Trong không khí của những ngày tháng ba lịch sử, hòa chung niềm vui của tuổi trẻ cả nước thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2024); ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), tuổi trẻ chúng tôi có chuyến “Hành trình về địa chỉ đỏ” về viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Quảng Ngãi.
Con đường từ chân lên đỉnh núi Ấn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) – nơi ngôi mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc – dài khoảng 2.000m, uốn lượn men theo triền dốc. Càng lên cao, sông nước, đồng ruộng, xóm làng, phố xá… càng trải ra bát ngát mênh mông.
Mộ cụ Huỳnh nằm phía tây núi, được bao bọc bởi cây cối và hướng mặt ra dòng sông Trà Khúc. Khuôn viên mộ thoáng rộng, nền được lát đá phẳng phiu, bên mộ là hai hàng cây đại tỏa hương ngan ngát quyện cùng trầm nhang.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là niềm tự hào của người dân xứ Quảng. Cụ sinh năm 1876 trong gia đình nhà nông nghèo tại làng Bình Thạnh (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), nhưng luôn lập chí vươn lên. Thi đậu tiến sĩ năm Canh Tý (1900), cụ không ra làm quan mà cùng với các sĩ phu yêu nước khác như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, xây dựng đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hóa.
Phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, năm 1908 cụ bị bắt đi đày ở Côn Đảo suốt 11 năm. Ngay sau khi được tự do, cụ ra ứng cử dân biểu và năm 1926 trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, trực diện đấu tranh đòi hỏi dân sinh, dân quyền cho người dân suốt 3 năm. Cụ còn thành lập tờ báo nổi tiếng Tiếng Dân tại Huế, tự làm chủ bút và điều hành suốt 16 năm cho đến khi tờ báo bị thực dân đình bản vào năm 1943 vì những nội dung bảo vệ quyền lợi dân tộc, phê phán hệ thống thực dân và vua quan phong kiến hèn nhát.
Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm việc, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an hiện nay). Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, cụ được tin tưởng trao trọng trách Quyền Chủ tịch nước.
Ngày 21/4/1947, cụ lâm bệnh nặng và mất tại thôn Phú Bình, xã Hành Minh (Nay là khu phố Phú Bình Đông, Thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, huyện Nghĩa Hành), tỉnh Quảng Ngãi, hưởng thọ 71 tuổi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn.
Mộ cụ Huỳnh khá đơn sơ, giản dị. thể theo ý muốn lúc sinh thời của cụ. Cả đời cụ luôn sống khiêm cần, ghét xa hoa, thậm chí khắc kỷ với chính mình vì cho rằng trong lúc đất nước còn khó khăn, người dân còn nghèo đói thì bản thân không thể ăn ngon mặc đẹp. Cụ luôn nhấn mạnh, làm quan là để phục vụ nhân dân chứ không phải để “vinh thân phì gia”
Trước mộ có bàn thờ liền kề một đài bia cao, mặt trước bia ghi lại đôi nét về thân thế sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng. Mặt sau của bia khắc những lời ngợi ca lòng yêu nước, sự liêm chính và đức hi sinh của nhà cách mạng lỗi lạc. Bình phong sau mộ có dòng chữ “Sĩ phu cùng dân Quảng Ngãi khẳng khái và kiên quyết, phần đông hy sinh vì nước, một mực thẳng tới, không thối lui trước một trở lực nào”, trích từ bài viết trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 của cụ Huỳnh.
Trong thư vĩnh biệt cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Ngày 19/2/2013, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng để ghi nhận công lao của cụ đối với đất nước.
Thắp nén hương tri ân người đã khuất, lòng bùi ngùi xúc động trước một nhân cách lớn, nổi tiếng về tài năng, đức độ và lòng yêu nước trong đời sống xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20; một người “cả đời không cần danh vị, không cần lợi lộc, chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Hành trình tham quan địa chỉ đỏ đã đem đến những bài học lớn cho lớp trẻ về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước đầy bất khuất, oai hùng của cha ông. Qua bài học lịch sử tại di tích để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của cha ông. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.
Thu Thủy / Tạp chí in Số chuyên đề T4/2024