Chương trình học Common Core Standards (CCS) từ Mỹ, đào tạo trẻ khả năng suy luận, phân tích và hiểu sâu về bản chất vấn đề.
Common Core Standards (CCS) là một trong những chương trình học được đánh giá cao và áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Hiện, chương trình này cũng đã được nhiều trường quốc tế tại Việt Nam sử dụng.
Common Core Standards
Common Core Standards (CCS – tiêu chuẩn chung) là một chương trình cải cách giáo dục được áp dụng tại các trường công lập tại Mỹ từ năm 2014. Ban đầu, CCS được xây dựng dành cho bộ môn Anh ngữ và Toán học. Đây là một bộ những tiêu chuẩn được tập hợp từ các chuyên gia, các nhà tư tưởng,… nhằm xác định những kiến thức và kỹ năng mà người trẻ cần phải có để đạt được những thành công trong môi trường đại học và công việc về sau.
Common Core Standards là chương trình cải cách giáo dục được áp dụng tại các trường công lập tại Mỹ từ năm 2014.
Tại Việt Nam, ngoài việc đảm bảo chương trình học chuẩn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, một số trường quốc tế đã đưa bộ tiêu chuẩn CCS áp dụng vào các chương trình học. Các học sinh khi theo học các chương trình quốc tế sẽ được tiếp cận với những cách học mới, tiếp thu những kiến thức một cách chủ động.
CCS thay đổi cách dạy và học
Trước đây, với cách giáo dục truyền thống, giáo viên thường chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần, học sinh tiếp nhận thông tin và ghi nhớ bằng cách học thuộc lòng và đưa công thức vào từng bài tập mà không hiểu bản chất của các vấn đề.
CCS tạo cho học sinh thói quen học theo bản chất thay vì ghi nhớ thuộc lòng.
Ví dụ, cùng là một bài học về tính chu vi hình chữ nhật, với cách học trước đây, học sinh sẽ ghi nhớ được công thức: chu vi hình chữ nhật = (chiều dài + chiều rộng)x2. Nhưng với cải cách giáo dục CCS, học sinh cần phải hiểu được vì sao lại có được công thức tính chu vi đó.
Tại Việt Nam, phương pháp này là cần thiết để thay đổi lối học rập khuôn của học sinh, cũng như biến kiến thức thành hành trang để các em có thể bước vào đời.
CCS – phát triển và bù lấp những kỹ năng còn thiếu sót
Sự hình thành của CCS tại Mỹ xuất phát từ thực trạng nhiều học sinh tại đây dù đã tốt nghiệp trung học nhưng có trình độ ngôn ngữ tiếng Anh rất yếu và không viết nổi một bài viết mạch lạc, điều này gây ra khó khăn cho họ khi bước vào đại học. Do đó, Common Core Standards sẽ giúp các học sinh có cơ hội hoàn thiện các kỹ năng: Đọc hiểu vấn đề, diễn đạt, trình bày vấn đề, làm việc nhóm và sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình học tập.
Tại Việt Nam, những kỹ năng này không được sử dụng nhiều khi theo học các cấp tiểu học và trung học mà chỉ được áp dụng với hệ thống giáo dục tại đại học. Tuy nhiên, việc không được làm quen từ khi còn nhỏ khiến cho học sinh thiếu hụt kỹ năng và khi bước chân vào môi trường đại học sẽ không tránh khỏi những khó khăn và bỡ ngỡ.
CCS sẽ giải quyết những vấn đề này và giúp học sinh có đủ hành trang khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Ngoài ra, chương trình sẽ tập trung vào những điều thật sự cần thiết với học sinh, giúp các em hiểu hơn về cách học, nắm bắt kiến thức nhanh hơn. Các bậc phụ huynh cũng từ đó hiểu được lộ trình học tập của con và có sự quan tâm, giúp đỡ đúng mực.
Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) áp dụng CCS
Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) giảng dạy song ngữ từ lớp 1 đến lớp 12, trực thuộc Tập đoàn Giáo dục Văn Lang với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. UTS là một trong những trường quốc tế tại Việt Nam đã áp dụng Common Core Standards vào chương trình giáo dục.
Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) áp dụng CCS song song với chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy Anthony Roberti, Tổng Hiệu trưởng trường Quốc tế Nam Mỹ, cho biết UTS đảm bảo những học sinh của mình trước khi bước vào môi trường đại học sẽ có đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản để phát triển toàn diện. Không chỉ vậy, trường còn có mục tiêu xa hơn là xây dựng một nền tảng vững chắc cho học sinh để các em có thể thành đạt trong công việc và cuộc sống sau này.
Bên cạnh chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc áp dụng CCS vào chương trình học tại UTS sẽ giúp cho các em học sinh có thể hoàn thiện được kỹ năng của bản thân và phát triển những điểm chưa hoàn thiện. “Đây có thể xem là bước tiến lớn trong nền giáo dục và giải quyết được những vấn đề còn tồn tại trong nhiều năm qua”, ông khẳng định.
(Nguồn: Trường Quốc tế Nam Mỹ)