dịp tháng 5 về. Mùa thi đến. Là dịp mưa nhiều nhất. Được BGH nhà trường cử đi coi thi 1 điểm bản cách điểm trường trung tâm hơn 10km đường đất. Sáng 4 giờ tôi cùng em Lê Xuân Hiếu (thầy giáo cùng trường) chuẩn bị gói ghém lên đường. Lúc lội qua suối, sợ bài thi ướt hai chị em cẩn thận giơ tay thật cao để lội qua suối. 10h30 thi xong mà tận 2 giờ chiều 2 chị em cùng 1 thầy giáo cấp 2 được cử đi cùng chúng tôi giám sát thi mới về đến trung tâm trường để bàn giao bài thi. Thầy Trung giáo viên trung học còn giơ chân cho tôi dẫm lên để dễ dàng bước qua vũng bùn……
Nhớ về trường, là tôi lại nhớ về những kỉ niệm mà chúng tôi, những người thầy, người cô được ví như những Tay lái Trường Sơn thời bình – Các tay đua địa hình bán chuyên nghiệp – Những hành trình đi phượt không hồi kết.
Vâng đó là những cách gọi, cái ví von dí dỏm dành cho chúng tôi và các đồng nghiệp – Các thầy cô giáo vùng cao. Mỗi khi mùa hè gần kết thúc sau những trận mưa, lũ kéo dài từ cuối giữa cuối tháng 5 và đến hết tháng 10 thì thời điểm bắt đầu chinh phục các con đường mưa, đồi sạt, núi lở, sông chảy, suối sâu của các thầy cô lại bắt đầu. Trong các cuộc đua cào cào thì vận động viên có thể bỏ cuộc giữa đường nhưng con đường tìm cái chữ của giáo viên vùng cao bắt buộc ai cũng phải về đích. Họ không hề được đào tạo bài bản là chạy như các tay đua chuyên nghiệp , không huấn luyện viên dạy họ Drift mà xe giáo viên vùng cao lúc nào cũng có thể drift được nhất là khi trời mưa, không giáo trình dạy Stunt mà xe giáo viên vùng cao cũng bốc đầu được khi phi qua ổ gà hay gốc cây ụ đất , xe họ cũng không phải 250cc hay 400cc mà chỉ là Wave, Dream, win tàu, sirius… mà chạy thì không thua kém một vận động viên thực thụ nào. Họ không áo giáp mà chỉ là quần dài xắn tận bẹn, áo mưa quấn ngang cạp quần. Không giày cao cổ mà chỉ là ủng, dép quai hậu, chân đất. Đã thế trên xe còn lỉnh kỉnh cặp sách, giáo án, quần áo, gạo, thịt… tuy nhiên họ khác anh em chơi xe cào cào là họ chơi xe theo tốp để còn giúp nhau qua suối khi mưa to lũ về. Cuộc đua không bao giờ dừng lại cả trai lẫn gái đều tham gia. Họ dám từ biệt thành thị đèn hoa rực rỡ, xa người thân yêu để đến sống những tháng ngày dài nơi núi cao đồi sâu bản hẻo lánh với mục đích cao cả thiêng liêng đó chính là “Gieo cái chữ cho trẻ vùng cao”.
Cuộc đua Track của họ không có vạch xuất phát, có đích đến và người chiến thắng không cờ hoa, không những tràng pháo tay mà chỉ là những giọt nước mắt chảy dài trên má, sâu thẳm trong tim của người mẹ, người cha, người con phải xa gia đình. Có những tay đua trẻ tuổi mới ra trường với bao niềm khát vọng của tuổi trẻ khi bắt đầu đi tham gia những cuộc đua này được bố dẫn đi khóc hu hu thế nhưng tham gia trận mạc một vài lần xòe, ngã là đã lột xác hoàn toàn thậm chí chạy xe còn hơn cả đàn anh, đàn chị. Các bạn chạy đường đèo mà gặp 2, 3 người chạy xe máy vít ga toàn 50 -60km/h mà quần áo mưa kín mít sau lưng đèo lỉnh kỉnh đồ thị 9/10 là giáo viên vùng cao. Thời gian và hoàn cảnh đã tôi luyện họ thành những con người như thế.
Tôi phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều mảnh đất này và những người đồng nghiệp của tôi vẫn ngày đêm miệt mài, hết lòng vì học sinh của mình bằng một tình cảm trọn vẹn nhất. Có lẽ, mái trường và thầy cô nơi đây là một mảnh ghép trong cuộc đời tôi mà có đi đến đâu, dù thời gian có trôi qua nhiều biết mấy, phủ bụi và xóa nhòa đi tất cả thì tình cảm dành cho mái trường và thầy cô nơi đây vẫn luôn đong đầy và trọn vẹn.
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc – mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…
Một số hình ảnh của tác giả và đồng nghiệp đã ghi lại trong các cuộc hành trình gánh con chữ lên non.
Nguyễn Thị Phương / Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024