TLGD – Sự phát triển kinh tế thị trường cùng với xu hướng toàn cầu hóa đã khiến các cha mẹ phụ huynh phải làm việc quên mình và dường như quên luôn cả những đặc điểm tâm sinh lý, thời điểm các con bắt đầu phát triển của con em mình mà không thể bỏ qua.
Dạy trẻ về các biện pháp bảo vệ cơ thể bản thân trước những kẻ xấu và nạn xâm hại tình dục là điều quan trọng cần được chú ý. Cung cấp những thông tin về chủ đề này sẽ giúp bé hình thành nhận thức đúng về giới tính, biết bảo vệ bản thân và giữ khoảng cách với bạn khác giới, không cho phép ai chạm vào vùng riêng tư của bản thân. “Theo thống kê từ Bộ Công An, vào năm 2020 trên cả nước có 1576 trường hợp trẻ nhỏ bị xâm hại” nhấn mạnh một lần nữa để thấy đây chính là hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm của vấn đề này đến phụ huynh, thầy cô và nhà trường.
Việc giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai sau này của trẻ. Tiểu học là giai đoạn từ 6–11 tuổi, trẻ hình thành những đặc trưng riêng về tâm sinh lý so với những lứa tuổi khác. Kịp thời nắm bắt tâm lý của trẻ, sẽ giúp cha mẹ đồng hành cùng con tốt hơn trong giai đoạn quan trọng nhất của quá trình rèn luyện và phát triển trí tuệ.
Thực tế cho thấy, công tác giáo dục giới tính cho trẻ em vẫn còn bị xem nhẹ; các em cũng không được trang bị những kỹ năng nhận biết dấu hiệu nguy hiểm và phòng tránh nguy hiểm. Giáo dục giới tính cho trẻ đầy đủ và đúng lúc là hành trang tốt nhất khi trẻ bước vào tuổi thành niên. Trẻ hiểu rõ và hiểu đúng về giới tính, tình dục sẽ tránh được các vấn đề tệ nạn, tâm lý và những ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ sau này.
Từ 5-7 tuổi: Trẻ bắt đầu tìm hiểu tên gọi các bộ phận trên cơ thể người, các em được biết rằng con người có thể mang thai và tạo ra thế hệ sau. Đồng thời có thể phân biệt được sự khác nhau trên cơ thể.
Từ 8-10 tuổi: Chủ yếu nắm bắt các giai đoạn chính trong chu kì của đời người như sinh đẻ, tăng trưởng,…
Từ 11-13 tuổi: Hiểu được sự thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn tuổi trẻ, thế nào gọi là kinh nguyệt, sự thụ tinh,…
Học sinh Việt Nam bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính qua sách Khoa học lớp 5. Các em cũng được học về cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thai…Tuy nhiên, việc có đưa chương trình giới tính lên sớm hay không vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng điều kiện dinh dưỡng ngày càng tốt hơn cộng với tác động của nhiều yếu tố xã hội mà tỉ lệ các bé dậy thì sớm ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó còn có một số phụ huynh và các giáo viên vẫn còn e ngại và lúng túng khi đề cập đến vấn đề này. Nhiều cha mẹ còn cho rằng đây là điều tế nhị và tự biết. Nếu nói ra thì giống như “vẽ đường cho hươu chạy” nên họ sẽ không nói ra hoặc nói giảm, nói tránh các vấn đề này với con mình khi còn là học sinh tiểu học.
- Tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học:
- Giúp con tránh được những hậu quả đáng tiếc liên quan đến vấn đề lạm dụng và xâm hại.
- Trẻ có kiến thức về các vấn đề liên quan đến giới tính, hiểu được sự thay đổi của bản thân trong giai đoạn dậy thì.
- Trẻ có nền tảng tri thức và kỹ năng để không bị bỡ ngỡ và hoảng sợ trong các tình huống bất ngờ.
- Phụ Huynh nên chia sẻ cùng con thế nào cho phù hợp:
- Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, nói rõ những điều mình nghĩ.
- Đồng cảm với những băn khoăn của trẻ, sử dụng kinh nghiệm bản thân để chia sẻ với con.
- Tôn trọng và lắng nghe con bằng thái độ tích cực, giúp các em thấy thoải mái và tin tưởng hơn.
- Không nên quát mắng trẻ lớn tiếng hoặc phản ứng gay gắt trước những vấn đề trẻ đề cập.
- Giáo viên chia sẻ, lồng ghép giáo dục giới tính vào các chủ đề giảng dạy để phù hợp:
Phương pháp giáo dục giới tính mang lại hiệu quả cao khi được lồng ghép vào các chủ đề giảng dạy hàng ngày. Thầy cô có thể đưa các kiến thức về giáo dục giới tính vào các môn học như khoa học, tự nhiên và xã hội… Bên cạnh đó, giáo viên có thể tổ chức trò chơi, hoạt động để tạo sự thoải mái, không gò bó cho các em, giúp học sinh tiếp thu nhanh nhất.
Bố mẹ nên dạy cho trẻ không được cho người lạ bước vào nhà trong khi bố mẹ đi vắng, cho dù đó có là bạn bè thân thiết của bố mẹ, hàng xóm hay thợ sửa chữa. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần dạy cho bé ghi nhớ số điện thoại của gia đình, đặc biệt là bố mẹ. Bố mẹ hãy hướng dẫn cho bé hỏi rằng “cho con/cháu hỏi là có ai đang ở ngoài đó không ạ?” nếu như bé không nhìn thấy ai thông qua ống nhìn trên cửa. Trong trường hợp này, bé không được mở cửa mà ở yên trong nhà đợi bố mẹ về. Bé cần tìm cách liên lạc cho bố mẹ hoặc người thân qua số điện thoại nếu người lạ vẫn tiếp tục gõ cửa và tìm cách để vào nhà.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, chỉ riêng năm 2020, số trẻ em bị xâm hại tình dục ở nước ta đã lên đến 1576 trường hợp, trong số đó nhiều trường hợp bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình hoặc người quen biết với các em.
Trong trường hợp trẻ không đặt câu hỏi, cha mẹ, thầy cô cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại để chắc chắn rằng những gì trẻ hiểu là đúng. Cha mẹ có thể tận dụng những khoảnh khắc hằng ngày để khơi gợi trí tò mò của trẻ, ví dụ như khi đi tắm, lúc thay đồ sẽ là thời điểm thích hợp để nói về các bộ phận trên cơ thể; nhìn thấy một phụ nữ mang thai trên tivi, có thể hỏi trẻ, một đứa bé được tạo ra như thế nào và cùng thảo luận,…
Tiểu học cũng là thời kỳ trẻ còn hồn nhiên, ngây thơ, chưa hoàn thiện kỹ năng, ý thức để đối phó với những biến động của cuộc sống. Vì vậy cha mẹ cần thường xuyên trao đổi, theo dõi, chỉ dạy, dìu dắt trẻ qua giai đoạn nhạy cảm với nhiều biến đổi, phát triển nhanh chóng về cảm xúc, trí tưởng tượng. Khi thấu hiểu, nắm bắt tâm lý của trẻ người lớn có thể đồng hành cùng con một cách tốt nhất. Cơ thể trẻ ở mỗi giới tính sẽ có những điểm khác nhau. Tương tự, sự thay đổi của cơ thể khi bước vào giai đoạn dậy thì sẽ khác nhau. Giáo dục giới tính giúp trẻ hiểu rõ về các vấn đề sinh lý, sự thay đổi của cơ thể trong từng giai đoạn từ đó hình thành tâm lý phù hợp.
Từ những kiến thức nhận được từ việc giáo dục giới tính, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về sự phát triển và thay đổi của cơ thể. Từ đó, trẻ nhận thức được giá trị của bản thân, hiểu được đâu là những mối quan hệ không lành mạnh, tình dục không an toàn.Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn nhiều gia đình, khu vực, ngay cả người lớn và trẻ em đều cảm thấy xa lạ, ngượng ngùng khi nhắc đến vấn đề “giáo dục giới tính”. Điều này khiến nhiều trẻ hiểu sai về giới tính, tình dục; từ đó tăng tỷ lệ trẻ bỏ học và tệ nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, giáo dục giới tính cho trẻ là vô cùng cần thiết.
- Những điều NÊN BIẾT ĐỂ TRÁNH – TRÁNH ĐỂ AN TOÀN trước nguy hiểm mang tên “tấn công, xâm hại tình dục”:
- Nên biết để tránh:
– Nên biết về ranh giới tiếp xúc cơ thể nguy hiểm (không cho ai chạm vào vùng kín của mình hay chạm vào vùng kín của bất cứ ai)
– Nên kể và chia sẻ về hoạt động hằng ngày với cha mẹ.
– Nên học võ hoặc các động tác phòng vệ cơ bản và diễn xuất bổ trợ.
– Nên nói với phụ huynh, người thân khi bị xâm hại.
– Nên đề phòng và giữ khoảng cách khi giao tiếp đối với mọi người xung quanh, kể cả những người quen biết.
- Tránh để an toàn:
– Tránh đi một mình nơi tăm tối, vắng vẻ.
– Tránh ở trong phòng kín, thang máy một mình với người lạ.
– Tránh nhận tiền, quà hoặc sự giúp đỡ đặc biệt của người lạ mà không rõ lý do.
– Tránh đi nhờ xe người lạ.
– Tránh để người lạ vào nhà, nhất là khi đang ở nhà một mình.
– Tránh sử dụng đồ ăn, thức uống của người lạ đưa cho.
– Tránh để người khác chạm vào cơ thể mình, đặc biệt là những bộ phận nhạy cảm, dễ tổn thương.
Thực tế, giáo dục giới tính cho bé gái và bé trai không hoàn toàn giống nhau. Nhìn chung, trẻ đều được trang bị đầy đủ các kiến thức về giới tính, sinh sản, quyền và trách nhiệm trong tình dục, cách xây dựng và lựa chọn các mối quan hệ, bình đẳng giới,… Nhưng xét về từng khía cạnh riêng biệt của giới tính, việc giáo dục giới tính sẽ có những khác biệt riêng. Ví dụ, ở tuổi dậy thì, các bé gái thường sẽ có xu hướng tự ti và e ngại về ngoại hình, mặt bắt đầu nổi mụn, dễ bị bắt nạt, trêu chọc vì những thay đổi về ngoại hình của bản thân, lúc này bố mẹ nên động viên trẻ, giúp trẻ tự tin và dám đưa ra ý kiến, bảo vệ bản thân. Đối với bé trai, trẻ sẽ có xu hướng muốn khám phá nhiều hơn, có thể sẽ bị sa vào các cạm bẫy, mối quan hệ không lành mạnh, bố mẹ nên khuyến khích trẻ quan tâm sức khỏe sinh lý của bản thân, gia đình và né xa các mối quan hệ không lành mạnh.
Giải pháp cho giáo dục giới tính:
Đối với giáo viên: Nghiên cứu kĩ nội dung bài học để đưa nội dung giáo dục giới tính vào từng bài học, không quá ôm đồm. Cần quan tâm, gần gũi trò chuyện tâm tình với học sinh, thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin, in-tơ-nét,… để hiểu rõ hơn về những phương pháp giáo dục giới tính mới, những nguy cơ có thể xảy ra với học sinh và cách phòng ngừa, ứng phó với nó. Đồng thời tăng cường phối hợp với gia đình các em để việc giáo dục giới tính mang lại hiệu quả cao.
Đối với cấp Trường: Tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, mời các chuyên viên tâm lý về nói chuyện, trao đổi với các em đồng thời phối hợp với hội phụ nữ của phường trong việc tuyên truyền những kiến thức giáo dục giới tính cho cha mẹ, anh chị các em.
Đối với cấp Phòng, Sở: Tổ chức các chuyên đề về giáo dục giới tính cho giáo viên, các phương thức tích hợp, nội dung tích hợp vào từng môn học, nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp cụ thể để nâng cao hiểu biết về giới tính cho giáo viên. Tạo ra các trang web có nội dung giáo dục giới tính cho trẻ tuổi tiểu học, cho phụ huynh, giáo viên tham khảo.
Chương trình Giới tính lớp 5 có những mục như: Sự sinh sản; nam hay nữ; cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào; cần làm gì để cả mẹ và bé đều khỏe; từ lúc mới sinh đến tuổi dậy thì; từ tuổi vị thành niên đến tuổi già; vệ sinh ở tuổi dậy thì… Trong khi đó, những nội dung như xuất tinh, mộng tinh, di tinh hay thủ dâm, nguyệt san, giới tính thứ ba… và đặc biệt quan trọng là nội dung phòng tránh và ứng phó khi bị xâm hại lại không có”. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến cho rằng việc “giáo dục giới tính” ở lớp 5 là bị trễ so với kiến thức các em học sinh cần được tìm hiểu.
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, Bộ Y tế cho biết, nội dung giáo dục giới tính chưa được tách bạch thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác như “sức khỏe” hay “sinh học”. Nội dung mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” hơn là giáo dục cả về mặt tâm lý lẫn kỹ năng cho học sinh.
Cô giáo Lê Thị Hằng, trường Tiểu học Đoàn kết (Hà Nội), việc giáo dục giới tính trong sách giáo khoa phổ thông chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế. Nội dung còn nặng về lý thuyết, kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình, nên dù biết nhiều nhưng các em vẫn gánh hậu quả tiếc.
Tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng HS ở thời đại này là công dân toàn cầu, công dân số… nên các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, khám phá của các em có mối liên hệ chặt chẽ với không gian mạng và công nghệ. Tuy nhiên, công tác GDGT hiện tại có thể nói là khá cũ khi so sánh với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin và các vấn đề, chính sách về giới ở các quốc gia. Chính vì vậy, GDGT cần được gắn liền với xu thế chuyển đổi số, trường học hạnh phúc, thông minh. Ông phân tích rằng, khoảng 5, 10 năm về trước, nội dung “tình dục an toàn” có thể là hiệu quả và thức thời, phù hợp với tâm lý HS THPT; nhưng ở thời điểm này, nó đã quá cũ. HS THPT hiện nay có nhiều sự quan tâm dành cho các hình thức “tình dục trực tuyến” hoặc “các mối quan hệ trên không gian mạng”… hoặc thậm chí là các em đã dậy thì từ bậc tiểu học… thì các nội dung về giới tính mà bấy lâu chúng ta giáo dục trong nhà trường lại trở nên “quá cũ” và “quá thấp” so với nhận thức của các em. Chính vì vậy, công tác này cần sự đầu tư về nội dung và phải được dựa trên bằng chứng nghiên cứu, thực hành liên ngành tâm lý học, giáo dục học, xã hội học…
TS Hoàng Thị Mai, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bố mẹ lảng tránh khiến con nghĩ rằng những vấn đề liên quan đến giới tính là cực kỳ tệ hại, dẫn đến hình thành tâm tính đứa trẻ không thích chia sẻ với người khác. Từ đó, dễ xảy ra tình trạng bị lạm dụng mà không biết hoặc không dám nói với người khác. Ngoài ra, TS Mai khuyên các gia đình nên định hướng cho con có thái độ sống, giá trị sống mang tính văn hóa, hoạt động vui chơi lành mạnh cùng bố mẹ. Như vậy, sẽ góp phần giúp các bạn học sinh ý thức bảo vệ giá trị bản thân và tăng sức đề kháng trước những cạm bẫy.
Bác sĩ Thiên cho rằng, việc giảng dạy kiến thức giới tính, sinh sản, tình dục là thường xuyên, liên tục, không chỉ vài tiết dạy học trên lớp mà các cháu “ngộ” ngay được. Trong giáo dục giới tính tích cực, việc học ở trường chiếm 30% và học ở nhà 70%. Các phụ huynh đừng quên con cái gắn kết với cha mẹ nhiều hơn là thầy cô và bạn bè.
PGS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng chúng ta cũng chưa có đội ngũ giáo viên được tập huấn chuẩn về kiến thức và năng lực để triển khai GDGT, tình dục trong nhà trường. Do đó, phần lớn các nội dung giáo dục cũng chỉ mang tính chất nói cho qua chứ không phải nói cho ra vấn đề.
Bác sĩ Quang Huy chia sẻ “Việc giáo dục giới tính trong trường học cần phải làm từ sớm, tùy mỗi độ tuổi trẻ em thì sẽ cung cấp, trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng phù hợp với độ tuổi. Chúng ta đừng ngại nói về các câu chuyện về giới tín, tình dục, nhiều người ngại ngùng, khi nói tới các câu chuyện này thường úp mở, không dám nói thẳng, trực diện, dẫn tới việc giáo dục giới tính ở nhiều nơi chưa thật sự hiệu quả, vẫn có tình trạng trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức thực tế, nạo phá thai ở vị thành niên”.
Hy vọng với những thông tin được đề cập trong bài sẽ có thể hỗ trợ phụ huynh tốt hơn trong quá trình phát triển của trẻ. Cách giáo dục giới tính cho con vừa tinh tế, vừa đầy đủ và chi tiết. Phụ huynh hãy nhớ giải đáp thắc mắc cho con và trở thành người bạn đáng tin cậy của các con.
Lê Hoa / Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024