Internet ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân trong đời sống hiện đại ngày nay. Sử dụng Internet mọi lúc, mọi nơi trở thành vấn đề đáng lưu tâm không chỉ đối với giới trẻ mà cả nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Sự phổ biến của Internet đã tạo nên những ảnh hưởng đa chiều đến cá nhân người sử dụng và gia đình, trong đó nhiều nghiên cứu đã đề cập đến ảnh hưởng rõ rệt của Internet đến giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình.
PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan, chủ trì hội thảo (Ảnh: PV)
Ngày 29/9/2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của Internet đến giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trong gia đình Việt Nam ở khu vực đô thị”. Chủ đề của hội thảo là đề tài khoa học, mã số 504.05-2020.301 do nhóm nghiên cứu: PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan, PGS.TS Trần Văn Công, TS. Nguyễn Hồng Kiên, Th.S Lê Thị Kim Dung, Th.S Lê Duy Dũng và Th.S Nguyễn Đức Nam thực hiện.
Hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp quý báu về mặt chuyên môn từ nhiều nhà nghiên cứu, những chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội như: Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục trẻ em; Bà Lê Thị Thảo, Phó tổng phụ trách đường dây nóng 111; Bà Trần Thị Thúy Hường, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao; GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chủ nhiệm bộ môn Giới và Gia đình, Khoa XHH, trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội…
Theo nhóm nghiên cứu, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, Internet ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân trong đời sống hiện nay đặc biệt là ở các gia đình khu vực đô thị. Sử dụng Internet mọi lúc, mọi nơi trở thành vấn đề đáng lưu tâm không chỉ đối với giới trẻ mà cả nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Sự phổ biến của Internet đã tạo nên những ảnh hưởng đa chiều cả tích cực và tiêu cực đến cá nhân người sử dụng và gia đình. Nhiều nghiên cứu đã đề cập đến ảnh hưởng rõ rệt của Internet đến giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giao tiếp giữa cha mẹ và con. Thực tế đó đặt ra nhiều câu hỏi cần sự giải đáp như: Ảnh hưởng của Internet đến giao tiếp giữa cha mẹ và con ở khu vực đô thị như thế nào, có dịch vụ gì hỗ trợ không? Có những chính sách nào để bảo vệ phụ nữ, trẻ em tránh được các mối đe dọa khi sử dụng Internet? Phụ huynh cần lưu ý gì trước thực trạng nghiện Internet ở trẻ em? Khi sử dụng mạng xã hội con người sẽ gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm lý ra sao, có cách nào đo lường và giải quyết ?…
Nhóm Chủ nhiệm đề tài chụp ảnh lưu niệm với các nhà nghiên cứu, chuyên gia tham dự hội thảo (Ảnh: PV)
Để khắc phục những hạn chế này, cả cha mẹ và con đều cần thiết lập những chiến lược trong gia đình cũng như cá nhân, đặc biệt là sự lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp trong gia đình, cùng với sự hỗ trợ của các dịch vụ xã hội với trẻ em và gia đình. Giao tiếp giữa cha mẹ và con trong gia đình trước sự lan tỏa sâu rộng của Internet trong cuộc sống hiện đại ngày nay là chủ đề được nhiều học giả và nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam phân tích về ảnh hưởng của Internet tới giao tiếp giữa cha mẹ và con trong các gia đình đô thị một cách hệ thống, chuyên sâu, đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu về vấn đề này dựa trên hệ thống lý thuyết và phương pháp khoa học liên ngành, đa ngành.
Trình bày tại Hội thảo về vấn đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Nguyễn Thị Nga (Phó cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ&TBXH) đã nêu lên một số thực trạng về bảo vệ trẻ em trên không gian mang, đặc biệt là các thông tin cá nhân. Bà Nga đã đề xuất một số khuyến nghị để bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng như: Tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học; Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh; Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định của pháp luật; Xây dựng cơ chế giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Nga trình bài tham luận tại Hội thảo (Ảnh: PV)
Đồng thời, bà Nga cũng nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò quan trọng của cha mẹ để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như: Tạo nguyên tắc cho trẻ khi sử dụng internet; Sử dụng giải pháp công nghệ nhằm ngăn chặn, lọc nội dung xấu, độc hại, theo dõi lịch sử truy cập internet; Cùng trao đổi, chia sẻ với các con; Gọi tổng đài 111.
Cũng tại Hội thảo, Thượng tá Trần Thị Thúy Hường, Phó GĐ Trung tâm 2, Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đề cập đến vấn đề “Nhận diện các mối đe dọa đối với phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng internet” dưới góc nhìn an ninh mạng. Theo Thượng tá Hường, một số mối đe dọa đối với phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng Internet như: Tiêm nhiễm nội dung độc hại, lôi kéo, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em kết bạn trên mạng xã hội; Ăn cắp danh tính; Buôn bán phụ nữ, trẻ em qua mạng vì mục đích mại dâm; Khiêu dâm phụ nữ, trẻ em qua mạng; Sex tour; Bạo lực mạng (hình thức bắt nạt trực tuyến).
Thượng tá Trần Thị Thúy Hường trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: PV)
Trên cơ sở đó, Thượng tá Hường đưa ra một số khuyến nghị dưới góc nhìn an ninh mạng như:
– “Nói không”: Không làm quen và trò chuyện với người lạ. Nếu đã lỡ kết bạn thì bỏ chế độ kết bạn và chặn người mà mình không quen biết ngoài đời thực. Tuyệt đối Không chia sẻ thông tin cá nhân, đời tư lên mạng.
– “Tự kiểm soát”: Thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, Không chia sẻ vị trí định vị của bạn khi sử dụng các ứng dụng trên mạng.
– “Thông báo”: Đối với trẻ em gái, cần nên chia sẻ với bố mẹ, thầy cô – người mà các em tin tưởng, gọi cho Tổng đài 111 về các rắc rối mà em gặp phải để được tư vấn, trợ giúp. Tuyệt đối không giấu kín rắc rối.
– “Kiềm chế”: Cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác. Không nên a dua, có những bình luận ác ý, hay hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng.
– “Nhấn mạnh tính tích cực”: Phụ nữ và trẻ em gái cần phải tự bảo vệ mình để tránh những rắc rối khi sử dụng Internet
Đại úy Bùi Hoàng Ly Ly trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: PV)
Bên cạnh đó, Hôi thảo đã trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về các chủ đề: Nhận diện các mối đe dọa đối với phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng Internet – một số khuyến nghị dưới góc nhìn an ninh mạng; Mạng xã hội Tiktok, mặt trái của những video triệu wiew và những tác động đến trẻ em; Ảnh hưởng tiêu cực của Internet đối với văn hóa giao tiếp, ứng xử trong gia đình Việt Nam; Mối quan hệ giao tiếp giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái trong gia đình đô thị Việt Nam dưới tác động tiêu cực; Ảnh hưởng của điện thoại thông minh đến giao tiếp cá nhân trong gia đình Việt Nam hiện nay; Thực trạng nghiện Internet ở thanh thiếu niên và một số vấn đề phụ huynh đặc biệt cần quan tâm; Những vấn đề về sức khỏe tâm thần khi sử dụng mạng xã hội và hướng nghiên cứu của tâm lý học truyền thông.
NCS Lê Phương Thúy trình bày tại Hội thảo (Ảnh: PV)
Những chủ đề được thảo luận tại hội thảo là rất thiết thực cho xã hội nói chung, những bậc làm cha mẹ nói riêng trong vấn đề bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Bài và ảnh: Lê Duy Dũng