TLGD – Chuyển đổi số trong giáo dục là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thông tin internet vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Bao gồm cải tiến phương pháp giảng dạy, cải tiến các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập, nâng cao trải nghiệm của học sinh, sinh viên và người tham gia đào tạo.
Chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.
Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. |
Con người là yếu tố cốt lõi của mọi tổ chức, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Công nghệ chuyển đổi số được ứng dụng cho con người làm việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức, giảm thiểu những sai sót không đáng có, tuy nhiên công nghệ chỉ hỗ trợ chứ không thay thế. Con người vẫn là yếu tố quan trọng, họ cần nâng cao những nhận thức, tư duy để thích ứng nhanh chóng với công nghệ nhằm sử dụng chúng một cách hiệu quả và thông minh.
Triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, đặc biệt ưu tiên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử (áp dụng chứng thư số); triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục. Chuyển đổi số thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn yêu cầu sự thay đổi quy trình làm việc, đào tạo nhân viên, sự thay đổi tư duy và thái độ làm việc của tất cả các thành viên trong tổ chức. Điều quan trọng cốt lõi của chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện trong cách tổ chức hoạt động và tận dụng các cơ hội mà công nghệ số hóa mang lại để đạt được sự tối ưu hóa, tạo ra giá trị mới và duy trì lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số trong giáo dục là áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào phương pháp giảng dạy, xây dựng hệ thống học liệu số, cải tiến các thiết bị, công cụ hỗ trợ học tập, nâng cao trải nghiệm của học sinh và người tham gia đào tạo. Bao gồm quản lý giáo dục và các bậc giáo dục mầm non, tiểu học, trung học và đại học.
Chuyển đổi số đang trở thành một yếu tố quan trọng để các tổ chức phát triển trong thời đại kỹ thuật số, giúp thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao năng suất. Chuyển đổi số giờ đây không còn là tầm nhìn hay một mục tiêu xa vời trong tương lai, mà đã trở thành một quá trình thiết yếu, buộc ngành giáo dục phải tham gia để có thể tồn tại và không bị bỏ lại trên một thị trường cạnh tranh khốc liệt và thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Chuyển đổi số quốc gia là một quá trình đòi hỏi sự tham gia của cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một xã hội số hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, Chính phủ xây dựng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định mục tiêu phát triển về kinh tế số, đến năm 2025 kinh tế số phải chiếm 20% GDP, tỷ trọng về kinh tế số trong mọi ngành, lĩnh vực phải đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng tối thiểu là 7%, Việt nam nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin.
Thời gian qua cho thấy kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ GDĐT nói riêng và ngành giáo dục đào tạo nói chung đã đạt được một số kết quả quan trọng; năm 2022 Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) được vinh dự nhận giải thưởng Chuyển đổi số khối cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin Truyền thông bảo trợ, Hội truyền thông số Việt Nam chủ trì. Đối với giáo dục đại học, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cụ thể như: Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT về đào tạo qua mạng, Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT về đào tạo từ xa, Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo đại học, Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT về cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, Quyết định 4740/QĐ – BGDĐT ngày 6/12/2022 ban hành bộ chỉ số cơ sở giáo dục đại học.
Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ GDĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,…) và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GDĐT, 710 phòng GDĐT. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.
Ứng dụng CNTT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Năm 2022, Bộ GDĐT hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay nhận được nhiều sự hỗ trợ từ thị trường và các cơ quan ban ngành của Chính phủ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và quyết liệt hơn. Giờ đây không còn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào nằm ngoài cuộc của quá trình chuyển đổi số, nếu không thực hiện, họ sẽ bị bỏ lại phía sau.
Khi nhân viên có những trải nghiệm làm việc tốt, năng suất và hiệu quả công việc được tác động rất tích cực. Digital Transformation giúp chuyển đổi quy trình làm việc đơn giản, nhanh gọn, hiện đại và tiết kiệm sức lực hơn. Nhờ đó, công việc được phân công rõ ràng và liền mạch, đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số giúp thông tin được lưu trữ trên hệ thống, dễ dàng truy cập bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Các bộ phận, phòng ban trong tổ chức có thể chia sẻ tài liệu, đồng thời giúp họ trao đổi thường xuyên, tối ưu hơn nhờ các công cụ trò chuyện.
Chuyển đổi số cũng góp phần không nhỏ giúp cho giáo viên tập trung hơn vào công việc, nhanh chóng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Đặc biệt là những công việc tốn nhiều công sức, thời gian khi được thay thế bằng máy móc thì có thể tăng năng suất, chất lượng cũng như hạn chế tối đa những sai sót.
Lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục
Trước hết, phải kể đến việc tăng lưu lượng truy cập, các nền tảng học trực tuyến và ứng dụng di động giúp cho học sinh và sinh viên có thể truy cập vào tài liệu giáo dục mọi lúc mọi nơi, từ đó giúp tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho những người không có điều kiện hoặc khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục truyền thống.
Nâng cao trải nghiệm học tập: Các công nghệ số như thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tạo ra môi trường học tập tương tác và thú vị hơn cho học sinh và sinh viên. Ngoài ra, các ứng dụng di động và nền tảng học trực tuyến cũng giúp cho học sinh và sinh viên có thể học tập theo tốc độ của mình và tùy chỉnh được phương pháp học tập phù hợp với năng lực và sở thích của mình.
Các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI) cũng giúp cho các giáo viên và trường học có thể đánh giá năng lực và tiến độ học tập của học sinh và sinh viên một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Ngoài ra, các ứng dụng di động và nền tảng học trực tuyến cũng giúp cho giáo viên có thể cung cấp phản hồi và hỗ trợ học tập cho học sinh và sinh viên một cách hiệu quả hơn.
Quản lý và tổ chức giáo dục: Các nền tảng quản lý giáo dục và các hệ thống thông tin giáo dục giúp cho các trường học có thể quản lý hồ sơ học sinh và sinh viên, lịch học, đề cương bài học và các tài liệu giáo dục một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Giáo dục và nghiên cứu: Ngành giáo dục và nghiên cứu cũng đóng góp vào chuyển đổi số bằng cách đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Chuyển đổi số cần được thực hiện ngay bây giờ, khi doanh nghiệp chần chừ, điều này có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá.
Một số ví dụ bên dưới về chuyển đổi số đã tạo ra nhiều cơ hội và tiềm năng cho giáo dục, giúp nâng cao chất lượng học tập và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên trong thời đại kỹ thuật số: Trí tuệ nhân tạo và học máy trong giáo dục: Sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy để phân tích dữ liệu học tập, đưa ra gợi ý cá nhân hóa, cải thiện chất lượng giảng dạy và hỗ trợ quá trình học tập của học viên.
- Ứng dụng hỗ trợ học tập: Các ứng dụng hỗ trợ học tập như Quizlet, Duolingo,… giúp học viên rèn luyện kỹ năng và kiến thức thông qua các bài tập và hoạt động trực tuyến thú vị.
- Công cụ hợp tác trực tuyến: Sử dụng các ứng dụng như Google Classroom, Microsoft Teams, Zoom,… để giáo viên và học viên tương tác, học tập cùng nhau một cách linh hoạt và hiệu quả.
- Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường: Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) vào giáo dục, giúp học viên trải nghiệm môi trường học tập sinh động, tương tác và gần gũi hơn với thực tế.
- Giáo trình điện tử: Sáng kiến việc thay thế sách giáo khoa truyền thống bằng giáo trình điện tử, giúp tiết kiệm giấy và dễ dàng cập nhật nội dung. Các ứng dụng như Kindle, iBooks, Google Play Books hỗ trợ đọc sách điện tử trên các thiết bị di động.
- Học trực tuyến (E-learning): Các trường học và tổ chức giáo dục cung cấp các khóa học trực tuyến thông qua nền tảng và công cụ kỹ thuật số, cho phép học viên học tập mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ: Coursera, edX, Udemy,…
- Phần mềm quản lý học tập (LMS – Learning Management System): Các hệ thống quản lý học tập như Moodle, Blackboard, Canvas,… hỗ trợ giáo viên quản lý khóa học, đánh giá và theo dõi tiến độ của học viên một cách dễ dàng và hiệu quả.
Thực trạng và những thách thức
Chuyển đổi số trong nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm trong quản lý như: Phần mềm VNEdu, SMAS, Cơ sở dữ liệu ngành http://csdl.moet.gov.vn ; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ giáo dục http://taphuan.csdl.edu.vn, đánh giá công chức: ETEP, TEMIS; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, quản lý tài sản, hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm TKB, phần mềm Ioffice để quản lý công văn đi, đến, …; Sử dụng Zalo, Facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh
Nhận thức và tư duy của các nhà trường về chuyển đổi số còn có nhiều hạn chế.
- Trước hết, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về việc chuyển đổi số trong nhà trường còn có phần bất cập.
- Nguyên nhân: một số thầy cô cán bộ quản lý đã lớn tuổi nên có nhiều hạn chế về tiếp cận CNTT; Một số thầy cô trẻ còn có sự thận trọng trong việc đổi mới.
- Còn có sự nhầm lẫn, cho rằng ứng dụng CNTT là chuyển đổi số.
- Còn thiếu sự hướng dẫn và chiến lược chuyển đổi số, chưa nắm được quy trình, mô hình, cách thức chuyển đổi số.
- Nhiều giáo viên còn hạn chế về kiến thức tin học phổ thông, kĩ năng sử dụng các phần mềm; tâm lý ngại đổi mới.
- Cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet … còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nhà trường chưa thể đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số.
- Cơ sở dữ liệu của các nhà trường trong toàn tỉnh còn được quản lý manh mún trên nhiều phần mềm, hệ thống khác nhau.
- Tài chính là một trong những khó khăn lớn đối với các nhà trường công lập trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn các phần mềm ứng dụng hiệu quả.
- Chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện về học liệu số. Hiện đang xảy ra rất nhiều tình trạng về học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung.
- Thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.
Một số giải pháp tích cực
Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong các nhà trường, xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và các kết quả ứng dụng CNTT đã đạt được.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Lựa chọn nội dung và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên đề kỹ năng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh. Nội dung bồi dưỡng gắn với nhu cầu thực tiễn về triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong nhà trường.
Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và công tác thống kê trong giáo dục. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành kết nối với hệ thống phần mềm quản trị nhà trường để triển khai sử dụng các sổ điện tử gồm: sổ theo dõi kết quả đánh giá học tập và rèn luyện của học sinh, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử và các sổ điện tử khác phù hợp với điều kiện và yêu cầu của nhà trường.
Thường xuyên rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, dạy môn Tin học, dạy học trực tuyến và làm việc trực tuyến; đảm bảo kết nối Internet tới nhà trường.
Nhà trường xây dựng quy chế quản lý, duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT tại đơn vị. Phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, sử dụng hệ thống; triển khai ứng dụng CNTT phải đi đôi với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; có các hình thức khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt.
Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Tiến hành chuẩn hóa hệ thống phần mềm chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo tính khả thi.
Thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục, tìm nguồn tài trợ tích cực trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập.
Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, kiểm tra và đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo. Chuyển đổi số không phải là công việc dễ dàng một sớm, một chiều song với sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, quyết tâm của các nhà trường, chúng ta sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số tạo sự phát triển bền vững trong ngành giáo dục của tỉnh nhà.
Giáo dục của nước ta đang “hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ có thể tạo ra hiệu ứng khác nhau trong giáo dục và mang lại nhiều giá trị tích cực. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi giáo dục ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số trở thành giải pháp đúng đắn để giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng nói: “Nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học. Hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn.
Lê Hoa/Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024