Thời gian vừa qua, trong khi cả thế giới có sự biến động mạnh trước tác động của dịch Covid-19 với sự tê liệt của hàng loạt quá trình từ đầu tư đến sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên nhiều điểm sáng, hiện tượng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chuyển dịch và chảy mạnh vào Việt Nam là một ví dụ. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, nếu có biện pháp tận dụng những tác động tích cực, khắc chế được những tác động tiêu cực của việc đón nhận nguồn vốn FDI thì đây sẽ là một đòn bẩy góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
1. Thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đối với sự chuyển dịch của nguồn vốn FDI vào Việt Nam
Một là, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã giảm khá mạnh do đại dịch Covid-1
Xét về tổng vốn đăng ký cấp mới: Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2020, tổng số vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8.55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kì năm 2019. Trong khi đó, quý 1/2020 có 236 lượt dự án đăng kí điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng kí tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kì năm 2019. Ngoài ra, còn có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, tăng 52,6% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và chỉ bằng 34.4% giá trị góp vốn so với cùng kì năm 2019. Cung theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần trong 3 tháng qua tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,78 triệu USD/ lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của quý I năm 2019 là 3,4 triệu USD/lượt góp vốn). Cả số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm, tương ứng bằng bằng 95% và 82,8% so với cùng kỳ.
Xét về lĩnh vực đầu tư: Khác với mọi năm, năm nay, lĩnh vực sản xuất phân phối điện đang tạm dẫn đầu với tổng số vốn đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 682 triệu USD và 264 triệu USD.
Xét về đối tác đầu tư: Singapore hiện đang tạm dẫn đầu danh sách đầu tư nước ngoài năm 2020 với tổng vốn đầu tư 4,54 tỷ USD, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ hai, thứ ba, thứ tư[1]…
Nhìn chung, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dòng vốn đầu tư FDI nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.
Hai là, nguồn vốn FDI vào Việt Nam bị cản trở bởi nhiều yếu tố
Các yếu tố bên ngoài:
Theo dự báo, dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong năm 2020, thậm chí có thể sụt giảm mạnh trong quý I/2020. Dịch Covid-19 nếu cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, rủi ro chiến tranh thương mại… cũng khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó, làm suy yếu động lực đầu tư.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Dịch Covid-19 tại Trung Quốc có tác động không nhỏ đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tác động đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần nhìn nhận ở hai khía cạnh: các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; và sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc đến Việt Nam. Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất điện – khí nước – điều hòa. FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Nhiều dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong sản xuất và điều hành dự án, doanh nghiệp. Việc những lao động này đang bị hạn chế trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết do các biện pháp phòng lây lan dịch Covid-19 có tác động trực tiếp đến các dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, cũng như thu nhập và đời sống của người lao động trong dự án, doanh nghiệp liên quan.
Các yếu tố bên trong:
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn. Trong cả hai kịch bản thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 mà Tổng cục Thống kê xây dựng, thì con số đều thấp hơn so với dự kiến. Nếu không có dịch Covid-19, dự kiến cả năm, Việt Nam sẽ thu hút được 39,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng khi có dịch bệnh, câu chuyện sẽ khác. Nếu dịch kết thúc ở quý I, con số dự kiến giảm xuống còn 38,6 tỷ USD. Nếu dịch kết thúc vào quý II, cả năm sẽ chỉ thu hút được 38,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Điểm tích cực là, ở cả hai kịch bản trên, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng so với con số 38,02 tỷ USD đạt được trong năm 2019. Quý I, Việt Nam cũng đã thu hút được trên 5,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài[2]. Mặc dù vậy, mọi tính toán đều mới chỉ là ở phía Việt Nam. Trong thu hút đầu tư FDI nước ngoài, quyết định cuối cùng lại nằm ở các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn không ít những trở ngại trong quá trình thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài. Cụ thể như: khu vực doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn chưa đủ điều kiện liên kết với khu vực doanh nghiệp FDI; Nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cho các doanh nghiệp nước ngoài còn ít. Hơn nữa, các hạn chế về quản lý nhà nước vẫn tồn tại, sự chậm trễ trong xử lý các thủ tục hành chính do luật pháp, chính sách còn chồng chéo… làm chậm quá trình thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài.
2. Cơ hội để Việt Nam đón nhận nhanh hơn dòng vốn FDI từ nước ngoài
Một là, khả năng dịch chuyển dòng vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam
Theo lý luận của kinh tế chính trị học Mác-xít, mục đích của xuất khẩu tư bản (đầu tư nước ngoài) là nhằm thu lại lợi nhuận cao, ở đâu đầu tư mang lại hiệu quả cao cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ mang tư bản đi đầu tư ở đó. Vì vậy, là nước nhập khẩu tư bản, nếu biết biến “nguy” thành “cơ” thì chính đại dịch Covid-19 lại là cơ hội để Việt Nam đón nhận nhanh hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Một tập đoàn lớn của Mỹ đang có kế hoạch đầu tư một dự án hàng tỷ USD ở châu Á. Hai địa điểm được họ cân nhắc là Trung Quốc và Việt Nam. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc, thì có thể, họ sẽ chọn Việt Nam…
Nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hoa Kỳ quan tâm đến các dự án điện khí LNG tại Việt Nam có lẽ là một trong hiếm hoi các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam vào thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát. Ngày 11/2, họ đã tới Văn phòng Chính phủ để làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về nội dung này. Không hề giấu tham vọng, ông Chae Heeboong, đại diện Liên doanh các nhà đầu tư Hàn Quốc – trong đó có Tổng công ty Khí Hàn Quốc, Công ty Điện Nam Hàn Quốc, Tập đoàn Hanwha… – cho biết, họ muốn đầu tư vào các dự án cảng và nhà máy điện khí LNG tại Việt Nam. Thậm chí, ngoài lĩnh vực điện khí, các nhà đầu tư này còn mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết, để phân tán rủi ro, có 122 doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO hỏi cho biết, họ quyết định di dời sản xuất tại Trung Quốc và nơi được chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam; “Việt Nam đứng đầu danh sách, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp nói trên lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%)”[3].
TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, đại dịch Covid-19 cũng có thể mang lại thêm các dự án FDI mới cho Việt Nam bởi quan ngại dịch bệnh sẽ khiến các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam. Mặc dù Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống dịch này, cũng như việc Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh.
Hai là, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng để đầu tư FDI
Qua thực tiễn nền kinh tế trong và ngoài nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta thấy có một vấn đề đó là: Chuyện hoãn, hủy các chuyến xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư ngoại chỉ mang tính thời điểm; Việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam trong thời điểm này càng chứng tỏ sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Một loạt câu hỏi đã được đặt ra như:
“Vì sao chọn Việt Nam? Việc di rời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam liệu có phải là do thương chiến Mỹ – Trung hay không?”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thực chất bắt đầu từ trước thương chiến Mỹ – Trung nổ ra. Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, đã kéo theo những bất ổn, có chiều hướng sụt giảm kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra nhanh hơn kể từ khi bệnh dịch Covid-19 bùng phát, khi Trung Quốc bị mất điểm thì Việt Nam lại ghi điểm tuyệt đối trên các mặt so với Trung Quốc, được cả thế giới ghi nhận, tôn vinh.
Thêm vào đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia còn cho rằng, dịch Covid-19 cho thấy, thế giới đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó các dòng vốn quốc tế có chất lượng từ xu hướng phân tán rủi ro, sắp xếp lại mạng lưới sản xuất toàn cầu trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn và “đây là cơ hội cho Việt Nam”.
Có quan điểm tương tự, tờ New York Times cũng dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ “có thể được đẩy nhanh hơn” do dịch cúm Covid-19. Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết: các doanh nghiệp Nhật Bản di rời khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà còn để “né” chi phí đầu vào ngày càng tăng cao ở thị trường này.
Mặt khác, Trung Quốc được cho là có nhiều biểu hiện ưu đãi bất đối xứng cho các tập đoàn điện tử trong nước, đặc biệt là các “đại gia” công nghệ của nước này như Alibaba, Huawei… Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.
Chưa kể, năm nay là năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch Asean, là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam – EU (EVFTA), cũng đang tạo nên những nền tảng và bệ đỡ rất quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Nhìn chung, thời điểm này, Việt Nam đang nổi lên với ưu thế vượt trội về toàn diện kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao… so với các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng. Đây là thị trường tiềm năng để các “ông lớn” lựa chọn đổ nguồn vốn FDI vào.
“Việt Nam đang được những “ông lớn” nào lựa chọn?”
Cuộc chuyển dịch rầm rộ chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn từ nước láng giềng Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon… đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Bởi lẽ, thời gian qua, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô, cùng với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt mỗi năm. Điển hình như: Trong năm 2019, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ như: Amazon và Home Depot đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel. Mới đây, Nikkei dẫn nguồn tin cho biết: Trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc AirPods tại Việt Nam, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Việc sản xuất hàng loạt AirPods ở Việt Nam có thể đã bắt đầu từ hồi tháng 3. Các chuyên gia làm việc cho một nhà cung ứng của Apple thậm chí còn được nhà chức trách Việt Nam cho phép nhập cảnh trong thời điểm các biện pháp kiểm soát Covid-19 được áp dụng trên quy mô toàn quốc[4].
“Có bao nhiêu công ty đang có ý định dịch chuyển sang Việt Nam”
Theo các chuyên gia, rất khó để biết được có bao nhiêu công ty đang có ý định dịch chuyển sang Việt Nam. Nguyên nhân là do những công ty này thường giữ kín các động thái để tránh làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với chính phủ và nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang khảo sát, tìm hiểu việc đầu tư chuỗi sản xuất vào Việt Nam.
3. Một số giải pháp thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam thời kỳ Covid-19
Những điểm sáng đề cập ở trên cũng sẽ là một trong những động lực quan trọng trong GDP của Việt Nam trong thời gian tới khi khu vực dịch vụ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát được dịch Covid-19 như hiện nay thì sẽ là một trong nước hứa hẹn sẽ thu hút được dòng vốn FDI rất mạnh. Do vậy, để thu hút nguồn vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cần nghiên cứu, vận dụng một số giải pháp như:
Một là, đề nghị cho phép áp dụng thống nhất nhập cảnh theo hình thức đặc biệt vào Việt Nam sau khi có xét nghiệm âm tính, làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát (ví dụ như trường hợp của Tập đoàn Samsung).
Hai là, cho phép các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh.
Ba là, cho phép áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch. Các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Dựa trên kết quả hậu kiểm sau thông quan và công tác quản lý nhà nước sau này, trường hợp lợi dụng chính sách đặc biệt trong thời gian dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm…
Bốn là, các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư. Nhận thức rõ đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam.
Năm là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới là cần thiết. Hiện tại, Kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đang được gấp rút hoàn thiện để sớm được ban hành.
Sáu là, có biện pháp xác minh, kiểm chứng các dây chuyền công nghệ nhập về, tránh trở thành bãi rác công nghệ; đồng thời, quản lý, sử dụng tốt các nguồn vốn mà FDI chảy vảo nước ta, tránh lãng phí, thất thoát, đầu tư không hiệu quả.
Có thể nói, trong khi cả thế giới có sự biến động mạnh trước tác động của dịch Covid-19 với sự tê liệt của hàng loạt quá trình từ đầu tư đến các khâu chuỗi, ngõ ngách nền kinh tế, Việt Nam vẫn nổi lên nhiều điểm sáng, là một thị trường hứa hẹn sẽ đón được những dòng vốn FDI mạnh từ nước ngoài. Thành quả này được tạo nên bởi tính ưu việt của một hệ thống chính trị vững chắc, một sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Việt Nam (với tư cách là nước nhập khẩu tư bản) có biện pháp tận dụng những tác động tích cực, khắc chế được những tác động tiêu cực của việc đón nhận nguồn vốn FDI thì đây sẽ là một đòn bẩy góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự phân tích, nhận định qua việc nghiên cứu lý thuyết và kiểm nghiệm qua một số sự kiện kinh tế nhất định. Tất cả sẽ được minh chứng qua thực tiễn nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước thời gian tiếp theo.
________________
Tác giả: ThS Lê Duy Dũng
Khoa Kinh tế Chính trị học Mác-Lê Nin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
Tài liệu tham khảo
[1] http://iipvietnam.com/anh-huong-cua-dich-benh-covid19-von-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-da-giam-kha-manh.html,ngày 26/03/2020.
[2] https://kinhdoanhvaphattrien.vn/von-fdi-ky-vong-se-chay-manh-vao-viet-nam-sau-dai-dich-covid-19.html, ngày 17/02/2020.
[3] https://kinhdoanhvaphattrien.vn/von-fdi-ky-vong-se-chay-manh-vao-viet-nam-sau-dai-dich-covid-19.html, ngày 17/02/2020.
[4] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/viet-nam-don-song-dich-chuyen-nha-may-sau-dich-covid19-322900.html, ngày 13/05/2020.