TLGD – Có lẽ, trong ý niệm một thuở của không ít người, bảo tàng là không gian tĩnh, hàn lâm, là nơi lưu giữ và trưng bày các sưu tập, bộ sưu tập hiện vật, cổ vật, tư liệu…, là thế giới chỉ dành cho những người nghiên cứu, học tập hoặc hoài niệm. Trên thực tế, ở Việt Nam, đã có hàng trăm bảo tàng lớn nhỏ nằm rải rác từ Bắc vào Nam với hàng triệu hiện vật có giá trị. Đó là kho tàng vô giá cho nhiều mục đích thuộc nhiều lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, kinh tế, giải trí, du lịch…
Quan niệm xưa cũ, phiến diện về bảo tàng của một thời một thuở ấy đã dần thay đổi. Nhằm không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo tàng, từ năm 1992, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) quyết định hàng năm chọn một chủ đề cụ thể cho ngày Quốc tế Bảo tàng để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động.
Bắt đầu từ năm 2005, ICOM đưa ra chủ đề “Bảo tàng – nhịp cầu văn hóa”, như một cách nhìn nhận mới về chức năng của bảo tàng trong thời đại ngày nay. Bảo tàng được xem như một tổ hợp vui chơi – giải trí – thưởng ngoạn – học tập. Nghĩa là, bảo tàng không chỉ là điểm đến để giải trí, vui chơi mà còn là một trường học thứ hai của giáo dục, là nơi nghiên cứu học tập, thu hút và lưu giữ cảm xúc của du khách.
Năm nay, kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2024, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” là dịp để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa trong việc cung cấp một trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là các trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan. Từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là những không gian quan trọng nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của chúng ta về thế giới.
Trong những năm gần đây, mô hình kết hợp giữa bảo tàng với giáo dục cũng được nhân rộng ở nhiều địa phương với những sáng tạo vô tận, đáp ứng hai mục tiêu lớn: đưa văn hoá bảo tàng đến gần người dân và đa dạng hóa phương thức học tập. Đương nhiên, khi ấy, bảo tàng sẽ còn không thuần túy là không gian tĩnh với trầm tích văn hóa phủ bụi thời gian, mà còn là thế giới sống động để học tập, khám phá, trải nghiệm, hóa thân với nhiều cảm xúc.
Trước hết, bảo tàng được xem như một học đường. Đã nhiều lớp học, giờ học lịch sử, văn hóa của các em học sinh từ mẫu giáo đến sinh viên các trường Đại học được tổ chức tại bảo tàng. Khác với giờ học trên giảng đường, lớp học nhà trường, các em được tiếp thu tri thức đa chiều một cách trực quan, sống động. Cảm xúc về ký ức lịch sử và cảm nhận về nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc, vùng miền… được hình thành một cách tự nhiên, phong phú hơn rất nhiều so với bài giảng của thầy cô trên lớp.
Các bài học đầy ấn tượng về thế giới thiên nhiên, về lịch sử hóa gần gũi ngay tại khuôn viên bảo tàng. Với cách làm này, Bảo tàng thực sự là một trung tâm thông tin, giáo dục tri thức khoa học về lịch sử, văn hóa có hiệu quả đối với học sinh sinh viên.
Hiệu quả đáng kể nhất trong hoạt động gắn kết của Bảo tàng với giáo dục là sự sáng tạo các chương trình trải nghiệm.
Các chương trình trải nghiệm được xây dựng phong phú với nhiều hình thức khác nhau như: các em được trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (dệt vải, đan lát, làm gốm, ….); tham gia và thưởng thức các chương trình âm nhạc do các nghệ nhân biểu diễn tại Bảo tàng. như chương trình diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống của người dân tộc.
Sự thay đổi trong cách tư duy về quan niệm bảo tàng hiện đại, mỗi Bảo tàng đã tổ chức nhiều chương trình giáo dục trải nghiệm với quy mô lớn nhỏ với nội dung, chủ đề đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, độ tuổi. Điều đáng trân trọng, các chương trình trải nghiệm được xây dựng và thực hiện dưới sự không ngừng học hỏi, các nhân viên, cán bộ bảo tàng.
Sự gắn kết giáo dục của Bảo tàng với nhà trường, hướng tới đối tượng đông đảo công chúng. Đó là cách giáo dục cộng đồng một cách tự nhiên, hiệu quả, để vươn tới giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống.
Các bảo tàng hiện nay không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan thú vị mà còn tạo ra những cơ hội được trải nghiệm, đồng sáng tạo của du khách theo đúng tinh thần Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) đưa ra thông điệp năm 2024 “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.
Thu Thủy/Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024