Trẻ từ 2 đến 6 tuổi là khoảng thời gian quan trọng nhất của trẻ thơ, thời điểm mà trí thông minh, sự sáng tạo cũng như sự lớn lên về thể chất của bé được phát triển cao nhất.
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non là một cách giúp trẻ học hỏi, tìm hiểu, khám phá các hiện tượng sự vật thông qua các hoạt động và tương tác với môi trường xung quanh. Các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống thực tế. Ngoài ra, còn mang lại cho trẻ những cơ hội trải nghiệm đa dạng về mọi lĩnh vực, giúp trẻ thư giãn sau giờ học, …
Một số hoạt động ngoại khóa thường được tổ chức cho lứa tuổi mầm non hiện nay như: Tham quan vườn thú; Tham quan bảo tàng, di tích; Tham quan công viên văn hóa, Du lịch sinh thái,…
Bảo tàng là môi trường giáo dục phong phú giúp cho trẻ em khám phá những điều mới mẻ, thực tế cho thấy, tham quan bảo tàng có thể mang đến cho trẻ những trải nghiệm học tập đáng nhớ, kích thích trí tưởng tượng về thế giới…
Trải nghiệm tham quan tại bảo tàng trẻ được nghe thuyết minh viên giới thiệu về hình ảnh các anh hùng dân tộc, về văn hoá, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, xây dựng quê hương của cha ông ta.
Đặc biệt, trẻ được xem tận mắt và cảm nhận hiện vật một cách chân thật nhất. Không gian thường ngày trong Bảo tàng đã được thay thế bằng sự vui tươi của các bạn nhỏ mục đích của hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng là giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng sống, bổ sung thêm kiến thức về bản sắc dân tộc địa phương, qua đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước.
Đến bảo tàng sẽ khuyến khích tình yêu lịch sử vì bảo tàng là nơi lưu giữ hiện vật mang ý nghĩa lịch sử, những thông tin thu thập được ở đây sẽ tạo ra một tác động lớn trong suy nghĩ của trẻ về sự chuyển dịch của lịch sử và kết nối các thời điểm lịch sử khác nhau. Điều này sẽ kích thích sự tò mò của trẻ cũng như tăng cảm giác yêu thích đối với môn lịch sử.
Khi trẻ đi với thầy cô, cha mẹ hoặc ông bà đến bảo tàng họ sẽ cùng trẻ chia sẻ, trao đổi về các đồ vật, hình ảnh yêu thích được trưng bày trong bảo tàng hay các sự kiện lịch sử liên quan. Đây không chỉ là khoảng thời gian thú vị mà còn là cách học tập cuốn hút, tạo được sự quan tâm đặc biệt của trẻ đối với lịch sử.
Đến bảo tàng trẻ biết thêm nhiều câu chuyện chưa từng được kể. Trẻ có thể đọc nhiều câu chuyện trong sách, có thể tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng nhưng có những câu chuyện trẻ chỉ có thể biết được khi trải nghiệm, tiếp xúc và tìm hiểu thông tin về các đồ vật, hình ảnh thú vị tại bảo tàng. Chẳng hạn, đến Bảo tàng Hồ Chí Minh trẻ có thêm hiểu biết sinh động về quê hương, cuộc sống và hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho trẻ thấy được cuộc sống của người dân Nam Bộ từ xa xưa; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lại cho trẻ cảm nhận về sự dữ dội, khốc liệt của chiến tranh và tạo được sự đồng cảm của trẻ với bạn cùng trang lứa không may bị dị tật do nhiễm chất độc da cam…
Đến Bảo tàng Mỹ thuật, trẻ sẽ được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật với phong cách khác nhau – từ đó nhận biết được cách phối màu, thông qua cách thể hiện của họa sĩ. Trẻ em khá nhạy cảm và tinh tế nên chúng nắm bắt khá nhanh về những điều thực sự mới mẻ giúp trẻ phát triển tư duy so sánh và đối chiếu
Khi tham quan bảo tàng sẽ có một số câu hỏi thắc măc của các bé, thầy cô giáo, cha mẹ hay ông bà nên khuyến khích trẻ hỏi nhân viên bảo tàng để tìm đáp án hoặc hãy để trẻ tự suy luận hoặc “khơi mào” một cuộc tranh luận giữa những đứa trẻ… tìm cách giải đáp sự tò mò của mình thông qua các câu hỏi, các chú dẫn được ghi trong bảo tàng. Điều này có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo cao hơn – điều không thể thiếu cho thành công trong tương lai.
Các chuyến thăm bảo tàng có thể giúp trẻ tăng vốn từ vựng. Mặc dù, nhiều đồ vật, hình ảnh trưng bày trẻ chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghe tên nhưng chúng hoàn toàn có thể nhớ được nhờ những trải nghiệm tham quan, tìm hiểu.
Ngoài ra, việc trao đổi của trẻ với cha mẹ, với anh chị em khi tham quan bảo tàng sẽ giúp trẻ nắm bắt được những khái niệm mới và trau dồi được vốn từ vựng tốt hơn.
Cho trẻ tham quan bảo tàng giúp trẻ có cơ hội học tập, phát triển tư duy và khám phá thế giới quanh mình. Sự tiếp xúc độc đáo này cũng cấp kĩ năng nền tảng cho sự sáng tạo, tư duy phê phán và kết nối với thế giới xung quanh.
Mỗi bảo tàng có một chủ đề khác nhau và mỗi chuyến đi, trẻ sẽ học thêm nhiều điều; từ những đồ vật, hình ảnh dù mờ nhạt hay rạn vỡ, cũ kĩ – thì cũng là một thế giới mới mà trẻ hiếm khi được thấy mỗi ngày./
Theo: Thu Thủy / GDM