Đồng phục học sinh là dấu hiệu của xã hội cho biết rằng đứa trẻ này là học sinh một trường phổ thông nhất định. Ở Nhật, bất kỳ bộ đồng phục học sinh nào cũng có những đặc điểm chung là áo vét-tông và váy, sự khác nhau giữa các trường được thể hiện ở chi tiết – màu sắc, kiểu may, huy hiệu hay biểu tượng…Như vậy, mặc dù có những điểm chung, người Nhật xác định vị thế của con người theo những chi tiết nhỏ. “Ngôn ngữ hình thức” đặc thù này đã phát triển hơn 100 năm và được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.
Để tất cả học sinh mặc quần áo giống nhau, việc ăn mặc phải được đưa vào các nội quy của nhà trường, đồng thời chi phí cho trang phục do gia đình học sinh đảm nhận. Lần đầu tiên, ở Nhật, đồng phục học sinh được áp dụng tại trường tư thục Gakushuin. Ở trường phổ thông dành cho tầng lớp quý tộc Nhật Bản này, từ năm 1879, nam sinh phải mặc đồng phục áo cổ đứng cài kín, quần dài và đội mũ lưỡi trai. Kiểu mẫu dành cho áo cổ đứng là bộ quân phục của người châu Âu xuất hiện ở Nhật sau cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868. Thời bấy giờ, một trong những mục tiêu giáo dục ở trường Gakushuin là đào tạo sĩ quan tương lai, các môn học gồm nghệ thuật cưỡi ngựa, nghệ thuật đánh nhau bằng kiếm và giáo, v.v…vì vậy đồng phục học sinh phải có chức năng quân phục. Tuy nhiên, trang phục châu Âu thời bấy giờ rất đắt, nên chỉ những tầng lớp cao trong xã hội mới có thể mua sắm được.
Năm 1879, đồng phục trường Gakushuin là đồng phục của một trường phổ thông riêng biệt, thế nhưng về sau nó trở thành đồng phục cho nam sinh các trường phổ thông. Năm 1886, đồng phục cho nam sinh viên các trường đại học hoàng gia: áo cổ đứng, quần dài và mũ lưỡi trai hình vuông cũng đã được sử dụng.
Một trong những mẫu đồng phục của học sinh Nhật Bản. Nguồn ảnh: internet
Không nên so sánh sinh viên lúc bấy giờ với sinh viên hiện nay, bởi giáo dục đại học thời ấy chỉ dành cho giới tinh hoa, và đồng phục sinh viên, tất nhiên, trở thành mục tiêu của sự ganh tị, nó đã trở thành kiểu mẫu cho các trường trung học và đại học trên khắp đất nước và được phổ biến rộng rãi.
Như vậy, trang phục châu Âu đương thời đã trở thành đồng phục học sinh nam và bắt đầu được sinh viên các trường đại học tinh hoa sử dụng. Không chỉ đồng phục học sinh, mà Âu phục nói chung được coi như là dấu hiệu của sự tiến bộ ở Nhật Bản thời bấy giờ, đã trở thành một tiêu chí về địa vị xã hội đặc biệt của con người. Đồng phục học sinh chứng minh bạn thuộc về một tầng lớp xã hội và một trường học nhất định, nó cho phép bạn thể hiện vị thế người trẻ tuổi nhiều hứa hẹn của mình.
Đồng phục nữ sinh: từ quần dài thụng đến “áo lính thủy”
Đồng phục nữ sinh đầu tiên được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản là quần dài thụng. Trong hệ thống giáo dục Nhật Bản thời tiền chiến, sau khi tốt nghiệp tiểu học, nam và nữ phải học riêng, và một số nữ sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học đã vào học trung học. Ở các trường này, quần dài thụng được sử dụng như là đồng phục học sinh vào năm 1900.
Thoạt nhìn, quần dài thụng nữ giống như váy, nhưng đó là trang phục mới được nghĩ ra vào thời Minh Trị. Ban đầu quần dài thụng là trang phục của các võ sĩ samurai, phụ nữ không mặc loại này. Vào đầu thời Minh Trị, nữ sinh viên đôi khi mặc quần dài thụng nam, nhưng bị phê phán kịch liệt vì người ta cho rằng họ muốn đóng giả nam, chính điều này cuối cùng đã làm xuất hiện quần dài thụng dành cho phái nữ.
Vốn coi trọng sức khỏe thể chất, học sinh các trường nữ sinh thường xuyên tập thể dục, vì vậy nhà trường khuyến khích các em mặc quần dài thụng để dễ dàng thực hiện các động tác thể dục. Mặt khác, bản thân các nữ sinh cũng thích mặc loại trang phục này. Vấn đề ở chỗ quần dài thụng có giá trị biểu tượng. Từ lâu, những cô gái phục vụ trong các nhà thờ đều mặc quần dài thụng, chưa chồng thì màu tím, có chồng thì màu đỏ. Quần dài thụng của các nữ sinh trung học là một cái gì đấy trung gian giữa trang phục của các nữ tư tế và quần dài thụng nam. Nhân tiện xin nói, dưới thời Minh Trị, nữ sinh trung học thường mặc quần thụng màu nâu-đỏ.
Nữ sinh các trường phổ thông thích và muốn mặc quần dài thụng, họ hoặc tự mình mặc quần dài thụng tới trường, hoặc đề nghị hiệu trưởng cho phép mặc. Chính thái độ tích cực đó của các nữ sinh góp phần đưa quần dài thụng thành đồng phục chuẩn của nữ sinh. Diện những chiếc quần dài thụng bằng vải len Cashimere với các vật trang điểm châu Âu như nơ và ô, các nữ sinh thời Minh Trị thể hiện tinh thần tiến bộ của thời đại, họ rất thích kết hợp các yếu tố Nhật Bản và phương Tây, và thực nghiệm mốt.
Trong những năm 1920, người ta bắt đầu sử dụng Âu phục làm đồng phục nữ sinh, và các em thích nhất là “áo lính thủy”. Theo hồi ức của những người đương thời, một số nữ sinh tự thay đổi trang phục cho gần với tiêu chuẩn cái đẹp của mình, cắt bớt áo vét-tông và tăng số lượng nếp ly trên váy
Ta thấy rằng các nữ sinh muốn thay đổi hoặc tạo ra trang phục của mình bất chấp các nội quy của nhà trường, những phá cách như vậy về đồng phục học sinh có thể nhìn thấy hiện nay.
Đồng phục đi vào quần chúng: phê phán đồng phục và sự đa dạng của mẫu thiết kế
Như vậy, trong suốt lịch sử, đồng phục học sinh, nam cũng như nữ, đã nhận được nhiều ý kiến rất khác nhau. Một mặt, đồng phục do nhà trường quy định đã thay đổi, mặt khác, bản thân học sinh đã làm trái các quy định, nhằm thay đổi trang phục theo sở thích và tiêu chuẩn cái đẹp của mình.
Từ thời Tashiho (1912-1926) và dưới thời Showa (1926-1989), ngày càng có nhiều nam sinh chuyển từ trường tiểu học sang trung học, và nhiều nữ sinh tiếp tục học trong các trường trung học phổ thông nữ. Việc sản xuất đồng phục học sinh phát triển, và Âu phục trở nên phổ biến đối với những người bình thường. Đồng phục học sinh không còn là một thuộc tính của tầng lớp thượng lưu, dần dần trở nên thông dụng. Trang phục giống nhau của học sinh bắt đầu được liên tưởng tới tư tưởng bình đẳng, nó xóa nhoà ranh giới giữa người giàu và người nghèo. Trong những năm hậu chiến, dưới ảnh hưởng của phong trào sinh viên cuối những năm 1960 và đầu 1970, sự tồn tại của đồng phục học sinh bị đe dọa. Thời bấy giờ, nó trở thành biểu tượng của việc học tập cưỡng bách, bị phê phán, và một số trường phổ thông đã từ bỏ đồng phục để chuyển sang trang phục tự do.
Tuy nhiên, xu thế bãi bỏ đồng phục chỉ diễn ra ở trung tâm các thành phố và không bị loại bỏ hoàn toàn. Từ nửa sau những năm 1980, tại một số trường phổ thông, người ta bắt đầu thay đổi thiết kế trang phục, áo cổ đứng và “áo lính thủy” bắt đầu được thay bằng vét-tông. Dần dần thiết kế đồng phục trở nên đa dạng, và thái độ đối với đồng phục đã được cải thiện như chúng ta thấy hiện nay.
Tại sao đồng phục học sinh vẫn tồn tại bất chấp sự phê phán? Tại sao cho đến nay nó vẫn tiếp tục được sử dụng, mặc dù phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và giá thành của nó nhiều đắt hơn so với các loại trang phục khác? Tại vì, mối liên hệ của con người với đồng phục học sinh không chỉ giới hạn trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Và đồng phục là lý do làm sống lại hồi ức về những năm tháng đời học sinh tươi đẹp không bao giờ trở lại, về quãng thời gian con người hình thành nhân cách của mình.
______
Kim Thanh