TLGD – “Hạnh phúc là trạng thái vui vẻ vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Có hạnh phúc chúng ta mới thấy cuộc sống thật ý nghĩa, tiếp thêm động lực để mỗi chúng ta sống, học tập và làm việc.
Với học sinh, các em không chỉ hạnh phúc khi có một mái ấm gia đình hạnh phúc, khi có đủ tình yêu của bố mẹ, người thân mà các em cần có một ngôi trường hạnh phúc, một lớp học hạnh phúc mà nơi đó các em nhận được tình yêu thương của bạn bè và nhất là thầy cô giáo – người cha, người mẹ thứ hai của các em.
Nhưng thực tế để học sinh vui vẻ, thầy cô hạnh phúc khi đến trường là điều rất khó. Không phải thầy cô giáo nào cũng hạnh phúc, cũng vui vẻ và truyền được cảm hứng tới học sinh. Hằng năm, đâu đó vẫn còn xảy ra nhiều câu chuyện không hay về nạn bạo lực học đường trong môi trường giáo dục: Học sinh đánh nhau, kì thị nhau hay bị Stress khi tới trường; thầy cô áp lực về bệnh thành tích chỉ tiêu trường, lớp đặt ra; sự kì vọng của phụ huynh, của xã hội…
Tất cả những vấn đề trên đã làm cho quan hệ thầy trò ngày càng xa cách, vô tình biến lớp học trở thành nơi mang tới những điều không vui tới thầy cô và các em học sinh. Vậy làm thế nào để có một môi trường giáo dục hạnh phúc, để thầy cô và học sinh đều cảm nhận được: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Theo tôi để làm được điều đó thì tất cả chúng ta đều phải thay đổi. Và người thầy là người tiên phong trong sự thay đổi này. “Thầy cô thay đổi – Học sinh hạnh phúc” đó là biện pháp tôi đã và đang áp dụng trong công tác chủ nhiệm của tôi. Qua thực tiễn dạy học, những kinh nghiệm đúc rút từ môi trường giáo dục, từ đồng nghiệp… tôi đã nghiên cứu và mạnh dạn đưa ra được một số biện pháp giúp thầy cô thay đổi, học sinh được hạnh phúc như sau:
Biện pháp 1. Giáo viên thay đổi bản thân, kiến tạo hạnh phúc
1.1. Thay đổi về nhận thức và tư duy giáo dục
Mỗi nhà giáo chúng ta đều hiểu rằng: “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Bởi giáo viên hạnh phúc sẽ tiếp thêm năng lượng để giáo dục học sinh, mang niềm vui tới tất cả học sinh của mình. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo của chúng ta được hạnh phúc? Để đạt được điều đó thầy cô cần có sự thay đổi về tư tưởng, tư duy giáo dục đó là lấy học sinh làm trung tâm. Mỗi thầy cô sẽ có những quan niệm, phương pháp giáo dục khác nhau nhưng theo tôi: “Mọi học sinh được phép sai và sửa sai và kỉ luật không phải là con đường giáo dục duy nhất.” Giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển từ tiếp cận nội dung sang định hướng tiếp cận năng lực người học, dẫn dắt, hướng dẫn học sinh tự làm chủ tri thức. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi hành vi, thái độ giữa giáo viên với nhau, với phụ huynh, với học sinh theo hướng thân thiện, gần gũi, yêu thương và tôn trọng. Khi tư tưởng trở nên đơn giản thì các phương pháp giáo dục sẽ diễn ra nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
1.2. Cân bằng cảm xúc
Chúng ta không thể mang trạng thái tức giận, bực bội, khó chịu… ở đâu đó vào lớp học để học sinh phải chịu đựng trong suốt buổi học. Mỗi thầy cô cần xác định được học trò của chúng ta sẽ vô cùng thiệt thòi và tổn thương nếu các con phải nhận năng lượng tiêu cực mà chúng ta mang đến. Vậy thầy cô chúng ta phải làm gì? Theo tôi, các thầy cô trước khi vào lớp chúng ta có thể bỏ gánh nặng, bực bội, khó chịu đó… vào một gốc cây hay một bức tường. Để khi bước vào lớp, chúng ta có một tâm thế thoải mái, vui vẻ để không ảnh hưởng tới các em học sinh. Nụ cười chính là năng lực tích cực giúp cho cô thầy gắn kết với học sinh rất nhanh. Một ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thiện hay lời nói yêu thương cũng đủ làm cho học sinh yên tâm, tự tin bên cô thầy.
1.3. Biết ơn và biết đủ để luôn hạnh phúc
Được sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này là một may mắn, hạnh phúc của một đời người. Chúng ta cần phải biết ơn với những gì mình đang có và cả những điều tưởng như bình thường nhất. Khi mỗi thầy cô nuôi dưỡng trong mình được lòng biết ơn thì ta sẽ dạy lại cho học sinh của mình qua từng bài giảng. Mỗi thầy cô cần biết rằng học sinh của mình là những thiên tài nhỏ tuổi. Có thể các em không giỏi về tính toán, viết văn chưa hay nhưng các em có thể hát rất hay, vẽ rất đẹp…
Đó là những thế mạnh của học sinh mà mỗi giáo viên cần biết để động viên các em phát huy. Một người giáo viên xuất sắc không chỉ là người giành nhiều thành tích về học sinh giỏi mà là người biết khơi gợi đam mê, truyền cảm hứng cho học sinh tiến bộ mỗi ngày. Khi học sinh làm sai, mắc lỗi, giáo viên cần giữ bình tĩnh, không phê bình quá gay gắt, nặng lời trước học sinh khác. Điều đó sẽ làm cho các em cảm thấy tự tin và tin tưởng thầy cô hơn. Giáo viên cũng nên kịp thời khen ngợi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Đối với học sinh Tiểu học thì các em rất cần sự động viên khích lệ. Mỗi lời khen, tràng pháo tay, món quà nhỏ… sẽ tăng niềm tin, giúp các em tiến bộ nhanh hơn. Giáo viên nên đặt mình vào học sinh và tự hỏi: “Mình cần gì ở thầy cô?” Chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời và phương pháp để giáo dục học sinh.
Biện pháp 2. Đổi mới trong công tác chủ nhiệm
2.1. Lắng nghe – thấu hiểu – chia sẻ
Để làm tốt công tác chủ nhiệm thì trước hết giáo viên phải là nhà tâm lí học, biết lắng nghe học sinh của mình. Các thầy cô không chỉ nghe bằng đôi tai mà phải nghe bằng cả trái tim của mình. Các thầy cô cần tiếp cận với học sinh một cách cởi mở hơn, hãy để học sinh được nói, được chia sẻ, được bộc lộ hết những cái gì vốn có của các em mà không sợ bị thầy cô, bạn bè cười nhạo. Làm sao để xây dựng một tập thể lớp đoàn kết – yêu thương – giúp đỡ – chia sẻ. Để làm được điều này đòi hỏi mỗi thầy cô phải thật sự yêu thương, quan tâm đến học trò của mình bằng trái tim rộng lớn, không thiên vị, không so sánh, không áp đặt, không đặt cái tôi của mình lên trên…Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của học sinh, kể cả lúc các em sai, nghe nhiều tôi sẽ hiểu các em nhiều hơn. Tôi cho các em viết những “điều em muốn nói với thầy cô, bạn bè, cha mẹ…” Đọc những lời tâm sự mà các em không thể nói bằng lời, tôi dần thay đổi và xích lại gần hơn với các em. Đối với những học sinh cá biệt, tôi thường xuyên đến nhà để tìm hiểu và quan tâm các em hơn. Tôi nhận ra rằng những học sinh cá biệt là những học sinh có hoàn cảnh sống rất phức tạp, đã kéo các em thay đổi theo. Tôi đã dành nhiều thời gian vào giờ ra chơi để chơi cùng, trò chuyện với các em như những những người bạn. Dần dần tôi tạo được niềm tin trong lòng các em. “Lắng nghe để thấu hiểu, trở thành đồng bọn với học sinh” đó là phương pháp giáo dục mà tôi tâm đắc nhất. Một khi học sinh tin tưởng thầy cô thì chúng ta nói gì học sinh sẽ nghe theo và dạy bảo các em sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra để giúp học sinh kết nối với gia đình với cha mẹ, tôi cũng đã lồng ghép trong các hội nghị cha mẹ học với chủ đề “chia sẻ để yêu thương” học sinh viết những điều muốn nói, ước mơ của mình đối với cha mẹ. Đã không ít phụ huynh xúc động khi lần đầu tiên được nghe con mình nói và họ đã khóc vì bấy lâu nay chưa hiểu con… Phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường cũng là biện pháp dẫn đến thành công hơn trong giáo dục học sinh.
2.2. Đổi mới sinh hoạt 15 phút đầu buổi
Sinh hoạt 15 phút đầu buổi rất quan trọng đối với cả giáo viên lẫn học sinh. Đây là khoảng thời gian để học sinh thích ứng khi bước vào buổi học. Để buổi học được diễn ra hứng thú, sôi nổi thì giáo viên nên tận dụng thời gian này để giáo dục các kĩ năng cho học sinh đồng thời tạo hưng phấn, kích thích sự hứng thú học tập cho các em. Giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với tổng phụ trách đội để các em tham gia sinh hoạt 15 phút theo chủ đề từng tuần cụ thể. Thông qua việc chữa bài tập các em sẽ học hỏi kiến thức lẫn nhau; hoạt động đọc sách, chia sẻ sách sẽ tăng thêm cho học sinh kĩ năng đọc lưu loát, rèn tính tự tin, mạnh dạn trước đám đông, lan tỏa văn hóa đọc đi mọi nơi. Để khuyến khích học sinh đọc sinh tôi đã đưa ra phong trào: “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng’’. Phong trào đã lôi cuốn học sinh đọc, chia sẻ sách rất mạnh mẽ và đem lại nhiều kết quả cao. Hoạt động văn nghệ múa hát đầu buổi cũng được các em hào hứng tham gia. Bởi các em được giải trí với những khúc nhạc hay, điệu múa đẹp. Tất cả đều sẵn sàng chờ đón những tiết học tiếp theo.
2.3. Đổi mới sinh hoạt cuối tuần
Tiết sinh hoạt cuối tuần là một tiết học rất quan trọng. Nó là hoạt động giáo dục tập thể, góp phần nâng cao tính tự quản của học sinh, nâng cao tinh thần đoàn kết trong tập thể học sinh. Xây dựng, duy trì nề nếp và các phong trào của lớp; xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa thầy – trò, giữa học sinh với nhau. Là dịp để học sinh làm quen với nhiều loại hình hoạt động khác nhau, giúp các em phát triển kĩ năng sống cần thiết; giúp các em nhận biết, phát huy và điều chỉnh các hành vi của mình.
Thế nhưng một số giáo viên chưa nắm hết được vai trò của tiết sinh hoạt còn coi thường hời hợt với tiết sinh hoạt hay biến tiết sinh hoạt lớp thành một phiên tòa xét xử lỗi sai của học sinh làm cho các em cảm thấy nhàm chán hay sợ sệt khi bước vào tiết học này.
Vậy làm thế nào để tiết hoạt động có hiệu quả và tạo được hứng thú cho học sinh? Làm sao tiết sinh hoạt trở nên mềm dẻo và tích hợp được nhiều nội dung giáo dục? Để tạo sự hứng thú, hào hứng cho học sinh tôi đã vận dụng linh hoạt rất nhiều hình thức và phương pháp để tổ chức các hoạt động cho học sinh tham gia. Thay vì kịch bản cán bộ lớp nhận xét, giáo viên phê bình chỉ trích lỗi của học sinh thì tôi đã cho học sinh tham gia các hoạt động như: Tổng kết, đánh giá thi đua và xây dựng kế hoạch, xen kẽ giao lưu văn hóa, văn nghệ; sơ kết, phát động thi đua và sinh hoạt theo chủ đề; thảo luận theo chuyên đề, chủ điểm; giao lưu, trò chuyện với khách mời; tổ chức các hoạt động giáo dục, hội thi, trò chơi, xem phim, sinh nhật… Giờ đây cứ cuối tuần là học sinh rất hào hứng mong được học tiết sinh hoạt lớp.
2.4. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để học sinh tham gia
Học sinh tới trường không chỉ được giáo dục về mặt kiến thức mà các em cần được bồi dưỡng cảm xúc, tham gia các hoạt động trải nghiệm để giúp các em cọ sát với thực tế, đem những kiến thức mình đã học vào với cuộc sống. Những tình huống thực tế sẽ giúp các em có vốn sống, kĩ năng giải quyết mà trong sách vở các em không làm được. Giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng kế hoạch ít nhất một tháng một lần để học sinh tham gia các hoạt động như: Làm mâm ngũ quả nhân ngày 15/8; dọn vệ sinh, thắp hương ở khu Chứng tích chiến tranh, nhà tưởng niệm nhân ngày 22/12 hoặc 27/07… Giáo viên chủ nhiệm cần kết hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để thực hiện hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa có hiệu quả.
Biện pháp 3. Giáo viên thay đổi về hình thức và phương pháp dạy học
3.1. Dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh
Hoạt động học là hoạt động chủ đạo khi học sinh đến trường nên thầy cô thay đổi trong hình thức và phương pháp dạy học để học sinh cảm thấy hạnh phúc là rất cần thiết. Thay vì dạy học theo phương pháp truyền thống: Thầy đọc trò chép, thầy giảng trò nghe … thì giáo viên nên thay đổi phương pháp dạy học hướng tới mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là: “Phát triển con người toàn diện”. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, dẫn dắt để học sinh tự chiếm lĩnh tri thức, làm chủ trong việc học. Giáo viên cần kết hợp nhiều phương pháp kĩ thuật dạy học như: Thảo luận nhóm, stem, bàn tay nặn bột…; kĩ thuật khăn trải bàn, chúng em biết ba, trình bày một phút… để phát huy năng lực học tập của học sinh.
Giáo viên nên chú trọng trong mỗi tiết học từ cách xây dựng kế hoạch bài dạy đến cách tổ chức dạy học. Để học sinh bước vào tiết học với một tâm lí thoải mái thì chúng ta nên bắt đầu với hoạt động khởi động bằng những việc làm đơn giản như: một câu đố vui, một câu hát, hay một trò chơi vui nhộn… cũng đủ làm các em vui vẻ, hồ hởi tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Trong những hoạt động khám phá, luyện tập thực hành thì giáo viên nên lựa chọn những hình thức phương pháp phù hợp để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Để tăng sự hào hứng cho học sinh thì tôi luôn nghiên cứu tìm tòi các trò chơi học tập để các em vừa học mà chơi, chơi mà học. Phần vận dụng là phần rất quan trọng của mỗi tiết học, giúp học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống. Giáo viên cần chú ý để dẫn dắt các em có hiệu quả. Khi kết thúc tiết học giáo viên nên nở một nụ cười thật tươi để tăng thêm niềm vui và hạnh phúc đến với học sinh.
3.2. Nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học
Để nâng cao hiệu quả dạy học, tôi không chỉ chú trọng vào đổi mới phương pháp dạy học mà tôi còn không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Tôi sử dụng kết hợp những phần mềm như: Powerpoint, violet, movie maker… vào dạy học, khai thác các ngữ liệu dạy học trên mạng internet… Các tiết học trở nên sinh động, lôi cuốn học sinh hơn bởi những hình ảnh sống động, những thước phim thực tế. Học sinh như được trải nghiệm, hòa mình vào bài học. Điều này giúp học sinh nắm chắc kiến thức và ghi nhớ sâu hơn. Các em không còn lo sợ, lúng túng khi phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Tôi bắt gặp nhiều nụ cười của học sinh trong các tiết học, tôi hiểu các em đã rất vui vẻ và hài lòng với giáo viên của mình.
Thầy cô thay đổi – Học sinh hạnh phúc là một việc làm rất thiết thực và cần được ưu tiên hàng đầu. Để đào tạo ra những người đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước thì rất cần một môi trường giáo dục hạnh phúc. Chỉ có được yêu thương, tôn trọng thì người học mới phát huy được tối đa nội lực bên trong của mình để phấn đấu và rèn luyện. Rất cần những thầy cô dám nghĩ, dám làm, thoát qua khỏi vỏ bọc an toàn để thay đổi chính bản thân mình. Thầy cô thay đổi – Học sinh hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc – Lớp học hạnh phúc. Đây là vòng tròn hạnh phúc mà tôi muốn mang đến cho mọi người. Tôi đã đưa ra các cách thức để thầy cô thay đổi để chính bản thân mình được hạnh phúc và tiếp tục mang niềm vui đó tới học sinh của mình. Tùy vào hoàn cảnh thực tế, đối tượng học sinh của mình thầy cô có thể vận dụng linh hoạt các biện pháp để hướng tới thành công.
Để được thành công thì đòi hỏi giáo viên phải có lòng quyết tâm lớn, dám thay đổi bản thân vì học sinh. Có rất nhiều thử thách đến với thầy cô khi thực hiện quá trình thay đổi. Thầy cô cần xác định rằng sự thay đổi này là cả quá trình, không phải ngày một ngày hai mà mang tới thành công. Giáo viên cần cố gắng chắt chiu mỗi ngày một ít để mang tới thành công.
Thầy cô hãy dành nhiều thời gian để lắng nghe học sinh, rời xa bục giảng nhiều hơn để ngồi vào vị trí của các em để thấu hiểu hơn. Mỗi bài học cần lồng ghép những giá trị sống tích cực giúp các em hình thành những kĩ năng để trở thành những người tốt. Xây dựng hạnh phúc không phải là cái gì to lớn mà nó đi từ những cái rất nhỏ, bình dị nhất. “Thầy cô muốn mở lòng học sinh thì thầy cô phải thật sự chân thành”.
Nguyễn Thị Vân / Tạp chí in Số chuyên đề tháng 6/2024