Hội thảo “Can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học” lần thứ 3 sẽ được tổ chức bởi Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, quy tụ các chuyên gia tâm lý giáo dục hàng đầu ở Việt Nam và các chuyên gia tại Mỹ và Nhật Bản. Cùng với sự góp mặt của các Trung tâm can thiệp sớm, trị liệu tâm lý cho trẻ rối loạn phát triển, các viện nghiên cứu trực thuộc Hội tâm lý, các trường đại học tại Việt Nam.
Mục tiêu của hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ các nhà khoa học cùng những người làm thực hành trong nước và thế giới nhằm trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những nghiên cứu và tri thức đúng đắn, có khoa học, đồng thời định hướng cho dịch vụ và quan niệm của cộng đồng về can thiệp rối loạn phát triển.
Để chuẩn bị cho nội dung Hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài tham luận khoa học của đông đảo nhà khoa học, các nhà giáo đang công tác trong cơ sở giáo dục đặc biệt và phụ huynh. Hơn 41 bài tham luận đã được chọn lọc cẩn thận để xuất bản trong kỷ yếu dày 525 trang tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nội dung cụ thể của các tham luận tập trung vào một số vấn đề:
+ Cơ sở lý luận và thực tiễn về các phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học: Lý luận về kiểu loại, nguyên nhân, cơ chế nảy sinh các rối loạn phát triển; Lý luận về các phương pháp điều trị, can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học được áp dụng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam; Kinh nghiệm thực hành dựa trên bằng chứng. Các trường hợp can thiệp hiệu quả dựa trên các phương pháp có bằng chứng tại các trung tâm của Hội.
+ Vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ can thiệp rối loạn phát triển: Đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho can thiệp rối loạn phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn cho dịch vụ can thiệp.
+ Vấn đề đạo đức hành nghề trong can thiệp rối loạn phát triển: Tiêu chuẩn hành nghề, tiêu chuẩn đạo đức của các can thiệp viên trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp rối loạn phát triển; Áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn đạo đức trong thực tiễn can thiệp rối loạn phát triển ở Việt Nam nói chung, ở các Trung tâm trực thuộc Hội nói riêng.
Cùng với đó, phối hợp liên ngành nhằm can thiệp rối loạn phát triển: Lý luận về sự cần thiết và thực tiễn về việc phối hợp liên ngành trong can thiệp rối loạn phát triển; Các ngành nghề, lĩnh vực có thể tham gia can thiệp rối loạn phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động can thiệp rối loạn phát triển hiện nay.
- Dự kiến Thành phần tham dự Hội thảo:
- Lãnh đạo Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam;
- Quản lý và cán bộ các trung tâm thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam;
- Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;
- Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia;
- Đại diện Ban Chỉ đạo giáo dục TKT và TECHCKK;
- Đại diện các tổ chức của/ vì người khuyết tật;
- Đại diện các Khoa Giáo dục Đặc biệt, Khoa Tâm lý, Khoa Giáo dục, Công tác xã hội thuộc các trường Đại học, Học viện;
- Đại diện các Viện, Bệnh viện, Trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt;
- Các nhà Khoa học, Chuyên gia quốc tế từ Hoa Kỳ;
- Các tổ chức UN và NGOs: UNESCO, UNICEF, KOICA, Angle’s Haven, CRS; VAEFA; ACDC; MCMV; SC; Plan; RCI; …
- Các nhà khoa học quan tâm đến khoa học Giáo dục Đăc biệt, can thiệp trị liệu tâm lý;
- Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ;
- Cơ quan truyền thông, báo chí
Hội thảo sẽ được tổ chức theo Phiên toàn thể và các phiên chuyên đề: (Chuyên đề 1: Nâng cao chất lượng dịch vụ can thiệp; Chuyên đề 2: Đạo đức, phối hợp liên ngành và các vấn đề khác)
Một số diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu tâm lý giáo dục sẽ tham gia báo cáo tại Hội thảo như: GS. TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam), TS Trần Văn Công (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Và các chuyên gia nước ngoài như: TS Francis Joseph McLaughlin – đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, TS Cassandra Newsom, ĐH Alabama ở Birmingham, Hoa Kỳ, TS Andresa De Souza – Đại học Missouri, Hoa Kỳ…
Hội thảo lần này sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, không giới hạn số lượng thành viên tham gia.
Văn phòng TW Hội KH TL-GD Việt Nam
Bạn đọc quan tâm đến chủ đề của Hội thảo có thể đăng ký tham gia theo link: [Link đăng ký] |